CHUYỆN CŨ CỐ ĐÔ: VUA NGỰ YẾN “MẮM VỚI RAU”

Dưới triều vua Minh Mạng (1820-1840) tuân theo ý chỉ của Hoàng Thái hậu Thuận Thiên, tiểu thư Phạm thị Hằng (PTH) ái nữ quan thượng thư bộ lễ Phạm Đăng Hưng được tuyển vào làm phủ thiếp cho hoàng trưởng tử Miên Tông. Cuối năm 1840, vua Minh Mạng băng hà triều thần tôn Trường khánh công Miên Tông lên kế vị, chọn niên hiệu Thiệu Trị (1841-1847).

Bà P.T.H vào nội cung được nhà vua sủng ái, tin cậy nên thăng tiến rất nhanh lên bậc quý phi. Vua có ý định tấn phong Bà lên ngôi hoàng hậu, rất tiếc chưa kịp cử hành nghi lễ thì gặp sự biến quân Pháp đem chiến thuyền đến bắn phá cửa biển Đà Nẵng. Quá uất giận buồn phiền vua lâm bịnh đột ngột băng hà.

Tuân theo di chiếu , hoàng nhị tử Phước tuy công Hồng Nhậm được tôn lên ngôi hoàng đế, chọn niên hiệu Tự Đức (1848 - 1883). Vua tôn vinh mẹ lên ngôi vị hoàng thái hậu.

Vua Tự Đức. Ảnh Internet

Vua Tự Đức. Ảnh Internet

Đức hạnh của thái hậu, tấm lòng chí hiếu của vua phụng dưỡng mẹ đã được sử sách triều Nguyễn ghi chép, dân gian truyền tụng rất phong phú. Đặc biệt, câu chuyện “ngự yến rau, mắm” trong lễ mừng thọ năm mươi tuổi của vua Tự Đức năm Mậu Dần (1878)  xưa nay chưa từng có, do:

          - Vua  bẩm sinh yếu đuối từ lúc còn thơ ấu ,lên nối ngôi gặp vận nước đi vào khúc quanh đen tối vì hoạ xâm lăng của thực dân phương tây. Quá lo lắng, phiền muộn khiến vua càng cao tuổi càng thêm suy nhược. Sở thượng thiện dâng ngọc soạn hơn 50 phẩm vị mỗi bữa ăn ngài ngự chán chê, tam cung lục viện tìm đủ sơn hào hải vị chế biến hết sức tinh tế bổ dưỡng chẳng thấy ngài ngon miệng ban khen… thái hậu càng nóng ruột thương con, chỉ biết bó tay thở dài rơi lệ!

Gặp dịp đại lễ chúc thọ vua “ngũ tuần đại khánh” (25 tháng 8, Mậu Dần -1878) ,ngoài quốc yến của triều đình, thời trân khắp các địa phương dâng hiến, riêng thái hậu Từ Dũ đích thân chỉ bày làm các món mắm ăn với các loại rau sống ban cho vua ngự thiện, hy vọng thay đổi khẩu vị không chừng hoàng đế sẽ ngon xơi ngơi được? Thái hậu ban dụ có câu:

      … “Đồ ăn mẹ dạy nấu cho khiết tinh, mỗi món đều nóng sốt ngon mùi, song sợ trẻ yếu mình chưa đẹp miệng.

       Rau mắm mẹ nghĩ cũng là tiện dụng, người ta thảy thơm tho thích ý, may khi con nhơn lạ ngự nhiều cơm.

       Chẳng qua sự thiệt thà ,con nên thể theo câu thiên tánh chí thân mà lãnh lấy,

      Coi gần như quê kệch, mẹ lai nhớ tới chữ vật khinh lê hoắc bỗng nực cười...”(1)

Nhận món rau mắm của Mẹ già ban, vua dâng lời cảm tạ:

          “…Mắm kia công nhuận hạ, rau nọ khí khoan trung,

      Con nhơn mừng mà ăn đặng nhiều cơm, kính như lời Mẹ dạy .

             Gội ân quang đức Mẹ không ngằn ,

       Lòng thể tất cưng con chẳng sót .

Nuôi tôi là lệnh Mẹ, dạy tôi cũng là lệnh Mẹ. Há chẳng phải đã làm Mẹ mà cũng làm Thầy chăng?

Đẻ tôi là nương nương, hiểu tôi cũng là nương nương. Nghĩ không cùng cảm đội nương nương thiệt như Trời vậy.”(2)

          Ba mươi sáu năm trị vì đất nước, vua Tự Đức quanh quẩn dưới gối chầu chực phụng dưỡng, đọc sử sách, làm thơ viết văn vịnh cảnh vịnh người, xem hát bội, lập đàn chay mong làm vui lòng mẹ già…, tấm gương đó xưa nay thiệt khó người theo được.

Tôn Mẹ là Thầy, là Trời nên công việc trị nước an dân vua Tự Đức chịu ảnh hưởng rất lớn của thái hậu Từ Dũ. Bà luôn dạy bảo Vua phải đi theo gương Thánh hiền Trung Quốc thời cổ, hay gần hơn của các chúa các vua triều Nguyễn nỗ lực gìn giữ đạo lý Khổng Mạnh. Không có định hướng canh tân kịp thời. Đến khi làn sóng thực dân phương Tây tràn vào đất nước, vua cùng triều thần loay hoay khi chiến khi hoà, kết quả dưới triều đại Tự Đức miền nam thành thuộc địa, miền bắc rồi miền trung lần lượt thành xứ bảo hộ của thực dân Pháp. Vua xuôi tay nhắm mắt lên nằm thở dài ở Khiêm lăng.                                                                                                 

Than ôi! Tự Đức trọn đạo làm con nhưng không trọn đạo làm vua vậy!!!.

                                                                                                                                        TRẦN ĐÌNH SƠN

 

GHI CHÚ:

(1)- (2): Trích theo sách “TỪ DŨ HOÀNG THÁI HẬU TRUYỆN’’- Nguyễn Liên Phong, Sài Gòn 1913.

 

Bình luận


Chưa có bình luận!


Bài viết trước đó
Bài viết kế tiếp

Trở lại đầu trang