Một chuyến đi săn đồ cổ

Từ năm 1965 đến năm 1967, mỗi năm tôi đều có dịp ra Huế bốn kỳ, mỗi kỳ tôi ở lại Huế độ suốt tuần, có khi đến mười ngày. Tiếng rằng đi dạy học, kỳ trung tôi mượn dịp này để thỏa thích tính đi săn cổ ngoạn. Tiền tôi lãnh bao nhiêu ở Đại học Văn Khoa, tôi đều cúng trụm vào đó, có khi không đủ, còn lén thâm thêm tiền nhà. Đừng nói lớn vợ con nghe, nhưng tôi không tiếc. Mua được thì mừng vui, không mua được thì bực tức muốn đau, nên thà mua... Tôi có thể kể ra đây những món gì quý mua được trong mấy ngày ra Huế, nhưng kể làm gì trong buổi rối beng này, ai đâu còn rảnh rang nghe mình, nên tôi xin đơn cử ra một thí dụ thôi, đó là chuyện cái tô làm năm Mậu Thìn đời vua Tự Đức ( 1808) , cũng gọi là tô Đặng Huy Trứ.

Thứ ba, 12 tháng 10 năm 1965: Ra Huế, ghé nhà K.O trong Thành nội, thấy tô này lần thứ nhất. Mãi đến ngày 31 tháng 3 dương lịch 1968, tức trên hai năm, tôi mới mua lại được. Mà sự mua chác này, theo tôi, đó là một cơ duyên, một phần may rất lớn tùy người ngoài chớ không tùy mình. Đừng nhắc đến câu “ có tiền mua tiên cũng được”, ở đây trật lất. Xin cho tôi thuật tiếp có đuôi có đầu như sau: Bữa đó, K.O lấy cái tô ra cho tôi xem ( hình dáng sẽ tả ở phần sau). Ông ra giá sáu ngàn đồng. Tôi chê đắt nhưng không nói ra, và tôi chê thầm nước men còn mới. Lại nữa, mấy lúc gần đây tôi nghĩ lại mình mua đã nhiều, nên dành tiền dành khi bóng xế về chiều, không còn sống bao lâu nữa mà chất chứa của nợ. Con gà hễ ăn gần no thì bươi, người chơi đồ cổ có nhiều rồi thì kén. Tôi trả bốn ngàn, K.O bao giờ chịu bán. Ra về, lòng nửa tiếc nửa làm gan, thi đua coi ông bán trước hay tôi mua trước.

Thứ bảy, 16 tháng 10 năm 1965: Về Sài Gòn nhớ nhớ khó chịu. Viết thơ cho một người bạn lão thành, cậy bạn hỏi thăm về cái tô, điều tra lý lịch... Trong thơ tôi viết: “ Cái tô đẹp thì có đẹp thật, nhưng tựa hồ còn mới”.

Thứ năm, 4 tháng 11 năm 1965: Được thơ cụ Ấm trả lời. Tôi xin chép ra đây mọt đoạn y nguyên văn để rõ chút tâm lý người đất đế đô: “ ... Tôi bắt được thơ cụ, cách mấy ngày, tôi dặn anh ta ( K.O) ra tôi chơi. Khi lão ra thì tôi chẳng đả động chi cái tô nữa, sau lại anh ta hỏi tôi: “ Ông S có ở lại nơi bác phải không?”. Tôi trả lời có. Anh ta nói: “ Ông có nói đến cái tô tôi không?”. Tôi trả lời: “ Không, khong nghe ông nói gì hết”. Anh nói: “ Tôi nhứt định giá sáu ngàn đồng”. Tôi nói: “ Anh thích chơi thì để lại mà chơi, bán làm chi. Nhưng ông S có mua bên Vỹ Dạ một bát dáng chuông, cũng đề ĐẶNG HUY TRỨ, nhưng tôi không hỏi giá làm chi”. Câu chuyện đấy là tôi nói dối để cho lão biết người ta cũng có tô ĐẶNG HUY TRỨ... Xong rồi lão về...”

Từ đó về sau, không ngày nào tôi không nhớ cái tô, ngày nào như ngày nấy, nhớ và bứt rứt, trở nên hay quạu cọ, trong nhà không ai chịu nổi. Tôi ăn năn hối tiếc, nhưng làm gan cố lỳ, cố lỳ rồi quạu. Sở dĩ thôi không mua với giá sáu ngàn đồng vì theo tôi: 1) giá 4.000 đã là vừa, 2) nếu mua cao hơn là sẽ bắc cầu cho ông K.O sau này vịn theo và leo thang mãi làm sao chịu được, 3) lại nữa, nếu mua giá 6.000 đồng lại e cụ Ấm hay được sẽ phiền chăng? Sau ra Huế có ai làm bạn với mình đi săn cổ vật? Sau một thời gian và mấy phen ra Huế, tôi đều có ghé nhà K.O, nhưng không thấy ông bớt giá, còn tôi thì cứng đầu không ưng trả thêm, cứ ỷ y không ai biết nhà ông mà đến đây mua giành. Bỗng một kỳ ra Huế, nghe tin sét đánh: bác sĩ H bạn thân của cụ Ấm và tôi mách rằng có con cháu gái K.O đến chữa bệnh, cho hay cái tô đã bán, dường như về tay một người Pháp chơi đồ cổ làm chức delégué ( đại diện) gì đó, từ Đà Nẵng có người mối đưa đến mua. Giá 6.000 đồng không bớt một xu. Nghe tin đầu xây bồ bồ, y như lúc trẻ bị chúng giựt mất vợ đẹp. Không dám lại nhà K.O, chờ chuyến trở về nhà viết thơ ra cụ Ấm nhờ dò lại đích xác xem có thật K.O đã bán cái tô kia rồi hay bịa tin để thúc hối mình? Được thơ cụ Ấm trả lời: “ cái tô đó chưa bán cho ai”. Tin này làm mình vội mừng, vui vẻ như cũ, trông mau đến kỳ ra Huế xem cho hiểu tự sự ra sao.

Thứ ba, 4 tháng giêng năm 1966: Tôi ra Huế dạy được hai ngày. Bữa nay náo nức trong lòng không thể chịu được, trưa ăn cơm hối hả, bỏ giấc ngủ ngày, kêu xe chạy lại nhà K.O để mau thấy mặt cái tô. Nhưng lão K.O tỉnh bơ, không đả động gì đến chuyện tô, lại mở tủ bí mật, đưa hết món này đến món khác, ra tuồng dụ mình, có ý làm cho mình thích món nào đó rồi quên cái tô kia. Thật lão O cầm mình không hơn đứa trẻ lên ba, hễ khóc lấy bánh ra nhèm là nín. Kỳ trung, cái tô lão không có trong nhà nữa, nếu có đã lấy ra rồi. Mà nói cho ngay sự cám dỗ này ghê gớm thật. Đồ xưa nhà lão món nào cũng quý, thấy đã mê. Mỗi lần lão đưa ra một món là lòng tôi rung lên, mi mắt chớp lia. Nhưng tôi cố dằn, một hai đòi cho được thấy cái tô nọ. Sau rốt, biết mình bị gạt mớp, không dằn được nữa, tôi xổ hết nư giận, nói thẳng vài lời từ giã cho lão O biết: tô đã bán mà còn đỏng đưa không nói thật, như vậy là thiếu trung tín, ăn ở không thật tình đừng trông mong tôi trở lại, cũng không còn muốn mua chác gì với ông. Giận rồi! Tuy trói gà không chặt mà cũng biết giận! Giận rồi muốn chừa tật mua đồ cổ cho khỏe thân. Trong tập nhựt ký, nay lấy ra đọc lại, thấy ghi: “ Tháng giêng 1966, một thất vọng chua chát là mua hụt cái tô nhà K.O, chữ đề “ Đông mạch tự cô tùng”. Nghe đâu tô đã lọt vào tay một người Pháp ở Đà Nẵng, y mua y giá 6.000 đồng. Uổng quá!

Tháng tám 1966, hay tin sét đánh là K.O đã từ trần. Ông không ép được tôi mua theo giá ông muốn, ông giận ông đi, ông bỏ tôi lại đây nhưng nào có vui gì đâu vì cái tô đã bị chúng phỗng tay trên. Không còn giận ông nữa, nghĩ lại có chỗ thương. Đã buồn sẵn còn buồn thêm, nhớ tiếc cái tô hơn lúc nào hết. Nhớ giọng K.O ngâm câu “ Đông mạch tự cô tùng” lây cho mình biết chứng bệnh thêm nặng. Tự trách mình tiếc chi năm sáu ngàn đồng phải khổ tâm sầu não. Cho hay lòng dục vọng làm khổ con người không nhỏ. Dứt được sớm ngày nào là rảnh nợ, khỏi đi tu chùa. Lý luận làm vậy nhưng cũng ra công đi tìm cái tô hụt. Nghe tin người Pháp ở Đà Nẵng mua, không nhịn được, viết thơ ra Đà Nẵng, gởi khống cho ông đại diện lãnh sự Lang-sa, cho biết délégué là ai, ông nào? Trong thơ hết sức yêu cầu, nếu có mua xin nhượng lại cho tôi làm vật nghiên cứu. Xin ông lại nhà, muốn lựa món nào vừa lòng thì lấy trừ, đủ thảy mức hy sinh. Ngày 5 tháng 9 được thơ ông lãnh sự Pháp ở Đà Nẵng trả lời, thơ nhã nhặn cho biết ông không hề mua cái tô nào ở Huế. Câu chuyện đi săn bắt mò cái tô đến đây kể như kết liễu, hoàn toàn mất hy vọng, buông mồi bắt bóng là tại mình, trách ai?

Chúa nhựt, 24 tháng chạp 1967: Ba s sĩ H từ Huế vào Sài Gòn. Ông ghé nhà cho hay đã lần ra mối lão Tây mua cái tô, có hy vọng nài lại được, nhưng giá phải cao. Tôi trả lời giá nào tôi cũng ưng, miễn đứng quá mười hai ngàn đồng ( xấp hai giá cũ)

Tháng hai 1968: Đầu xuân Mậu Thân. Bom đạn kiểu này cái mạng giữ chưa xong sá gì cái tô quèn. Thôi đừng nhắc nữa uổng công.

Ngày 31 tháng 3 năm 1968: Buổi chiều thình lình bác sĩ H đến. Ông từ Huế vào. Giao thông đã trở lại. Máy bay mới có. Anh em tay bắt mặt mừng, cả hai thoát nạn dữ. Ông mở cặp lấy tô ra giao, xin đủ mười ngàn, vẫn cho là phải.

Được tô mừng hết chổ nói, ngâm nhỏ câu: “ Rõ vàng trước mắt còn ngờ chiêm bao”, cầm cái tô, tự ví cái tô không khác con người, người ấy là trai, đứa em, đứa con hoang bỏ nhà đi biệt mấy năm nay, nay trở về, quên chuyện cũ, vui câu đoàn tụ. Hoặc còn hơn nữa, người ấy là gái, gái hư vợ hỏng, đi suốt hai năm không thấy mặt mày, nay về đó, mình đã không “ ngầy la”, lại còn chấp chứa, khong dám nói một câu nhè nhẹ: “ Hừ! Bỏ đi đâu cho đã, báo hại người ta chờ đợi. Về cong nhõng nhẽo làm eo!”. Lấy sổ ra, tay rung rung ghi số hiệu 891. Cả đêm không ngủ.

Ông K.O, nhơn nói chuyện cái tô tái ngộ, xin có đôi hàng về chủ cũ của cái tô. K.O là một nhơn vật lạ vùng đế đô. Xứ Huế là xứ quan liêu, còn sót lại nhiều ông hoàng chính cống, bà chúa con_ cháu_đức_ ông “ lọng che sương dầu sườn cũng lọng; ô bịt vàng dầu trọng cũng ô”. Tuy nay có người còn bề thế, cũng có kẻ “ có tiếng mà không có miếng”. Trong một xã hội gần đây còn dựa vào lầu son gác tía, ai ai cũng muốn tạo cho mình một địa vị để dễ việc xưng hô. Người nào có phẩm tước cứ tự nhiên dùng. Người nào không có thì kiếm chức hàm: cậu Ấm là con nhà quan, cụ Nghè, cậu Khóa, tuy không còn thi cử lối xưa, nhưng ai cấm cản, “ để xưng hô mà!”. Vì vậy mà có ông Khóa O. Cũng như ở đường Hàng Bè, mé con kinh đào từ thời vua Minh Mạng, phía xóm chợ, giữa khoảng hai cầu Gia Hội và Đông Ba lại có nhà cụ Nghè H, là nhà có tiếng có nhiều đồ cổ nhứt. Trước đây, ai muốn dâng lễ lộc cho ông Ngô Đình Cẩn, hễ nghe món ấy từ nhà cụ Nghè có chân bước ra, là hi hi hai tay thâu nhận. Sau lưng nhà cụ Nghè, trên đường Phan Bội Châu ( nay là Phan Đăng Lưu_ BT), ở trong một hẽm cụt sát bờ thành, có đến hai nhà bán đồ cổ ngó mặt nhau. Người anh, mập người, nay đã dành phần lớn cổ vật về Sài Gòn, người em gái có chồng cũng buôn đồ cổ. Nơi đường Võ Tánh ( Minh Mạng cũ, nay là Nguyễn Chí Thanh_ BT), mé hữu đầu cầu bước qua, từ phía chợ bước qua, có một nhà chuyên bán từ chiếc mề-day bằng đồng, bằng bạc của các vua nhà Nguyễn, cho đến bạc nén, tiền có đủ niên hiệu, từ Cảnh Hưng đến Bảo Đại. Ở đây thỉnh thoảng cũng thấy bán vài món cổ vật quý giá... Nhưng đi lên một đỗi nữa, cũng trên đường này, mé tả, số nhà 53 có một cụ già tôi chấm là số Một, lão luyện nhứt trong khoa chơi đồ cổ: cụ Ấm Tư. Xin lỗi đã hài danh cụ ra đây_ một người tốt còn sót lại của thời đại cũ. Cụ nói với tôi, dạy rằng: “ Ở đời phải biết đờn cho tươi, nhưng đờn cho mình nghe, chớ không nên đi đờn cho đào nó hát; nên tập chơi đồ cổ cho tinh chuyên, nhưng chơi cho vui lấy mình, không nên trở thành mọt cha buôn phớm phỉnh”. Nhà cụ rất thanh bạch nhưng tánh rất hào phóng. Cụ thích ai, nếu được tánh ý thì dù là bình gan gà, bình “ Thế Đức”, nầu sánh độc ấm, cụ tặng không, không nhận tiền, ép mấy cũng không. Giữa nhà cụ treo biển đề ba chữ “ THỪA THIÊN THỦNG” và hai câu liễn chữ vàng:

“ Long chương nhựt tuấn tam quân lịnh

Hổ rướng nhân khâm bát diện tài”

Cụ là con một võ quan của triều Dựt Tôn, đóng cửa ở nhà không chơi với ai. Tôi được cụ chấm cho làm bạn vong niên nên phải học đi bộ để đi theo cụ cho kịp, mấy cây số không kể. Người quắc thước khong ngờ đã suýt soát tám mươi.

Còn vài nhà nữa, rãi rác trong một thành phố nhỏ, muốn tìm chịu khó hỏi thăm, nhà trong lổ miệng. Toàn là các tay tập chơi học bán, chưa lành nghề. Cả thảy đều thua xa ông K.O. Đã từng đi thi trường cũ, K.O biết chữ nho khá, nên xưng “ thầy khóa”. Ông sưu tập lâu đời, thêm có học thức nên nhà ông có nhiều cổ vật thật là hiếm lạ. K.O khác hơn người là bán với một giá cắt cổ, ai không mua ông không ép, nhưng đồ nhà ông cũng không ai dám chê. Chính nơi đây tôi đã đào ra năm trước một cái đĩa đậy_nắp_hủ_ nước_mắm_không_thèm, thơ đề:

“ Mó rận luận chơi thời sự

Ngã lừa mừng thuở thái bình”

Một đĩa thứ nhì cũng “ nôm” đề:

“ Mắt chơn nằm ệch ngáo o, o

Gẫm xem chẳng khác Đường, Ngu thói thuần”

Hai đĩa này vì tình hình chiến sự bất an, tôi đã hạ thổ, khi nào thái bình trở lại, tôi sẽ lấy lên cho xem. Nó là vật quý triều Tây Sơn, chơi đồ cổ một đời chưa chắc gì dã gặp cái khác, vàng cũng không đổi.

Các nhà kia chưng bày đầy nhà để nhử khách mua, trái lại, K.O cao tay ấn hơn mấy bực. Đồ cổ của ông giấu ém trong hai tủ đứng kê sát bộ ván gõ ông nằm, món nào quý hơn nữa thì cất trong tủ sắt. Khi khách đến nhà, ông chưa vội đem ra bán. Ông pha trà ngon đãi khách với một nghệ thuật chuyên trà tuyệt khéo... Trà nước xong rồi mới lấy từng món đồ cổ xưa ra xem và ngã giá. Khách thích đĩa xưa, ông có cả bộ, cái nào cũng có tích hay ho. Khách thích tô nôm, các món bằng cỏ ngọc, ông đều có đủ và nhiều... Khách trả tiền xong xuôi, ông cất tiền kỹ rồi mời khách nán lại đôi giây, ông lôi món khác ra khoe và bán nữa. Khách như tôi không dằn lòng ham muốn được. Nhà ông ở số 120 đường Nguyễn Thành trong Thành nội ( nay là đường 68_ BT) ngõ cửa Đông Ba đi vô một đỗi. Không biết từ ngày ông mất, nhứt là trong những ngày đầu xuân Mậu Thân, các cổ vật có an toàn và gia quyến có bình an?

( Trích Bách Khoa số 275, ra ngày 15-6-1968)


Chú thích ảnh: Cụ Vương Hồng Sên (1902-1996)

Bình luận


Chưa có bình luận!


Bài viết trước đó
Bài viết kế tiếp

Trở lại đầu trang