Phan Thuận An (sinh năm 1940) là một trong những nhà Huế học nổi tiếng, chuyên viên nghiên cứu của Trung tâm bảo tồn di tích Cố đô Huế. Nhân dịp anh vừa đi nghiên cứu các di tích lịch sử thời quân chủ ở Trung Quốc về, chúng tôi đã gặp anh tại khu vườn thuộc nhà riêng rộng gần 25000m2 ở số 29 đường Nguyễn Chí Thanh, Huế.
Nguyễn Đắc Xuân (NĐX): Duyên nợ ra làm sao mà anh được ở trong một cơ ngơi rộng rãi, thoáng mát, có hồ, có non bộ, có sân vườn to lớn như thế nầy?
Phan Thuận An (PTA): Khu vườn nhà nầy xưa kia là một cái phủ của Công chúa Ngọc Sơn - con gái vua Đồng Khánh (1885-1888). Nhà tôi là cháu nội của bà chúa Ngọc Lâm và được các bác các chú giao cho giữ nhà thờ, nên chúng tôi được ở đây. Ở đây cũng là một điều may mắn, vì rất thích hợp với công việc tôi làm.
NĐX: Có phải vì được ở trong Phủ của một bà Công chúa nhà Nguyễn nên anh đã sớm trở thành một nhà học Huế?
PTA: Không. Tôi nghiên cứu Huế khi tôi chưa quen biết nhà tôi.
NĐX: Thế trong cơ hội nào anh đã bước vào con đường nghiên cứu Huế, nghiên cứu triều Nguyễn?
PTA: Hồi nhỏ tôi không có dịp đi xa. Lần đầu ở miền quê Thuận An lên tôi thấy Huế đẹp quá. Dần dần lớn lên tôi tìm hiểu để mô tả cái đẹp ấy. Tôi thấy Huế đẹp, ngoài cái đẹp của thiên nhiên sông Hương, núi Ngự còn có cái đẹp của các công trình kiến trúc như đền đài, cung điện, lăng tẩm, chùa miếu...Phần lớn tác giả của các công trình kiến trúc ấy là vua quan, người lao động trí óc và chân tay dưới thời các vua Nguyễn. Rồi từ những giá trị vật chất của các di tích tôi lần mò nghiên cứu những giá trị tinh thần ...và cứ thế mà dấn tới. Năm 1972, tôi đã tốt nghiệp Cao học sử với luận văn Phòng Thành Huế tại Đại học Văn khoa Sài Gòn.
NĐX: Sau Phòng Thành Huế, anh có thêm công trình gì nữa?
PTA: Thời gian của tôi làm việc cho cơ quan là chính. Viết riêng, tôi chỉ có cuốn Kiến trúc Cố đôHuế, Huế đẹp và thơ, Có gì lạ trong cung Nguyễn (viếtchung) và chừng 50 đến 60 bài nghiên cứu đăng trên các tạp chí Khảo cổ học, Kiến Trúc VN, Nghiên cứu Nghệ thuật, Sông Hương, Xưa và Nay, Huế Xưa và Nay Thông tin Khoa học và Công nghệ...
NĐX: Được biết anh là người đã đóng góp một phần quan trọng cho bộ hồ sơ gởi xin UNESCO công nhận Di tích Huế là di sản thế giới?
PTA: Đây là một công trình tập thể. Bộ hồ sơ gồm có nhiều phần , tôi phụ trách phần viết giới thiệu về quần thể di tích Huế, khoảng 25 trang đánh máy và đã được UNESCO chấp nhận. Đây là một đóng góp nhỏ nhưng đáng nhớ của đời mình đối với sự nghiệp chung.
NĐX: Xin anh phác họa vài nét về công việc của anh đang làm ở cơ quan anh hiện nay!
PTA: Từ năm 1979 đến nay, trải qua 5 đời thủ trưởng tôi vẫn ngồi ở cái bàn mà anh đã có nhiều dịp ghé thăm. Công việc của tôi hết sức đơn giản: Tôi phụ trách việc biên soạn hồ sơ các di tích để phục vụ cho việc tu sửa, phục hồi, tôn tạo các di tích gồm có các phần lịch sử xây dựng, đánh giá nghệ thuật, mô tả hiện trạng, đề nghị trùng tu. Đồng thời sưu tầm những ảnh nguyên bản của nó, sưu tầm những bản vẽ từ xưa đến nay để cho người thực hiện tham khảo mà phục hồi.
NĐX: Tư liệu anh lấy ở đâu, ở Huế có còn nhiều không?
PTA: Ở Huế trải qua nhiều cuộc chiến tranh lại thêm khí hậu ẩm ướt nên phần lớn tài liệu đã bị mất và hư hại. Nay chỉ còn có thể tìm thấy chút đỉnh trong bộ Đô Thành Hiếu Cổ (Bulletin des Amis du Vieux Hué), ở cụ Chiêm Nguyên (dessinateur cũ) , cụ Ưng Tương, KTS Nguyễn Bá Lăng, nhà nhiếp ảnh lão thành Nguyễn Khoa Lợi...còn phần lớn tư liệu chúng tôi sưu tầm được trong các thư viện, kho lưu trữ ở Hà Nội và TP HCM
NĐX: Việc đánh giá nhà Nguyễn trong các thời kỳ có khác nhau, chuyện khoa học lại quan hệ với chính trị, vậy hơn một phần tư thế kỷ nghiên cứu Huế, chắc anh còn giữ nhiều chuyện vui buồn đáng nhớ. Xin anh kể cho vài kỷ niệm để cho các bạn nghiên cứu trẻ vững tâm mỗi khi đụng đầu phải những vấn đề hóc búa !
PTA: Lấy những thành tựûu vật chất và phi vật chất của triều Nguyễn còn để lại đặt bên cạnh những gì còn lại của các triều đại trước thì ta dễ nhận ra những giá trị lớn lao của nhà Nguyễn, của Huế. Nhưng không tránh khỏi có những ý kiến cá nhân làm cho mình nản lòng. Ví dụ như kiến trúc sư Đ.T.H. tác giả sách Lược Khảo Nghệ Thuật Kiến Trúc Thế Giới, khi đề cập đến các bước phát triển kiến trúc Việt Nam ông phán một câu đại khái là: Đến triều Nguyễn thì, chỉcó một công trình đáng giá nhất còn để lại là Khuê Văn Các ở Hà Nội, còn ngoài ra tất cả các công trình kiến trúc của thời đại nầy hoặc là sao chép của Tàu, hoặc là rập khuôn của Tây không có giá trị. Một ngườikhác lại viết bằng tiếng Tây cũng nói đại khái : Nghệ thuậtAn Nam (ám chỉ nghệ thuật Huế ở Trung kỳ) chỉ là một sự xuống cấp của nghệ thuật Tàu. Và chắc anh đãđọc, tác giả một cuốn sách về kiến trúc Việt Nam Nguyễn Phi Hoanh cũng đã đánh giá kiến trúc Nguyễn ở Huế không ra gì. Tôi xin kể một kỷ niệm : Lần đó tôi được phân công đi hướng dẫn cho một đòan cán bộ quản lý các trường học ở Bình Trị Thiên, tôi trả lời cho một khách tham quan về bài thơ khắc ở gian giữa điện Thái Hòa có nội dung sau: “Văn hiến thiên niên quốc,Xa thư vạn lý đồ, Hồng Bàng khai tịch hậu, Nam phục nhất Đường Ngu” , tôi giải thích: ” Đây là đất nước có hàngngàn năm văn hiến, Đất nước rộng hàng vạn dặm đó đã được thống nhất, Từ thuở Hồng Bàng cho đến về sau, Nước Nam nầy đã trở lại thời kỳ an bình, thịnh trị.” Một dòng chữ trên di tích nầy ghi rõ điện Thái Hoà được xây dựng vào năm Gia Long tứ niên (1805). Bài thơ làm cho nhiều người ngạc nhiên vì nó rất khớp với tình hình đất nước sau năm 1975. Thế nhưng không ngờ sau đó tôi bị thủ trưởng cơ quan là ông LVH gọi lên cho biết có người tố cáo tôi ca ngợi vua Gia Long. Lần đó tôi suýt bị đuổi việc. Nhưng may thay, các chuyên gia UNESCO, các nhà nghiên cứu đúng đắn ở Hà Nội như Trần Lâm Biền, Chu Quang Trứ, Nguyễn Du Chi, Từ Chi, Trần Quốc Vượng và hàng chục nhà nghiên cứu ở Huế thì không nghĩ như thế. Ngày nay các di tích Huế đã được UNESCO công nhận là di sản thế giới. Năm 1993, UNESCO còn chủ trì ở Huế một hội nghị quốc tế về những giá trị của kho tàng di sản phi vật chất ở Huế, trong đó có bài thơ vừa kể.. Trước kia thì nói xấu thậm tệ, ngược lại ngày nay có nhiều người, nhiều tổ chức hội nghị lại tôn sùng nhà Nguyễn một cách thiếu khoa học, gọi “Ngài Gia Long”, “Đức Minh Mạng” “Đức Đồng Khánh”.... Phải ngồi nghe những lời tôn sùng quá đáng như thế tôi cảm thấy vừa khó chịu vừa nực cười.
NĐX:Tôi được biết anh và nhiều cán bộ ở TTH được quỹ Ford Foundation tài trợ đi tham quan nghiên cứu ở Trung Quốc (TQ) một thời gian, anh có nhận xét gì khi so sánh các di tích Nguyễn với di tích của các triều đại quân chủ ở TQ?
PTA: Chúng tôi đã được Cục Văn vật quốc gia TQ đưa đi thăm Cố cung, Di Hòa Viên, Công viên Bắc Hải, Bảo tàng lịch sử, Vạn Lý Trường thành, Minh Thập Tam Lăng... ở Bắc Kinh. Trước tiên tôi thấy về những nguyên tắc qui hoạch, phong thủy, hệ thống kiến trúc thời Nguyễn có phần giống với TQ. Một số tên gọi các kiến trúc giống nhau như cửa Ngọ Môn, điện Thái Hoà..., về vật liệu gỗ và đá, VN vàì TQ giống nhau. Điều đó rất dễ hiểu vì trước kia cha ông chúng ta đã tham khảo các cách xây dựng đền đài cung điện theo sách vở của Trung Quốc, nhất là về phong thủy và dịch lý. Nhưng cũng có rất nhiều thứ VN và TQ khác nhau, có thể kể sau đây: 1. Các di tích của TQ rất to (Ngọ Môn của TQ to gấp ba lần Ngọ Môn của ta), trong khi các di tích Nguyễn ở VN vừa phải, hài hoà với cảnh quan thiên nhiên; 2. Các di tích chính dành cho các hoàng đế TQ dựng trên các nền khoảng 6m (điện Thái Hoà cao 26m), trong lúc đó kiến trúc Nguyễn dựng trên các nền tỷ lệ hài hoà với thân và bộ mái kiến trúc; 3. Trên các bờ nóc kiến trúc TQ trang trí bằng những con giao đơn giản, các kiến trúc Nguyễn gắn thêm những bộ rồng phượng tứ linh rất đẹp; 4. Bộ sườn bên trong các mái kiến trúc của VN trang trí ô hộc, mỗi ô hộc có khắc một bức tranh, một bài thơ (nhất thi, nhất hoạ) đơn giản, trong lúc đó của TQ thì trang trí rất rườm rà. Riêng Trường lang ở Di Hoà Viên dài 728m, có rất nhiều gian, với 14 ngàn hình trang trí. 5. Tôi không thấy bất cứ ở đâu bên TQ có nghệ thuật ghép sành sứ như của ta ở lăng Khải Định; 6. Bối cảnh thiên nhiên của TQ không có nhiều cây xanh, không có mặt nước hồ ao, thiếu sự hài hoà giữa thiên nhiên và kiến trúc; 7.Kinh thành chỉ còn trong sách vở, nghe nói còn vài cái cổng ở đâu đó, Kinh thành của Huế còn hầu như nguyên vẹn; ngược lại các kiến trúc trong Cố cung còn 100%, trong lúc đó, các kiến trúc trong Hoàng thành Huế chỉ còn rất ít. Nhìn chung kiến trúc TQ đồ sộ quá, gây sự choáng ngợp đối với người xem. Còn kiến trúc của mình thì tầm cỡ vừa phải, khiêm tốn trước thiên nhiên và xinh xắn, gần gũi với tâm hồn VN. Riêng lăng tẩm khi đi thăm các lăng vua ở Huế, du khách cảm thấy thanh thản, dễ chịu hơn nhiều.
NĐX: Sau chuyến tham quan nghiên cứu, trở lại bàn làm việc anh đang suy nghĩ gì?
PTA: TQ là một nước đồng văn và theo XHCN như VN. Những thành tựu về quản lý, trùng tu, tôn tạo và phát huy các di tích của TQ có nhiều điều giúp ích cho ta. Ta phải tìm hiểu TQ để hiểu hơn những cái cũ của mình. Đồng thời ta cũng thấy được những cái riêng của ta, ta phải cố gìn giữ những cái riêng ấy để tự hào là một nước có văn hiến và để đặt ngang tầm với nhiều quốc gia trong mối giao lưu văn hoá quốc tế.
NĐX: Xin cám ơn anh.
Nguyễn Đắc Xuân