Toạ lạc tại số 141 Bùi Thị Xuân, Phường Đúc, Tp. Huế - hiện có thờ di ảnh bà Mỹ nhân Nguyễn Trang Thị Quả do một người Pháp vẽ chân dung khi bà còn sống tại Khiêm Lăng (lăng Tự Đức); bức ảnh vẽ bằng màu nước - năm 1922 , phía góc dưới có ghi dòng chữ pháp: Femme de SM Tự Đức ( vợ vua Tự Đức ). Bà Mỹ nhân Nguyễn Trang Thị Quả và bà Tài nhân Nguyễn Trang Thị Tất là con của ngài Nguyễn Văn ..., một võ quan dưới triều vua Tự Đức đã tiến cung một lần hai người con gái của mình. Anh Nguyễn Trung, hậu duệ bà Mỹ nhân cho biết, anh đang lưu giữ một quyển thể sách (sách lụa) do vua Tự Đức ban cấp sách phong khi bà còn ở trong cung cấm - năm 1878 .

Bà Mỹ nhân Nguyễn Trang Thị Quả do một người Pháp vẽ chân dung
Tạm dịch: “Từ ngày mồng một đến ngày hai mươi lăm tháng giêng năm Mậu Dần, Tự Đức năm thứ 31(1878).
Vân trời nổi vận.
Hoàng đế bảo rằng: Trẫm nghĩ: Nền phong hoá ở chốn khuê phòng, điển lễ rõ ràng, đặt ra ban giai ở trong nội cung, danh phận sáng tỏ. Nay ngươi là Tài nhân họ Nguyễn Trang: cử chỉ dịu dàng, tính tình trong trắng, chốn hương khuê giữ việc chăn màn, cung thuý dịch (nhà kín đáo ở một bên cung điện) nhờ ơn gối chiếu (chăn gối), khá khen tính nết hiền lành, nên rộng ban cho tước vị. Nay đặc biệt tấn phong làm Mỹ nhân để được ơn vinh, tuân theo nề nếp, hãy gắn khiêm cung chớ trái lời dạy bảo để được mãi mãi phúc ấm không cùng.”

Về gia đình hoàng gia và thứ bậc các bà phi trong cung Nguyễn, sách Đại Nam hội điển sự lệ có chép: Năm Minh Mạng thứ 17 (1836) nhà vua cho đặt làm 9 bậc ở nội cung... Lại đặt Quý phi, Hiền phi, Thần phi làm bậc nhất; Đức phi, Thục phi, Huệ phi làm bậc nhì; Quý tần, Hiền tần, Trang tần làm bậc ba; Đức tần, Thục tần, Huệ tần làm bậc tư; Lệ tần, An tần, Hoà tần làm bậc năm; Tiệp dư làm bậc sáu; Quý nhân làm bậc bảy; Mỹ nhân làm bậc tám; Tài nhân làm bậc chín.
Như vậy bà phi Mỹ nhân Nguyễn Trang Thị Quả thuộc bậc thứ 8 trong hệ thống Cửu giai.
Sau khi vua Tự Đức qua đời (1883) thì hai bà Mỹ nhân và Tài nhân (hai chị em ruột) lên ở tại Khiêm Lăng. Theo tài liệu của cụ Phan Văn Dật cho biết đến năm 1901, nghĩa là 18 năm sau khi vua Tự Đức mất còn 47 bà sống tại Khiêm Lăng. Đến năm 1926, sức khoẻ bà Mỹ nhân Nguyễn Trang Thị Quả yếu dần, triều đình cử quân lính võng bà về nhà thờ và bà qua đời ở Huế.

Bài vị bà Mỹ nhân

Tác giả đi tìm hiểu, nghiên cứu
Riêng tại nhà thờ họ Nguyễn, kiệt 161 Bùi Thị Xuân, Tp. Huế là nhà thờ chính đã tồn tại trên 200 năm, đặc biệt nội thất nhà thờ có thờ bài vị bà Mỹ nhân Nguyễn Trang Thị Quả và bà Tài nhân Nguyễn Trang Thị Tất; ngoài ra bài vị của hai bà phi cũng được thờ tự trang nghiêm tại Chí Khiêm đường thuộc Khiêm Lăng (lăng Tự Đức) .
Hồ Vĩnh