Công chúa Như Lý (Comtesse de la Besse) nói về những năm tháng vua Hàm Nghi bị lưu đày và qua đời ở nước ngoài

Sau ngày Thất thủ Kinh đô (5.7.1885), vua Hàm Nghi xuất bôn lên vùng rừng núi Quảng Trị, Quảng Bình hạ chiếu Cần Vương kêu gọi bá tánh đứng dậy chống Pháp cứu nước. Trải qua ba năm chiến đấu ở rừng sâu, đến ngày 30.10.1888, ông vua trẻ yêu nước bị sa vào tay giặc và bị đày sang Algérie - một nước ở miền bắc châu Phi. Ngày 13.1.1889, tàu Biên Hòa đưa vua Hàm Nghi cập bến Alger. Từ đó cho đến những năm cuối thế kỷ XX, suốt thời gian hàng trăm năm, không có mấy tin tức liên quan đến nhà vua yêu nước về đến Việt Nam.


Sử sách viết về giai đoạn nầy của nhà vua thiếu tư liệu nên có nhiều sai lạc đáng tiếc. Sau nhiều năm phấn đấu tìm hiểu để bổ cứu những sai sót, đầu năm 1999 chúng tôi đã gặp được Công chúa Như Lý – con gái của vua Hàm Nghi tại một tỉnh ở miền Trung Tây nước Pháp, cách Paris chứng 450 Km. Tôi có dịp hỏi chuyện Bà, và, không phải hỏi một lần mà (qua thư từ, điện thoại) hỏi nhiều lần, không chỉ Bà nói mà Bà còn viết, còn cung cấp cho tôi hình ảnh để trả lời những câu hỏi chi tiết của chúng tôi. Sau đây là những hỏi đáp mang tính lịch sử xin cung cấp cho bạn đọc quan tâm đến lịch sử nước nhà.
Nguyễn Đắc Xuân (NĐX): Kính thưa Bà, tôi là một người nghiên cứu lịch sử triều Nguyễn, không ngờ lại có ngày được gặp Bà trong lâu đài De la Nauche, Vigeois, tỉnh Corrèze nầy.
Công chúa Như Lý (CC N.L.): Từ ngày cha tôi đặt chân lên Alger (13.1.1889) cho đến nay (23.1.1999) vừa đúng 110 năm 10 ngày, ông là sử gia Việt Nam đầu tiên bước chân đến nhà chúng tôi. Cách đây lâu lắm rồi có ông Trần Văn Chương đến thăm nhưng ông Trần là đại sứ của Việt Nam Cộng Hòa ở châu Phi lúc ấy và là chồng của Thân Thị Nam Trân – cháu gọi cha tôi bằng cậu ruột.
NĐX: Kính Bà, các nhà viết sử Việt Nam đều muốn đến thăm gia đình Cựu hoàng Hàm Nghi từ lâu nhưng vì Algérie một nước ở Bắc Phi quá cách trở trong lúc người Việt Nam ở trong nước phải lo chiến tranh, có nhà sử học nào được ra nước ngoài nghiên cứu đâu. Thưa Bà, từ xa xôi đến tôi rất nóng lòng muốn được Bà cho biết cuộc sống lưu đày của Cựu hoàng Hàm Nghi.
CC N.L.: Ngày 13 tháng 1 năm 1889, tàu cập bến. Thống đốc Algérie cho một đại tá và sĩ quan ra đón cha tôi. Lúc ấy những người nầy còn mặc quần áo sĩ quan rất lộng lẫy. Ông Đại tá choàng một cái áo rộng. Cha tôi mặc một cặp đồ lụa Việt Nam, trời lạnh buốt, cha tôi bước xuống tàu mà run cầm cập. Ông đại tá bèn cởi chiếc áo choàng của ông trùm lên vai cha tôi. (Ông đại tá ấy sau nầy là cha đỡ đầu (parrain) của Công chúa Như Mai - chị cả của tôi).
N.Đ.X.: Và, sau đó?
CC N.L.: Người ta đưa cha tôi và mấy người Việt Nam được cử theo hầu cha tôi về một biệt thự trên đồi El Biar nhìn ra vịnh Alger và cách Alger chừng 3 Km, biệt thự khá tiện nghi và đã có tên là Tùng Hiên (Villa des Pins) mà sau nầy cha tôi đặt tên lại là Biệt thự Gia Long – tên của vị Hoàng đế khai sáng triều Nguyễn.

N.Đ.X.: Kính thưa Bà, Buổi đầu sống ở Alger, Cựu hoàng có dễ thích hợp với hoàn cảnh mới ấy không ?
CC N.L.: Sau nầy tôi nghe gia đình kể lại và đọc sách báo cũ tôi biết được rằng lúc đầu cha tôi không chịu học tiếng Pháp – Không học cái thứ tiếng của người giam cầm (détenir) ông. Ông sống cô độc và lãnh đạm với hết thảy mọi người. Về sau ông thấy như thế không đúng, ông bắt đầu học tiếng Pháp và có nhiều cố gắng để bù đắp lại thời gian đã bỏ phí. Sau bốn năm năm cha tôi nói tiếng Pháp giỏi làm cho nhiều người nghe ông nói tiếng Pháp trước đó phải ngạc nhiên. Tuy vậy cha tôi vẫn nói tiếng Việt với những người giúp việc từ bên Việt Nam cử sang. Từ khi đặt chân lên Alger làm kiếp lưu đày cho đến lúc từ giả cuộc đời cha tôi luôn giữ cái búi tóc và chiếc khăn xếp trên đầu. Ông rất thích đi xe đạp, thích âm nhạc và đặc biệt là thích môn hội hoạ. Ông đọc và tìm hiểu lịch sử nước Pháp. Ông thường nói với mọi người: “Lịch sử nước Pháp rất hấp dẫn tôi; nhưng lịch sử nước tôi cũng hay không kém” (L’ Histoire de France me charme, mais celle de mon pays est bien belle aussi”).
N.Đ.X: Xin Bà vui lòng cho biết việc Cựu hoàng lập gia đình như thế nào ?
CC N.L.: Cha tôi cưới mẹ tôi là cô Laloe – con gái của ông Laloe – Chánh án Toà Thượng thẩm (Président à la Cour d’Appel) Thủ đô Alger. Mẹ tôi sinh năm 1884 tại Marcelle (Pháp). Gia đình ông ngoại tôi đem mẹ tôi đến Alger vào khoảng năm 1900. Đám cưới của cha mẹ tôi được tổ chức vào năm 1904. Đám cưới một ông Hoàng tử nước Nam với ái nữ một ông Chánh án Toà Thượng thẩm rất lạ và vui lắm.
NĐX: Bà có thể cho biết lạ và vui như thế nào không ?
CC N.L.: Ngày cưới ông ngoại tôi quàng tay mẹ tôi rời nhà và giao cho cha tôi. Sau đó đôi uyên ương dắt nhau đến Toà Tổng Giám mục (L’Archevêché). Ông Hoàng tử bối tóc, mặc áo dài Việt Nam màu den ngồi bên cạnh cô gái mặc đồ đầm lễ hội màu trắng lộng lẫy, đi xe song mã dạo phố Alger tạo thành một chuyện lạ ở cái nước Bắc Phi Algérie ngày ấy. Dân chúng đi theo xem rất đông tạo thành một đám rước. Nhà nhiếp ảnh Laroux chụp ảnh đám cưới cha mẹ tôi và in thành bưu ảnh bán phát đi khắp nơi. Ngày nay các quầy sách cũ ở Paris vẫn còn bán những cái bưu thiếp cũ ấy. Tôi sẽ tặng ông vài cái để làm kỷ niệm.
N.Đ.X: Đối với tôi những cái bưu ảnh kỷ niệm ấy là vô giá. Xin cám ơn Bà rất nhiều. Xin Bà cho biết, Cựu hoàng Hàm Nghi và bà cụ Laloe sinh được mấy người con và những người con ấy hiện nay ra sao ?
CC N.L.: Cha mẹ tôi sinh được ba người con: hai con gái là Như Mai (sinh năm 1905) và tôi là Như Lý (sinh năm 1908), một người con trai là Minh Đức (sinh năm 1910).
Chị cả Như Mai nhờ ông Đại tá đỡ đầu đã học đến nơi đến chốn. Chị học tại Viện nghiên cứu Nông nghiệp Paris (L’Instituit Agrono- mique de Paris). Năm 1925 thi ra trường chị đã đỗ đầu. Đây là một thành tích phụ nữ châu Âu cũng khó đạt được thế mà chị đã đạt được thành thử cha mẹ tôi và chúng tôi rất tự hào về chị. Ra trường chị về làm việc và lập nghiệp ở một vùng quê rất nghèo ở Thonac tỉnh Dordogne gần Vigeois thuộc tỉnh Corrèze của tôi hiện nay. Chị đã giúp cho dân địa phương trồng trọt theo kỹ thuật mới đạt kết quả tốt nên được dân địa phương rất quý trọng chị. Chính ở Thonac chị đã tậu được một nơi làm nghĩa địa cho gia đình sau nầy. Chị Như Mai không lấy chồng. Chị ở vậy mới thực hiện được những gì chị muốn làm vừa lòng cha tôi. Vì thế suốt đời chị cũng chỉ với cái tên Bà chúa nước Nam (Princesse d’Annam). Hiện nay (đầu năm 1999) chị vẫn còn tại thế.

Còn tôi, Như Lý, lúc nhỏ học Dược.Vào năm 1933, tôi phải bỏ học nửa chừng để lập gia đình với một người Quý tộc Pháp. Từ đó người ta thường gọi tôi là bà Bá tước de la Besse (Comtesse de la Besse) Đám cưới tổ chức tại El Biar / Alger. Chồng tôi (sinh năm 1905 và mất năm 1987) lúc đầu làm sĩ quan quân đội, sau trở thành một nhà nông (Agriculteur) và rất thành đạt tại Corrèze. Sự thành công đó có một phần nhờ vào sự giúp đỡ của chị cả Như Mai. Tôi có 3 người con: Con gái đầu Francoise (sinh năm 1934), có ba con; con trai thứ hai Philippe (sinh năm 1937), không có người nối nghiệp, hiện nay làm chủ lâu đài Chabrignac; con gái út Anne (sinh năm 1939) có 4 người con. Tôi đã có 10 cháu và chắt.
Em trai tôi là Minh Đức, thời chiến tranh đi sĩ quan, có vợ nhưng cũng không có con. Minh Đức đã qua đời tại Trung tâm y tế quân đội Val-de-Grace ở Paris vào năm 1988. Minh Đức cũng được táng chung trong ngôi lăng với cha mẹ tôi ở Thonac, Dordogne. Dolly - vợ Minh Đức hiện sống ở Paris thỉnh thoảng về thăm chúng tôi và thăm lăng mộ của gia đình chúng tôi.
N.Đ.X: Thưa Bà, hiện nay sử sách ở Việt Nam kể cả Thế phả của Nguyễn Phúc tộc cũng viết không thống nhất về đám tang Cựu hoàng Hàm Nghi, đặc biệt là ngày tháng năm qua đời của Cựu hoàng.
CC N.L.: Cha tôi mất đúng vào ngày 14 tháng 1 năm 1944. Trên tấm đan đặt trên lăng mộ cha tôi ở Thonac đã ghi rõ rằng : “S.M. Ham Nghi-Empereur d’ Annam. Hue 1871. Alger 1944” (Hàm Nghi – Hoàng đế An Nam. Hue 1871- Alger 1944”.
N.Đ.X: Khi Cựu hoàng Hàm Nghi qua đời, những người con nào của Ngài đã có mặt trong đám tang Ngài ?
CC N.L.: Cha tôi mất vào ngày 14 tháng 1 năm 1944 tai Algérie. như đã nói trên, nhằm vào khoảng thời gian Đệ nhị Thế chiến (1939-1945) đang diễn ra rất ác liệt. Vào thời điểm đó, cả ba chị em tôi đều đang sống ở Pháp. Do hoàn cảnh chiến tranh, giữa Pháp và các nước Bắc Phi không thể nào liên lạc truyền thông và đi qua lại được. Vì thế, khi cha tôi qua đời cả ba chúng tôi không thể qua Algérie lo liệu đám tang của cha chúng tôi được. Chúng tôi đều bị kẹt ở Pháp cả (En raison de la guerre, il n’y avait pas alors de communication entre la France et l’Afrique du Nord. Donc, quand l’Empereur est mort, aucun de ses trois enfants étaient présents. Ils étaient bloqués en France).
N.Đ.X.: Thưa Bà, Cựu hoàng qua đời ở Alger, vậy trong trường hợp nào lăng mộ của Cựu hoàng lại nằm trên đất Pháp như hiện nay ?
CC N.L.: Thời chiến tranh Pháp-Algérie, khoảng năm 1962, theo một sắc luật của Chính phủ Pháp, dân mang quốc tịch Pháp phải rời Algérie để qua Pháp. Vì thế chúng tôi chuyển quan tài (cercueil) của Cựu hoàng từ biệt thự Gia Long trên đồi El Biar thuộc Thủ đô Alger sang nghĩa địa làng Thonac tỉnh Dordogne (Pháp) mà chị cả Như Mai đã tậu được. Cái huyệt mộ (caveau) cất giữ quan tài của cha tôi cũng là nơi cất giữ quan tài của mẹ tôi và em trai tôi là Hoàng tử Minh Đức sau nầy.
N.Đ.X.: Xin Bà cho biết sau ngày Cựu hoàng qua đời, cụ bà Hàm Nghi sinh sống ra sao ? và cụ bà qua đời lúc nào và như thế nào ?
CC N.L.: Sau khi cha tôi qua đời, mẹ tôi vẫn sống ở Biệt thư Gia Long trên đồi El Biar Alger và chưa liên lạc được với chúng tôi ở Pháp. Đến ngày 6 tháng 6/1944, liên quân Anh Mỹ đổ bộ lên Normandie, ngày 25 tháng 8/1944 Paris được giải phóng và sau đó giải phóng nước Pháp ra khỏi tay quân Phát-xít Đức. Ít lâu sau chúng tôi liên lạc được với mẹ chúng tôi, rồi chúng tôi qua Algérie thăm mẹ và viếng mộ cha chúng tôi. Đến năm 1962, quan tài của cha chúng tôi được chuyển qua Pháp, mẹ tôi sang Pháp ở trong lâu đài de Losse với chị cả Như Mai. Ở đó bà được chị Như Mai săn sóc rất chu đáo và bà cũng được ở gần lăng mộ của chồng bà. Bà ở với chị Như Mai, nhưng năm nào cũng thế, bà qua ở trong lâu đài De la Nauche, Vigeois, tỉnh Corrèze với chúng tôi một thời gian để cho chị Như Mai có thể nghỉ ngơi chút đỉnh. Không ngờ vào năm 1974, bà mới sang ở với chúng tôi được ít lâu thì bà bị bệnh và qua đời ngay trong lâu đài De la Nauche của chúng tôi mà ông đang ngồi đây. Quan tài của bà được đưa về cất giữ cùng trong một nơi với cha chúng tôi như tôi vừa kể trên.
N.Đ.X.: Thưa Bà, gia đình có còn giữ được nhiều kỷ vật của Cựu hoàng không, đặc biệt là các tác phẩm hội hoạ ?
CC N.L.: Kỷ vật không có nhiều, sau khi chuyển nhà từ Algérie qua Pháp, các kỹ vật ấy phân cho mỗi người con giữ một ít. Lúc sinh thời cha tôi rất thích vẽ tranh. Các tác phẩm nghệ thuật của ông được con cháu giữ trong các gia đình. Tuy nhiên, chị Như Mai thỉnh thoảng cũng lấy một số bức để làm quà cho những người quen biết và đã có công với cha tôi. Sau khi chị Như Mai bán lâu đài de Losse, tất cả tranh của cha tôi đều được chuyển về cất giữ ngay trong lâu đài nầy. Chút nữa ông có thể xem qua. Nhiều người muốn mua nhưng chưa bao giờ chúng tôi bán cho ai.
N.Đ.X.: Lâu đài De Losse ở đâu, vì sao Công chúa Như Mai lại bán đi và bán cho ai ?
CC N.L.: Vì nhiều lý do, nhưng có lẽ lý do chính như thế nầy: Mẹ chúng tôi đã qua đời, chị tôi cũng không cần phải có một lâu đài rộng rãi nữa làm gì, hơn nữa là thiếu người chăm sóc. Chị bán để mua một cái nhà nhỏ vừa để ở thôi. Chị Như Mai bán lâu đài De Losse vào khoảng năm 1970-1972 cho một người Bỉ, về sau người Bỉ đó bán cho một chủ khác là người Anh. Lâu đài De Losse ở Thonac tỉnh Dordogne gần Corrèze đây thôi.
N.Đ.X.: Có một thời báo chí ở Việt Nam lấy tư liệu từ báo chí Pháp ca ngợi Công chúa Như Mai hết lời. Như trên Bà có nói, Cựu hoàng và gia đình rất tự hào về Công chúa Như Mai, vậy Bà có thể cho biết ý tưởng của Bà đối với Công chúa như Mai ?
CC N.L.: Chị Như Mai là một người phụ nữ mẫu mực với các phẩm chất tốt. Bà có khả năng lảnh đạo công việc tốt. Bà là người có trách nhiệm và khi nào cũng thực hiện hết trách nhiệm của mình. Như đã nói trên, bà thi ra trường bà đỗ đầu. Đỗ đầu ngành khoa học nông nghiệp lúc đó là một việc hiếm có. Đối với đàn ông đã quá khó rồi huống thay bà là đàn bà, lại là đàn bà An Nam. Bạn bè của bà đã bảo bà là “một người đàn bà có bản lãnh tuyệt vời” (une femme qui a la qualitée personnelle formidable). Đó cũng là ý nghĩ của tôi về chị Như Mai.
N.Đ.X.: Có khi nào Bà nghĩ về hoàn cảnh đã giúp cho Công chúa Như Mai có được bản lãnh ấy không ?
CC N.L.: Tính kiên định, tinh thần yêu nước của cha tôi đã có một tác động lớn đến ý chí và tình cảm của chị tôi. Chị tôi chịu ảnh hưởng của cha tôi rất mạnh. Cha tôi muốn con cái, đặc biệt là với chị Như Mai, phải học giỏi, phải tư cách để dù Việt Nam chưa giành được độc lập thì ít ra người nước ngoài cũng biết đến người Việt Nam tư cách và giỏi như thế nào !
N.Đ.X.: Có khi nào Bà nghe Cựu hoàng Hàm Nghi nói đến chuyện hoạt động giành lại độc lập cho Việt Nam không ?
CC N.L.: Cha tôi rất kín đáo, nhưng theo tôi cha tôi nghĩ trong đời ông ta, Việt Nam chưa thể giành lại được độc lập. Ông không nghĩ rồi sẽ có ngày ông được trở lại quê hương. Và, các con của ông cũng thế. các con ông rồi ra cũng phải lấy vợ lấy chồng, lập nghiệp ở Pháp.
N.Đ.X.: Thế thưa bà, Cựu hoàng đã dạy dỗ con cái như thế nào ?
CC N.L.: Ông thường dạy chúng tôi: “Các con không thể làm người Việt Nam tốt thì hãy làm những người Pháp tốt” (Vous ne pouvez pas être de bons vietnamiens, soyez de bons francais).
N.Đ.X.:- Kính thưa Bà, bây giờ thì nước nhà đã hoàn toàn độc lập rồi, tuy Cựu hoàng đã qua đời đã bốn mươi lăm năm, nhưng hài cốt của Người vẫn còn nằm trên đất Pháp. Vậy Bà có nghĩ đến một ngày nào đó đưa hài cốt Cựu hoàng và những người thân của Người về táng bên cạnh tổ tiên của Người không ?
CC.N.L:.- Lúc sinh thời cha tôi đã căn dặn con cái phải thực hiện việc đưa hài cốt Người về Huế-Việt Nam và chúng tôi phải thực hiện nguyện vọng của cha tôi. Khi nào hoàn cảnh thuận lợi, tôi thì lớn tuổi quá rồi, người con trai của tôi là Philippe sẽ đem hài cốt cha mẹ tôi về về nước.
N.Đ.X:.- Kính thưa Bà, hài cốt vua Duy Tân từ Cộng Hoà Trung Phi đã đưa về nước từ năm 1987, tôi cũng như đồng bào Việt Nam ở trong nước cũng như trên thế giới đều ước mong hài cốt Cựu hoàng Hàm Nghi cũng sẽ được nghin rước về Huế trong thời gian tới đây, nếu việc đó thành sự thục ngay trong lúc bà còn sức khoẻ thì quý hoá vô cùng. Xin chân thành cám ơn Bà đã trả lời phỏng vấn, đã tự tay ghi chép cho những số liệu quan trọng và cho sao chép những hình ảnh tài liệu có liên quan đến cuộc đời ở hải ngoại của Cựu hoàng Hàm Nghi. Kính chúc Bà sức khoẻ sống lâu trăm tuổi.
Nguyễn Đắc Xuân
________________________________________
Cuối năm 1999, tôi được Bà báo tin Công chúa Như Mai đã qua đời vào ngày 1.11.1999 tại Dordogne.
(*)Chú thêm cho rõ: Cuộc Phỏng vấn nầy được thực hiện đầu năm 1999, sau đó những thông tin quan trọng mà chưa rõ lại được xác minh (vérifier) khẳng định lại nhiều lần bằng điện thoại và thư từ. Về người phỏng vấn có sự trợ giúp của ông Nguyễn Duy Thản, ông Huỳnh Văn Tươi ở Paris và cháu Nguyễn Vũ Tú Anh (sinh viên Cao học Đại học Sorbonne, Paris). Về người trả lời có sự nhắc nhỡ của ông bà Dabat (rể và con gái của Công chúa Như Lý). Để tiếp tục công việc của cuộc phỏng vấn nầy đặt ra, Giáo sư Tôn Thất Hanh - người đứng đầu Nguyễn Phước Tộc hiện nay, đã gởi thư chúc sức khoẻ Công chúa Như Lý và đề đạt việc muốn đưa hài cốt Cựu hoàng Hàm Nghi về Huế. Nhưng vì Bà đang bị bệnh hémiplégie liệt nửa người phải vào bệnh viện nên chưa có hồi âm. Cháu Nguyễn Vũ Tú Anh vẫn liên lạc thường xuyên với gia đình Bà để giúp chuyển những tin tức có liên quan đến Bà về Việt Nam.

Bình luận


Chưa có bình luận!


Bài viết trước đó
Bài viết kế tiếp

Trở lại đầu trang