Sưu tập và giữ gìn tư liệu lịch sử văn hoá Huế cho thế hệ mai sau

Xưa nay đối với một người có văn hóa thì có 3 thứ quý: Bạn cũ, rượu cũ và sách cũ. Trong đời sống trí thức hiện nay, ngoài sách, còn có thêm tài liệu, phim, ảnh, các băng ghi âm, ghi hình, cổ vật. Mặc dù kỹ thuật tin học đã giúp việc sao chép, gìn giữ, tài liệu cũ hết sức tiện lợi, gọn nhẹ, dễ gìn giữ và dễ sử dụng nhưng nó vẫn không thể thay thế vai trò của các thư viện được. Các Tổng thống Mỹ sau khi về hưu thường để lại một thư viện lưu giữ tất cả những thông tin, tư liệu liên quan đến nhiệm kỳ tổng thống của mình. Không có sách và tư liệu tham khảo thì chúng ta không thể hiểu được việc quá khứ.

 Không có tài liệu văn hóa lịch sử thì không thực hiện được việc nghiên cứu văn hóa lịch sử. Dĩ nhiên. Nhưng không phải chỉ các nhà nghiên cứu văn hóa lịch sử mới cần đến tài liệu văn hóa lịch sử. Đem tinh thần nghị quyết V vào đời sống xã hội, tích cực xây dựng bản lãnh văn hóa dân tộc, nếu không có tư liệu văn hóa lịch sử của dân tộc thì lấy gì xây dựng bản lãnh dân tộc? Đặc biệt, Thừa Thiên Huế có Di sản văn hóa của nhân loại. Cái di sản đó là gì nếu không phải là truyền thống lịch sử văn hóa của Huế, của triều Nguyễn đóng đô trên đất Huế?  Nếu không có tư liệu thì làm sao cụ thể hóa được cái truyền thống đó để cho năm châu bốn bể đến xem?  Và, chính tư liệu sách vở thuộc về quá khứ của Huế, của Việt Nam cũng là một nội dung thu hút khách du lịch. Hơn thế nữa, sách vở tư liệu là những đúc kết sự hiểu biết, tri khôn, của nhiều thế hệ cha ông của chúng ta. Nếu những ai đã đọc qua những thông tin về Cửa Eo trong Phủ Biên tạp Lục, trong Đại Nam Nhất Thống chí thì sẽ không ngạc nhiên khi thấy ông Trời khép lại cửa Thuận An và mở lại cửa Hoà Duân, nếu biết từ thế kỷ thứ tư đã có “bến Ôn Công” thì không ai lại bảo rằng cảng Chân Mây là một khám phá trong những năm đầu của thập niên chín mươi Thế kỷ XX. Và, nếu đã đọc Đại Nam Nhất thống chi đời Duy Tân thì chắc không ai dám đổi tên cầu Trường Tiến thành cầu Tràng Tiền. Trong những năm gần đây, Trung tâm bảo tồn Di tích Cố đô muốn phục chế lại điện Cần Chánh nhưng ngặt vì thiếu tư liệu. Tiền xây dựng có thể được tài trợ, nhưng không có tư liệu cũ cũng phải bó tay. Không những cần phải có tư liệu để phục chế lại những cái đã có, mà muốn làm nên những cái mới mang bản sắc dân tộc nếu không có tư liệu cũng không thể làm được. Tỉnh Thừa Thiên Huế và Thành phố Huế cho đến nay chưa có một cuốn phim Lịch sử, chưa có Lịch sử các ngành như Văn học, Báo chí, Mỹ Thuật, Âm nhạc, Nhiếp ảnh, Giáo dục, Du lịch, các Lễ hội truyền thống, chưa có Lịch sử các nghề như Chạm khắc, thợ Rèn, thợ Vàng.v.v. Trước thực tế ấy vấn đề sưu tập tư liệu và gìn giữ tư liệu phục vụ cho các công trình biên khảo về các ngành nghề trên cũng đã là vô cùng quan trọng rồi.

Đề tài nầy tôi đã tham luận nhiều lần. Trong tọa đàm nầy tôi xin tham gia thêm mấy ý kiến sau đây:

1. “Kho tư liệu văn hóa lịch sử Huế”

Kho tư liệu lịch sử văn hóa Huế tồn tại trong các hình thức sau: Sách, báo chí, các văn bản, bản thảo, mộc bản, ảnh, phim, đĩa hát, băng ghi hình, băng ghi âm. Hình thức ngôn ngữ: Chữ Hán, chữ quốc ngữ, chữ Pháp, chữ Anh. Theo tôi nội dung kho tư liệu lịch sử văn hóa Huế có thể xếp thành ba mảng.

1.1. Tư liệu sách vở do vua quan các triều đại Chín đời chúa mười ba đời vua Nguyễn (1558-1774), Triều Tây Sơn (1786-1801) và triều Nguyễn (1802-1945) để lại;   .

1.2.Tư liệu lich sử văn hóa Huế nói chung do chính quyền các cấp, do người dân Huế, người ngoại quốc (Pièrre Poivre, Đức Chaigneau, L. Cadière) trải qua các thời kỳ lịch sử, tạo nên và để lại;

1.3. Tư liệu của Phật giáo (Kinh sách, Hải ngoại kỷ sự, Hàm Long Sơn Chí, báo Viên Âm.v.v.) và Thiên chúa giáo

2. Tư liệu Nguyễn “lưu vong”

Đến cuối thế kỷ XIX, kho tư liệu lịch sử văn hóa Huế có thể xem là lớn nhất nước. Nhưng không may nó đã trải qua những biến cố quá lớn: Sau ngày Thất thủ Kinh đô 7-1885, một đại đội thủy quân lục chiến của Pháp phải để hai tháng mới mang hết các “chiến lợi phẩm” quí giá trong Đại Nội xuống tàu đậu trên sông Hương để chở về Pháp. Trong số chiến lợi phẩm ấy có vô số các tác phẩm sử và văn học cổ Việt Nam. Sau đó, để có đủ sách vở cho học trò học, các triều vua sau Đồng Khánh đã cho lượm lặt sao chép lại sử sách từ các tư gia, phục hồi lại những gì đã mất[1]. Đến cuối triều Nguyễn, năm 1947, vỡ Mặt trận, toàn bộ sử sách trong thư viện Hoàng gia, trong Quốc sử quán, trong Lầu Tàng thơ lại đội nón ra đi. Vô số sách quí ra chợ Đông Ba biến thành giấy hút thuốc; một số được chuyên chở ra đình làng Hiền Lương (huyện Phong Điền)  và nát tan với ngọn lửa chiến tranh. Để bảo vệ kho tư liệu văn hóa lịch sử Huế, chính quyền Sài Gòn cũ đã cho di chuyển kho Mộc bản (hơn 50 ngàn tấm) lên Đà Lạt, kho Mộc bản địa bạ Việt Nam đồ sộ vào Sài Gòn (hiện để ở tầng hầm Dinh Thống nhất). Đáng lẽ sau ngày hòa bình lập lại, hai kho mộc bản nầy phải được hồi hương, nhất là khi Di tích lịch lịch sử Cố đô Huế đã được UNESCO công nhận là di sản văn hóa của nhân loại (1993). Nhưng không những không được trả về mà bị xem như chiến lợi phẩm ở Đà Lạt, rồi lại được UNESCO công nhận Mộc bản triều Nguyễn để tại Đà Lạt là di sản tư liệu thế giới đầu tiên tại Việt Nam (ngày 31 tháng 7 năm 2009). Mộc bản triều Nguyễn mà lại ở Đà Lạt. là chuyện lạ mà vẫn xảy ra.  

Đề mục Tổng quan Kho Mộc ban triều Nguyễn ở Đà Lạt

Di tích lịch sử Huế là cái vỏ không đưa đi đâu được nên còn nằm ở Huế, còn cải ruột, cái hồn của triều Nguyễn lại bị mang đi chỗ khác. Một kho tư liệu vô giá khác, là Châu bản triều Nguyễn, sau năm 1975 tôi còn thấy ở tầng hầm Thư viện Đại học Huế, nhưng sau đó không hiểu do lệnh lạc ở cấp trên nào đó, toàn bộ Châu bản cũng đội nón ra miền Bắc. Thế thì các nhà nghiên cứu trong và ngoài nước đến Cố đô Huế nghiên cứu được cái gì ? Lầu Tàng Thơ được Quân đội trả lại sẽ tàng cái gì ? Tôi xin nêu vài sự kiện để thấy kho tư liệu văn hóa lịch sử Huế đã bị vi phạm như thế nào chứ không thể nêu hết trong một cuộc tọa đàm bỏ túi nầy. Và cũng xin đặt vấn đề để các cấp chính quyền của tỉnh Thừa Thiên Huế và Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế suy nghĩ trên đường xây dựng tỉnh TTH tiến lên thành Thành phố Huế trực thuộc Trung ương.

3. Phục hồi các hoạt động của Ban sưu tầm và dịch thuật của Thư viện Đại học Huế xưa

Tôi là người không có bằng cấp nghiên cứu, chưa từng trải qua một ngày làm công tác nghiên cứu văn hóa lịch sử Huế trong các cơ quan nhà nước. Nhưng với tư cách là một người cầm bút xứ Huế, sau ngày chấm dứt chiến tranh, tôi khát vọng sưu tập một tủ sách văn hóa lịch sử Huế để sử dụng và lưu lại cho các thế hệ con cháu. Và, sau gần 40 năm sưu tập, bên bờ sông Đập Đá đã có Tủ sách Gác Thọ Lộc để cho người trong và ngoài nước đến tham khảo. Hằng trăm đầu sách nghiên cứu quý giá của Gác Thọ Lộc cũng đã được số hóa lưu giữ tại Trung tâm Học liệu nầy trong nhiều năm qua.

Cán bộ nghiên cứu của TTBTDT Cố đô Huế trước tủ sách Gác Thọ Lộc . Ảnh NĐX

Nhưng khi tưởng đã đầy đủ nầy thì qua tiếp xúc internet hằng ngày, qua những lần ra nước ngoài, qua trao đổi với bạn bè trong và ngoài nước tôi tháy tủ sách Gác Thọ Lộc của tôi vô cùng bé nhỏ. Còn biết bao nhiêu tài lliệu, hình ảnh liên quan đến văn hóa lịch sử Huế bằng tiếng tiếng Trung Quốc, tiếng Nhật tại Trung Quốc, Tại Nhật mà tôi không có khả năng tiếp cận. Ngày cả tư liệu hình ảnh bằng tiếng Pháp do tôi sưu tập cũng chưa được bao nhiêu.

Ba giá sách Việt Nam trong Trung tâm văn hóa nghệ thuật Quốc gia Pompidou. Giá trên trước năm 1945, giá dưới từ năm 1945 đến 1954. Ảnh NĐX (1996)

Trước kia tôi nghĩ rằng một người yêu thích lịch sử văn hóa, đam mê, có tiền và có thời gian sưu tập là có thể sưu tập được tư liệu văn hóa lịch sử Huế. Sự thực, con người có 4 điều kiện đó chỉ có thể thực hiện được khát vọng của mình khi họ được đứng trong một tổ chức gồm có nhiều thành viên cùng có những điều kiện giống như con người đó. Và, khi đã có tài liệu trong tay lại phải bảo quản, xử lý, dịch thuật (nếu tài liệu chữ Hán và các ngoại ngữ khác) phục vụ bạn đọc như thế nào để có thể có thể vừa gìn giữ được tài liệu, vừa cổ vũ được việc nghiên cứu thì một cá nhân dù nhiệt tình đến đâu cũng không thể thực hiện được. Vì thế, tôi rất hoan nghinh Trung tâm Học liệu Đại học Huế  tổ chức cuộc Tọa đàm “BẢO TỒN VÀ GÌN GIỮ KHO TƯ LIỆU VĂN HÓA–LỊCH SỬ HUẾ CHO  THẾ  HỆ MAI SAU” nầy. Công việc nầy Thư viện Đại học Huế cũng đã thưc hiện trên nửa thế kỷ trước. Nay tôi mong ước Trung tâm Học liệu tiếp tục và phát triển công việc của người xưa mấy việc như sau:

3.1. Phục hồi Ban dịch thuật chữ Hán và chữ Pháp, thêm chữ Nhật thuộc Trung tâm (bằng chế độ Cộng tác viên ở khắp nơi chứ không cần phải bằng biên chế nhà nước);

3.2. Một ban sưu tập tư liệu (mua, trao đổi, truy cập trên Internet ở khắp nơi);

3.3.  Trao đổi thường xuyên với Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế, Thư viên Tổng hợp của tỉnh Thừa Thiên Huế và các Thư viện KHXH trên toàn quốc;

3.4. Đặt kế hoạch xin sao chép những hình ảnh, tư liệu cần thiết cho Huế mà Trung tâm chưa có; 

3.5.Hằng tháng nên xuất bản một Bulletin thông báo cho độc giả biết trong tháng qua Trung tâm đã có những hoạt động gì và có thêm tài liệu gì mới, đang cần những tư liệu gì để phục vụ cho công việc nghiên cứu trước mắt. Nếu có thể có cả những hướng dẫn cho những người mới bước vào con đường nghiên cứu.    

4. Xã hội hóa công việc sưu tập, gìn giữ và phát huy tư liệu

Để thu hút được nhiều người tham gia hoạt động với Trung tâm , Trung tâm nên chủ trương thành lập một Câu Lạc Bộ (Ví dụ như CLB Sử Quán) qui tụ những người yêu sách, tài liệu, hình ảnh cũ của Cố đô Huế. CLB cổ động việc sưu tầm sách cũ, giới thiệu các tư liệu mới tìm được; trao đổi cho nhau những tư liệu quý hiếm, tổ chức quyên góp sách để tặng cho các trường học nghèo ở vùng sâu, vùng xa; tặng sách nhiên cứu cho các sinh viên nghiên cứu xuất thân ở vùng sâu, vùng xa.v.v. khi CLB phát triển tốt, CLB phụ trách từ Bulletin cho Trung tâm Học liệu và có thẻ mở một trang Web cho CLB.

Sách An Nam – Đông Dương thuộc Pháp – cuốn sach ảnh Kinh đô Huế đầu thứ kỷ XX. Ảnh TL của NĐX

Kết luận: Chuyện sách vở, tư liệu lịch sử văn hóa Huế nói mấy cũng không cùng. Cũng như văn hóa Huế “Luôn luôn phải bắt đầu trở lại”. Vấn đề là “bắt đầu trở lại” ở đâu và bắt đầu trở lại như thế nào. Nếu không thì “gió sẽ cuốn đi!” và những người như chúng tôi rồi gió cũng sẽ cuốn đi. Chỉ mong sao còn nhớ nhau với một tấm lòng yêu lịch sử văn hóa Huế.

                                                              Huế, ngày 14-5-2013

Nguyễn Đắc Xuân

[1] Hai người có công lớn trong việc lập lại tài liệu sách vở trong giai đoạn nầy là các cụ Nguyễn Trọng Hợp, Cao Xuân Dục , về sau có thêm cụ Trần Thanh Đạt (Theo Phan Văn Dật). 

Bình luận


Chưa có bình luận!


Bài viết trước đó
Bài viết kế tiếp

Trở lại đầu trang