Sau ngày vua Tự Đức băng hà triều đình Huế lâm vào cuộc khủng hoảng quyền chính trầm trọng.
Hoàng trưởng tử Thoại quốc công Ưng Chân tuân theo di chiếu của tiên đế được nối ngôi, nhưng chưa kịp bước lên ngai vàng đã bị quyền thần khép tội truất phế. Hai vị phụ chánh Nguyễn Văn Tường, Tôn Thất Thuyết tâu xin Thái hoàng thái hậu Từ Dụ rước Lãng quốc công Hồng Dật vào kế thống, chọn niên hiệu Hiệp Hoà. Tân quân tỏ ý muốn thoả hiệp với quân Pháp nên bị bức tử. Triều đình rước hoàng thiếu tử Ưng Hổ tôn lên ngôi, chọn niên hiệu Kiến Phước, ngự trên ngai rồng được 8 tháng.Vào ngày 31/7/1884 hoàng thái phi (Nguyễn Thị Hương) lệnh truyền các vị thân vương, đại thần vào họp tại điện Càn Thành, tuyên bố hoàng đế đã băng hà, có di mệnh: "Ngài có người em thứ 5 là công tử Ưng Lịch chăm học , hạnh kiểm tốt hoàng gia và đình thần nên chọn vào nối ngôi báu để lo phụng sự tôn miếu, xã tắc."

Chân dung vua Hàm Nghi
Ngày 17/8/1884 cử hành lễ đăng quang, chọn niên hiệu Hàm Nghi (HN). Mọi việc triều chính trọng yếu đều do hai vị phụ chính Tường, Thuyết quyết định, với lá bùa "ý chỉ của Thái hoàng Thái hậu Từ Dụ", chẳng có ai dám hé môi!
Việc giao thiệp với quân Pháp càng ngày càng khó khăn, căng thẳng. Tôn thất Thuyết không thể chịu nổi sự ngạo mạn, ngang ngược của viên tướng De Courcy nên quyết đánh úp toà khâm sứ và đồn Mang Cá nơi quân đội Pháp đóng binh, vào đêm 5/7/1885.
Kết quả kinh đô thất thủ, Tôn Thất Thuyết phải rước vua và tam cung ra căn cứ Tân Sở (Quảng Trị). Bị quân pháp truy đuổi, vua thoát ly lên vùng thượng đạo Quảng Bình - Hà Tĩnh, tam cung trở về Huế.
Để ổn định xã hội, lòng người chính quyền Bảo hộ và nhóm hoàng gia, quan lại theo Pháp thoả hiệp rước hoàng nhị tử Kiên giang quận công Ưng Đường tôn lên ngôi báu, cải nguyên Đồng Khánh (ĐK). Dân gian mỉa mai:
"Ngẫm xem thế sự mà rầu,
Ở giữa Đồng Khánh hai đầu Hàm Nghi "
Đêm 30/10/1888, tên Trương Quang Ngọc dẫn quân Pháp vào mật khu bắt sống vua H.N, sau đó dẫn độ ngài xuống tàu thuỷ chở vào cửa biển Thuận An. Vua ĐK phái các quan: Đoàn Văn Bình, Lê Trinh, Phạm Bính những người trước đây đã biết rõ vua HN xuống vấn an, dò xét thực hư. Khâm sứ Rheinart tỏ ý nếu vua muốn bái yết từ giả tam tôn cung và sanh mẫu (Bà Phan Thị Nhàn) thì sắp xếp cho rước về gặp mặt. Vua từ chối ngay: "Nay tôi thân đã tù, nước đã mất thì còn dám nghĩ gì đến cha mẹ, anh em nữa". Thế là quân Pháp áp tải vua xuống tàu Comete chạy thẳng vô Sài gòn đợi làm thủ tục an trí tại Algerie .
Nhận được quyết định của chính phủ Pháp, vua ĐK như trút bỏ được gánh nặng phải mang hơn 3 năm qua, ngài bảo các đại thần Viện cơ mật: "Lòng người không thường,đường đời nhiều ngã, có quan hệ đến việc xử trí lắm. Ý của quả nhân đã định duy vẫn khó giải bày. Nay quý quan Pháp xử trí như thế tình cũng đáng thương nhưng lý tất phải như thế. ..."Vua ban dụ cho thần dân được rõ: "...Trẫm đã phái các quan đi theo liệt quý đại thần (Pháp ) đến cửa Thuận An thăm xét, quả đã mười phần đích xác.Vã lại Trời không thể có hai mặt trời, nước không thể có hai vua. Em ta là Ưng Lịch thực đã về đến nơi, nghĩ nên tập phong tước Công để phù hợp với lời dụ trước. Còn hai chữ Hàm Nghi cấm không được quen như cũ để viết hay xưng hô. Nếu gặp việc gì nói đến thì chiếu theo tước gọi là quận công Ưng Lịch cho chính danh phận mà khỏi trái vượt...."
Về phần cựu hoàng H.N từ Sài Gòn đáp tàu Biên Hoà cập bến Alger vào ngày 13/1/1889. Đang bơ vơ đất khách, tinh thần, sức khoẻ chưa ổn định thì ngày 24/1 nhận được tin buồn. Sanh mẫu (bà Phan Thị Nhàn ) mệnh chung. Bốn ngày sau hung tin lại báo cho biết vua Đồng Khánh đã lên chầu trời! Quá muộn phiền, đau khổ cựu hoàng tỏ ra lạnh nhạt, không hợp tác với những người Pháp chung quanh ...
Từ năm 1890, cựu hoàng thay đổi thái độ chấp nhận cuộc sống của một ông vua bị lưu đày. Ngài nổ lực học tiếng Pháp, chơi thể thao, nghe âm nhạc, tìm hiểu văn học, hội hoạ, giao du với giới trí thức phương tây. Năm 33 tuổi (1904) ngài quyết định lập gia đình với tiểu thơ Marcell Laloe ái nữ của ông Francis Laloe chánh án toà thượng thẩm Alger. Gia đình cựu hoàng có 3 người con đều học hành thành đạt .
Suốt 55 năm sinh sống hội nhập với xã hội phương tây cựu hoàng mãi an nhiên, bình thản ngẩng cao đầu tóc búi tó với bộ quốc phục Việt Nam, cho tận đến lúc nhắm mắt lìa trần nơi viễn xứ.

Vua Hàm Nghi với áo dài khăn xếp búi tó tiếp họa sĩ Nhật Bản Foujita
Nhìn những hình ảnh của cựu hoàng H.N tôi liên tưởng đến các danh nhân lịch sử:
- LÊ QUÝNH (1750_1805 )
Sĩ phu thời cuối Lê, ông theo vua Chiêu Thống qua Trung Quốc cầu viện không thành.Vua quan nhà Thanh dụ dỗ, đe doạ ông phải cắt tóc, thay đổi y phục theo kiểu mẫu triều Thanh. Lê Quýnh cương quyết phản đối, đáp lời: "đầu chúng tôi có thể chặt nhưng tóc không thể cắt - da có thể lột nhưng quốc phục không thể thay đổi. "Kết quả ông bị giam giữ suốt 10 năm trong ngục tối. Sau ngày vua Gia Long thống nhất đất nước ông được trả về quê nhà vẫn giữ nguyên mẫu người Việt Nam như khi ra đi.
Theo tôi thái độ, hành xử của kẻ sĩ Lê Quýnh không phải tận trung với vua mà tận trung với đất nước, dân tộc. Trong lúc sa cơ thất thế, đường cùng chỉ còn biết bám vào BIỂU TƯỢNG văn hoá dân tộc để thể hiên tiết tháo của sĩ phu .
- PHAN CHÂU TRINH ( 1872_1926 )
Sĩ phu thời Nguyễn, ông học nho thi đậu phó bảng. Từ bỏ quan trường đi tìm đường cứu nước. Đầu thế kỷ 20, ông và các nho sĩ đồng chí đi khắp nam bắc tuyên truyền cổ động đổi mới để "khai dân trí - chấn dân khí - hậu dân sinh". Nhằm thể hiện quyết tâm dứt khoát phải đổi mới ông Phan làm gương cắt bỏ búi tóc, dẹp áo thâm khăn xếp dùng y phục kiểu Âu may bằng nội hoá. Ông Phan Khôi người trong Hội Duy Tân có làm bài vè hưởng ứng :
"Tay trái cầm lược - Tay phải cầm kéo
Cúp hè! cúp hè - Bỏ cái hèn mầy
Bỏ cái dại mầy - Cho khôn cho mạnh
Ở với ông Tây ....(PK _1907)
Đương thời, vua Thành Thái cũng hưởng ứng hỗ trợ việc đổi mới. Chính vua cũng cắt tóc ngắn, thích mặc Âu phục, tập đi xe đạp, xe hơi ...
Nhưng tiếc thay, chủ quyền nằm trong tay các ông Tây Khâm sứ, Toàn quyền nên nguyện vọng duy tân của vua quan, sĩ phu, nhân dân Việt Nam không đủ điều kiện thành công. Kết quả vua lại bị truất phế lưu đày biệt xứ, Phan Châu Trinh bị tù khổ sai ngoài Côn Đảo...dân chúng tham gia cắt tóc xin thuế bị phạt tù 18 tháng lao đông .
Than ôi! cái đầu búi tó - cái áo năm thân của dân tộc Việt nghiệm lại trải qua mấy đoạn khóc cười.Khi thì bị kết tội lạc hậu lỗi thời, lúc lại tán dương tinh hoa của đất Việt. Thời quân chủ thuộc địa duy tân bị ngăn trở. Qua thời độc lập dân chủ cũng chỉ đổi mới cầm chừng. Văn minh, phát triển, hạnh phúc, tự do bến bờ còn xa tít mù khơi chờ đến kiếp nào đạt được...
May mắn thay biểu tượng HÀM NGHI vẫn còn đó. Mãi mãi uy nghiêm sáng suốt nhắc nhở các thế hệ VIỆT NAM về sau nên giữ gìn truyền thống văn hoá tốt đẹp của Tổ Tiên nhưng phải nổ lực học hỏi để phát triển đất nước theo kịp sự tiến bộ của thời đại. Làm được như thế mới nên ngẩng mặt lên, mở to mắt nhìn thiên hạ :Tôi là người VIệt Nam như Hàm Nghi đã mặc nhiên khẳng định trọn một kiếp người.
TRẦN ĐÌNH SƠN