Bà Vương phi Marcelle Aimée Léonie Laloe và các con

Bà Vương phi Marcelle Aimée Léonie Laloe (thường gọi Marcelle Laloe) sinh ngày 2 tháng 7 năm 1884, con của ông Francois Laloe và bà Suzanne Ving - Chánh toà Thượng thẩm Alger (Président à la Cour d’Appel d’Alger). Vua Hàm Nghi cưới bà lúc bà mới 20 tuổi. Chung sống với chồng được 40 năm, bà sinh được ba người con (một trai, hai gái).

Sau ngày vua Hàm Nghi qua đời (1944), bà sống một mình ở Alger. Đến sau ngày nước Algérie giành được độc lập, vào năm 1965, theo lệnh Chính phủ Pháp, bà theo các con cải táng hài cốt vua Hàm Nghi và bà quản gia Marie Jeanne Delorme sang nghĩa trang làng Thonac thuộc tỉnh Dordogne ở phía tây miền Trung nước Pháp và từ đó bà thường sống với Công chúa Như Mai tại lâu đài De Losse. Bà được con gái phụng dưỡng hết sức chu đáo. Đến năm 1972, để cho Công chúa Như Mai được rảnh rỗi một thời gian bà qua ở với Công chúa Như Lý tại lâu đài De la Nauche/ Vigeois (Corrèze). Không ngờ sau đó bà bị bệnh và mất trên tay Công chúa Như Lý vào năm 1974. Bà hưởng thọ 90 tuổi, trong đó có 40 năm hạnh phúc với ông vua bị lưu đày Việt Nam và 30 năm sống cảnh goá bụa ở Algérie và Pháp. Thi hài của bà được táng trong ngôi mộ chung với vua Hàm Nghi và bà quản gia Delorme. Trong ngôi mộ chung nầy, về sau còn táng thi hài của Hoàng tử Minh Đức (con trai độc nhất của vua Hàm Nghi), Công chúa Như Mai (nhà nông học hàng đầu của Pháp, con gái trưởng của bà).

Công chúa Như Mai

Nhà nông học Như Mai (1905-1999) - trưởng Công chúa của vua Hàm Nghi

Nhà nông học Như Mai (1905-1999) - trưởng Công chúa của vua Hàm Nghi

Công chúa Như Mai [1] (tên khai sinh tại Alger là Princess Nhu-May Marcelle Suzanne Henriette Ung Lich Ham Nghi d’An -nam], sinh ngày 17-8-1905, tại Biệt thư Ngàn thông (Villa des Pins), làng El-Biar, gần Alger-con gái trưởng của nhà vua yêu nước Hàm Nghi và Vương phi Marcelle Aimée Léonie Laloe. Công chúa là người phụ nữ Việt Nam đầu tiên đỗ Thạc sĩ Nông lâm, mà lại đỗ thủ khoa, trên cả hàng chục nhà khoa bảng của Pháp. Kết quả này đã làm ngạc nhiên giới báo chí Paris hồi cuối những năm hai mươi của Thế kỷ XX. Ngoài bằng Thạc sĩ Nông lâm, Công chúa còn có nhiều bằng về hóa sinh học. Nhưng trước khi mọi người biết đến tài năng của bà, người ta đã vô cùng kính phục bản lãnh con gái một ông vua Việt Nam yêu nước của bà.

Theo Công chúa Như Lý, Công chúa Như Mai là một người cởi mở, làm việc có phương pháp khoa học và năng nổ. Công chúa luôn được người trên kẻ dưới quý trọng với tên gọi trìu mến là “Princesse d’Annam” (Bà Công chúa An Nam). Suốt thời gian theo học Đại học, bà thường phục sức theo kiểu đàn bà Việt Nam. Các nhà báo hỏi vì sao bà lại ăn mặc như thế, bà cho biết:

 - “Ăn mặc như thế thể theo ý muốn của cha tôi là vua Hàm Nghi”.

Đỗ xong bằng Thạc sĩ Nông Lâm, Công chúa Như Mai về Alger sống với vua cha một năm, sau đó bà trở lại Pháp đi thực tập rồi làm việc tại Viện Nghiên cứu nông nghiệp Pháp (Institut Agricole Fancaise) trước khi đến phục vụ ở các tỉnh Dordogne và Corrèze [Phía tây Miền Trung nước Pháp - quê hương của Tổng thống Chirac sau nầy].

Tỉnh (département) Corrèze có nhiều vùng đồi như bát úp, đất đai phần lớn của Giám mục và của các gia đình quý tộc cũ dùng để chăn nuôi ngựa đua phục vụ cho trường đua ngựa quốc tế Pompadour. Các chủ đất rất giàu, ngược lại dân lao động rất nghèo. Công chúa Như Mai đem kỹ thuật trồng trọt về giúp dân nghèo Dordogne và Corrèze, biến vùng đất nầy trở thành một vùng nông nghiệp phát triển nên bà được dân địa phương hết sức quý trọng, bầu bà vào giữ nhiều vị trí chủ chốt ở địa phương. Làm việc tại Pháp, nhưng lòng dạ của bà luôn nhớ về biệt thự Gia Long thuộc làng El Biar bên Alger - nơi cha mẹ bà đang sống.

Ba là tác giả hai tác phẩm được người đương thời rất trân trọng là:

- “Tương tế và hợp tác nông nghiệp ở Algérie” (La Mutualité et la coopération agricoles en Algérie,(1929)

- “Vai trò của người phụ nữ ở thuộc địa” (Le rôle de la Femme dans la Colonisation, 1930)

  Để suốt đời được phụng dưỡng cha mẹ, Công chúa Như Mai không lập gia đình.

  Bà là nghiệp chủ lâu đài De Losse ở Dordogne. Lâu đài De Losse tọa lạc trong một khu vườn rộng mênh mông, xây dựng xong từ năm 1576. Lâu đài nầy đã được nhà nước Pháp xếp hạng di tích văn hoá lịch sử từ năm 1928.

 

[1] Tên của Công chúa là Như Mai. Vì thế muốn cho người Pháp đọc là Mai thì phải viết là May. Chính Công chúa cũng viết tên mình là May. Nếu viết Mai người Pháp sẽ đọc là “Me”, rất xa lạ với tên thật của Công chúa.

Lâu đài De Losse ở Dordogne trước đây của Công chúa Như Mai , ngày nay là một địa điểm du lịch đặc sắc ở Dorđogne.

Lâu đài De Losse ở Dordogne trước đây của Công chúa Như Mai , ngày nay là một địa điểm du lịch đặc sắc ở Dorđogne.

Đến khi sắp bước vào tuổi “cổ lai hy”, Công chúa Như Mai không còn khả năng tài chính để tu sửa, bảo quản lâu đài được nữa, bà phải bán lâu đài De Losse cho một người Pháp (1972). Rồi người Pháp nầy cũng không chăm sóc nổi phải bán lại cho một người Bỉ. Tháng 4 năm 1999 lại bán qua tay một người Anh.

 [Được biết, mới đây đương kim chủ nhân lâu đài De Losse, đầu tư nhiều cơ sở vật chất để lâu đài trở thành một điểm du lịch đặc sắc. Nội thất được trang trí bàn ghế tủ giả thời thế kỷ thứ XVI, XVII, dựng lại cảnh quan sống của Jean de Losse xưa kia. Cảnh quan của lâu đài đã được sử dụng làm phông cho nhiều cuốn phim lịch sử hay chuyện thần thoại như Cinderella, Les Dames Galantes, Jacquou le Croquant. Mỗi năm lâu đài De Losse đón khoảng 30.000 du khách].

Chọn nơi nầy làm quê hương nên Công chúa Như Mai đã tậu một khu đất rộng có rừng cây bao bọc dành để lập một nghĩa trang cho gia đình tại làng Thonac. Nghĩa trang nầy cách thủ phủ tỉnh Dordogne khoảng 70 Km và giáp giới với tỉnh Corrèze, cách lâu đài De Nauche của Công chúa Như Lý khoảng 100 km. Năm 1965, Công chúa Như Mai và gia đình các con vua Hàm Nghi đã cải táng hài cốt vua Hàm Nghi và bà quản gia Marie Jeanne Delorme từ Thủ đô Alger qua nghĩa trang nầy và mời bà thân mẫu Laloe về sống với bà ở Château de Losse. Đến năm 1972, để cho CC Như Mai (đã 67 tuổi) được rảnh rỗi, bà Laloe qua ở lâu đài de la Nauche với CC Như Lý. Ở đó được hai năm thì bà Laoe mất trên tay CC Như Lý (1974).

Bà qua đời vào ngày 1 tháng 11 năm 1999 tại Bệnh viện Thị xã Saint-Pièrre ở Vigeois/Corrèze. Thi hài bà được táng trong ngôi mộ chung với thân phụ, thân mẫu, em trai và người quản gia của bà.

Công chúa Như Mai sinh ra và lớn lên trong hoàn cảnh mất liên lạc với quê cha. Bà cống hiến cuộc đời gần trọn thế kỷ XX (1905-1999) để giữ gìn chữ hiếu với cha mẹ và giúp đỡ người nghèo nơi quê mẹ của bà. Rất tiếc là thông tin về cuộc đời của bà chưa được giới thiệu rộng rãi ở quê nhà nên phụ nữ Việt Nam chưa có một hoạt động nào tôn vinh tinh thần làm việc khoa học và giữ gìn bản sắc dân tộc Việt của bà.

Công chúa Như Lý

Công chúa Như Lý sinh ngày 22-7-1908. Thời sinh viên bà học Dược (Pharmacie). Bà đang học nửa chừng thì bỏ học để lập gia đình với một điền chủ quí tộc Pháp (De la Besse). Ông chồng bà là Bá tước Francois Barthomivat de la Besse, sinh năm 1905, mất vào năm 1987. Hồi Đệ nhị thế chiến, chồng bà là sĩ quan quân đội Pháp.

Công chúa Như Lý (Comtesse de la Besse) tại lâu đài De la Nauche. Ảnh NĐX chụp năm 1999

Công chúa Như Lý (Comtesse de la Besse) tại lâu đài De la Nauche. Ảnh NĐX chụp năm 1999

tại lâu đài De la Nauche. Ảnh NĐX chụp năm 1999

Ông bà De la Besse có ba người con:

  1. Công nương Fracoise sinh năm 1934 (kết duyên với Jacque Matis de Bisschop, có ba con);
  2. Công tử Philippe Barthomivat sinh năm 1937 (lấy bà Jane Boardman, không có con);
  3. Công nương Anne Alice Marie sinh năm 1939 (lấy ông Guy Dabat, có 4 người con. Tất cả đều có tài sản riêng và mạnh khoẻ.

Ông bà De la Besse rất giàu, làm nghiệp chủ hai tòa lâu đài nổi tiếng ở Vigeois. Đó là lâu đài De la Nauche và lâu đài Chabrignac. Lâu đài De la Nauche tại thị trấn Vigeois là nơi Công chúa Như Lý ở cho đến cuối đời và cũng là nơi gìn giữ các kỷ vật, tranh ảnh của vua Hàm Nghi và bà Vương phi Marcelle Laloe.

Lâu đài Chabrignac ông bà đã trao quyền thừa kế cho vợ chồng người con trai là Công tử Philippe Barthomivat. Công tử Philippe cũng được cha mẹ giao lưu giữ những lưu niệm của ông bà ngoại (vua Hàm Nghi) để lại. Ông cũng đã được cha mẹ di chúc giao nhiệm vụ đưa hài cốt vua Hàm Nghi và bà Laloe về Việt Nam khi hoàn cảnh cho phép.

[Từ sau khi Công chúa Như Lý qua đời, Công tử Philippe là người đại diện chủ chốt cho vua Hàm Nghi và gia đình Cựu hoàng ở Pháp).

 

Hoàng tử Minh Đức

 Em trai của hai Công chúa là Hoàng tử Minh Đức (Jean Ung Lich Ham Nghi d’Annam) sinh năm 1910 - một ông hoàng rất đẹp trai. Hoàng tử Minh Đức cũng như tất cả thanh niên nước ngoài có quốc tịch Pháp lứa tuổi của hoàng tử đều phải đi lính. Hoàng tử Minh Đức đã được vào học Trường sĩ quan Saint Cyr (L’école militaire de Saint Cyr) - trường quân sự nổi tiếng nhất của Pháp. Trong Thế chiến II, cũng như những năm sau đó, Hoàng tử Minh Đức được thuyên chuyển qua nhiều đơn vị và nơi nổi tiếng nhất là đơn vị Thiết giáp ở Bắc Phi do Mỹ trang bị. Đơn vị của Hoàng tử đã đi khắp các chiến trường ở Tunisie, Ý, Pháp, Đức. Năm 1943, vì Hoàng tử gốc người nước ngoài nên không được chiến đấu trong biên chế của quân đội Pháp mà phải biên chế trong đội quân Lê Dương (Légion Étrangère) và sau đó là thuộc lực lượng kỵ binh trong quân đội Pháp ở Algérie (les spahis). Vì thế mà ngày nay Cựu binh Lê Dương ở Pháp rất tự hào trong hàng ngũ của họ có một hoàng tử con một nhà vua yêu nước của Việt Nam.

Hoàng tử Minh Đức (1910-1990).

Hoàng tử Minh Đức (1910-1990).

Sau Thế chiến II (1939-1945), phe Đồng Minh hoàn thành việc đánh bại Đức quốc xã, Hoàng tử Minh Đức mang quân hàm Thiếu tá. Trong lúc đóng quân tại bờ hồ Constanz (vùng chiếm đóng Pháp), ông được lịnh qua Việt Nam để chống lại Việt Minh. Hoàng tử Minh Đức từ chối quyết liệt. Ông tuyên bố với Chánh phủ Pháp rằng:

- “Tôi không thể cầm súng bắn lại đồng bào tôi. Nếu chánh phủ Pháp muốn đưa tôi ra tòa án binh thì cứ đưa. Tôi không thể về Việt Nam để đánh giặc cho Pháp, chống lại Việt Nam đất nước tôi”.

Chuyện này, do một sĩ quan người Pháp - ông Jean De Latour Dejean, đồng đội với Hoàng tử Thiếu tá Minh Đức lúc ấy, sau này vào làm việc tại Bộ Ngoại giao Pháp, lên đến cấp đại sứ, đã kể lại với Nguyễn Xuân Thọ (cũng là một chức sắc của Bộ Ngoại giao Pháp)- tác giả sách Bước mở đầu của sự thiết lập hệ thống thuộc địa Pháp ở Việt Nam (1858-1897).

Theo ông Trần Đông Phong: “Có một chi tiết đầy thú vị là khi Thiếu Tá Minh Đức chỉ huy một đơn vị Lê Dương tại Algérie thì cũng có một hoàng tử người VN đang phục vụ với tư cách là Trung úy thiết giáp, đó là Hoàng tử Bảo Long, con đầu lòng của vua Bảo Đại. Nếu so vai vế trong hoàng gia thì Hoàng tử Bảo Long phải gọi Hoàng tử Minh Đức bằng “ông” vì ông Minh Đức ngang hàng với vua Khải Định, thân phụ của vua Bảo Đại. Thiếu tá Minh Đức không phải là cấp chỉ huy trực tiếp của Trung úy Bảo Long, tuy nhiên vào thời gian sau Hiệp Định Genève, vào khoảng năm 1955-1956, thì trong hàng ngũ Lê Dương của Pháp tại Algérie chỉ có hai sĩ quan người VN, do đó hai người có cơ hội quen nhau.

 Một sử gia người Pháp sau này có viết như sau:

“Hình ảnh của Đế quốc Annam lại trỗi dậy khi Bảo Long gặp người con của Hàm Nghi, vị hoàng đế trẻ tuổi bị truất phế cuối thế kỷ trước vì hoạt động chống lại thực dân Pháp. Ông ta (Minh Đức) cũng là sĩ quan Lê Dương. Hai người quen nhau và trò chuyện. Cũng là một sự éo le: cả hai đều là hậu duệ của hai ông vua nhà Nguyễn nay cùng chiến đấu chung dưới một lá cờ để bảo vệ cho một thuộc địa lớn cuối cùng của nước Pháp.”

Hoàng tử Minh Đức lập gia đình với bà Dolly, nhưng không có con. Bà cũng đã qua đời và được táng trong ngôi mộ chung với gia đình vua Hàm Nghi ở Thonac/Dordogne.

 Hoàng tử mất ngày 7 tháng 8 năm 1990 tại Bệnh viện Val de Grace Paris (cũng là nơi 7 năm sau đó Cựu hoàng Bảo Đại trút hơi thở cuối cùng ở đây). Thi hài Hoàng tử được rước về táng chung trong ngôi lăng với cha mẹ và người quản gia Delorme ở làng Thonac/ Dordogne.

N.Đ.X 

 

Bình luận


Chưa có bình luận!


Bài viết trước đó
Bài viết kế tiếp

Trở lại đầu trang