Hoằng Hóa Quận Vương Miên Triện - thân sinh của Đạm Phương nữ sử

Hồi còn học Trung học Đệ Nhất cấp (1956-1958) trường Quốc Học, tôi thường đến nhà anh Liên Đàm ở gần chợ Vỹ Dạ. Anh Đàm là con trai thứ của bác Tráng Đinh (cháu của Kỳ Ngoại hầu Cường Để), nhà có nhiều thơ văn lịch sử quý của Huế. Tôi đã được anh Đàm cho đọc thơ văn của Đạm Phương nữ sử và tôi rất thích. Nhờ thế mà sau nầy (từ 1975) đi nghiên cứu văn hóa lịch sử Huế, tôi sớm quan tâm đến bà Đạm Phương. Tôi sưu tập được một số tài liệu, sách, hình ảnh về bà và cũng đã viết một số bài về bà [1]. Nhưng thú thật, suốt mấy mươi năm tra cứu nhiều sách vở của Nam triều, của Pháp, của người cùng thời, hỏi chuyện các nhân chứng lịch sử, người trong Hoàng tộc tôi vẫn không thể nào có đủ thông tin để hoàn thành bản tiểu sử Hoằng Hóa Quận Vương Miên Triện - thân sinh của bà Đạm Phương.
Hoằng Hóa Quận Vương Miên Triện là con trai của vua Minh Mạng, thế mà trong Đại Nam Liệt Truyện (Nhị tập, Q.6 và Q.7, dành viết truyện các Hoàng tử con vua Minh Mạng) của Quốc sử quán triều Nguyễn không hề có một dòng nào viết truyện (tiểu sử) Hoằng Hóa Quận Vương Miên Triện cả. Ngay cả Hội đồng Trị sự Nguyễn Phúc tộc, khi biên soạn Nguyễn Phúc tộc Thế phả, cũng không đủ tư liệu để viết tiểu truyện của Vương. Lý do vì sao cho đến nay tôi vẫn chưa giải đáp được. Trong lúc đó việc tìm hiểu tiểu sử của Hoằng Hóa Quận Vương Miên Triện là một việc không thể thiếu khi giải thích về nguồn học vấn và tư tưởng của Đạm Phương nữ sử - người phụ nữ làm cầu nối trí thức giữa hai nền văn hóa cổ truyền và Phương tây hồi đầu thế kỷ XX. Bài viết nầy chưa giải quyết được vấn đề đang đặt ra nhưng dù sao cũng là một sự cố gắng bước đầu để các bậc thức giả, các nhà khoa học hiện nay quan tâm bổ túc cho được đầy đủ.
1. Hoằng Hóa Quận Vương Miên Triện – hoàng tử thứ 66 của vua Minh Mạng
Miên Triện ra đời ngày 19-7-1833 (3 tháng 6 Quí tỵ) là Hoàng tử thứ 66 của vua Minh Mạng và bà Tài Nhân Trần Thị Thanh. Bà Tài Nhân chỉ sinh có một người con là Miên Triện. Bà có tên húy là Hà Hương. Lúc bà qua đời được ban thụy là Trang Thận. Miên Triện ra đời lúc vua cha mới 42 tuổi còn rất sung sức. Cùng tuổi (sinh năm 1833) với Miên Triện có thêm 6 người anh (Miên Uyển, Miên Ổn, Miên Trụ, Miên Khế, Miên Ngụ, Miên Tả) và 3 cô em gái Tĩnh An, Thục Tư và Nhu Nghi.
Năm Vương lên tuổi 17 (1850, Canh tuất), được phong Triệu Phong Quận Công, xuất cung và lập Phủ riêng (ngày nay tại số 26 Tô Hiến Thành, P. Phú Cát, TP Huế). Không rõ Vương lập Phủ thiếp năm nào, chỉ biết Vương có hai bà vợ, sinh cho Vương hai người con gái là Công nữ Úy Đào và Công nữ Đồng Canh (sau nầy là bà Đạm Phương nữ sử).
2. Hoằng Hóa Quận Vương Miên Triện thời “tứ nguyệt tam vương”
Hoằng Hóa Quận Vương Miên Triện là người có tinh thần cầu tiến, ham mê đọc sách, trọng Đạo Nho. Do đó sau ngày vua Tự Đức băng (19-7-1883), ông rất buồn khi phải chịu đựng những biến động của thời “tứ nguyệt tam vương” do hai ông Tôn Thất Thuyết và Nguyễn Văn Tường thống lĩnh trong triều Nguyễn. Như nhiều sử sách đã ghi: Ưng Chân con nuôi của vua Tự Đức nối ngôi vua cha Tự Đức mới được ba ngày (tức vua Dục Đức) thì bị truất và bị bỏ chết khát trong tù. Văn Lãng Quận Vương - em thứ 29 của vua Tự Đức, đã 36 tuổi (sinh 1847), được tôn lên làm vua với niên hiệu Hiệp Hòa. Hoằng Hóa Quận Vương tưởng như thế xã tắc được yên để đối phó với giặc Pháp bên ngoài, không ngờ, Hiệp Hòa mới ngồi trên ngai vàng khoảng 4 tháng thì lại có âm mưu phế truất để đưa một người con nuôi khác của vua Tự Đức lên thay thế (tức vua Kiến Phước). Cuộc phế lập lần nầy đẫm máu và nước mắt được Đại Nam thực lục ghi lại như sau:
“Đến giờ mùi, hai người đón Hoàng tử thứ 3 vào viện Cơ mật tạm nghỉ và đem tờ tâu bỏ vua cũ lập vua mới, tâu lên Tư Dũ Thái hoàng Thái hậu lấy ý Chỉ để thi hành. Lại sai mở cử mạn tây nam (ngày hôm ấy cửa 4 mặt Kinh thành đóng kín cả ngày), cho gọi các hoàng thân, cũng lục tục vào Tả vu. Đến nơi thì ai cũng im lặng, chỉ trông nhau mà thôi. (Duy Tuy Lý vương, Hồng Tu, Hồng Sâm ở ngoài, nghe biết tin sợ bị vạ lây, bèn đem gia quyến đến chỗ phái viên Pháp đóng ở Thuận An cầu cứu. Hoằng Hóa công Miên Triện, Hải Ninh Quận công Miên Tằng cũng sợ hãi đi mất. Sau đấy vài ngày, Hồng Phì đi công tác ngoài Bắc về, đến đầu địa giới Quảng Trị nghe biết tin tự cho là nguy, lập tức thuê thuyền đến hội với Tuy Lý vương. Sau vì phái viên Pháp giao trả về, cùng với Hồng Tu, Hồng Sâm bị nạn)” [2] Sự thật là Hoằng Hóa Quận Vương Miên Triện đã đi trốn. Sau đó ông và gia đình bị bắt và bị Phủ Thừa Thiên giam ở Huế rồi sau đó bị đưa đi quản thúc ở tỉnh Phú Yên. [3] Đến cuối năm 1885, ông và gia đình mới được vua Đồng Khánh cho trở lại Huế và phục hồi lại tước Quận Công. Chán chuyện đời, để xa lánh nơi đô hội, ông chuyển lên ở phía nam núi Dẫn Khiêm, nhà ông ở có tên “Học Bạn Tinh Xá”.
3. Hoằng Hóa Quận vương cầm đầu sứ đoàn ngoại giao sang Pháp
Cuối năm 1889, Vương cùng với gia đình đang ở “Học bạn tinh xá” tại phía nam núi Dẫn Khiêm, thì có Chỉ của vua Thành Thái gọi về Kinh để đi sứ Tây. Sự kiện đó gợi nhớ lại hồi cuối thế kỷ XVIII (khoảng năm 1783), Nguyễn Vương cử Hoàng tử Nguyễn Phúc Cảnh theo Bá Đa Lộc sang Pháp cầu viện để chống lại Phong trào Tây Sơn, việc không thành mà ngược lại sự kiện ấy đã lưu lại một nỗi đau trong lịch sử triều Nguyễn. Hơn một thế kỷ sau (1889), lần đầu tiên có một hoàng thân chính thức được triều Nguyễn cử sang Pháp “thông sinh” [4] (từ của Nguyễn Bá Trác). Lúc bấy giờ vua Đồng Khánh được thực dân Pháp dựng lên mới ba năm thì vua băng. Thành Thái nối ngôi ở tuổi chín mười, với biết bao chuyện sáng tối trong bang giao Việt Pháp. Để làm được cái việc “thông sinh” khó khăn ấy ắc hẵn triều đình Nguyễn đã phải tìm cho bằng được một người có khả năng nhất hồi bấy giờ để giao trách nhiệm. Việc Hoằng Hóa Quận Vương được chọn dẫn đầu sứ đoàn chứng tỏ Vương là một người rất giỏi. Hai Phó sứ là Tổng đốc Vũ Văn Báu (HVGT Niên biểu viết là Báo) và Tham tá Cơ Mật viện Nguyễn Trừng [5]. Tùy tùng sứ bộ có các ông Nguyễn Gia Thoại (Viên ngoại Cơ Mật viện), Đoàn Phương, Nguyễn Hữu Mẫn (Chủ sự), Hồng Danh (Y sanh), Nguyễn Đình Hòe, Nguyễn Lợi (thông ngôn). v.v.


Nhiệm vụ của sứ đoàn là yết kiến Tổng thống Pháp và Chính phủ Pháp để thương thuyết 10 vấn đề. Theo tiểu sử của ông Nguyễn Trừng được ghi trong Nguyễn tộc Gia phổ họ Nguyễn gốc xã Diên Khánh, huyện Hải Lăng (Quảng Trị), thì trong 10 vấn đề đó có các vấn đề “Các tỉnh Trung kỳ không cần đặt Công sứ” (Vấn đề thứ 3), “Giao trả Kinh thành Huế lại cho Nam Triều”(Vấn đề thứ 4), “Giữ lại nhà Kinh lược với quan lại bắc Kỳ như cũ” (Vấn đề thứ 6), “Không cho phép Jean Dupuis lãnh trưng thuế lâm sản Thanh Nghệ”(Vấn đề thứ 8).
Đoàn rời Huế vào ngày 13-3-1889, đến Paris ngày 30-6-1889. Ngày 3-7-1889, yết kiến và trình bày 10 vấn đề với Tổng thống Pháp Marie François Sadi Carnot [6] tại Điện Élysée. Tiếp đến, suốt ba ngày sứ đoàn đi yết kiến Thủ tướng Pháp, các bộ Thuộc địa và Thủy Quân, bộ Ngoại giao-Nội vụ, Tòa Thị chính Paris. Đi xem triển lãm Kỷ niệm 100 năm Cách mạng Pháp thành công (1789-1889).v.v.Chính phủ Pháp giao Tổng trưởng Thuộc địa ủy phái cho ông Louche qua Việt Nam để quan sát tình hình và giải quyết các vấn đề sứ đoàn đặt ra. Ngày 2-8-1889 Sứ đoàn rời Paris về nước.

Trong chuyến đi sứ Tây ấy, Hoằng Hóa Quận Vương Miên Triện được họa sĩ Pháp André Robert vẽ một bức chân dung và hiện nay vẫn còn được gìn giữ thờ phụng tại Phủ Hoằng Hóa. Vương ông có dịp mua được một số sách Pháp lịch sử văn minh văn hóa Pháp, đặc biệt là các sách viết về Cách mạng Pháp 1789, các sách của Jean -Jacques Rousseau (1712-1778), Voltaire (1694-1778)… viết về dân chủ, tự do, nhân quyền. Qua chuyến đi Vương thấy được sự khác biệt giữa xã hội Pháp thân thiện với bọn thực dân Pháp tàn ác đang chiếm đóng nước Việt. Những nhận thức trong thực tế cùng với sách vở mới đã giúp ông hướng đến một tư tưởng khác với các đại thần đang làm công bộc cho Nam triều trong tay Pháp thời bấy giờ. Những gì Sứ đoàn yêu cầu, Chính phủ Pháp hứa nhưng không giải quyết hoặc giải quyết lấy lệ như việc trả lại Kinh thành cho Nam triều mà vẫn giữ Mang Cá để làm đồn binh của Pháp. Không thi thố được tư tưởng mới trong cuộc đời, ông xa lánh chốn đô hội, lên “Học Bạn Tịnh Xá” đọc và viết sách, dạy dỗ, truyền đạt những ý tưởng mới cho các con.

Chân dung Hoằng Hóa Quận Vương Miên Triện (1890), tranh của André Robert hiện đang được thờ ở Phủ Hoằng Hóa Quận Vương, 26 Tô Hiến Thành, Huế do NĐX chụp lại
4. Một tác gia thời dân tộc đang muốn hướng đến Tây phương
Miên Triện thích thơ văn từ nhỏ. Lớn lên ông đặt tự là Quân Công, lấy hiệu là Ước Đình. Ông tham gia Mạc Vân Thi xã do anh ông là Tùng Thiện Vương Miên Thẩm (1819-1870) thành lập và đặt ngay tại Phủ Tùng Thiện bên sông Lợi Nông. Trong Thi xã còn có các anh ông là Thọ Xuân Vương Miên Định (1810-1886); Hàm Thuận Công Miên Thủ (1819-1859), Tuy Lý Vương Miên Trinh (1820-1897, Tương An Quận Vương Miên Bửu (1820-1854), và đặc biệt có các thi bá Chu Thần Cao Bá Quát (1809-1854); Phương Đình Nguyễn Văn Siêu (1795-1872), Hà Tôn Quyền (1789-1839) [7] .v.v.
Về trước tác của ông, hiện đã tìm được tập Ước Đình Thi Sao, do Dực Kinh lâu in năm Thành Thái Tân sửu (1901), Thương Sơn (tức Tùng Thiện Vương Miên Thẩm) viết phê bình và Vi Dã (tức Tuy Lý Vương Miên Trinh) giám định. 1 bản in, (bộ 2 Q), 144 tr., khổ 23 x 14, 1 mục lục. Ước Đình Thi Sao gồm 240 bài thơ tả cảnh trên đường đi sứ sang Pháp năm 1889, thơ đề vịnh, họa đáp, tiến tặng, phúng viếng làm trong các trường hợp khác nhau trước và sau năm 1889.
Viện Hán Nôm cũng còn giữ được tập Tây hành nhật trình diễn âm [8] “tường thuật theo thể 6-8 chuyến sang Pháp năm Thành Thái thứ 2 (1890) của đoàn sứ bộ triều Nguyễn do Miên Triện làm chánh sứ, Nguyễn Trừng làm Phó sứ, gồm hành trình, lễ nghi đón tiếp và công viêc”. [9]
Qua trang nhà Đất Việt Trời Nam (Paris), tôi sưu tập được bản diễn Nôm bài Tiền Xích Bích Phú của Tô Thức (Tô Đông Pha) của Hoằng Hóa Quận Vương. Qua bản diễn Nôm nầy ta đọc được nhiều từ Huế mà đến nay không còn ai dùng nữa.

Tác phẩm Ước Đình Thi Sao của Hoằng Hóa Quận Vương Miên Triện. TL của NĐX
Năm 1918, theo học giả Phạm Quỳnh Chủ - bút Tạp chí Nam Phong, trong dịp đến thăm bà Đạm Phương - con gái của Hoằng Hóa Quận Vương, bà cho biết bà đang giữ một “bộ di văn của Đức ông khi xưa để lại, cả thảy hơn mười quyển, chưa từng đem in và công bố bao giờ”. Ông Phạm đọc qua và nhận xét rằng “Toàn là những văn nghị- luận thiết thực, chớ không phải lối văn trường-ốc. Vả Đức ông về đời Thành Thái có sung đi sứ bên Pháp, nên kiến văn rộng lắm. Khi ở Tây về, đóng cửa làm sách trong mấy năm: bộ di-văn này tức là kết-quả của cái công trước thuật của ngài hồi bấy giờ”. Ông Phạm Quỳnh xin bà Đạm Phương “cho phép đem in để công bố cho quốc dân biết cái tư-tưởng một bậc đại-nho của nước ta”. Bà Đạm Phương “hứa sẽ cho sao lại rồi gửi ra sau, vì hiện chỉ có một bản muốn giữ làm gia-bảo” [10] Nhưng không rõ sau đó bà Đạm Phương có thực hiện lời hứa đó hay không. Nếu có cũng không rõ sau đó các trước tác của Hoằng Hóa Quận vương Miên Triện có được công bố hay chưa mà tôi không tìm trong Mục lục tạp chí Nam Phong.
5. Phủ đệ ở phường Phú Cát
Hoằng Hóa Quận Vương không có con trai. Bà chánh thất (Miên Triện phu nhân) sinh Công nữ Úy Đào, bà thứ thất sinh Công nữ Đồng Canh (sau nầy là bà Đạm Phương nữ sử).
Công nữ Úy Đào sau về làm dâu nhà nguyên Thượng thư bộ Hình Trần Đình Phát ở Quảng Trị; Công nữ Đồng Canh lập gia đình với ông Nguyễn Khoa Tùng.
Hoằng Hóa Quận Vương Miên Triện không có con trai nối dõi nên về sau Vương đã xin người con trai thứ 42 của Thọ Xuân Vương Miên Định là Nguyễn Phúc Hồng Du làm con. Hồng Du đổi tên thành Hồng Hậu, đứng đầu Phủ Hoằng Hóa Quận Vương.
Phủ Hoằng Hóa Quận Vương được gìn giữ cho đến ngày nay tại số 26 đường Tô Hiến Thành phường Phú Cát Huế. Một phần đất thuộc Phủ ngày xưa được cắt ra xây dựng chùa Diệu Hỷ - một ngôi chùa nữ không lớn nhưng nổi tiếng ở ngay bên ngoài vòng tường phía bắc chùa Diệu Đế.

Phủ Hoằng Hóa Quận Vương tại 26 Tô Hiến Thành, P. Phú Cát, Huế. Ảnh NĐX
Chủ bút tạp chí Nam Phong đã đọc qua “bộ Di văn của Đức ông xưa để lại”, ông đã thấy bộ Di văn ấy “Toàn là những văn nghị- luận thiết thực, chớ không phải lối văn trường-ốc” phản ảnh được “cái tư-tưởng một bậc đại-nho của nước ta.” Ông Phạm Quỳnh - một nhà Tây học, một nhà báo, một nhà văn uyên bác nhất thời ấy, mà nhận định về trước tác của Hoằng Hóa Quận Vương như thế thì thật không thể tìm được người đương thời thứ hai nào để so sánh với Vương cả. Nếu được nghiên cứu kỹ các trước tác ấy và cuộc đời thực của Hoằng Hóa Quận Vương ta có thể bổ sung Vương vào lịch sử tư tưởng canh tân Việt Nam đầu thế kỷ XX, ta có cơ sở để giải thích vì sao Vương được vua Thành Thái tin dùng. Nhưng rất tiếc ta chưa được đọc những trước tác ấy nên không dám biện thuyết tùy tiện. Tuy nhiên, trong lúc chờ đợi, ta có thể khẳng định một sự thật: Hoằng Hóa Quận Vương đã để lại một tác phẩm sống hết sức giá trị. Tác phẩm sống ấy là người con gái tuyệt vời của ông – bà Công tôn nữ Đồng Canh - Đạm Phương nữ sử. Đúng như học giả Phạm Quỳnh đã viết:“Đức ông không sinh được người con giai (trai) nào, nhưng được người con gái như phu nhân (tức Đạm Phương nữ sử) tưởng cũng là xứng đáng lắm vậy”.


Ngày nay, Đạm Phương nữ sử đã được vinh danh, một số cơ sở xã hội ở Huế đã mang tên bà, thành phố Huế đã có tên đường Đạm Phương. Nhưng sẽ rất thiếu sót nếu ta không quan tâm nghiên cứu, biết rõ để vinh danh người đã sinh ra và đào tạo nên Đạm Phương nữ sử.
(Hội thảo khoa học kỷ niệm 130 năm ngày sinh Đạm Phương nữ sử (1881-2011))
Huế, tháng 5-2011
Nguyễn Đắc Xuân

Chú thích
[1]Các bài viết của Nguyễn Đắc Xuân về bà Đạm Phương:
- Một bài thơ khóc bạn của bà Chánh phi vua Khải Định, Chuyện Nội cung các vua nhà Nguyễn, Nxb Thuận Hóa, tái bản lần 5, Huế 2009.
- Cháu nội vua Minh Mạng - nhà hoạt động nữ quyền đầu tiên ở Đông Nam Á Chuyện Quý Bà giữa đời thường và trong cung Nguyễn, Nxb Phụ Nữ. 2011
[2]Đại Nam thực lục, Tập Tám, Nxb Giáo Dục, HN. 2007, tr. 610
[3]Đại Nam thực lục, Tập Chín, Nxb Giáo Dục, HN 2007, tr.37 và 38.
[4]Nguyễn Trừng (1857-1905) người xã Diên Khánh, huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị, đỗ Cử nhân khoa Mậu Dần (1878) trường Thừa Thiên, làm Tham tá Cơ Mật viện, đi sữ Tây về ông làm Thị Lang bộ Lễ, bộ Binh, bộ Công, Tổng đốc Nghệ An.
[5]Nguyễn Trừng (1857-1905) người xã Diên Khánh, huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị, đỗ Cử nhân khoa Mậu Dần (1878) trường Thừa Thiên, làm Tham tá Cơ Mật viện, đi sữ Tây về ông làm Thị Lang bộ Lễ, bộ Binh, bộ Công, Tổng đốc Nghệ An.
[6]Tổng thống Pháp Marie François Sadi Carnot từ ngày 3 tháng 12 - 1887 đến 25 tháng 6 - 1894
[7]Theo Nguyễn Khoa Diệu Biên – Nguyễn Cửu Thọ, tr.21
[8]Nhiều tài liệu khác viết tác phẩm nầy mang tên Kỷ Sửu Như Tây Nhật Ký.
[9]GS Trần Nghĩa, Di sản Hán Nôm Việt Nam, Thư mục đề yếu, tập 3, T-Y, Nxb KHXH HN.1993, tr.95.
[10]Phạm Quỳnh, Mười ngày ở Huế, tạp chí Nam Phong, tập II tháng 4-1918, tr.219
Phụ lục 1: Niên biểu Hoằng Hóa Quận Vương
- 1833: Sinh ngày 19-7-1833 (3 tháng 6 Quí tỵ) Hoàng tử thứ 66 của vua Minh Mạng và bà Tài nhân Trần Thị Thanh;
- 1850 (Canh tuất), được phong Triệu Phong Quận Công;
- 1878 (Mậu dần), được phong là Quỳnh Quốc Công
- 1881 Bà thứ thất sinh Công nữ Đồng Canh. Bà Miên Triện phu nhân sinh Công nữ Úy Đào không biết năm nào.
- 1883 (Quý mùi) được phong Hoằng Hóa Công;
- Tháng 11- 1883 bị triều đình trong tay Tôn Thất Thuyết và Nguyễn Văn Tường giáng xuống Hoằng Hóa Hương Công; (tộii không ủng hộ việc giết vua Hiệp Hòa, tôn vua Kiến Phước); ông bị phát phối đi Phú Yên; hai anh của ông là Miên Trinh đi Quảng Ngãi, Miên Tằng đi Bình Định
- 27-10-1885, Miên Triện cùng với hai anh Miên Trinh, Miên Tằng được trở về Huế;
- Tháng 11 1885 (Ất dậu) ông được vua Đồng Khánh cho phục lạii tước Quận Công; dời nhà lên ở phía nam núi Dẫn Khiêm, nhà có tên “ Học bạn tinh xá”, gần Lạc Tịnh Viên và Phủ Vĩnh Trinh của CC Qui Đức.
- 1889, có “Chỉ phụng sứ như Tây” cùng với Nguyễn Trừng, Vũ Văn Báo dẫn phái đoàn sang Pháp “thông sinh”. (NBT, tr.353 và NPT, tr.313); được họa sĩ André Robert vẽ chân dung;
- Dưới triều Thành Thái ông được phong tặng dần đến tước Hoằng Hóa Quận Vương.
- Ông mất ngày 4-4-Ất tỵ (7-5-1905). Tẩm ở Dương Xuân
- Ông không có con trai, chỉ có hai người con gái là Công nữ Úy Đào và Công nữ Đồng Canh (tự Quý Lương, hiệu Đạm Phương nữ sử). Nhận Nguyễn Phúc Hồng Du (con trai thứ 42 Thọ Xuân Vương) làm con nuôi, Hồng Du đổi tên là Hồng Hậu).
Nhà thờ tại 26 Tô Hiến Thành, P. Phú Cát. Huế.
Phụ lục 2: Tác phẩm
Tiền Xích Bích Phú – Tô Thức
前赤壁賦-蘇軾
Bản phiên âm:
Nhâm Tuất chi thu, thất nguyệt ký vọng,
Tô tử dữ khách phiếm chu du ư Xích Bích chi hạ.
Thanh phong từ lai,
thuỷ ba bất hứng,
cử tửu chúc khách,
tụng Minh Nguyệt chi thi,
ca Yểu Điệu chi chương.
Thiểu yên, nguyệt xuất ư đông sơn chi thượng,
bồi hồi ư Đẩu Ngưu chi gian,
bạch lộ hoành giang,
thuỷ quang tiếp thiên.
Túng nhất vĩ chi sở như,
lăng vạn khoảnh chi mang nhiên.
Hạo hạo hồ như bằng hư ngự phong,
nhi bất tri kỳ sở chỉ;
phiêu phiêu hồ như di thế độc lập,
vũ hoá nhi đăng tiên.
Ư thị ẩm tửu lạc thậm,
khấu huyền nhi ca chi.
Ca viết:
“Quế trạo hề lan tương,
Kích không minh hề tố lưu quang,
Diểu diểu hề ư hoài,
Vọng mỹ nhân hề thiên nhất phương”.
Khách hữu xuý đổng tiêu giả,
ỷ ca nhi hoạ chi;
kỳ thanh ô ô nhiên,
như oán như mộ,
như khấp như tố,
dư âm niểu niểu bất tuyệt như lũ.
Vũ u hác chi tiềm giao,
khấp cô chu chi ly phụ.
Tô tử sậu nhiên chính khâm,
nguy toạ nhi vấn khách, viết:
- Hà vi kỳ nhiên dã?
Khách viết:
- “Nguyệt minh tinh hi, ô thước nam phi”,
thử phi Tào Mạnh Đức chi thi hồ?
Tây vọng Hạ Khẩu,
đông vọng Vũ Xương,
sơn xuyên tương mâu,
uất hồ thương thương,
thử phi Mạnh Đức chi khốn ư Chu Lang giả hồ?
Phương kỳ phá Kinh Châu,
hạ Giang Lăng,
thuận lưu nhi đông dã,
trục lô thiên lý,
tinh kỳ tế không,
sái tửu Lâm giang,
hoành sáo phú thi,
cố nhất thế chi hùng dã,
nhi kim an tại tai?
Huống ngô dữ tử,
ngư tiều ư giang chử chi thượng,
lữ ngư hà nhi hữu mi lộc,
giá nhất diệp chi thiên chu,
cử bào tôn dĩ tương chúc,
ký phù du ư thiên địa,
diểu thương hải chi nhất túc,
ai ngô sinh chi tu du,
tiện Trường Giang chi vô cùng,
hiệp phi tiên dĩ ngao du,
bão minh nguyệt nhi trường chung.
Tri bất khả hồ sậu đắc,
thác di hưởng ư bi phong.
Tô tử viết:
- Khách diệc tri phù thuỷ dữ nguyệt hồ?
Thệ giả như tư nhi vị thường vãng dã;
doanh hư giả như bỉ nhi tốt mạc tiêu trưởng dã.
Cái tương tự kỳ biến giả nhi quan chi,
nhi thiên địa tằng bất năng dĩ nhất thuấn.
Tự kỳ bất biến giả nhi quan chi,
tắc vật dữ ngã giai vô tận dã,
nhi hựu hà tiển hồ?
Thả phù thiên địa chi gian,
vật các hữu chủ,
cẩu phi ngô chi sở hữu,
tuy nhất hào nhi mạc thủ.
Duy giang thượng chi thanh phong,
dữ sơn gian chi minh nguyệt,
nhĩ đắc chi nhi vi thanh,
mục ngộ chi nhi thành sắc,
thủ chi vô cấm,
dụng chi bất kiệt,
thị tạo vật giả chi vô tận tàng dã,
nhi ngô dữ tử chi sở cộng thích.
Khách hỉ nhi tiếu,
tẩy trản cánh chước.
Hào hạch ký tận,
bôi bàn lang tạ,
tương dữ chẩm tạ hồ chu trung,
bất tri đông phương chi ký bạch.
Bản dịch của Hoằng Hóa Quận Vương[1] :
Năm Nhâm tuất mùa thu tháng bảy,
Mới qua rằm trăng hãy còn hin.
Ông Tô cùng khách dời thuyền.
Chơi nơi Xích Bích gần miền Kinh Châu.
Gió phảng phất dòng sâu sóng lặng,
Cất chén mời khách hẳn vui ưa;
Ngâm nga Nguyệt xuất thi xưa,
Liền câu yểu điệu cảnh giờ khéo in.
Phương đông thoắt trăng lên chóp núi,
Trong Đẩu, Ngưu noi dõi dần dà;
Sông trong, nước rạng bao la,
Ngang giăng móc trắng, là đà trời xanh.
Bồng một chiếc thích tình hứng cảnh,
Nước mênh mang muôn khoảnh xông pha;
Phới như cỡi gió bay qua,
Nương không lóng biết đâu là đến đâu.
Phơ phơ giống đời hầu có một,
Bỏ phàm trần cởi lốt lên tiên;
Chừng khi ấy dốc rượu liền,
Vui chi xiết gõ mạn thuyền ca xoang.
Trổi một khúc: "Thuyền lan, chèo quế,
"Vỗ trong ngần ngược vẻ rạng trôi;
Đăm đăm luống dạ ai hoài,
Mỹ nhân trông tưởng cách trời một phương."
Thổi tiêu sẵn có chàng đạo sĩ,
Nương lời ca rủ rỉ họa theo;
Cô cô loan phượng tiếng kêu,
Dở hờn, dở khóc, dở chiều, dở than!
Tiếng thừa thãi khoan khoan réo rắt,
Rõ ràng nghe chẳng dứt như tơ;
Đầm sâu giao lặn mưa kỳ
Thuyền không gái góa sầu bi lỡ đường.
Đông Pha lão nghe tường buồn bã,
Sửu bào ngồi hỏi gã thấp cao;
Hỏi rằng: "Do dĩ làm sao,
Tiệc vui thổi khúc tiêu tao lấy gì?
Khách dẫn thi: "Tinh hy nguyệt bạch,
Mạnh Đức ngâm Xích Bích phải không?
Xanh xanh đoái khắp tây đông,
Vũ Xương, Hạ Khẩu non sông tí mù.
Ấy chẳng phải đánh đua tài trí,
Nên Tào Man khốn bị Chu Lang;
Đương sơ Kinh địa phá tan,
Giang Lăng cũng đã tro tàn dòng xuôi.
Thuyền ngàn dặm nối đuôi giữa sóng,
Cờ muôn cơn rợp bóng trên không;
Rượu thi tới bến gác dòng,
Hùng tài tót thế gẫm không ai bì.
Đến giờ há còn chi đâu có?
Huống nữa là ngư nọ tiều kia.
Đòi ta bãi bạc, cồn le,
Vui vầy tôm cá, bạn bè hươu nai.
Lênh đênh vãi thuyền chài một lá,
Chim Việt Cành Nam 18
Hê ha khuyên rượu lã vài hồ;
Dầm vàng gởi cái phù du,
Dự chi hốt thóc xô bồ biển thương.
Đời người gẫm thảm thương thấm thoắt,
Sông giang khen dài dặc không cùng;
Giày phi tiên cắp thung dung,
Ôm châu minh nguyệt muốn cùng dài lâu.
Liệu chẳng khá kíp cầu mà đặng,
Đem tiếng thừa phải nhắn gió đông".
Ông rằng: "Này khách biết không?
Mặt trăng phải tỏ, lòng sông phải dò.
Nước chảy mãi có mô trôi thẳng,
Trăng khuyết tròn trọn chẳng tiêu hao.
Hãy coi lẽ biến làm sao,
Lại coi chẳng biến thế nào thời hay.
Biến nháy mắt trời xoay đất trở,
Chẳng biến thời như rứa đeo tai;
Vật người chẳng hết còn hoài,
Có gì mà lại dong dài khong khen.
Vả lại xét trong nền Tạo hóa,
Các vật đều có gã chủ trương;
Dầu ta không có nõ màng
Mảy lông chớ đúng, muôn vàn kể chi.
Vui mặt nước những khi êm mát,
Cùng đầu non mấy lượt thanh tao.
Trăng thanh gió mát nghêu ngao,
Trăng non, gió nước dồi dào hòa hai.
Tiếng không hẹn lọt tai càng đớt
Sắc tình cờ vào mắt mà nên;
Mua vui nào phải tốn tiền
Tai dùng không chán, mắt nhìn không no.
Ấy tạo vật là kho vô tận
Ta cùng ngươi chỗ sẵn chơi chung".
Khách cười chi xiết mừng lòng,
Vội vàng rửa chén, rắp mong nghiêng bầu.
Cơm rượu thảy hồi lâu ráo xáo,
Chén bát đà lộn lạo ngửa nghiêng;
Cùng nhau chiếu gối trong thuyền,
Không dè trời đã rạng liền hướng đông.
Tài liệu tham khảo
- Hoằng Hóa Quận Vương Miên Triện, Ước Đình Thi Sao, , do Dực Kinh lâu in năm Thành Thái Tân sửu (1901), Thương Sơn (tức Tùng Thiện Vương Miên Thẩm) viết phê bình và Vi Dã (tức Tuy Lý Vương Miên Trinh) giám định
- Hội đồng Trị sự Nguyễn Phúc tộc, Nguyễn Phúc tộc Thế phả, Nxb Thuận Hóa, Huế 1995, tr.313.
- Lê Thanh Hiền, Tuyển tập Đạm Phương nữ sử (1881-1947), Nxb Văn Học, 2010
- Nguyễn Bá Trác, Hoàng Việt Giáp Tý Niên Biểu, Bộ Quốc Gia Giáo Dục, Sài Gòn, 1963
- Nguyễn Đắc Xuân:
- Một bài thơ khóc bạn của bà Chánh phi vua Khải Định, Chuyện Nội cung các vua nhà Nguyễn, Nxb Thuận Hóa, tái bản lần 5, 2009.
- Khái quát hình ảnh của người phụ nữ Huế trong di sản giáo dục, văn hóa, nghệ thuật, xã hội, đời sống tâm linh của dân tộc, Phụ nữ Việt Nam trong di sản văn hóa dân tộc, Nxb Chính trị Quốc Gia, HN 2011.
- Cháu nội vua Minh Mạng - nhà hoạt động nữ quyền đầu tiên ở Đông Nam Á Chuyện Quý Bà giữa đời thường và trong cung Nguyễn, Nxb Phụ Nữ. 2011
- Nguyễn Khoa Diệu Biên – Nguyễn Cửu Thọ, Đạm Phương nữ sử, Nxb Trẻ, 1995
- Phạm Quỳnh, Mười ngày ở Huế, t/c Nam Phong, tập II tháng 4-1918,
- BS Nguyễn Vinh, Gia Phổ họ Nguyễn (Diên Khánh, Hải Lăng, Quảng Tri), Phái Nhất để tại nhà thờ 178 Bạch Đằng, Huế.
- Quốc sử quán triều Nguyễn: Đại Nam thực lục, Tập Tám, Nxb Giáo Dục, HN. 2007; Tập Chín, Nxb Giáo Dục, HN 2007
- Đồng Khanh Khải Định Chính Yếu, Nxb Thời Đại, HN 2010
- Trần Nghĩa, Di sản Hán Nôm Việt Nam, Thư mục đề yếu, tập 3, T-Y, Nxb KHXH HN.1993
________________________________________
[1] Không rõ dịch năm nào.

 

Bình luận


Chưa có bình luận!


Bài viết trước đó
Bài viết kế tiếp

Trở lại đầu trang