Từ trước đến nay các tác giả Việt Nam và Pháp viết về cuộc đời Cựu hoàng Bảo Đại đều dựa vào tài liệu người khác viết về ông. Bởi thế nhiều bài, nhiều sách, kể cả phim ảnh nói chưa đúng về cuộc đời và tư tưởng của ông như bà Mộng Điệp đã nghĩ “ông có những cái tốt hơn và cũng có những cái xấu hơn so với những gì người đời đã biết về ông“. Bắt đầu từ những năm tám mươi, lần đầu tiên người ta được tham khảo cuốn Con Rồng An nam (Le Dragon d’ Annam, Nxb Plon. 1980), mệnh danh là hồi ký của ông. Nhưng tiếc thay cuốn hồi ký đó như bà Mộng Điệp đã cho biết do Julien Fond thực hiện với tư duy của một vị tướng thực dân nên chứa đựng rất nhiều điều sai lạc. Trên đường đi sưu tập tư liệu triều Nguyễn và Huế xưa, may sao tôi chép được một cuốn phim của Đài Truyền hình Pháp do Fédéric Mittérand - một nhà sử học Pháp nổi tiếng, cháu cựu Tổng thống Mittérand phỏng vấn Cựu hoàng Bảo Đại vào đầu những năm chín mươi. Những gì Cựu hoàng trả lời phỏng vấn Đài Truyền hình Pháp rút ra từ chính cuộc đời ông, từ tâm can của ông, không qua bất cứ một sự giúp đỡ nào từ bên ngoài nên rất trung thực. Qua những gì ông nói về ông lúc ông sắp từ giã cuộc đời, các nhà nghiên cứu có thể hiểu ông một cách đích thực; đồng thời cũng thấy được bản chất của ông, thông cảm cho hoàn cảnh của ông hay lên án những chủ trương ngược dòng lịch sử của ông một cách khách quan nhất. Với sự giúp đỡ của Kỹ sư Bùi Hữu Lân (cựu sinh viên Trường Bách khoa Pháp), phải mất nhiều năm chúng tôi mới chuyển ngữ xong được lời thọai của cuốn phim này. Với ý tưởng cố gắng cung cấp cho bạn đọc một tư liệu “đầu tay” nên chúng tôi cố giữ theo nguyên bản. Và, trước khi chấm dứt mấy lời giới thiệu nầy, tôi xin gởi lời cám ơn nhà sử học Fédéric Mittérand của Đài Truyền hình Pháp đã có công thực hiện cuốn phim này. Và, vì Đông Tây cách trở nên chúng tôi không liên lạc được với ông để xin phép ông được sử dụng tài liệu trong cuốn phim phỏng vấn Cựu hoàng Bảo Đại của ông. Rất mong ông thông cảm cho sự thiếu sót này.
Nguyễn Đắc Xuân

Cựu hoàng Bảo Đại - tác giả hồi ký Con Rồng An Nam
Cựu hoàng Bảo Đại nói về đời mình
Lời bình trong Phim : Một người có vẻ giản dị và sống ẩn dật, kín đáo. Hàng xóm không biết rõ quá khứ của ông ta. Ông là một trong số những người quan trọng có kể chuyện xưa thỉnh thoảng. Ông có tất cả cái ký ức của một quốc gia rất xưa và rất sáng lạng, một quốc gia đã chịu bao nhiêu thống khổ trong thời hiện đại.
Ông đã từng là Hoàng đế trong nhiều thập niên; thời thơ ấu là một ông hoàng con sống trong bốn bức tường của Hoàng cung; thời niên thiếu sống ở Pháp, nước Pháp của thập niên 20; là một ông vua cố gắng khôi phục nền tự chủ của nước mình; là người bạn đồng hành tạm của Cộng sản, thương lượng về nền độc lập của nước nhà bên cạnh Cụ Hồ Chí Minh; đứng đầu một quốc gia, quốc gia đã được tướng De Lattre bảo vệ, nhưng đã chết ở Điện Biên Phủ; là đề tài của nhiều câu chuyện trong báo chí; là người bạn chơi khó tính và đáng kính đối với những ai hiểu ông; sau cùng là người sống lưu vong, khép mình trong suy tư và trầm lặng.
Lần đầu tiên ông Bảo Đại xuất hiện, nói với chúng ta về những kỷ niệm và ước vọng của ông.

Cựu hoàng Bảo Đại trả lời Phỏng vấn Fedéric Mittérand (Truyền hình Pháp)
- Hiện thân của sự gặp gỡ giữa Đông và Tây (*)
Fédéric Mittérand.- Thưa ngài, câu hỏi thứ nhất, làm vua nước Việt Nam không giống như làm vua các nước ở châu Âu. Nền quân chủ ở Việt Nam có gì khác.
Bảo Đại.- Nền quân chủ ở châu Á, dù là ở Trung Quốc hay ở Việt Nam, là một nền quân chủ hoàn toàn khác. Không phải hoàn toàn là quân chủ chuyên chế như thời vua Louis 14 ở Pháp. Nền quân chủ ở nước tôi, là một nền quân chủ gần như là đại nghị, bởi vì đoàn quan lại làm thành triều đình là một loại nghị viện. Mỗi khi cần lấy một quyết định quan trọng, nhà vua thường xin ý kiến của các quan trước khi mình quyết định. Hơn thế nữa còn có Viện Đô Sát để giám sát nhà vua và điều này các nước khác không có.
Fédéric Mittérand.- Trong hồi ký của Ngài, Ngài có nói : “Phép vua thua lệ làng”. Xin Ngài cắt nghĩa cho chúng tôi rõ.
Bảo Đại.- Chính Đức Khổng Tử là người đã quy định cách sống trong một nước. Mỗi làng là một nước Cộng hòa nhỏ, được tự do bầu lên các chức sắc, lý trưởng của họ. Nhà vua chỉ là một trọng tài, người trọng tài lớn của cả nước. Vì vậy nên mới có câu: “Phép vua thua lệ làng.”
Fédéric Mittérand.- Điều dạy ấy của Khổng Tử là rất quan trọng trong đời sống người Việt, đến mức nó làm thành một loại hiến pháp không viết ra?
Bảo Đại .- Vâng, Khổng Tử đối với chúng tôi, là nhà triết học lớn. Ngài đã đưa ra các quyết định đối với mọi người trong xã hội, từ ông vua cho đến người bần nông.
Fédéric Mittérand.- Cũng có một thứ huyền bí tôn giáo trong nền quân chủ ? Nó giữ cho lễ nghi được trường tồn ?
Bảo Đại - Nền quân chủ ở nước tôi, không phải là một nền quân chủ thay quyền thượng đế. Nhà vua được xem như là con trời, vì vua ngồi đó để làm mối liên lạc giữa trời và đất (tức là thần dân)
Fédéric Mittérand.- Vua cũng đứng ra giữ mối liên tục lịch sử ?
Bảo Đại - Đúng vậy, cho nên Khổng Tử đã dạy chúng tôi thờ phụng tổ tiên.
Fédéric Mittérand.- Như vậy, Ngài là người trách nhiệm chính, là người bảo đảm sự liên tục ?
Bảo Đại - Vua là con trời. Bổn phận của tôi là phải báo cáo với trời về nhiệm vụ của tôi trên thế gian. Tôi có nhiệm vụ phải tạo nên hạnh phúc cho thần dân tôi.
Fédéric Mittérand.- Còn có một cơ chế nữa, mà chúng tôi là người phương Tây, rất chú ý, đó là cơ chế quan lại. Trên thực tế quan lại không tạo nên một giai cấp, họ làm quan là nhờ ở tài đức ?
Bảo Đại - Đúng vậy, có những khoa thi, bất cứ một người Việt Nam nào, dù là một nông dân tầm thường, cũng có thể nhờ học vấn, giáo dục qua các khoa thi, giữ được các chức vụ ở triều đình. Kể cả các chức vụ quan trọng.
Fédéric Mittérand.- Đó là những khoa thi rất khó ?
Bảo Đại - Vâng.
Fédéric Mittérand.- Người Pháp đã lấy một phần đất của nước Ngài, là xứ Nam kỳ; người Pháp đã đặt nền bảo hộ trên hai phần còn lại, là xứ Bắc kỳ và xứ Trung kỳ. Vậy thì người Pháp còn dành lại cho Ngài những quyền hành gì ?
Bảo Đại - Trên thực tế thì nhà vua không còn bao nhiêu quyền cả. Tôi lên ngôi lúc 12 tuổi và tôi tiếp tục đi học ở Pháp cho đến năm 18 tuổi. Lúc ấy tôi về nước và nhận thấy rằng, tất cả các quyền hành của nhà vua đều nằm trong tay ông Khâm sứ. Tôi muốn thay đổi tình trạng đó, nhưng không thay đổi được. Tôi bị cản mũi bởi các quan chức người Pháp. Họ không chịu nới lỏng nền cai trị của họ.
Fédéric Mittérand.- Ngoài ra, nhà vua còn một uy tín rất lớn đối với thần dân ?
Bảo Đại - Luôn luôn như thế. Thần dân, ở Việt Nam cũng như ở Trung Quốc, có lòng tôn kính đối với nhà vua. Đây là một tập tục tự ngàn xưa.
Fédéric Mittérand.- Nhà vua đóng đô ở đâu ? Ở Huế ?
Bảo Đại - Ở Huế, đó là Kinh đô.
Fédéric Mittérand.- Ở đây, có các kiến trúc cung điện rất đẹp ?
Bảo Đại - Huế là một bản sao của Bắc Kinh. Đó là một Bắc Kinh nhỏ.
Fédéric Mittérand.- Xin Ngài hãy kể một ít về thời thơ ấu của Ngài. Trong cuốn sách của Ngài có những xúc động về thời thơ ấu đó. Quả là một thời thơ ấu rất cô đơn. Ngài được giao cho một giáo đạo để dạy cho Ngài giáo lý Khổng Mạnh, Ngài tiếp xúc rất ít với Hoàng đế cha Ngài, quan hệ rất nghi lễ với Hoàng hậu mẹ Ngài và bà Hoàng Thái hậu. Ngài đã học được một điều có ảnh hưởng đến cuộc đời Ngài : đó là được sự bình thản ?
Bảo Đại - Vâng, đó là một thứ giáo dục dành cho các Đông cung Thái tử. Giáo dục khá nghiêm, làm Thái tử phải biết đè nén tình cảm, không có dục vọng và phải bình thản.
Fédéric Mittérand.- Trong cuốn hồi ký của Ngài, có những câu : “ Ăn quả nhớ kẻ trồng cây”; “ Làm điều thiện thì khó khăn như đi lên, làm điều ác thì dễ dàng như đi xuống”; “Một cá nhân sáng suốt cũng không làm được gì nếu cả tập thể mù quáng”. Các câu này đã ảnh hưởng gì đến Ngài?
Bảo Đại - Vâng, ảnh hưởng đến nay vẫn còn. Ảnh hưởng suốt cả thời thơ ấu của tôi, tôi lặp đi lặp lại mỗi ngày. Cho đến nay, tôi vẫn còn cảm thấy ảnh hưởng.
Fédéric Mittérand.- Như vậy, Ngài đã là một cậu bé không buồn rầu, không ham muốn; trên thực tế Ngài đã học cách đè nén tất cả ?
Bảo Đại - Đúng vậy.
Fédéric Mittérand.- Trong đời Ngài việc nào đã đẩy Ngài đến một lối sống cô đơn và suy tư ?
Bảo Đại - Đúng vậy.
Fédéric Mittérand.- Hoàng phụ cha Ngài đã quyết định cho Ngài đi học ở Pháp. Theo Ngài, đâu là nguyên nhân đưa đến quyết định ấy ?
Bảo Đại - Vì tôi là con một gia đình thừa kế, Hòang phụ muốn người kế vị phải có một học vấn Tây phương, ngoài học vấn Đông phương vốn có. Vì vậy, Ngài đã đem tôi qua Pháp khi Ngài đi công du ở Pháp. Khi tôi đến Pháp thì Ngài giao tôi cho ông bà Charles trông nom. Lúc đó tôi mới thấy được đời sống của một đứa bé bình thường là thế nào.
Fédéric Mittérand.- Trong chuyến đi Pháp, Ngài đã khám phá thế giới. Ngài đi ngang qua núi lửa Strombol. Ngài chưa bao giờ thấy một núi lửa, thấy được sự vĩ đại. Ngài thụ hưởng một nền giáo dục có rất ít khoa học chính xác, như môn địa lý chẳng hạn.
-----
(*) Đầu đề các đoạn nhỏ do người chuyển ngữ đặt. NĐX

Vua Khải Định đem Hoàng thái tử Vĩnh Thụy qua Pháp khi ông đi công du Pháp (1922). Ảnh trích Le Dragon d’Annam. Do NĐX st
Bảo Đại - Ngoài giáo lý Khổng mạnh, tôi đã không được học địa lý và lịch sử. Đối với tôi, đây là một khám phá mới. Đây là lần đầu tiên tôi bước ra khỏi Hoàng cung. Đi xe lửa, đi tàu thuỷ, đối với tôi là chuyện lạ.
Fédéric Mittérand.- Ngài đến Pháp. Có một điều nhớ tiếc. Có một nhân vật rất quan trọng ở triều đình Huế, bà Hoàng Thái hậu. Ngài nói rằng đây là một Catherin de Médivis theo kiểu Việt Nam.
Bảo Đại - Sau khi tổ phụ tôi qua đời, Bà đã làm tất cả để cha tôi có thể lên làm vua. Chính Bà đã dạy cha tôi và tôi làm vua.
Fédéric Mittérand.- Ngài đến Pháp, xin Ngài cho biết thời đó, Hoàng gia nước Việt Nam thấy nước Pháp như thế nào ?
Bảo Đại - Ban đầu nhìn thấy đời sống ở Pháp, tôi lấy làm ngạc nhiên. Rồi tôi quen lần lần. Người ta đưa tôi đi xem công viên Champs de Mars, rạp hát Guignol, cỡi ngựa gỗ. Như thế, tôi đã khám phá lần lần những gì trong đời sống của một đứa bé bình thường ở trạc tuổi tôi. Cũng từ đó tôi bắt đầu có đồ chơi. Ông bà Charles cho tôi đồ chơi, đây là những món tôi hoàn toàn không biết khi tôi còn ở trong cung.

HTT Vĩnh Thụy trước bàn học tại Pháp. Ảnh TL nước ngoài do NĐX st.
Fédéric Mittérand.- Ngài có nhớ nhà không, hay là Ngài hoàn toàn thích ứng với đời sống ở Pháp ?
Bảo Đại - Tôi đã thích ứng rất mau, với một cậu bé sống theo kiểu Pháp.
Fédéric Mittérand.- Ngài đã trở thành người Pháp hay Ngài vẫn còn là người Việt Nam ?
Bảo Đại - Tôi là hỗn hợp của hai nền văn minh. Tôi là sự gặp gỡ giữa Đông và Tây. Tôi là người tượng trưng tốt nhất cho hai nền giáo dục.
Fédéric Mittérand.- Và Ngài cũng đã học nhạc ?
Bảo Đại - Vâng, tôi rất thích nhạc. Chính phủ Pháp không muốn tôi đi thi, bởi vì tôi đi thi, môn nào tôi cũng phải đạt kết quả, trội hơn các bạn đồng hương của tôi.

HTT Bảo Đại đến thăm một trường học và chơi bóng bàn với học sinh của trường. Ảnh TL nước ngoài do NĐX st.
Fédéric Mittérand.- Dẫu sao, Ngài cũng đã đến trường học ?
Bảo Đại - Tôi có đi học. Tôi có theo học ở nhiều trường Trung học ở Paris. Sau đó, tôi học trường Khoa học Chính trị.
Fédéric Mittérand.- Tại lễ khánh thành nhà Đông Dương ở Đại học xá, Ngài đã chứng kiến một sự cố làm Ngài xúc động ?
Bảo Đại - Lúc khánh thành, lúc ấy tôi không hiểu. Sau đó, tôi mới biết rằng có một vụ bạo động nhỏ ở miền Bắc, và có một cuộc đàn áp khá khốc liệt.
Fédéric Mittérand.- Ngài có nhận được tin tức thường xuyên bên nhà?

Cụ Lê Nhữ Lâm - giáo đạo chữ Hán được cử sang Pháp dạy HTT Vĩnh Thụy. Ảnh do NĐX st.
Bảo Đại - Vâng, tôi có đều đều, bởi vì tôi có cạnh tôi một quan giáo đạo[1] tiếp tục dạy tôi giáo lý Khổng Mạnh, để cho tôi không quên căn bản.
-----
[1] Tức cụ Cử Lê Nhữ Lâm
CÒN NỮA....