Thêm một tư liệu có liên quan đến Cửu đỉnh Huế.
Mới đây, báo Thừa Thiên Huế, số 1112- từ ngày 13-16.5.2021 có đăng bài “Cửu đỉnh Huế và hành trình được công nhận di sản tư liệu thế giới” của nhà báo Minh Hiền. Nội dung bài báo cho biết, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế đang tiến hành các bước hoàn thiện hồ sơ đệ trình Unessco ghi danh Cửu đỉnh là di sản tư liệu thế giới .
Nội dung bài báo Thừa Thiên Huế
Để bổ sung tư liệu ngoài chính sử của triều Nguyễn, tôi xin cung cấp thêm tư liệu về một vị quan lại triều Nguyễn đã có công tham gia vào việc đúc Cửu đỉnh ở Kinh đô Huế. Đó là cuốn gia phả viết chữ Hán , có khuôn khổ 6 x 26 cm gồm 11 tờ (22 trang), bằng chất liệu giấy dó cũ. Mặt a (tờ thứ nhất) ghi: Nguyễn Gia tộc phả. Từ tờ 2a ở dòng cuối lời tựa có ghi: “Tự Đức nhị thập tam niên thập nhị nguyệt . Nguyễn Trung Thừa cung soạn” (Ngày tháng 12 năm Tự Đức thứ 23 (1870). Nguyễn Trung Thừa kính Soạn (gia phả). Từ tờ 3a cho biết dòng họ Nguyễn Trung nguyên quán làng Long Hoà , tổng Lộc Thành Thượng, huyện Phúc Lộc, phủ Tân Bình tỉnh , tỉnh Gia Định (nay Long Hoà là chợ Rạch Kiên). Riêng từ tờ 6a đến tờ 8a được ghi chép tỉ mỉ về lai lịch và hành trạng của ngài Nguyễn Trung Nghĩa ( đời thứ 5 ) - thi đậu rồi ra làm quan ở trong Nam, ngoài Bắc, ở kinh đô Huế; nội dung tạm dịch như sau (trích):
Ngài Nguyễn Trung Nghĩa sinh ngày mồng 4 tháng 2 năm Tân Hợi ( 1791 ) ... Năm 23 tuổi thi đậu tú tài
Trang gia phả viết về ngài Nguyễn Trung Nghĩa có liên quan đến Cửu đỉnh Huế
Tháng 3 năm Minh Mạng thứ 15 (1834), Bộ Lại án khuyết chức Tri huyện Tiền Hải, tỉnh Nam Định. Tháng 7 về kinh, được vào bệ kiến hoàng đế (vua Minh Mạng) tại điện Cần Chánh ...
Tháng giêng năm Minh Mạng thứ 17 (1836), theo lệnh nhà vua ( quan Nguyễn Trung Nghĩa) được phái đến chỗ đúc để kiểm tra, đôn đốc và xem xét đúc chín đỉnh lớn.
Ngày tháng giêng năm Minh Mạng thứ 18 (1837), đúc xong chín đỉnh (Cửu đỉnh), an trí trước Thế Tổ Miếu phụng tự ...
Ngày mồng 9 tháng 11 năm 1847, ngài bị bệnh rồi mất, mệnh chung 56 tuổi .
Qua nghiên cứu , tôi xin bổ sung thêm nguồn thông tin có sự kiện nhất định về hành trạng quan Phủ thừa Nguyễn Trung Nghĩa. Đặc biệt cuốn gia phả ghi chép theo lối biên niên rất rõ và có nhiều chi tiết quan trọng để đối chứng tương hỗ với các bộ sách chính sử của triều Nguyễn đã viết về Cửu đỉnh.