Những di tích Triều Nguyễn ở Đắc Lắc

"Ở Đắc Lắc có một số di tích liên quan đến hoàng tộc nhà Nguyễn, như Biệt điện Bảo Đại ở Buôn Ma Thuột, Biệt điện Bảo Đại ở hồ Lắc, chùa Khải Đoan... Cái khó nhất trong việc phục hồi là nội dung của những di tích, đòi hỏi phải đầu tư chất xám, trí tuệ. Qua chuyến đi Pháp vừa rồi và qua chuyến lên Đác Lắc công tác lần này tôi thấy mình có thể giúp Đắc Lắc được về mặt này".

Đặng Bá Tiến phỏng vấn: Ở Đắc Lắc có một số di tích liên quan đến hoàng tộc nhà Nguyễn, như Biệt điện Bảo Đại ở Buôn Ma Thuột, Biệt điện Bảo Đại ở hồ Lắc, chùa Khải Đoan... Được biết trong chuyến đi công tác của anh ở Pháp vừa qua anh có gặp một số người thân thích của ông hoàng Bảo Đại, có dịp tìm hiểu sâu hơn các di tích này. Vậy xin anh cho biết thêm một số thông tin mới có liên quan đến các di tích đó?
Nguyễn Đắc Xuân trả lời: Triều Nguyễn đã thực hiện chấm dứt từ năm 1945. Nhưng sau đó do sự sắp đặt của thực dân Pháp, Bảo Đại còn làm quốc trưởng của miền Nam một thời gian. Thực chất của cái nhà nước này vẫn mang tính hoàng tộc, vẫn còn các tổ chức của triều Nguyễn. Do đó nghiên cứu về triều Nguyễn tôi vẫn rất quan tâm đến giai đoạn này (đây là giai đoạn sử sách Việt Nam ít đề cập đến).


Khi qua Pháp tôi đã tìm gặp những người biết chuyện về Bảo Đại và gia đình của ông ra từ giai đoạn toàn quốc kháng chiến đến năm 1954. Tôi có gặp bà Mộng Điệp là thứ phi của Bảo Đại - người ở với ông từ cuối năm 1954 đến khi ông sang Pháp-bà ta có biết, một số việc, đặc biệt là một số việc khi Bảo địa làm quốc trưởng, việc ông ta xây dựng một số dinh thư ở Đác Lắc. Nhờ đó mối quan tâm của tôi có dịp tìm hiểu, kiểm chứng sâu hơn, trong đó có một số vấn để liên quan đến Đác Lắc.
ĐBT: Theo anh các di tích của nhà Nguyễn tại Đắc Lắc ngoài giá trị du lịch còn có những giá trị nào nữa?
NĐX: Đúng như anh nói, các di tích đó rất có giá trị du lịch. Vì đây là di tích của một ông vua, của một ông quốc trưởng, nên sẽ thu hút khách du lịch. Các dinh 1,2,3 của Bảo Đại ở Đà Lạt, Biệt thự Trắng của vua Thành Thái ở Vũng Tàu... đều thu hút khách du lịch đông. Các di tích ở Đác Lắc theo tôi cũng rất quan trọng. Ngoài ý nghĩa du lịch nó còn liên quan đến lịch sử Việt Nam. Sự kiện quan trọng nhất là sau khi ký hiệp định Hạ Long, Pháp trả lại Nam, Trung, Bắc kỳ cho Việt Nam do ông Bảo Đại làm Quốc trưởng. Nhưng vùng Tây Nguyên (trước kia là chư hầu của triều Nguyễn), Pháp lại không trả. Do sự đấu tranh khá mạnh mẽ của Bảo Đại (có sự thúc đẩy của bà Mộng Điệp) nên sau đó Pháp buộc phải trả lại vùng Tây Nguyên cho Bảo Đại; và ông ta gọi vùng này là Hoàng triều cương thổ (lãnh thổ của Hoàng triều Việt Nam). Bảo Đại có tổ chức một buổi lễ lớn để nhận sự trao trả của Pháp ở Buôn Ma Thuột, tôi đã có dịp viết trong cuốn sách Chín đời chúa mười ba đời vua Nguyễn. Để tìm cách cai quản vùng đất này, Bảo Đại đã lên ở Buôn Ma Thuột nhiều ngày. Vốn là người thích săn bắn nên trong giai đoạn này (1951, 1952, 1953) ông đã cho làm thêm một dinh thự bên hồ Lắc- là nơi có phong cảnh hữu tình và có nhiều thú rừng. Cũng trong giai đoạn này Bảo Đại cho làm sân bay Buôn Ma Thuột. Và, vì Bảo Đại thường ở Buôn Ma Thuột nhiều ngày nên ông Níc-xơn thời còn làm phó cho tổng thống Ai-xen-hao của Mỹ đã từng đến Buôn Ma Thuột để gặp Bảo Đại, yêu cầu ông ta đi sang Mỹ nhận viện trợ trực tiếp, nhằm sử dụng con bài Bảo Đại đương đầu với kháng chiến. Nhưng Bảo Đại không đi. Sau đó Mỹ đành phải chuyển sang dùng Ngô Đình Diệm.
Có một sự kiện quan trọng nữa liên quan đến Buôn Ma Thuột là việc pháp trả lại ấn kiếm. Ngày 30-8-1945 Bảo đại đã trao ấn kiếm cho ông Trần Huy Liệu, người đại diện cho chính quyền cách mạng tại cố đô Huế. Sau đó ông Trần Huy Liệu đưa ấn kiếm ra Bắc. Nhưng ngày toàn quốc kháng chiến chúng ta đã để mất bộ ấn kiếm này. Sau đó ấn kiếm lại rơi vào tay Pháp, Pháp không giữ mà trả lại ấn kiếm lại cho Bảo Đại. Người trực tiếp nhận ấn kiếm là bà Mộng Điệp và bà Từ Cung. Ấn kiếm được để tại Buôn Ma Thuột này. Đến năm 1953 chiến cuộc diễn ra ác liệt, sợ ấn kiếm bị mất nên Bảo Đại giao cho bà Mộng Điệp đưa sang Pháp; sau đó bà Mộng Điệp giao cho bà Nam Phương quản lý. Bà Nam Phương mất, ấn kiếm chuyển sang tay con trưởng là Bảo Long.
Một sự kiện nữa là khi bà Đoan Huy Hoàng thái hậu lên Buôn Ma Thuột cùng bà Mộng Điệp nhận ấn kiếm, bà đã ở đây khá lâu và cho làm một ngôi chùa có tên là Khải Đoan (Khải tức là Khải Định, Đoan tức là Đoan Huy Hoàng thái hậu). Đây là chùa sắc tứ cuối cùng của triều Nguyễn ở Việt Nam, có diện tích trên 7 ha.
Theo tôi đây là những vấn đề có ý nghĩa, rất đáng được quan tâm.
ĐBT: Theo anh các di tích của nhà Nguyễn ở Đác Lắc vừa có giá trị du lịch vừa có ý nghĩa lịch sử. Vậy thì chúng ta nên bảo vệ và khái thác các di tích này như thế nào?
NĐX: BMT là một vùng nổi tiếng trong lịch sử VN. Trong chống Mỹ đây là nơi mở đầu cho đại thắng mùa Xuân năm 1975 giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất Tổ quốc. Đó là cái mốc lịch sử rất quan trọng, nên được thế giới rất quan tâm; đồng thời đây cùng là thủ phủ của quốc trưởng Bảo Đại nên càng làm cho khách nước ngoài chú ý hơn. Buôn Ma Thuột có thuận lợi hơn là thông thương với TP Hồ Chí Minh, Nha Trang, Đà Lạt, Quy Nhơn... Tất cả những nơi đó đi về BMT chỉ trong hơn nửa ngày, do đó những di tích này nếu được gìn giữ, sửa sang lại thì rất có giá trị cho du lịch. Mà làm du lịch tốt cũng tức là làm văn hoá tốt. Muốn làm văn hoá tốt phải phục hồi các di tích này đúng nguyên gốc. Trong những năm qua chúng ta còn khó khăn và chưa nhận thức hết được vấn đề này, nên một số di tích bị tàn phá khá nhiều. Tuy vậy phục hồi lại không đến nỗi khó khăn lắm. Dưới chân Biệt điện hồ Lắc là một bãi nuôi voi 4-5 chục con của Bảo Đại và bà Mộng Điệp, nếu phục hồi được đàn voi đó để phục vụ cho khách du lịch thì rất tốt. Khu biệt điện ở BMT hiện đã cắt làm hai, bị biến dạng khá nhiều, nhưng theo tôi phục hồi cũng không khó. Nếu phục hồi được thì giá trị và hiệu quả của nó còn gấp nhiều lần cách khai thác hiện nay. Cái khó nhất trong việc phục hồi là nội dung của những di tích, đòi hỏi phải đầu tư chất xám, trí tuệ. Qua chuyến đi Pháp vừa rồi và qua chuyến lên Đác Lắc công tác lần này tôi thấy mình có thể giúp Đác Lắc được về mặt này. Nếu tỉnh có chủ trương phục hồi các di tích này như các tỉnh khác đã làm thì đó là điều đáng mừng cho nhân dân Đác Lắc và cho VN, vì có thêm các điểm du lịch văn hoá, lịch sử, thu hút khách trong nước và quốc tế. Cùng các tiềm năng khác, đây là lợi thế lớn của BMT, của Đác Lắc. Qua tiếp xúc sơ bộ với ông Nguyễn An Vinh- Phó Bí thư thường trực Tỉnh uỷ Đác Lắc, tôi thấy suy nghĩ của chúng tôi và ông Phó Bí thư cũng rất gần nhau...
- Đó là một tin vui trong những ngày cuối năm 1996 đối với vùng đất giàu truyền thống lịch sử và văn hoá này. Xin cảm ơn ông.
Đặng Bá Tiến,
(Nguyễn Đắc Xuân trả lời phỏng vấn Báo Dak Lak, Xuân Đinh Sửu 1997)

Bình luận


Chưa có bình luận!


Bài viết trước đó
Bài viết kế tiếp

Trở lại đầu trang