Đảo Ngọc là mỹ danh của đảo Phú Quốc - hòn đảo lớn nhất Việt Nam, thuộc huyện Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang, nằm trên biển phía tây nam Đồng bằng sông Cửu Long. Đảo Phú Quốc là nơi phát xuất đạo Cao Đài, có thương hiệu Nước mắm Phú Quốc được ưa chuộng, nổi danh với Nhà lao Cây Dừa trước 30-4-1975, có bảo tàng tư nhân Cội Nguồn Phú Quốc, có bờ biển trong xanh, đặc biệt là Bãi Dài đứng đầu trong danh sách các Bãi biển tiềm ẩn (hidden beaches) đã được hãng tin ABC News bình chọn đứng đầu trong số 5 bãi biển đẹp và sạch.
Bãi biển này được xem là "tuyệt vời" nhất trong khoảng thời gian từ tháng 10 đến tháng 3 hằng năm. Đứng sau Bãi Dài của Phú Quốc trong danh sách trên là bãi Wildcat Beach ở California, Mỹ, Pink Beach ở Barbuda, một đảo có nhiều bãi cát rất đẹp thuộc Đại Tây Dương, Cayo Costa State Park phía Nam Florida và Majahuitas Cove của Mexico (Theo Tuổi Trẻ, Thứ Bảy, 01/03/2008). Đối với các nhà nghiên cứu triều Nguyễn, đảo Phú Quốc còn ẩn chứa nhiều dấu tích lịch sử chưa được làm rõ trong 24 năm “tẩu quốc” của Nguyễn Ánh (sau nầy là vua Gia Long) ở miền Nam.
Đến du lịch đảo Phú Quốc ngày nay, khách tham quan khởi hành từ trung tâm xã An Thới ở cực nam đảo Phú Quốc, đi khoảng 2 km đường rừng ven biển thấy xuất hiện một vùng nước xanh trong vắt, bãi cát trắng phau, bên ghềnh đá cheo leo có một viên đá giống như cái ghế tựa màu hồng quay lưng với biển. Dân chài ở địa phương truyền tụng rằng ngày xưa Nguyễn Ánh bị quân Tây Sơn truy kích phải bỏ đất Hà Tiên chạy ra đảo Phú Quốc và ông từng dừng chân ở vùng biển nầy. Chuyện kể: Sau nhiều ngày lênh đênh trên biển cả, quân tướng khát nước muốn chết. Nguyễn Ánh cầm gươm ngước vái Trời khấn nguyện xin nước rồi dậm chân cắm mũi kiếm xuống đất. Lạ thay, một dòng nước dưới lòng đất vọt lên. Quân tướng thè lưỡi nếm thử thì lạ thay đó là một dòng nước ngọt. Quân tướng hết sức mừng rỡ nối đuôi nhau vốc nước uống, vượt qua được cơn đe dọa chết khát. Nguyễn Ánh nghĩ mình có mạng đế vương nên được Trời giúp cho dòng nước ngọt. Niềm tin “phục quốc trong ông càng vững mạnh hơn”. Ông ngồi nghỉ chân trên viên đá mà dân chài tin đó là cái ngai màu hông .
Trải qua mấy trăm năm, dòng nước ngọt dưới chân Nguyễn Ánh trở thành một cái giếng nước ngọt hiếm hoi giữa vùng rừng biển mênh mông. Cái giếng do mũi kiếm của Nguyễn Ánh (sau nầy là vua Gia Long) khai mở nên được dân chài đặt tên là Giếng Ngự. Nhớ ơn Nguyễn Ánh, bên cạnh Giếng Ngự dân chài dựng một ngôi đền nhỏ thờ “Minh Vương”.
Dân địa phương và khách du lịch nghĩ đó là nguồn nước thiêng nên mỗi lần đi qua đây họ không quên vốc nước uống và tranh thủ lấy một vài chai về nhà uống tiếp. Nhà nghiên cứu và sưu tầm cổ vật lịch sử văn hóa Phú Quốc, chủ nhân bảo tàng tư nhân Cội Nguồn ở Côn Đảo rất trân trọng truyền thuyết của dân chài về Giếng Ngự. Ông đã dựng lại một mô hình Giếng Ngự ngay trong Bảo tàng Cội nguồn của ông. Tuy nhiên, Trương Thanh Hùng - tác giả sách Văn hóa dân gian đảo Phú Quốc (Nxb Phương Đông, TP HCM - 2008) lại cho rằng “truyền thuyết nầy có phần không hợp lý lắm, nhưng đó là tình cảm của người dân ở đây đối với Gia Long”, nên ông vẫn đưa vào sách của ông (tr.49).
Theo tôi, đã gọi là truyền thuyết thì ít khi hợp lý. Nhưng truyền thuyết Giếng Ngự ở đây đã gợi cho tôi liên tưởng đến một sự kiện lịch sử đã được chép chính thức trong sách Đại Nam Thực lục Chính biên, Đệ nhất kỷ, Quyển II - Thực lục về Thế tổ Cao hoàng đế (Gia Long), tại các tr. 6a và 6b:
Quý mão năm thứ 4 (1783), tháng 7, “Vua đến cửa biển Ma Li, dò thăm tình hình hư thực của giặc, gặp hơn 20 thuyền giặc bỗng đến vây chặt. Thuyền vua kéo buồm, nhắm hướng đông mà chạy, chơi vơi ngoài biển suốt bảy ngày đêm, trong thuyền quân sĩ đều khát. Vua lo lắm, ngữa mặt lên trời khấn rằng: “Ta nếu có phận làm vua thì xin cho thuyền nầy dạt vào bờ biển để cứư lấy mạng cho cả thuyền, nếu không thì chìm đắm giữa biển cũng cam lòng. Dứt lời thì gió yên sóng lặng, trước mũi thuyền nhìn thấy mặt nước đen trăng hai dòng, nước trong sủi lên. Mọi người trong thuyền nếm thử thấy ngọt, kêu lớn lên rằng “Nước ngọt!, nước ngọt!”. Do đó mọi người tranh nhau múc uống, ai nấy đỡ khát. Vua mừng rỡ, sai múc bốn năm chum, rồi nước biển lại mặn như cũ. Giặc đã lui, thuyền vua lại trở về đảo Phú Quốc”. (Bản dịch, Viện Sử học, ĐNTL, tập Một, Nxb Giáo Dục, 2002, tr.21).
Đây là đoạn sử chính thức của triều Nguyễn. So với đoạn sử nầy, truyền thuyết dân chài Phú Quốc về Giếng Ngự có lý hơn. Một hốc đá trên hòn đảo nhỏ có mạch nước ngầm dễ hiểu hơn chuyện giữa biển khơi có hai dòng nước đen trắng, mặn ngọt xuất hiện rồi biến mất.
Điểm du lịch Giếng Ngự ở Phú Quốc mở ra cho tôi một không gian lịch sử bi hùng của thời “Gia Long tẩu quốc”. Ngoài đảo Phú Quốc còn có đảo Thổ Chu và một số đảo nhỏ gần đó đã từng là nơi che chở nuôi dưỡng cho Nguyễn Ánh, cho gia đình ông và gia đình thân mẫu ông. Và, cũng từ trên những hòn đảo thân thiết nầy thể hiện quyết tâm “phục quốc” của Nguyễn Ánh, quyết tâm tiêu diệt dòng họ Nguyễn của Phong trào Tây Sơn, và cả những sai lầm mang tính lịch sử của Nguyễn Ánh trong quan hệ với Xiêm và Pháp lang sa để lại hậu quả vô cùng khốc liệt cho lịch sử triều Nguyễn sau nầy.
Nghiên cứu và đến thăm Phú Quốc để hiểu triều Nguyễn và Huế xưa hơn.
Gác Thọ Lộc, tháng 7-2009
Nguyễn Đắc Xuân