Lăng mộ vua Hàm Nghi ở làng Thonac/Dordogne

 Trong mười ba ông vua Nguyễn, cho đến nay đã có mười một ông có lăng mộ tại Huế. Chỉ còn lăng mộ vua Hàm Nghi và ông vua cuối cùng Bảo Đại còn gởi tạm ở xứ người. Ông vua cuối cùng mới mất 24 năm (1997-2021) nên chưa ai có ý kiến gì, riêng hài cốt vua Hàm Nghi - ông vua Nguyễn yêu nước nổi tiếng, đồng bào Việt Nam và họ Nguyễn Phước trong và ngoài nước đều rất thiết tha xin được cải táng Người về quê nhà. Điều mong ước đó đã trở nên nóng bỏng hơn sau khi được biết hài cốt vua Duy Tân từ Cộng hòa Trung Phi đã được đem về an táng tại Huế vào năm 1987.

Vua Hàm Nghi và vua Duy Tân đều bị đày và qua đời ở nước ngoài. So với vua Duy Tân, những thông tin về vua Hàm Nghi đến được Việt Nam quá ít và không chính xác. Ngày tháng vua Hàm Nghi qua đời, mỗi sách viết mỗi khác.

- Nguyễn Phúc tộc thế phả, Nxb Thuận Hóa 1995, viết: “Ngài mất ngày 28 tháng 11 năm Nhâm Ngọ (4-1-1943)” (tr.388);

- Việt Nam Danh nhân từ điển của Nguyễn Huyền Anh, Nxb Khai Trí.1972, viết: “... nhà vua mất năm 1947” (tr.100);

- Những nhân vật lịch sử nổi tiếng trong lịch sử Việt Nam, Nxb Thông tin, 1993, viết: “Ông bị an trí ở đó (Alger) cho đến khi mất (1947)”, tr. 56;

- Từ điển Bách khoa Việt Nam II, Nxb TĐBK.2002, tr.201, viết sai cả năm sinh và năm mất: “Hàm Nghi tên thật là Nguyễn Phúc Ưng Lịch 1872-1943”;

- Từ điển Lịch sử Thừa Thiên Huế, Nxb Thuận Hóa 2000, viết đúng năm sinh nhưng viết sai năm mất: “Nguyễn Phúc Ưng Lịch (1871-1943) (Hàm Nghi), tr. 1050;

- Từ điển Văn hóa Việt Nam, Nxb Văn Hóa 1993, tr.150, viết sai cả năm sinh và năm mất “Hàm Nghi (1872-1947).

Nơi vua Hàm Nghi từ biệt cuộc đời thì tất cả các sách sử đều thống nhất là tại Alger - Thủ đô nước Algérie.

Algérie là một nước Bắc Phi - hơi “trái đường” đối với các nhà sử học Việt Nam, do đó ít người nghĩ đến việc qua Algérie viếng thăm lăng mộ vua Hàm Nghi. Nhiều người Việt Nam ở trong và ngoài nước gởi thư hỏi tôi: “Vua Hàm Nghi là một ông vua trọn đời yêu nước tại sao không đặt vấn đề đưa hài cốt của Ngài về nước?”. Câu hỏi này quá khó đối với tôi, và ngay cả với những người có trách nhiệm cao nhất trong Nguyễn Phước tộc.

Đầu năm 1999 sang Pháp tôi đã đến Corrèze tìm gặp được Công chúa Như Lý và đã được bà cung cấp cho những thông tin cần thiết về những năm tháng vua Hàm Nghi đã sống ở chốn lưu đày và mất ở xứ người.

Đầu năm 1999 sang Pháp tôi đã đến Corrèze tìm gặp được Công chúa Như Lý và đã được bà cung cấp cho những thông tin cần thiết về những năm tháng vua Hàm Nghi đã sống ở chốn lưu đày và mất ở xứ người.

Đầu năm 1999 sang Pháp tôi đã đến Corrèze tìm gặp được Công chúa Như Lý và đã được bà cung cấp cho những thông tin cần thiết về những năm tháng vua Hàm Nghi đã sống ở chốn lưu đày và mất ở xứ người. Những thông tin tôi thu thập được đã công bố một phần từ đầu những năm 2000. Thế nhưng trên báo báo Tuổi Trẻ Chủ Nhật ngày 7-12-2003, đăng một ghi chép của cố nhà báo Ngô Công Đức về chuyến viếng thăm lăng mộ vua Hàm Nghi ở làng Thonac tỉnh Dordogne của ông với một đoạn có nhiều thông tin sai lạc sau đây:

 “Hoá ra mộ thật đơn giản, trên mộ có ghi tên 5 người: Vua Hàm Nghi (sinh 1871 tại Huế, mất 1940 tại Alger); các công chúa Như Mây, Sala, hoàng tử Minh Đức và bà Marie Jeanne Delorme (1852-1941), vợ vua Hàm Nghi, nhưng không ghi tước vị. Nghe kể lại bà thuộc dòng quý tộc, bố làm chánh án toà Alger”

Đọc được đoạn báo này tôi rất ngạc nhiên. Vì sao nhà báo Ngô Công Đức đã đến tại chỗ, chụp ảnh bia mộ vua Hàm Nghi, nghe người địa phương thuật chuyện trực tiếp về những người nằm trong ngôi mộ mà lại mắc phải nhiều thông tin sai lạc đến như vậy ?

Bia mộ khắc rõ vua Hàm nghi sinh tại Huế 1871  mất tại Alger 1944.   Ảnh TL do NĐX st

Bia mộ khắc rõ vua Hàm nghi sinh tại Huế 1871 mất tại Alger 1944. Ảnh TL do NĐX st

Tôi viết ngay cho báo Tuổi Trẻ Chủ Nhật một bài đính chính những chi tiết sai lạc, nhưng rất tiếc, Tòa soạn Tuổi Trẻ Chủ Nhật lúc ấy (cuối năm 2003) không sử dụng. Vì thế bài báo có nhiều sai lạc của cố nhà báo Ngô Công Đức cho đến nay vẫn còn lưu giữ trên nhiều trang Web trên thế giới. Sự thực như thế nào?

Vua Hàm Nghi mất ngày 14 tháng 1 năm 1944, an táng ngay trong khuôn viên biệt thự Gia Long trên đồi El Biar nhìn ra vịnh Alger. Năm 1965 được gia đình dời qua làng Thonac thuộc vùng hành chính Aquitaine khu vực Dordogne (phía tây miền Trung nước Pháp, sát với biên giới phía tây nam tỉnh Corrèze), do Công chúa Thạc sĩ Nông học Như Mai tạo lập từ nhiều thập niên trước đó.

Lăng mộ vua Hàm Nghi và bà quản gia Delorme cũng được cải táng qua nghĩa trang do Công chúa Như Mai tạo lập riêng cho gia đình bà tại làng Thonac.

Lăng mộ vua Hàm Nghi hết sức đơn sơ, gồm hai khối bê-tông chồng lên nhau. Khối lớn khoảng 4m x 6m, cao 0.6m, chưa kể phần móng chôn sâu dưới đất; khối nhỏ chiều ngang bằng một phần ba khối lớn chồng trên khối lớn ở vị trí trung tâm. Trên mặt bê-tông của khối lớn còn thừa ở bên trái (từ ngoài nhìn vào) gắn tấm bia mang từ Alger sang với dòng chữ: “S.M. Ham Nghi. Hué 1871- Alger 1944. Empereur d’ Annam” (Dịch nghĩa: Vua Hàm Nghi. Huế 1871-Alger 1944. Hoàng đế nước Annam ). Phần bê-tông bên phải có một tấm đá dùng làm nắp che cho cửa huyệt mộ lăng.

Trong huyệt mộ này cho đến năm 1999 đã táng 5 người. Các hàng chữ khắc trên mộ như sau:

S.M. HAM NGHI, Empereur d'Annam, Hue 1871 - Alger 1944 (không phải năm 1940 như Ngô Công Đức đã viết);

S.A.I. La princesse d'Annam, née Marcelle LALOË, 1884 - 1974 (S.A.I. viết tắt của các từ Son Altesse Impériale, Hoàng phi Marcelle LALOË, 1884 - 1974 vợ chính thức của vua Hàm Nghi chứ không phải bà Marie Jeanne Delorme (1952-1941), là vợ vua Hàm Nghi như NCĐ viết);

Nhu May[1], Princesse d'Annam, 1905 - 1999

Minh Duc, Prince d'Annam, 1910 - 1990 (Hoàng tử Minh Đức);

Marie Jeanne DELORME, 1852 - 1941

Bà Marie Jeanne Delorme, sinh ngày 5 tháng 6 năm 1852 tại Besseyre, thuộc địa phận Loubaresse (Cantal), con của Jean Delorme và Francoise Esbras, qua đời ngày 2 tháng 9 năm 1941.

(Bà Marie Jeanne DELORME lớn hơn vua Hàm Nghi 19 tuổi, người quản gia, do chính phủ Pháp cử đến giúp vua Hàm Nghi ngay từ khi vua Hàm nghi mới bị đày sang Alger, chứ không phải vợ vua Hàm Nghi như Ngô Công Đức viết).

Tháng 6-2016, đi dự một khóa tu ở Làng Mai Pháp quốc tôi có dịp đến viếng lăng mộ vua Hàm Nghi và hướng dẫn cho GS Lê Mạnh Thác và các giáo thọ ở Làng Mai đi viếng mộ vua Hàm Nghi nhiều lần. Ngôi mộ đã được sửa sang mới mẻ hơn và trong mộ có thêm hài cốt của phu nhân Hoàng tử Minh Đức là bà Dolly (1918-2015).

NNC Nguyễn Đắc Xuân bên mộ vua Hàm Nghi ở làng Thonac

NNC Nguyễn Đắc Xuân bên mộ vua Hàm Nghi ở làng Thonac

Từ sau ngày Việt Nam thống nhất hoà bình (30-4-1975) và nhất là từ sau ngày chính phủ Việt Nam và gia đình các con vua Duy Tân đưa hài cốt vua Duy Tân từ Cộng hoà Trung Phi về Huế (1987), người Việt Nam ở trong cũng như ở ngoài nước - đặc biệt là bà con Nguyễn Phước tộc, rất tha thiết được cung nghênh hài cốt vua Hàm Nghi về quê hương. Do đó, năm 1999, lần đầu mới gặp Công chúa Như Lý ở Corrèze, tôi đã thưa với bà về nguyện vọng đó của đồng bào Việt Nam. Công chúa Như Lý cho tôi biết: Thực hiện di chúc của vua Hàm Nghi, khi nào hoàn cảnh thuận lợi người con trai của bà là Philippe sẽ đem hài cốt vua Hàm Nghi và bà Vương phi Laloe về Việt Nam. Trong lá thư bà gửi cho tôi sau đó, bà còn dặn thêm: Sau này khi tôi đã qua đời, mọi sự liên lạc với gia đình của vua Hàm Nghi ở Pháp đều thông qua người con trai của bà.

Tôi thuật lại ý kiến của Công chúa Như Lý với các vị yêu Huế ở Pháp cũng như ở nhiều nước khác ở châu Âu, các bạn tôi nhắc tôi rằng:

Ở Pháp ý nguyện của gia đình là quan trọng nhất. Chính quyền chỉ có thể can thiệp khi có sự đồng ý của gia đình

Sau khi đặt vấn đề xin đưa hài cốt vua Hàm Nghi về nước với Công chúa Như Lý và những người chung quanh bà, tôi cảm thấy cái “hoàn cảnh thuận lợi” theo quan niệm của bà và gia đình bà chưa tới nên tôi không dám nhấn mạnh thêm vấn đề này. Trước năm 1987, tôi có được ông Vũ Thắng - Bí thư Tỉnh uỷ Bình Trị Thiên, giao nhiệm vụ góp phần vận động tổ chức đưa hài cốt vua Duy Tân về Huế. Tôi biết việc đưa hài cốt một vị vua ở nước ngoài về Việt Nam nó nhiêu khê đến như thế nào. Theo tôi, việc vận động đưa hài cốt vua Hàm Nghi về nước còn vướng mắc nhiêu khê hơn thế nữa. Ví dụ lúc sinh thời Công chúa Như Lý cũng như các con của bà sau này chưa có đủ thông tin về Việt Nam đã đổi mới, mở cửa, hội nhập nên họ vẫn còn thấy “hoàn cảnh thuận lợi” chưa đến; những người có trách nhiệm nhất trong việc này trong gia đình của vua Hàm Nghi chưa sẵn sàng tiếp tay cho chính phủ và đồng bào Việt Nam đưa hài cốt vua Hàm Nghi về nước (khác với các con vua Duy Tân). Hơn nữa, lăng mộ vua Hàm Nghi táng 5 người thân thiết, cật ruột nhất trong gia đình ông, nếu có chủ trương dời thì dời cả 5 người (vợ chồng vua Hàm Nghi, Công chúa Như Mai, vợ chồng Hoàng tử Minh Đức-Dolly và một người quản gia suốt đời sống và chết với gia đình vua) hay chỉ dời nhà vua và bà vương phi thôi? Hoàng tử Minh Đức là một sĩ quan Lê Dương cấp tá - hoàng tử của một ông vua yêu nước nổi tiếng, niềm tự hào của Cựu quân nhân Lê Dương, nếu dời Hoàng tử Minh Đức về Việt Nam, họ mất ngọn cờ thủ lĩnh, liệu Hội Cựu quân nhân Lê Dương của Pháp có đồng ý không? Mà nếu không dời hài cốt vua Hàm Nghi về Việt Nam để cho các thế hệ người Việt yêu nước chăm sóc thì tương lai ở Thonac được tốt đẹp như bây giờ không? Các cháu ngoại của vua Hàm Nghi - những người chịu trách nhiệm cao nhất trong vấn đề này, năm nay đều đã trên dưới tám mươi tuổi, liệu sau khi các người cháu ngoại ấy qua đời thì chắc gì các chắt ngoại của nhà vua còn tiếp tục công việc chăm sóc lăng mộ cho nhà vua? Chuyện bỏ hoang phế là điều không tránh khỏi.

Vua Hàm Nghi trước khi nhắm mắt có nhờ chính quyền Pháp ở Alger đến và hứa sẽ đưa vua Hàm Nghi về Huế. Bà Laloe cũng có hứa. Trong di chúc của vua Hàm Nghi, vua có nói là phải đưa về và để nằm bên cạnh cha. Amandine và chúng tôi có đi lên coi vùng đất rồi. Mong chính quyền Huế sắp xếp cho vùng đất đó.

Mấy năm gần đây tôi có dịp tiếp xúc với TS Đặng Văn Giáp – một nhà ngoại giao trong tổ chức EU, cháu ngoại của cụ Bửu Trắc (con trai của vua Hàm Nghi trước khi nhà vua bị bắt và đày sang Alger). Tôi và TS Giáp trao đổi nhiều tài liệu thông tin về vua Hàm Nghi mà sử sách trước đây chưa biết. Tôi nhắc đến chuyện trước năm 1987 ông Vũ Thắng - Bí thư tỉnh ủy BTT giao cho tôi liên hệ với Nguyễn Phước tộc và tìm nơi táng hài cốt vua Duy Tân theo yêu cầu của các con vua Duy Tân. Vì thế tôi rất ưu tư về việc cải táng hài cốt vua Hàm Nghi về Huế. TS Đặng Văn Giáp hồi âm cho tôi:

“Anh Xuân, tôi có bàn luận chuyện này với Amandine và gia đình. Tóm tắt lại sớm hay muộn chúng tôi và bên Dabat sẽ dời mộ vua Hàm Nghi về. Nếu anh có thể xin chính quyền duyệt việc cho phép làm lăng vua Hàm Nghi bên cạnh thân phụ sớm thì chúng tôi có thể ép bên phía Pháp cho vua về sớm. mong anh giúp nhiều cho vua Hàm Nghi nhé”(E-mail, 19-7-21).

Tôi băn khoăn : Trong ngôi mộ chung cho 6 người, nếu được gia đình đồng ý cho dời thì dời như thế nào ? TS Giáp giải đáp ngay:

“Anh Xuân, chỉ có hài cốt vua Hàm Nghi về thôi. Ông Philippe Dabat có nói với tôi là xin chờ sau khi mẹ ông (bà Anne) mất thì thực hiện đưa hài cốt vua về. Nếu làm được lăng vua bên cạnh thân phụ có thể bà Anne đổi ý kiến và bà đưa hài cốt vua về.” (E-mail, ngày 22-7-21)

Nhận được thông tin của TS Đặng Văn Giáp tôi rất mừng. Tôi gửi e-mail cảm ơn ông. Ông lại hồi âm cho tôi:

   “Tôi có cảm giác rằng vua Hàm Nghi đưa cho anh cái nhiệm vụ này làm việc với chính quyền duyệt việc cho phép làm lăng cho vua bên cạnh lăng thân phụ của vua. Ngài Hàm Nghi rất là linh thiêng. Tôi nói đây dựa trên những chuyện mà Amandine kể cho tôi biết. Ngài là người sắp xếp cho ba dòng máu của Ngài gặp nhau (Laloe, Capek, Phan Thị Hòa). Gia đình Dabat rất tin là ông đang chuẩn bị đi về. Lúc tôi gặp anh sẽ kể chi tiết hơn” (E-mail ngày 24-7-21).

Ba dòng máu của vua Hàm Nghi:

- Laloe tức bà vợ vua Hàm Nghi sinh ra 3 người con Như Mai, Như Lý và Minh Đức;

- Capek tức cô giáo Gabrielle sinh ra Jean Capek người con trai ngòai giá thú của vua Hàm Nghi

- Phan Thị Hòa đã có với vua Hàm Nghi một người con trai là Bửu Trắc (ông ngoại của TS Đặng Văn Giáp).

TS Giáp là con trai của bà Tuất – cháu nội vua Hàm Nghi, ông cùng người em là Đặng Văn Luyện cung cấp một số tiền lớn trùng tu Phủ Kiên Thái Vương, xây dựng lăng bà Phan Thị Nhàn – thân mẫu của vua Hàm Nghi và một số lăng khác. Ông đã đến nghiên cứu những nơi vua Hàm Nghi đã từng qua ở VN và những nơi có liên hệ với vua Hàm Nghi ở Pháp, ông liên lạc thường xuyên với TS Amandine Dabat cháu nội bà Anne Dabat nên tôi tin lời ông. Qua tọa đàm này tôi ghi lại đây cung cấp cho Trị sự Nguyễn Phước tộc và các cơ quan chức năng của tỉnh Thừa Thiên Huế. Kính mong nguyện vọng cải táng hài cốt vua Hàm Nghi về Huế sớm thành hiện thực.  

N.Đ.X

Bình luận


Chưa có bình luận!


Bài viết trước đó
Bài viết kế tiếp

Trở lại đầu trang