Fédéric Mittérand.-Trong thời gian đó, Ngài có qua Pháp năm 1939, và được Tổng thống Le Brun tiếp. Nước Pháp có thay đổi gì không?
(Phim tài liệu lịch sử)
Fédéric Mittérand.- Ngài trở về Việt Nam. Nước Việt Nam đang bị chìm đắm trong cơn bão tố. Trước hết là toàn quyền Catroux. Trong quan hệ với Ngài, ông Catroux có gì khác với mọi người không?

“Bà Catroux là một người bạn của Hoàng hậu Nam Phương” (Lời Bảo Đại)- Ảnh TL sưu tập riêng do NĐX.
Bảo Đại- Tôi biết ông Catroux từ lâu, quan hệ thân mật không những với ông Catroux, mà còn với bà Catroux nữa. Bà Catroux là một người bạn của Hoàng hậu. Tất cả những gì xảy ra giữa ông Catroux với Chính phủ thời đó, tôi hoàn toàn không biết. Khi ông Catroux ra đi và ông Decoux đến thay thế, tức là ông Catroux đã bị cách chức, tôi vẫn luôn luôn tiếp ông Catroux như một đại diện của nước Pháp. Tất cả những gì xảy ra giữa họ với nhau tôi không quan tâm.
Fédéric Mittérand.- Đây là một điểm rất quan trọng. Ngài tự nhủ rằng không can thiệp vào công việc của người Pháp?
Bảo Đại- Tôi không biết những gì xảy ra trong nội bộ người Pháp. Tôi chỉ công nhận đại diện của nước Pháp là ông Toàn Quyền.
Fédéric Mittérand.- Đó cũng là một cách xác nhận quyền lực của Ngài. Không dính đến nước Pháp, đó là một cách nói với họ rằng Ngài tự chủ ?
Bảo Đại.- Vâng, tôi cũng hy vọng rằng họ hiểu như thế.
Fédéric Mittérand.- Ông Catroux đi theo nước Pháp tự do. Việt Nam, Đông Dương đi theo chế độ Vichy?
Bảo Đại.- Đô đốc Decoux đã thay thế ông Catroux. Ông Decoux là người của Vichy. Khi nước Pháp bị chiếm đóng, bị tai nạn lớn, chúng tôi đã chia sẻ hoạn nạn với người Pháp. Khi ông Catroux yêu cầu giúp đỡ, người Việt Nam đã đứng lên giúp đỡ người Pháp. Chúng tôi làm như vậy với hy vọng Đô đốc Decoux và Chính phủ Pháp thời ấy có một cử chỉ. Nhưng họ đã từ chối.
Fédéric Mittérand.- Còn tình hình hữu nghị Pháp- Việt thì sao?
Bảo Đại.- Cũng có một sự hòa hợp nào đó giữa người Pháp và chúng tôi. Đôi bên có tình hình khá giống nhau.
Fédéric Mittérand.- Đôi bên có những đặc điểm giống nhau?
Baỏ Đại.- Phải.
Fédéric Mittérand.- Trong lúc đó, trong nước có hai lực tác động. Đô đốc Decoux và Chính phủ Vichy, bị bắt buộc phải dàn xếp với người Nhật. Các dàn xếp ấy được thể hiện như thế nào?
Bảo Đại.- Các thoả hiệp được ký giữa Darlan và đại sứ Nhật Kato. Theo các thoả hiệp Darlan-Kato, quân đội Nhật được phép đi qua Đông Dương. Bù lại, nước Nhật chấp thuận chủ quyền của Pháp ở Đông Dương.
Fédéric Mittérand.- Bởi vì người Nhật đánh nhau với Tưởng Giới Thạch, với nước Tàu?
Bảo Đại.-Họ đánh nhau với cả thế giới.
Fédéric Mittérand.- Họ cần Đông Dương để chuyển quân?
Bảo Đại.- Nghĩa là để đến Thái Lan, Miến Điện, Nam Dương
Fédéric Mittérand.- Họ tôn trọng chủ quyền Pháp ở Đông Dương?
Bảo Đại.- Vâng, chính Thiên hoàng đã cam kết với Quốc trưởng Pháp Pétain về sự tôn trọng chủ quyền của nước Pháp, cho đến năm 1945.
Fédéric Mittérand.- Theo Ngài, nhân dân Việt Nam thấy thế nào trước việc đó?
Bảo Đại.- Thời đó, nhân dân Việt Nam cũng không quan tâm hơn tôi đến các sự thương thảo giữa Nhật và Pháp.
Fédéric Mittérand.- Tuy nhiên tinh thần quốc gia mỗi ngày một lan rộng. Trong quá khứ đã xuất hiện nhiều lần một Chủ nghĩa Quốc gia các văn thân, và bây giờ bắt đầu xuất hiện Chủ nghĩa Quốc gia Việt Minh thân Cộng. Chủ nghĩa Quốc gia ấy được sinh ra như thế nào?
Bảo Đại.-Không nên nói rằng Chủ nghĩa Quốc gia Việt Minh là các người Cộng sản chứ không phải các người Quốc gia. Chính quyền Pháp thời đó khoảng 1930 cho đến 1935, sợ Chủ nghĩa Quốc gia hơn Chủ nghĩa Cộng sản. Đối với Pháp, Chủ nghĩa Cộng sản là một vấn đề quốc tế. Vì vậy, họ dễ dãi để các người Cộng sản Việt Nam thành lập một đảng, không phải ở trong nước mà ở ngoài nước.
Fédéric Mittérand.- -Ở ngoài nước nhưng họ bắt đầu trở về nuớc?
Bảo Đại.-Người Pháp không có trách nhiệm trong việc trở về này. Họ đã dễ dãi trong việc lập Đảng Cộng sản Việt Nam, nhưng họ không có trách nhiệm gì trong việc ông Hồ Chí Minh trở về nước. Việc ông Hồ Chí Minh trở về nước là do người Mỹ.
Fédéric Mittérand.- Đây là một thời kỳ lạ lùng: có một chủ quyền của nước Pháp Vichy, có đông đảo người Nhật, có vua Bảo Đại im lặng đứng nhìn tình thế, bên cạnh nhân dân Việt Nam. Nước Pháp được giải phóng thay đổi chế độ chính trị, với tướng De Gaulle lên cầm quyền. Lúc ấy ở Việt Nam tình hình như thế nào?
-Bảo Đại.- Người Việt chúng tôi mù tịt. Chúng tôi hoàn toàn không biết việc gì đã xảy ra. Chúng tôi có biết nước Pháp được giải phóng, chấm hết.
Fédéric Mittérand.- Và người Nhật ? Lúc ấy một thời gian sau họ làm đảo chánh?
Bảo Đại.- Người Nhật làm đảo chánh vì người Pháp cho rằng, sau khi quân Nhật đã thua nhiều trận ở mặt trận Thái Bình Dương, nước Nhật đã đến thời tận số. Cho nên người Pháp mới bắt đầu tổ chức một loại kháng chiến. Người Nhật, thấy đã hết thời, không muốn như vậy và đó cũng là một vấn đề thể diện. Họ đã làm đảo chánh và gạt bỏ chủ quyền của Pháp.
Fédéric Mittérand.- Lúc ấy, Ngài bất đắc dĩ cũng bị lôi cuốn phần nào trong cuộc ẩu đả đó?
Bảo Đại.-Đó là một câu chuyện khá đầy kịch tính. Hôm người Nhật làm đảo chánh tôi không có mặt trong cung. Tôi đi săn. Đến khi tôi trở về cung, các cửa cung đều mở. Có tiếng súng nổ. Một sĩ quan Nhật đến trình diện với tôi, xin tôi chịu khó chờ một chút. “Chúng tôi đang giải quyết vài vấn đề”, và sau đó, ông sĩ quan này dẫn tôi vào cung. Một lúc sau, tôi vào trong cung, cũng ông sĩ quan ấy nói với tôi: “Ngày mai, có một nhân vật quan trọng, một đại sứ, đến trình diện với Ngài”. Ngày hôm sau, tôi tiếp đại sứ Yokohama. Đại sứ trình ủy nhiệm thư và nói với tôi rằng: “Thiên Hoàng cho tôi đến bên cạnh Ngài”. Đây là lần đầu tiên tôi tiếp xúc với người Nhật.
Fédéric Mittérand.- Trước đó, Ngài đã có suy nghĩ về Hoàng đế Nhật bản?
Bảo Đại.- Chúng tôi biết Hoàng đế Nhật, nhất là Minh Trị Thiên Hoàng, đã mở cửa nước Nhật cho thế giới hiện đại.
Fédéric Mittérand.- Và Ngài có quan tâm đến kinh nghiệm này?
Bảo Đại.- Có, tôi có theo dõi khá sát lịch sử nước Nhật.
Fédéric Mittérand.- Người Nhật tỏ ra rất kính trọng Ngài, và ngay sau đó, đề nghị Ngài tuyên bố nước Việt Nam độc lập. Một tình trạng gay cấn vì thực sự không còn chủ quyền của Pháp lúc đó nữa. Chính tướng De Gaulle cũng đã nói: “Tôi thấy Đông Dương đã rời xa như một con tàu lớn”. Không có vấn đề duy trì Chính quyền Vichy, còn người Nhật thì yêu cầu Ngài tuyên bố độc lập. Và Ngài lưỡng lự ?
Bảo Đại.- Trước hết, tôi nghi ngờ vì không biết nền độc lập này có giá trị đến mức nào.
Fédéric Mittérand.- Đó là một cái bẫy?
Bảo Đại.- Không phải là cái bẫy nhưng hai chữ ấy vô cùng kỳ diệu, đó là hai chữ thiêng liêng, hai chữ Độc Lập. Đối với thần dân tôi, tôi không thể từ chối độc lập, nếu tôi từ chối, thần dân tôi sẽ trách tôi. Đó là cơ hội ngàn năm một thuở để chứng tỏ rằng, chúng tôi độc lập, dù cái độc lập ấy có hình thức thế nào. Điều kỳ lạ là khi tôi ký tuyên ngôn độc lập, tôi hỏi Đại sứ Nhật: « Có vấn đề trao đổi gì không? ». Ông trả lời: « Không, chúng tôi không đòi hỏi Ngài bất cứ một điều gì. Chúng tôi giải phóng quý quốc, có thế thôi ».
Fédéric Mittérand.- Nhưng dầu sao, Ngài không ngại trở nên một con bài trong tay người Nhật, và Ngài không ngại làm cho người Pháp nghĩ rằng, Ngài đã bỏ rơi họ?
Bảo Đại . - Không, hoàn toàn không. Tôi không muốn tôi là con bài trong tay người Nhật. Một hôm ông tướng chỉ huy quân đội viễn chinh Nhật ở Đông Dương xin tôi tham gia vào chiến cuộc để giúp nước Nhật, vì lúc đó Nhật đang ở trong một giai đoạn khó khăn, tôi trả lời: “Nay chúng tôi độc lập, không thể sai khiến chúng tôi điều gì nếu chúng tôi đã độc lập. Chúng tôi tự do làm điều gì chúng tôi muốn. Các Ngài không có quyền can thiệp vào nội bộ chúng tôi”. Và người Nhật đã hiểu.
Fédéric Mittérand.- Còn cái ngại kia, ngại làm cho người Pháp nghĩ rằng Ngài đã bỏ rơi họ?
Bảo Đại.- Không những tôi đã nghĩ đến việc này, mà nhiều người Pháp đã cho rằng, tôi đã phản bội họ. Khi tôi trở qua Pháp năm 1948, có một chiến dịch báo chí chống tôi, nói rằng: “Đó là một con người phản bội. Ông ấy đã bỏ rơi chúng ta. Ông ấy đi với bọn Nhật”. Tôi phải đưa hiệp ước Bảo hộ ra. Nó đây, theo điều 11 hay 13, nước Pháp có trách nhiệm giữ an ninh cho nhà vua, chống lại kẻ địch bên ngoài cũng như nội loạn bên trong. Ai đã phá bỏ hiệp ước này ? Không phải tôi. Ngày 9-3-1945, chủ quyền Pháp đã không còn nữa.

Bản sao Trang cuối của Hiệp ước Patenôtre (6-6-1884) có chữ ký của Patenôtre - đại diện nước Pháp và các quan đại thần Việt Nam Nguyễn Văn Tường, Phạm Thận Duật và Tôn Thất Phan - Trích Le Dragon d’Annam do NĐX thực hiện.

Điều XV Hiệp ước Patenôtre có đoạn viết ”Nước Pháp từ nay cam kết bảo đảm toàn vẹn lãnh thổ và bảo vệ cá nhân Hoàng đế An nam, để chống lại bất cứ kẻ địch từ bên ngoài, hay sự nổi loạn ở bên trong lãnh thổ”. TL do NĐX st.
Fédéric Mittérand.- Người Nhật có ngược đãi người Pháp không?
Bảo Đại.-Không, quân đội của Thiên Hoàng không làm cái việc tàn ác.Thủ phạm là đội Kempetai, là một loại Lê Dương của Nhật. Đội Kempetai này đã làm các việc tàn ác đối với người Pháp.
Fédéric Mittérand.-Bỗng nhiên ta lâm vào cái thế phức tạp. Vì Ngài có nhiều quyến luyến với người Pháp. Ngài không thể bình thản mãi?
Bảo Đại.- Đó là tình cảm cá nhân, nhưng tôi phải nghĩ trước hết đến quốc gia dân tộc. Người Nhật đã đem độc lập đến cho chúng tôi, tôi phải cụ thể hóa nền độc lập đó. Cho nên tôi đã lập một Chính phủ. Các quan đại thần lúc ấy đã xin rút lui để chúng tôi có một Chính phủ tân tiến.
Fédéric Mittérand.- Lần đầu tiên Ngài thực hiện quyền lực của một ông vua lập hiến, của một ông vua của thời hiện đại. Vậy Chính phủ ấy có những ai?
Bảo Đại.- Đó là những trí thức trẻ, nhiều người ở Pháp, những kỹ sư Trường Bách khoa, những tiến sĩ luật, những bác sĩ y khoa. Họ thông hiểu cả Đông và Tây. Về chức Thủ tướng, tôi đã chọn một học giả thông hiểu cả Đông và Tây[1].
Fédéric Mittérand.- Trước tình hình mới ấy, tâm trạng của dân chúng thế nào?
Bảo Đại.- Có thể nói rằng dân chúng cảm thấy nhẹ nhõm.
Fédéric Mittérand.- Nước Nhật sụp đổ. Bom nguyên tử. Đế quốc Nhật Bản không còn. Vào khoảng đó, những người Cộng sản gây nên một áp lực càng ngày càng lớn?
Bảo Đại.- Thật ra, lúc đầu không phải là những người Cộng sản, mà là những người quốc gia. Đồng bào tôi, nhất là giới trí thức, nghĩ rằng cần có một cuộc cách mạng. Đối với họ, nếu không có cách mạng thì không có tiến hoá. Tôi sợ họ làm một cuộc cách mạng. Nếu ông nhớ lại cái hiệp ước Yalta và Postdam, mặc dầu Nhật thua trận, nhưng Nhật có trách nhiệm phải giữ trật tự, tức là quân đội Nhật không bị giải giáp. Tôi sợ quân Nhật bắn vào dân. Tôi mới nói rằng “Thần dân đã muốn một cuộc cách mạng, thì chính tôi đã làm một cuộc cách mạng đó rồi. Tôi sẽ ra đi như thế”.
Fédéric Mittérand.- Và Ngài thoái vị. Việc này đối với chúng tôi, quả là hơi khó hiểu?
Bảo Đại.- Không, có thể khó hiểu đối với ông, nhưng không khó hiểu đối với người dân Việt Nam. Người dân Việt Nam đã hiểu. Chỉ có điều người dân Việt Nam không thấy một việc, đó chính là những người trong Chính phủ mới là những người Cộng sản. Nhưng họ có biết một điều, là trong Chính phủ ấy, nghĩa là người đứng ra lập Chính phủ ấy, tức Cụ Hồ Chí Minh đã được người Mỹ vũ trang. Dân Việt Nam nghĩ rằng đã có người Mỹ đứng sau lưng họ, họ sẽ có nhiều thế lực hơn để giành độc lập từ tay người Pháp. Đến giờ, người Mỹ tự xem là những người chống Cộng.
Fédéric Mittérand.- Tâm trạng của Ngài lúc ấy thế nào?
Bảo Đại.- Tôi hoàn toàn không bị bối rối với những vấn đề ấy. Tôi cảm thấy sự trổi dậy ấy, trước hết là do các người quốc gia muốn cụ thể hóa nền độc lập. Họ không muốn tôi ở vị trí lãnh đạo vì tôi không có đủ phương tiện để tranh thủ độc lập từ người Pháp; nhưng vì có một Chính phủ được người Mỹ ủng hộ, nên dân Việt Nam cho rằng chính phủ ấy có nhiều phương tiện hơn tôi để tranh thủ từ người Pháp một nền độc lập thật sự.
Fédéric Mittérand.- Và Ngài đã thoái vị. Từ đây bắt đầu một giai đoạn thật ly kỳ trong cuộc đời Ngài. Đó là giai đoạn quan hệ với Cụ Hồ Chí Minh và người cấp dưới của ông ấy. Ngài đã tiếp xúc với Cụ Hồ Chí Minh hay ai tiếp xúc?
Baỏ Đại.-Trước tiên các Bộ trưởng của Cụ Hồ tiếp xúc với tôi, để tiếp nhận sự chuyển giao quyền lực.
Fédéric Mittérand.- Luôn luôn đi theo nguyên tắc một sự kế tục hợp pháp. Nền Cộng hòa là cô gái do nhà vua sinh ra?
Bảo Đại- Có thể là như vậy.
Fédéric Mittérand.- Và Ngài đã chuyển giao quyền lực?
Bảo Đại.- Chính tôi đã khai sinh ra cái nền Cộng hòa đó. Lúc đó đại diện Cụ Hồ Chí Minh nói với tôi: “Mời Ngài đi Hà Nội. Cụ Hồ có thể quen biết Ngài”. Rồi tôi đi Hà Nội.
Fédéric Mittérand.- Ngài trở thành Vĩnh Thụy?
Bảo Đại.-Vâng, tôi trở thành một công dân thường.
Fédéric Mittérand.- Ngài không quá hối tiếc nền quân chủ đã chấm dứt ? Nền quân chủ ấy dầu sao cũng là một thể chế đã được tổ tiên Ngài lập nên?
Bảo Đại.- Có chứ, dĩ nhiên tôi còn cảm thấy nhiều hơn. Và hối tiếc nữa, nhưng nó là một trang sử đã được lật qua. Đó là định luật của nước tôi.
Fédéric Mittérand.- Và Ngài đã muốn để mình lật trang sử đó?
Bảo Đại.- Tôi muốn để chính tôi lật, thay vì để cho một vũng máu lật trang sử.
Fédéric Mittérand.- Và Ngài đã đi Hà Nội để gặp Cụ Hồ Chí Minh. Điều kỳ lạ là Cụ Hồ Chí Minh đối xử với Ngài với một sự cung kính đặc biệt?
Bảo Đại.- Vâng, xin đừng quên rằng Cụ Hồ Chí Minh xuất thân từ một gia đình quan lại. Và Cụ đã đối xử với tôi như tôi còn làm vua. Cụ cấm những người xung quanh Cụ gọi tôi bằng đồng chí, bằng những tên gọi của giai cấp vô sản, và luôn luôn gọi tôi là Hoàng thượng.
Fédéric Mittérand.- Cụ Hồ Chí Minh mời Ngài làm Cố vấn tối cao của Chính phủ?
Bảo Đại.- Vâng, lúc đó không một lý do gì để mà từ chối bởi vì mọi người Việt Nam đều theo Cụ. Điều chúng tôi muốn, là nước nhà phải được độc lập. Tôi muốn làm dân một nước độc lập hơn làm vua một nước nô lệ. Mọi người Việt Nam đều muốn ủng hộ Chính phủ ấy để tranh thủ một nền độc lập thực sự.
Fédéric Mittérand.- Ngài đã ở gần Cụ Hồ Chí Minh. Cụ ấy đã cho Ngài cảm tưởng thế nào về Cụ ấy? Nay đã qua một thời gian dài, cảm tưởng ấy có thay đổi nhiều không?
Bảo Đại.- Không, không thay đổi. Tôi luôn luôn xét Cụ Hồ Chí Minh ngoài cái tư tưởng Cộng sản của ông ấy. Ông hãy nhớ đại hội Tours, Cụ Hồ ở Pháp lúc ấy ; rồi Cụ đi Moscou để lập Đảng Cộng sản Việt Nam.
Fédéric Mittérand.- Nhưng đối với Ngài, Cụ Hồ cũng là một nhà ái quốc?
Bảo Đại.-Đối với tôi, còn hơn thế nữa, đó là một người có tinh thần quốc gia. Cụ là một người yêu nước.Tiếc thay sau lưng Cụ có một Uỷ ban, là Xô Viết tối cao, gồm có vài người Ba Lan, người Nga, bắt buộc Cụ phải tiến tới.
-Fédéric Mittérand trong cuốn sách của Ngài, không thấy có một lời buộc tội khắc khe nào đối với Cụ Hồ. Ngài quý trọng Cụ Hồ? Và cũng thế, quả là rất ngạc nhiên khi thấy Cụ Hồ không bao giờ công kích Ngài?
Bảo Đại.- Không, không có lý do gì để tôi công kích Cụ ấy. Ban đầu, tôi còn ủng hộ Cụ ấy nữa. Cố gắng đưa nước nhà thoát khỏi chiến tranh, vì chúng tôi đã khổ vì chiến tranh.
Fédéric Mittérand.- Một sự kiện lạ lùng. Có lúc Cụ Hồ đã nghĩ đến việc trao lại quyền hành cho Ngài?
Bảo Đại.- Nhưng việc này chính tự tay Cụ Hồ. Một hôm, Cụ Hồ đến gặp tôi. Trước đó Cụ đã gọi điện thoại, Cụ nói sẽ đến gặp tôi. Tôi tưởng Cụ ấy ốm. Cụ nói với tôi: “Không có, tôi muốn Ngài nắm lại chính quyền”. Tôi hỏi: “Tại sao ?”. Ông nói: “Tôi bị để ý quá. Tôi quá đô. Tôi cảm thấy không được Đồng minh tín nhiệm.” Tôi tưởng Cụ Hồ đùa. Cụ nói: “Không có, Ngài hãy chuẩn bị trình diện một Chính phủ vào cuối ngày hôm nay”. Trong ngày, tôi đã có nhiều cuộc tiếp xúc, cho đến chiều thì Cụ Hồ lại gọi tôi. Cụ nói: “Sau khi đã suy nghĩ kỹ lại, xin Ngài bỏ qua cho tôi chuyện vừa qua. Trước cái khó khăn của hoàn cảnh nầy, tôi không có quyền đào nhiệm”. Tôi nói: “Vậy thì xin Cụ hãy tiếp tục !”
Fédéric Mittérand.- Quả là quá ngạc nhiên, rất xúc động khi thấy có sự đoàn kết cao như vậy. Tại sao cuộc thương thuyết với nước Pháp bị bế tắc? Phải chăng lỗi hoàn toàn về phía Pháp?
Bảo Đại.- Hãy bắt đầu với hiệp ước ngày 6-3 ký giữa Sainteny và Cụ Hồ. Tôi biết rõ hiệp ước ấy vì tôi đã soạn thảo với Cụ Hồ. Hiệp ước ký xong thì tôi đi Trung Quốc. Sau đó là hội nghị Fontainebleau. Khi Cụ Hồ sang Pháp, hội nghị không đạt kết quả gì, vì mỗi bên đều giữ vững lập trường của mình. Không ai muốn thương lượng thật sự, phía Pháp cũng như phía Việt Nam.
Fédéric Mittérand.- Tôi tưởng tượng có những hàng “tít” trên các báo. Ngài đã trở nên một ông vua “đỏ”?
Bảo Đại.- Hoàn toàn không như vậy. Mọi người gọi tôi là công dân Vĩnh Thụy. Chỉ có thế.
Fédéric Mittérand.- Lúc ấy Ngài đã biết gì về Chủ nghiã Cộng sản? Ngài đã nắm hết Chủ nghĩa Cộng sản?
Bảo Đại.- Không, tôi biết rất ít.
Fédéric Mittérand.- Trong khoảng thời gian hai năm ấy, Ngài đã ở bên cạnh Cụ Hồ, và Ngài đã giúp cho Cụ Hồ nhiều việc quan trọng. Nếu phải lập lại việc này hôm nay, Ngài cũng sẽ lập lại chăng? Ngày nay Ngài đánh giá việc này thế nào?
Bảo Đại.- Còn tùy. Nếu là vì hạnh phúc của thần dân tôi, tôi cũng sẽ làm.
Fédéric Mittérand.- Nhưng việc này có phục vụ dân không?
Bảo Đại.- Tôi không nghĩ như vậy.
------
[1] Chính phủ Trần Trọng Kim gồm có : Tổng lý Nội các : Trần Trọng Kim; Bộ trưởng Ngọai giao: Trần Văn Chương ; Bộ trưởng Tiếp tế : Nguyễn Hữu Thi ; Bộ trưởng Thanh niên : Phan Anh; Bộ trưởng Tài chính : Vũ Văn Hiền ; Bộ trưởng Nội vụ : Trần Đình Nam; Bộ trưởng Y tế-Cứu tế : Vũ Ngọc Anh; Bộ trưởng Tư pháp : Trịnh Đình Thảo; Bộ trưởng Y tế : Hồ Tá Khanh; Bộ trưởng Giáo dục và Mỹ thuật : Hoàng Xuân Hãn ; Bộ trưởng Công chánh : Lưu Văn Lang.
CÒN NỮA...