Trong những ngày tháng nầy tôi đang dốc toàn lực trí tuệ, thời gian và phương tiện để chuẩn bị cho kế hoạch của tỉnh Thừa Thiên Huế nghiên cứu, khai quật và bảo tồn các di tích của phủ Dương Xuân-tiền thân của Cung điện Đan Dương-sơn lăng của Hoàng đế Quang Trung trên ấp Bình An phường Trường An cho nên dù mấy mươi năm qua tôi sưu tập được khá nhiều thông tin mới về vua Duy Tân mà vẫn không viết được tham luận gởi đến Hội thảo nầy. Tôi xin hẹn sẽ công bố những tài liệu khoa học mới đó trên trang Web gactholoc.net khi hoàn cảnh cho phép. Hôm nay được mời dự hội thảo, tôi xin phép được nhắc đến ông Khóa Bảo - nhân vật cách mạng đầu tiên mà vua Duy Tân đã gặp ở Cửa Tùng Quang Trị.
Như nhiều sử sách[1] đã viết: Sau khi vua Thành Thái bị tốn vị (1907), Hoàng tử Vĩnh San chưa đầy tám tuổi lên ngôi với niên hiệu Duy Tân bắt đầu có những tin tức hấp dẫn như chuyện vua Duy Tân đau khổ vì vua cha bị đày ở Vũng tàu và người có những cử chỉ muốn độc lập với Pháp. Mặc dù Tòa Khâm sứ Pháp và Triều đình Huế có lịnh không được loan truyền những tin tức ấy nhưng tiếng lành đồn xa, thu hút được tâm trí của những người còn giữ được một chút tâm huyết với quốc gia dân tộc.
Một hôm nghe vua Duy Tân ra nghỉ mát ở Cửa Tùng, ông khóa Bảo ở chợ phiên Cam Lộ đã tìm đến yết kiến nhà vua. Ngay phút gặp gỡ đầu tiên, qua phong cách cương nghị và cung kính của ông Khóa, vua Duy Tân biết ông là một người cần vương yêu nước ở địa phương, nên đã tạo điều kiện cho ông được gặp nhiều lần. Qua các cuộc găp ông Khóa Bảo, vua Duy Tân biết được thời cuộc một cách cụ thể về tội ác của thực dân Pháp đối với những người yêu nước, dân chúng bị bóc lột đến cùng cực, nhiều người yêu nước muốn nổi lên chống Pháp, thần dân rất ngưỡng mộ nhà vua trẻ Duy Tân. Nhà vua rất xúc động. Ý tưởng muốn độc lập với Pháp của nhà vua được củng cố thêm. Nhà vua tỏ ý muốn gặp những nhà yêu nước.
Ông Khóa Bảo bí mật kể lại chuyện những lần yết kiến vua Duy Tân với với các vị lãnh đạo tổ chức Việt Nam Quang Phục Hội như Thái Phiên, Trần Cao Vân. Trong lúc Việt Nam Quang Phục Hội đang cần một ngọn cờ cho cuộc vận động yêu nước, biết được tin tức vua Duy Tân có tinh thần chống Pháp như chuyện ông Khóa Bảo kể các vị rất mừng.
Trong cuộc Hội nghị toàn Trung Kỳ ở nhà ông Đoàn Bồng - một thư lại bộ Hộ - đường Đông Ba Huế, đã quyết định “Phụng Kim Thượng vi an dân cơ sở” (Rước vua Duy Tân vào công cuộc cách mạng để yên lòng dân”. Vua Duy Tân dấn thân vào cuộc khởi nghĩa năm 1916 kể từ đó.
Do vận nước chưa đến, cuộc khởi nghĩa năm 1916 không thành nhưng cũng đã xuất hiện bao người thành nhân. Vai trò của ông Khóa Bảo chỉ có thế. Việc tuy nhỏ nhưng có thể nói trong lịch sử Việt Nam chỉ có một người dân là ông Khóa Bảo được yết kiến vua phản ảnh trung thực chuyện dân chuyện nước với vua.
Trước lăng mộ cụ Khóa Bảo, Km 16.5 đường Chín thuộc xã Cam Thanh, huyện Cam Lộ
Ông Khóa Bảo tên thực là Nguyễn Hữu Đồng, gốc người An Hòa phía bắc Kinh thành Huế[2], sinh năm 1860 tại thôn Tân Mỹ, tổng Cam Vũ, huyện Cam Lộ tỉnh Quang Trị. Ông học giỏi nhưng không đi thi. Tên Khóa Bảo do dân chúng đặt cho ông, Ông cũng học võ với người anh ruột. Những người cùng quê xem Khóa Bảo là một người “văn võ toàn tài”. Trong Phong trào cần Vương 1885, ông cùng cha và anh phò vua Hàm Nghi ra Tân Sở (Cùa). Khi vua Hàm Nghi rút khỏi Tân Sởn, ông theo cha trở lại quê nhà, bí mật kết giao với những người cùng chí hướng gìn giữ khí tiết chờ cơ hội chống Pháp. Ông đã bị địch bắt 4 lần. Việc ông được yết kiến vua Duy Tân là một trong những sự kiện quan trọng trong cuộc đời yêu nước của ông. Cuộc khởi nghĩa năm 1916 thất bại ông bị bắt, bị tra tấn rất dã man nhưng ông vẫn giữ khí tiết không khai báo, không ngừng lên án thực dân và bọn tay sai. Đến khi ông bệnh nặng, thực dân Pháp cho gia đình đưa ông về nhà ở An Hưng (Cam Lộ). Mấy ngày sau ông mất. “Làng Tân Mỹ kính nể chí khí quật cường của ông, vì nước hy sinh nên cùng với gia đình táng mộ ông ngay trước mặt đình làng Tân Mỹ để tỏ lòng kính trọng”[3]
Báo Lao Động, số 41 (4-4-1996)
Báo Lao Động số 54 (4-4-1998)
Cuộc đời và sự nghiệp của ông Khóa Bảo tỉnh Quang Trị đã viết và in trong nhiều sách sử. Tên Khóa bảo cũng đã được tỉnh Quảng Trị chọn đặt tên cho một con đường ở thành phố Đông Hà. Hôm nay tôi phát biểu mấy ý kiến nầy là vì tôi đã có dịp theo dõi thông tin về cuộc đời ông gần ba mươi năm qua, đã viết về ông trong sáchNhững bí ẩn về Cựu hoàng Duy Tân, (Thuận Hóa 1987), và đặc biệt theo dõi thông tin về người cháu nội của ông là cô Nguyễn Thị Hằng Nga suốt hàng chục năm vận động xây dựng lăng mộ cho ông. Và nguyện vọng của dân chúng và gia đình đã được tỉnh Quang Trị thực hiện. Tôi đã phản ảnh các thông tin ấy trên báo Lao Đông năm 1996 và 1998.
Được phát biểu trong Hội thảo quan trọng nầy tôi đề cập đến Khóa Bảo vời mục đích nhắc lại rằng ông Khóa Bảo cũng là một người Huế. Trong cuộc khởi nghía Duy Tân, phần lớn là người Quảng Nam, Quảng Ngãi, nhắc đến Khóa Bảo để bổ sung cho danh sách người Huế tham gia Khởi Nghĩa Duy Tân. Vậy ở Huế có nên dành cho Khóa Bảo một ghi dấu gì không? Tên một ngôi trường, hoặc tên một con đường nhỏ gần gũi với cách mạng Việt Nam ?
Theo tôi. Rất nên.
Huế, sáng 16-5-2016
Sách báo tham khảo
Hoàng Trọng Thược, Hồ Sơ vua Duy Tân, Nxb Mõ Làng (Hoa Kỳ), 1993
Hoàng Hiến,Vua Duy Tân, Nxb Thuận Hóa, 1996
Lê Ước,Cuộc Duy Tân khởi nghĩa năm 1916 và Phan Thành TàiTập san Sử Địa số 11, SG 1068
Hà Ngại,Khúc Tiêu Đồng, Nxb Trẻ 2015
Nguyễn Đắc Xuân,Những bí ẩn về Cựu hoàng Duy Tân, Nxb Thuận Hóa 1987
Nguyễn Được(NĐX),Bao giờ mộ phần nhà yêu nước Khóa Bảo mới được sửa sang? Báo Lao Đông số 41 ngày 6-4-1996,
Nguyễn Đắc Xuân,Khánh thành lăng mộ nhà yêu nước Khóa Bảo, Báo Lao Động số 54 ngày 4-4-1998.
Thái Tăng Liên, tài liệu viết tay của Phòng Chuyên môn Ty học vụ Quàng Trị,
Nguyễn Thị Hằng Nga (cháu nội cụ Khóa Bảo) tư liệu của gia đình
Và nhiều tư liệu điền dã khác.