CÔNG CHÚA LONG THÀNH

       Trong cảnh núi rừng hùng vĩ, quạnh vắng gần lăng Thiên Thọ (lăng Gia Long), có một ngôi tháp cổ uy nghi, thi gan với nắng mưa năm tháng. Ngày nay nhiều người làm tưởng đó là tháp mộ của một vị cao Tăng; mấy ai biết chính là nơi an giấc ngàn thu của một bà Công chúa đầu triều Nguyễn...

        Ngọc Tú, con gái đầu lòng của công tử Nguyễn Phước Côn (1) và bà nguyên phối Nguyễn Thị Ngọc Hoàn. Công tử Côn bị quyền thần Trương Phúc Loan ám hại, vợ con phải sống trong cảnh côi cút tối tăm.

        Biến loạn năm Giáp Ngọ (1774), nước mất nhà tan, Ngọc Tú và các em gái theo mẹ về quê ngoại ở làng An Du (Quảng Trị) lẫn trốn. Em trai là Nguyễn Phước Ánh xuống thuyền theo Định Vương Nguyễn Phước Thuần vào Nam. Năm Kỷ Hợi (1779), sau khi được tôn lên nhiếp chính ở Gia Định, Nguyễn Phước Ánh bèn bí mật sai Cai cơ Lê Phước Điển vượt biển ra đón mẹ và cung quyến vào Nam. Nhờ công lao đó, Điển được kết duyên với công nữ Ngọc Tú.

        Năm Quý Mão (1793) Nguyễn Huệ, Nguyễn Lữ thống lãnh đại binh Tây Sơn vào đánh Gia Định. Chúa Nguyễn đại bại, rút ra đảo Điệp Thạch. Quân Tây Sơn rượt theo vây kín, quyết tâm tiêu diệt. Thế cùng, Điển theo kế của Lê Lai xưa kia, xin mặc áo bào của Chúa, đứng ở đầu thuyền ngự, để cho quân Tây Sơn vây bắt. Nhờ vậy mà Nguyễn Vương Ánh thoát được ra đảo Côn Lôn. Biết bị lừa, nhưng cảm phục lòng can đảm của Điển, Nguyễn Huệ cố dụ hàng, nhưng Điển khẳng khái giữ lòng trung với chúa cũ, nên bị giết. Bà Ngọc Tú lúc đó còn trẻ đẹp, chưa có con, nhiều người khuyên tái giá. Bà bảo rằng: “Chồng ta làm kẻ bề tôi mà chịu chết vì trung nghĩa, ta là vợ há lại thay đổi tiết nghĩa sao? Chỉ nguyện rằng khi nào lấy được nước cũ thì xin xuất gia theo Phật mà thôi.” Từ đó bà thường lui tới chùa Từ Ân (Gia Định) lễ bái tu tập. Năm Tân Dậu (1801), Nguyễn Vương khôi phục được đô thành Phú Xuân, năm Nhâm Tuất (1802), thống nhất đất nước, xưng hiệu Gia Long. Bà theo Thái hậu và hoàng gia trở về Huế.

        Nhớ lời nguyện, bà thường tâu xin xuống tóc xuất gia. Vua Gia Long rất thương chị nên không đồng ý, phong bà là Long Thành Trưởng Công Chúa, ban cấp phủ đệ tại làng Dương Xuân. Bà xin thọ giới tại gia Bồ-tát, Pháp danh là Tế Minh, tự Thiên Nhựt. Năm Ất Sửu (1805), nhận thấy tổ đình Quốc Ân sau chiến tranh bị đổ nát hư hại nặng nề, bà phát tâm dâng cúng ruộng đất và 300 quan tiền, giao cho Đại sư Trí Hải và Chính Văn trông nom tái thiết.

        Năm Gia Long thứ 11 (1812), xây dựng lăng Thoại Thánh (2), vua có dụ: “Chị ta là Trưởng Công Chúa Long Thành, thờ mẹ rất có hiếu, kính giữ đạo làm con trong lúc gian nan, để tiếng thơm như ngọc uyển, ngọc diễm. Nay đặc biệt chuẩn cho dựng sinh phần ở bên lăng.” Vua lại cho đặt nơi phụ hưởng ở gian bên điện thờ của lăng (Thoại Thánh).

        Năm Minh Mạng thứ 4 (1823) mùa Đông, bà bị bệnh nặng. Vua thân hành đến thăm, bà khóc và tâu: “Xuống tóc xuất gia theo Phật là ước muốn xưa nay của người đàn bà góa này. Có chí nguyện mà chưa làm được, rất mong nhà vua giúp cho được thành tựu sở nguyện bình sinh. Sau khi tôi chết xin được xuống tóc liệm bằng cà-sa. Thế là vong linh tôi được thỏa nguyện nơi chín suối vậy.”

        Sau khi bà mất, vua nhớ lời dặn bàn với Kiến An Công Đài (Hoàng tử thứ 5 của vua Gia Long, cùng mẹ với vua Minh Mạng). Ông Đài tâu: “Thân thể tóc da là của cha mẹ để cho, lúc mới sinh ra trọn vẹn, lúc chết giữ cho trọn vẹn là hợp với Lễ. Nhà vua trị thiên hạ nên chuộng đạo chính (Nho giáo), truất bỏ dị đoan. Vậy không thể làm theo lời tâu xin của bà Chúa được”. Vua cho là phải, bèn sai Kiến An Công Đài, Diên Khánh Công Tấn (Hoàng tử thứ 7 của vua Gia Long), hội đồng với bộ Lễ lo liệu việc tang. Vua rất thương tiếc, ban cấp rất hậu, truyền bãi triều năm ngày, lại sai quan đến tế một đàn và truy tặng là Long Thành Thái Trưởng Công Chúa. Ban tên thụy là Trinh Tĩnh. Vua nhớ lời dạy của Tiên đế (Gia Long), đặc ân cho xây tháp mộ, phụ táng cạnh lăng Thoại Thánh. Ngày an táng, vua thân hành đi đưa. Vì bà không có con, nên vua chọn Thường Tín Công Cự (Hoàng tử thứ 11 của Vua Gia Long) làm thừa tự, giữ việc cúng tế cho bà.

        Công chúa Long Thành có công đức rất lớn với hai chùa Từ Ân (Gia Định) và Quốc Ân (Huế) nên tại hai chùa này cũng thiết linh vị ghi: “Thích môn hộ giáo hoàng cô, thọ Bồ-tát giới, Pháp danh Tế Minh, tự Thiên Nhựt chi vị” để phụng thờ bà rất trang trọng.

        Lược sử Công chúa Long Thành (Ngọc Tú) được ghi chép đầy đủ, chính xác trong ngọc phổ lẫn chính sử của triều Nguyễn. Nhưng không hiểu căn cứ vào sử liệu nào, trong cuốn Lịch sử Phật giáo Đàng Trong, soạn giả Nguyễn Hiền Đức đã ghi chép tường tận, chi tiết về mối tình tuyệt vọng của bà với Thiền sư Thiệt Thành Liễu Đạt, một cao Tăng trú trì chùa Sắc tứ Từ Ân ở Gia Định. Kết quả là Thiền sư phải tự thiêu tại chùa Đại Giác (Biên Hòa) còn bà công chúa thì: “Sau khi làm lễ nhập tháp Hòa thượng Liên Hoa (tức Thiệt Thành Liễu Đạt) xong, hoàng cô rất buồn bã và cho biết rằng bà sẽ ở lại chùa Đại Giác cho đến ngày khai mộ mới hồi kinh. Nhưng ngay ngày hôm sau đó, hoàng cô uống độc dược tự tử tại hậu liêu chùa Đại Giác, ngày mùng 2 tháng 11 năm Quý Mùi (1823) thọ 65 tuổi (có lẽ Hòa thượng Liên Hoa lúc đó cũng hơn 60 tuổi). Hòa thượng Viên Quang trú trì chùa Giác Lâm, họp cùng Thiền sư Tế Chánh Bổn Giác, trú trì chùa Từ Ân và chư Tăng ở các chùa trong môn phái lo lễ nhập tháp Hòa thượng Liên Hoa, lại lo lễ an táng hoàng cô và thỉnh long vị của Hòa thượng Liên Hoa và linh vị của hoàng cô về thờ ở chùa Sắc tứ Từ Ân. Long vị của Hòa thượng thờ ở bàn Tổ, linh vị của hoàng cô thờ ở bàn bá tánh”. Nhưng mối tình cuồng nhiệt, say đắm của bà chúa tròm trèm thất thập với ông Hòa thượng suýt soát cổ lai hy, đến đây chưa kết thúc! Soạn giả còn cho biết: Vì hai cái bài vị ở xa nhau, chưa được cận kề nên bà chúa nổi sân quậy phá chùa Từ Ân lộn tùng phèo. Cuối cùng Hòa thượng Viên Quang sau một thời gian thiền quán mới nghiệm ra: “Có thể hoàng cô có thần thức luyến ái Hòa thượng quá mạnh và mong muốn được gần Hòa thượng, nên gây ra xáo trộn ở chùa để đòi yêu sách. Vì vậy Hòa thượng Viên Quang đề nghị với Thiền sư Bổn Giác cho đưa linh vị của hoàng cô thờ chung với long vị của Hòa thượng ở bàn thờ Tổ. Quả nhiên sau khi làm như thế trong chùa Từ Ân trở lại bình thường”.(3)

         Đọc cuốn Lịch sử Phật giáo Đàng Trong, ngoài chuyện tình ngang trái éo le trên đây, chúng tôi thấy soạn giả Nguyễn Hiền Đức đã dựa vào nhiều giai thoại, truyền thuyết dân gian thiếu chính xác để viết về các nhân vật lịch sử Phật giáo. Điều rất đáng tiếc là soạn giả lại xem đó như là những phát hiện mới lạ, dùng để bổ chính cho các sử phẩm trước đây. Không nên “lộng giả thành chân”, rất tai hại cho đời sau. Bởi vì lý tưởng của sử học muôn đời vẫn là: trình bày chân lý lịch sử cho đúng đắn, đầy đủ và sáng sủa!

T.Đ.S.

 

Tài liệu tham khảo

 - Đại Nam Liệt Truyện

- Đại Nam Thực Lục - Đệ nhất kỷ

- Tiên Nguyên Toát Yếu Phổ

 

Nguyễn Phước Côn: đời Gia Long truy tôn Hưng Tố Hiếu Khương Hoàng Đế.

Lăng Thoại Thánh: tức lăng của Hưng Tổ Hiếu Khương Hoàng hậu, sinh ra vua Gia Long và công chúa Long Thành.

Nguyễn Hiền Đức “Lịch sử Phật giáo Đàng Trong”. (TP.HCM: Nxb TP, 1995) Tr. 231 - 235.

 

Bình luận


Chưa có bình luận!


Bài viết trước đó
Bài viết kế tiếp

Trở lại đầu trang