Là một người nghiên cứu triều Nguyễn, cho đến những năm cuối thế kỷ trước, tôi rất sợ các bạn trẻ hỏi tôi về một nửa đời sau của vua Hàm Nghi ở chốn lưu đày.
Vua Hàm Nghi xuất bôn hồi tháng 7-1885, ba năm sau (1888) ông bị bắt và bị đày sang Algérie - một nước thuộc miền bắc châu Phi. Theo tài liệu của Nguyễn Phước tộc cho biết sơ lược là ở chốn lưu đày Cựu hoàng Hàm Nghi đã có vợ, có con, tiêu khiển cho hết những năm tháng đi đày bằng nhiếp ảnh, hội hoạ. Nhưng cụ thể những việc ấy như thế nào thì ngay cả Hoàng tộc ở trong và ngoài nước cũng đều không biết. Nhiều người Việt Nam đi làm chuyên gia bên Alger nhiều năm vẫn không biết một tý gì về vua Hàm Nghi từng ở đó cả. Tôi không bao giờ dám nghĩ sẽ có dịp đi Alger nghiên cứu về những năm tháng vua Hàm Nghi ở Alger và thăm lăng mộ của ông. Rồi bất ngờ, một hôm vào đầu năm 1998, ông Daniel Grandclément – một nhà văn Pháp rất trẻ đến Gác Thọ Lộc (Huế) thăm tôi và xin tham khảo tài liệu về các vua cuối triều Nguyễn để ông viết sách về Cựu hoàng Bảo Đại. Trong lúc trao đổi ông vô tình cho tôi biết “Các con của vua Hàm Nghi đã dời lăng mộ vua Hàm Nghi từ Algérie qua Pháp từ lâu rồi. Công chúa Như Lý – con gái vua Hàm Nghi, hiện còn sống ở tỉnh Corrèze thuộc vùng Limoussine ở miền Trung nước Pháp biết rõ việc ấy. Lâu đài De la Nauche của Công chúa Như Lý cũng ở gần thôn Chabrignac có lăng mộ Hoàng hậu Nam Phương – vợ của ông vua Nguyễn cuối cùng ở Việt Nam”.
Biết được thông tin ấy tôi mừng như bắt được vàng. Tôi hạ quyết tâm sẽ vay mượn tiền bạc để trở lại Pháp một lần nữa. Nếu chưa gặp được Công chúa con gái vua Hàm Nghi và chưa thăm được lăng mộ Hoàng hậu Nam Phương thì tôi sẽ chưa về lại quê nhà. May sao là quyết tâm của tôi đã trở thành hiện thực và tôi không mắc phải tội ở lại nước người một cách tùy tiện.
Tôi qua Paris lần thứ hai vào ngày 14-1-1999. Dành một tuần lễ để chuẩn bị cho chuyến đi Corrèze. Nhiều người sợ tôi đi không đến nơi, hoặc đến nơi mà không được người am hiểu giúp thì chưa chắc thành công. Bà chủ tiệm ăn Đào Viên ở Quận 13 – bạn của bà Mộng Điệp, giúp giới thiệu tôi với dược sĩ Nguyễn Duy Thản – một người Hà Nội, lấy vợ Hoàng tộc Pháp, có quan hệ mật thiết với giới Hoàng tộc ở Corrèze. Chỉ có giới Hoàng tộc mới tiếp xúc, mới biết được chuyện của người Hoàng tộc, còn giới bình dân thì đừng có hòng. Tôi rất vui mừng được dược sĩ Thản nhiệt tình nhận lời giúp tôi. Thầy Trần Văn Khê nghe tôi sắp đi tìm gặp Công chúa con gái vua Hàm Nghi và đi thăm lăng mộ Hoàng hậu Nam Phương hấp dẫn quá Thầy cũng nhờ ông Huỳnh Văn Tươi – thư ký của Thầy đi theo quay phim và chụp ảnh giúp tôi. Bao nhiêu năm sống trên đất Pháp mà không có một Việt kiều nào quan tâm đến vua Hàm Nghi và Hoàng hậu Nam Phương cả. Nay nghe tôi ở Việt Nam qua đi tìm các nhân vật lịch sử ấy khiến nhiều người chạnh lòng nên họ hết lòng ủng hộ tôi. Tôi không ngờ được may mắn đến thế.
Sáng 24-1-1999, ba chúng tôi gồm dược sĩ Nguyễn Duy Thản, “cameraman” Huỳnh Văn Tươi và tôi hẹn gặp nhau ở ga Austerlitz. Rồi mỗi người tự bỏ tiền túi ra mua vé tàu lửa về ga Uzerche - một thị trấn của quận Tulle (tỉnh lỵ của tỉnh Corrèze). Tỉnh Corrèze, thuộc vùng hành chính Limousin ở miền Trung nước Pháp, cách Thủ đô Paris trên 450 km. Vùng nầy nghèo, đất đai phần lớn của các Giám mục (Evêque) và của các gia đình quý tộc cũ dùng để chăn nuôi ngựa đua phục vụ cho trường đua ngựa quốc tế Pompadour.
Paris đi Uzerche chưa có tàu cao tốc (TGV). Tàu tốc hành phải chạy từ sáng đến quá trưa mới đến. Nhờ dược sĩ Thản liên hệ trước nên chúng tôi được một gia đình quý tộc ở đây đưa ô-tô ra ga đón và đưa về ăn và nghỉ trưa ở lâu đài Saint Martin Sépert của họ. Trong lúc người nhà chuẩn bị bữa ăn trưa, bà chủ lâu đàì mời tôi đi thăm một khu vườn rừng trong trang trại của bà và giới thiệu một chút về lịch sử và con người ở quê bà.
Các lâu đài ở đây đã được xây dựng từ nhiều thế kỷ dành cho các lãnh chúa ngày xưa. Mỗi lâu đài có đến ba bốn phòng ăn, hai ba phòng khách, hàng chục phòng ngủ cho người lớn, trẻ con và cho khách, có phòng để đồ cổ lưu niệm, có phòng hoà nhạc, phòng đọc kinh cầu nguyện, có hầm rượu... Người chủ lâu đài thường là nghiệp chủ của một vùng đất rộng từ một trăm đến vài ngàn hec-ta đất rừng, đồng cỏ và đất canh tác với hàng ngàn cừu, dê, bò... Người có lâu đài tự làm ra rượu nho, nước táo, bơ, phó-mát để dùng quanh năm. Thịt bò, thịt cừu lúc nào cũng sẵn.
Khi biết tôi rất quan tâm đến Công chúa Như Lý và Hoàng hậu Nam Phương của triều Nguyễn, ông bà Corbier - chủ lâu đài Saint - Martin - Sépert, đã giới thiệu với tôi một món “đồ cổ” liên quan đến Hoàng tộc Pháp và lịch sử Cách mạng 1789 ở Pháp. Chuyện kể: Hoàng hậu Marie Antoinette (1755-1793) của vua Louis 16 liên minh với nước ngoài chống lại Cách mạng Pháp 1789 nên đã bị Cách mạng bắt và hành quyết tại quảng trường Concorde (Paris) vào ngày 21-1-1793. Khi bị điệu đi từ nhà giam ra pháp trường, bà Hoàng hậu sợ quá, hai chân quấn vào nhau, một chiếc giày đã bật ra khỏi chân bà rơi lại ở dọc đường. Viên sĩ quan đi theo liền nhặt lấy giấu vào bọc áo đem về làm kỷ niệm. Chiếc giày ấy hiện còn được bảo quản trong một chiếc lồng gương hình vòm cung đặt tại lâu đài của gia đình quý tộc nầy. Bức tường đối diện với cái tủ đặt chiếc giày cổ là bức tranh sơn dầu vẽ chân dung người sĩ quan đã nhặt được chiếc giày “lịch sử” ấy.
Chiếc giày của bà Hoàng hậu Marie Antoinette chống Cách mạng Pháp thật khác với những gì tôi biết về Hoàng hậu Nam Phương- người đã đứng về phía nhân dân, chủ tọa Tuần lễ vàng ủng hộ Cách mạng Tháng tám 1945 ở Việt Nam. Khi quân Pháp đổ bộ tái chiếm Nam bộ (9-1945) bà lại gởi Thông điệp kêu gọi phụ nữ thế giới ngăn chặn bàn tay xâm lược của quân đội Pháp. Sự khác biệt giữa hai bà hoàng hậu trong Cách mạng 1789 ở Pháp và Cách mạng Tháng 8-1945 ở Việt Nam làm cho tôi thấy nôn nao muốn rời khỏi lâu đâì của ông bà Corbier ngay để đến viêng nơi an nghỉ cuối cùng của Hoàng hậu Nam Phương. Vì thế, mâm cơm khách trưa hôm ấy rất thịnh soạn mà tôi không cảm thấy ngon chút nào.
Ăn trưa xong, không cần phải nghỉ nữa, chúng tôi lên xe đi ngay. Đích thân ông Corbier cầm lái. Chiếc xe 4 chỗ ngồi len lỏi qua những con đường làng quanh co đồi dốc xưa nay chỉ dành cho ngựa đi. Ông Corbier biết trong vùng nầy có một vài gia đình Hoàng tộc gốc châu Á nhưng không biết tên. Với các tên Công chúa Như Lý, Hoàng hậu Nam Phương lạ quá, hỏi ai cũng không biết.
Xe chạy tới thụt lui một lúc rồi mới gặp được một người địa phương đang giữ ngựa. Hỏi Nam Phương, Như Lý gì ông cũng lắc đầu. Ông bảo hãy đến nhà ông thôn trưởng gần đó mà hỏi. Ông chỉ đường cho chúng tôi đến nhà ông thôn trưởng. Thôn có tên là Chabrignac. Ông thôn trưởng biết rõ “lịch sử” Hoàng hậu Nam Phương về làm dân Chabrignac từ năm 1958. Ông vui vẻ nhận lời hướng dẫn chúng tôi đến thăm trang trại Domain de la Perche của Hoàng hậu Nam Phương. Trên đường đi ông cho biết làng Chabrignac của ông thuộc tổng (canton) Juillac, Quận (Arondissement) Brive-la-Gallarde, tỉnh (département) Corrèze trong vùng (région) Limousin, nằm về phía trung tây (centre-ouest) nước Pháp, rộng khoảng 11 km2 với trên 500 dân. Các thị xã gần Chabrignac có Juillac, Lascaux, Saint-Bonnet-la-Rivière, Corrèze, Rosiers-de-Juillac. Từ Chabrignac ra ga xe lửa gần nhất cũng phải chạy qua 12 cây số (ga Allassac)[1]. Ông nói thêm “Người ta nói bà ấy đến nơi xa xôi nầy ở để giấu mình”.
Đi một lúc thấy mấy dãy nhà móng đá, tường gạch mái ngói cũ kỹ đứng trên một ngọn đồi thoai thoải, khoáng đãng, lưa thưa đây đó những cây cổ thụ cao vút đang vào mùa đông chơ vơ cành lá, nằm bên cạnh con đường dẫn tới Thành phố Brive-la-Gallarde. Chúng tôi đến trước một khung cổng hẹp đóng kín, phia trên đính tấm bảng mang dòng chữ Domain de la Perche mạ vàng khắc trên nền nâu. Đó là nơi ở cuối đời của Hoàng hậu Nam Phương. Chúng tôi mừng quá cho dù Domain de la Perche đã đổi chủ sang tên cho một người Ý từ sau năm Hoàng hậu qua đời (1963) và có lẽ từ đó đến nay (1999) ông chủ người Ý cũng đã sang qua tay nhiều chủ khác nữa. Kỷ niệm giây phút “đã về, đã đến” nơi đây, ông Huỳnh Văn Tươi đẩy tôi đến đứng ngay dưới cửa cổng nhỏ chụp một tấm hình.
Sau đó, người giữ trang trại mở cửa cho chúng tôi vào bên trong. Tôi thăm viếng khắp các tòa ngang dãy dọc, chạy từ cửa trước ra cổng sau, bấm máy lia lịa. Chụp hết bên trong chạy ngược ra bên ngoài, chụp gần, chụp xa như muốn thâu tóm cả cái không gian rộng lớn của Domain de la Perche và cái thôn Chabrignac nầy vào trong máy. “Cameraman” Huỳnh Văn Tươi cầm máy quay phim chạy phía sau tôi, quay liên tục, không bỏ sót một cảnh nào. Trong đời cầm bút, tôi đã đứng trước ống kính truyền hình nhiều lần nhưng chưa bao giờ tôi thấy sung sướng và có ý nghĩa như buổi chiều hôm đó trước ống kính của người thư ký của Thầy Trần Văn Khê.
Bên ngoài
Bên trong
Cảnh quan phía trước
Cổng sau
Thăm viếng Domain de la Perche xong, ông thôn trưởng hướng dẫn chúng tôi đến nghĩa trang có lăng mộ Nam Phương Hoàng hậu. Nghĩa trang chỉ cách thôn Chabrignac vài cây số, nằm trên sườn một đồi cao nhìn xuống con đường dẫn đến thị trấn Juillac. Đứng dưới đường nhìn lên thấy ngay cái nhà mồ cao to. Sau lên đến nơi rồi mới biết nhà mồ ấy của Gia đình de LaBesse. Phía phải nhà mồ có hai cây tùng xanh nghít. Ông thôn trưởng bảo “Mộ của Hoàng hậu Nam Phương nằm giữa hai cây tùng đó”.
Chúng tôi hồi hộp leo lên đồi đến trước hai cây tùng. Ngôi mộ của Hoàng hậu là một khối bê-tông hoen rỉ, rêu phong chứng tỏ từ lâu ngôi mộ không được tay người chạm đến. Đầu ngôi mộ đơn sơ dựng một tấm bia đá giản dị theo kiểu bình dân ở Việt Nam. Mặt trước tấm bia ghi dòng chữ Hán:
(Phiên âm): ĐẠI NAM NAM PHƯƠNG HOÀNG HẬU CHI LĂNG (Dịch nghĩa: Lăng mộ của Hoàng hậu Nam Phương nước Đại Nam).
Trên mộ có một cái bảng nhỏ bằng xi-măng đặt trước tấm bia chính khắc chữ Pháp: “ICI REPOSE L'IMPÉRATRICE D'ANNAM NÉE MARIE THÉRÈSE NGUYỄN HỮU THỊ LAN” (Dịch nghĩa: Đây là nơi an nghỉ của Hoàng hậu An Nam nhũ danh Marie Thérèse Nguyễn Hữu Thị Lan) .
Một bà Hoàng con đại gia, vợ ông vua Nguyễn nổi tiếng, nhan sắc Việt Nam đẹp nhất thế kỷ XX mà ngôi mộ của bà thua cả nhiều ngôi mộ của chị em tiểu thương chợ Đông Ba ở quê nhà. Thật tội nghiệp. Số phận của bà sao mà hẩm hiu đến vậy! Cả ba chúng tôi đều xúc động, không ai bảo ai, cả ba người cùng đến đứng bên nấm mộ ghi lại một tấm ảnh kỷ niệm. Ông thôn trưởng nhìn chúng tôi và có nhận xét “Bà yên nghỉ ở đây đã hơn 35 năm[2], đây là lần đầu tiên tôi thấy có ba người đồng hương của bà đến viếng mộ bà!”. Xin cám ơn lời nhận xét của ông thôn trưởng tốt bụng, nhiệt tình.
Dù rất xúc động và muốn dừng lại ở đây lâu để tưởng niệm bà, nhưng chúng tôi phải đi ngay để kịp đến nhà Công chúa Như Lý trước khi chiều xuống. Tôi xin hẹn với bà sẽ trở lại thăm bà, nếu không đến được Chabrignac một lần nữa thì xin sẽ “xây dựng” cho bà một “tấm bia kỷ niệm” trong sự nghiệp cầm bút viết sách về nhà Nguyễn và Huế xưa của tôi. Xin bái biệt bà!
*
* *
[Hoàng hậu Nam Phương nổi tiếng không những vì nhan sắc tuyệt đẹp mà còn vì đức hạnh thuộc loại “mẫu nghi thiên hạ”. Nhiều sách báo Việt Pháp đã viết về bà và gia đình bà. Tuy nhiên, vào những năm bà sống và chết lặng lẽ tại làng Chabrignac, nhiều độc giả Việt Nam chưa rõ. Tôi xin mở một dấu ngoặc bổ sung phần chưa rõ ấy].
1. Chuyện nước, chuyện nhà không vui
Cách mạng tháng Tám năm 1945 thành công, vua Bảo Đại thoái vị và tạm xa gia đình để ra Hà Nội làm cố vấn cho Chính phủ Việt Nam dân chủ cộng hòa. Hoàng hậu Nam Phương tiếp tục sống ở Huế lo nuôi dạy 5 người con dại, tham gia Tuần lễ vàng đóng góp vàng bạc gây quỹ cho chính quyền mới. Bà cũng đã nhân danh Hoàng hậu của ông vua vừa thoái vị gởi thông điệp vận động phụ nữ thế giới tố cáo âm mưu trở lại Việt Nam của thực dân Pháp. Không lâu sau đó Cựu hoàng Bảo Đại được cử sang Trung Quốc trong một chuyến công tác ngoại giao, rồi không chịu đựng được sự thử thách của hoàn cảnh ông trở lại cộng tác với Pháp (1949) và chống lại chính phủ mà ông đã trao ấn kiếm và nhận làm Cố vấn. Để tránh những rủi ro do chiến tranh gây nên, Hoàng hậu Nam Phương đưa năm người con sang Pháp (1947), lúc thì ở Paris, lúc về Cannes. Đến năm 1954, Pháp thua trận ở Điện Biên Phủ phải ký Hiệp định Genève, tạm thời chia hai đất nước. Bà vận động Cựu hoàng cử ông Ngô Đình Diệm lên nắm chính quyền ở miền Nam với hy vọng ông Diệm sẽ tạo điều kiện cho Hoàng Thái tử Bảo Long có một vị trí chính trị xứng đáng ở miền Nam. Không ngờ khi nắm được chính quyền rồi, ông Diệm lật lọng, tổ chức trưng cầu dân ý truất phế Cựu hoàng Bảo Đại (1955), tịch thu hết tài sản của gia đình bà ở Sài Gòn và cả ở Pháp. Cựu hoàng tức giận đổ bệnh thần kinh, thuốc thang, không chữa được. Nhiều lần Cựu hoàng bỏ nhà đi săn dài ngày hoặc đi sống với gái bụi đời. Cha con, vợ chồng tan tác, bà đau khổ đến cùng cực.
2. Làm dân làng Chabrignac
Vào năm 1958, bà cảm thấy không thể sống ở Paris được nữa, kể cả vùng ngoại ô. Để tránh mặt gia đình, người quen và cả báo chí, bà về mua một khu trang trại của dân quí tộc cũ ở làng (commune rurale) Chabrignac cách biệt Paris đến 450 cây số. Khu nhà rất lớn, toàn bằng gỗ, gạch và đá. Bà cho tân trang lại toàn bộ và lắp đặt đầy đủ các tiện nghi mới. Khu nhà có 32 buồng, 7 phòng tắm, 4 phòng khách…đứng trên một sườn đồi rộng 160 héc-ta mang tên Domain De La Perche.
Thoát khỏi những biến động của đất nước và gia đình ở Paris, Bà cảm thấy sống ở chốn đồng quê này rất thanh thản. Các con Bà làm việc và học hành ở các nơi thỉnh thoảng về thăm bà. Giữa bà và Cựu hoàng Bảo Đại lúc này chỉ còn nghĩa chứ đã hết tình. Hơn năm năm trời bà sống ở Chabrignac, dân làng chỉ thấy Cựu hoàng Bảo Đại về thăm bà vài ba lần và lần nào cũng ngắn ngủi. Mới nghe ông về thì đã thấy xe ông quay đi. Bà bị bệnh ngứa và nặng tai cũng là một lý do khiến cho ông Cựu hoàng ham chơi không thích ở gần bà. Hằng ngày bà sống với vài ba thị nữ thân thích của bà.
3. Đám cưới Công chúa Phương Liên, một kỷ niệm sâu sắc của dân làng Chabrignac
Như nhiều sách báo đã viết, sau ngày thành hôn và được tấn phong hoàng hậu (1934), Nam Phương sống với vua Bảo Đại tại điện Kiến Trung (Huế), và trong vòng 7 năm bà đã lần lượt sinh hạ cho Hoàng gia Nguyễn năm người con. Đó là Hoàng Thái tử Bảo Long (4-1-1936), Công chúa Phương Mai (1-8-1937), Công chúa Phương Liên (3-11-1938), Công chúa Phương Dung, (5-2-1942) và Hoàng tử Bảo Thăng (ngày 9-12-1943). Khi 5 người con này đến tuổi dựng vợ gã chồng thì trong gia đình Bảo Đại/Nam Phương không được yên ổn. (Một phần vì tác động chính trị, một phần vì cái tính thiếu trách nhiệm với con cái của Cựu hoàng Bảo Đại), chuyện hôn nhân của các ông hoàng, bà chúa cuối cùng này không được bình thường. Từ sau ngày về sống ổn định ở Chabrignac (1958), Hoàng hậu Nam Phương đã tổ chức đám cưới cho Công chúa Phương Liên với đầy đủ lễ nghi và thân tình. Hình ảnh đám cưới Công chúa Phương Liên đã để lại trong tâm trí dân làng Chabrignac những kỷ niệm khó quên. Người ta kể rằng:
Phương Liên và Bernard Soulain quen nhau từ hồi cùng du học bên nước Anh. Sau đó Bernard tốt nghiệp về nước đi nghĩa vụ quân sự rồi giải ngũ, về làm Ngân hàng ở Bordeaux (Pháp) với Phương Liên và họ yêu nhau. Chàng 28 tuổi, nàng 24 xuân xanh, đám cưới được tổ chức vào một sáng thứ bảy đầu năm 1962. Vào khoảng 11 giờ trưa, Bernard Soudain và Công chúa Phương Liên dắt nhau đến văn phòng làng Chabrignac, ông trưởng làng Henri Bosselut tổ chức cho đôi bạn trẻ ký giấy kết hôn trước sự chứng kiến của chính quyền địa phương, của người anh cả Hoàng thái tử Bảo Long và một vài người bạn khác. Đến 11g30, họ đưa nhau qua làm lễ ở nhà thờ Chabrignac do ông Blanchet đứng chủ lễ. Đến 13g30, một cuộc tiệc lớn được tổ chức tại Trang trại La Perche, người được mời dự tiệc thấy có sự hiện diện hiếm hoi của Cựu hoàng Bảo Đại. Riêng ở làng Chabringac, ông trưởng làng cũng tổ chức một cuộc tiệc mừng đôi uyên ương Phương Liên- Bernard Soulain dành riêng cho dân làng. Từ hôm đó Công chúa Phương Liên đã trở thành bà Bernard Soudain. Buổi chiều, đôi uyên ương rời Chabrignac đi hưởng tuần trăng mật ở vùng núi Alpes.
4. Một cái chết bất ngờ
Ngày 14 tháng 9 năm 1963, vào khoảng 5 giờ chiều, cựu hoàng hậu Nam Phương cảm thấy mệt bèn cho người nhà đi mời bác sĩ đến thăm mạch. Sau khi chẩn đoán, bác sĩ cho biết bà bị viêm họng nhẹ thôi, chỉ uống thuốc vài hôm là khỏi ngay. Nhưng không ngờ, bác sĩ vừa rời khỏi nhà chừng vài tiếng đồng hồ thì bà cảm thấy khó thở. Các thị nữ bèn đến nhờ một người Pháp hàng xóm đi mời hộ một bác sĩ khác ở Juillac hoặc Pompadour, nhưng người bác sĩ thứ hai chưa đến kịp thì Hoàng hậu Nam Phương đã tắt thở ngay trong đêm đó. Bà vĩnh biệt cuộc đời khi mới 49 tuổi (1914-1963). Người làng Chabrignac thương tiếc bà và cho đây là một cái chết bất ngờ (une mort inattendue). Các con bà đều làm việc và học hành ở Paris, ngoài hai người giúp việc trong nhà, trong giờ phút lâm chung, không có một người thân nào có mặt bên cạnh bà cả. Không một ai có thể ngờ được một bà Hoàng hậu đẹp đẽ, giàu sang, quí phái như thế mà lúc ra đi cô đơn đến thế !
Đám tang của bà Hoàng hậu Việt Nam lưu vong được tổ chức ở nhà thờ Chabrignac có mặt đầy đủ dân làng mến mộ bà. Về phía quan chức Pháp có ông Đốc lý quận Brive-La-Gaillarde, ông Thôn trưởng Chabrignac. Hôm đưa đám, năm người con của bà là Hoàng thái tử Bảo Long, hoàng tử Bảo Thăng, Công chúa Phương Mai, Công chúa Phương Liên, Công chúa Phương Dung, đều có mặt đi bên cạnh quan tài của mẹ. Cựu hoàng Bảo Đại không rõ vì sao không về. Và, sau đó cũng chẳng bao giờ thấy ông về thăm lăng mộ của bà.
Nơi an nghỉ cuối cùng của Hoàng hậu Nam Phương nằm ngay trong khu mộ thuộc Gia đình Bá tước de LaBesse. Vì thế hôm đưa tang Hoàng hậu đến đây, người chủ đất là bà Bá tước de LaBesse đến thăm. Bà Bá tước ấy chính là Công chúa Như Lý - con gái vua Hàm Nghi (dân Pháp thường gọi bà là Công chúa An Nam - Princesse d'Annam). Về thế thứ, Công chúa Như Lý là em con chú ruột của vua Khải Định, Công chúa ngang hàng cô (tante) của Bảo Đại/Nam Phương. Kể lại chuyện này, Công chúa Như Lý nói: “Ở gần nhau hàng năm năm mà không biết nhau, đến khi người cháu Nam Phương qua đời rồi mới biết. Thật tiếc thương”.
Vì thương mến bà nên người ta đã táng theo bà tất cả những đồ trang sức (bijoux) quí giá của bà. Việc ấy đã để lại một hậu quả rất xấu. Về sau bọn trộm đã nhiều lần đào bới lăng mộ bà để tìm vàng.
Dân làng Chabrignac tự hào xem lăng mộ Hoàng hậu Bảo Đại (la tombe de l'Impératrice Bao-Dai, tức lăng mộ Hoàng hậu Nam Phương) là một trong ba di sản (patrimoines) quí giá của Chabrignac. Hai di sản kia là một lâu đài (château) xây dựng từ thế kỷ XV và ngôi Nhà thờ (église) có từ thế kỷ XVI.
*
* *
Làng Chabrignac hẻo lánh, đường ô-tô dẫn đến làng đồi dốc quanh co, ít người ngoại quốc đặt chân đến đây. Người Việt Nam càng hiếm. Nhiều Việt kiều ở Pháp, trong đó có người cùng họ với Hoàng hậu Nam Phương cũng chưa một lần đến viếng lăng mộ bà. Nhưng bà nằm đó không đến nỗi cô đơn lắm. Gần lăng mộ bà có lâu đài De La Nauche của Công chúa Như Lý (1908-2005) và xế về phía nam năm bảy chục cây số ở biên giới tỉnh Dordogne có khu lăng mộ gia đình vua Hàm Nghi, gồm có vua Hàm Nghi, bà La Loé (bà Hoàng phi của vua Hàm Nghi), Công chúa Như Mai và Hoàng tử Minh Đức. Tôi hy vọng một ngày gần đây, ngành du lịch Việt Nam sẽ có một “tua” tham quan Chabrignac/ Dordogne.
Và, biết đâu vào một ngày đẹp trời sẽ có một mạnh thường quân Pháp Việt nào đó đứng ra xin đưa hài cốt các ông hoàng bà chúa lưu đày-lưu vong về Việt Nam. Những người sống đẹp thế nào cũng sẽ được đối xử đẹp. Tôi hy vọng như thế./.
[ Trích Nguyễn Đắc Xuân, 100 năm vui buồn Hoàng hậu Nam Phương, NXB Thuận Hóa sắp in)
________________________________________
[1] Xem bản đồ tỉnh Corrèze thuộc vùng Limousin tôi gặp nhiều địa danh có tiếp vĩ ngữ (suffixe) là “ac” như Chabrignac, Allassac, Juillac... Có người giải thích rằng:“ac” là chữ viết tắt của chữ La-tinh “acum” có nghĩa là “nhà”, hay “địa phận”. “Vùng nầy ngày xưa thuộc về môt ông nào đó cho nên cái tiếp vĩ ngữ “ac” để chỉ “đất này thuộc về người có tên gì đó …”làm chủ”. Từ đó, người Pháp mới có họ mang tên đất của mình. Cựu Tổng thống Pháp Jacques Chirac là người dân tỉnh Corrèze. Chirac là tên làng đã trở thành tên họ của ông.
[2] Từ 1963 đến 1999