Tên của trưởng Công chúa của vua Hàm Nghi không thể là Nhữ Mây

        Trong cuộc đời nghiên cứu triều Nguyễn và Huế xưa, hạnh phúc nhất của tôi là vào đầu năm 1999 được gặp Công chúa Như Lý – con gái vua Hàm Nghi, ở lâu đài La Nauche 19410 Vigeois (Corrèze) vùng trung tây nước Pháp. Được gặp Công chúa và các con bà, được hỏi chuyện bà, quay phim (do ông Huỳnh Văn Tươi thực hiện), chụp ảnh, được chính tay bà ghi cho những sự kiện và những mốc thời gian quan trọng liên quan đến thời gian vua Hàm Nghi bị đày ở xứ người (1889-1944). Sau khi về nước tôi lại viết thư kính nhờ bà ghi tiếp cho tôi những điều tôi chưa kịp hỏi bà hôm được bà tiếp. Lại được bà hồi âm bằng chính bút tích của bà. Năm 2002, bà xã tôi sang Pháp thăm con gái đang học Đại học ở Paris, hai mẹ con lại về thăm bà đang nằm trong viện Dưỡng lão Vigeois, rồi được cô Anne – con gái của bà hướng dẫn về thăm lâu đài La Nauche. Sau đó mỗi lần có gì thắc mắc tôi lại mail nhờ con gái điện thoại hỏi Philippe (Tử tước de la Besse) - con trai của bà và cũng được trả lời đầy đủ. Tôi đã giới thiệu một phần thông tin có liên quan đến vua Hàm Nghi ở nước ngoài trên báo chí và sách của tôi. Tôi đã đính chính được sự sai lạc kéo dài hơn nửa thế kỷ trước đó về ngày tháng năm vua Hàm Nghi qua đời ở Alger. Theo tôi, vua Hàm Nghi qua đời chính xác vào ngày 14-1-1944. 

H.1.Tại phòng khách lâu đài La Nauche (Vigeois), CC Như Lý hỏi Dược sĩ Nguyễn Duy Thản và tôi (đang ôm di ảnh vua Hàm Nghi) yêu cầu những thông tin gì để bà viết. Ảnh Huỳnh Văn Tươi.

H.1.Tại phòng khách lâu đài La Nauche (Vigeois), CC Như Lý hỏi Dược sĩ Nguyễn Duy Thản và tôi (đang ôm di ảnh vua Hàm Nghi) yêu cầu những thông tin gì để bà viết. Ảnh Huỳnh Văn Tươi.

        Trước khi xuất hiện các bài viết của Mathilde Tuyết Trần về vua Hàm Nghi ở nước ngoài trên Internet (khoảng năm 2008) và in trong cuốn Dấu xưa -Tản mạn lịch sử nhà Nguyễn,(Nxb Trẻ, TP HCM. 2011), thì tôi được xem là người có nhiều tài liệu mới mẻ nhất về những năm tháng vua Hàm Nghi bị lưu đày ở xứ người.[1]

        Qua cuốn Dấu xưa (2011), Mathilde Tuyết Trần cho biết bà đã đến thăm hai địa phương mà hai Công chúa Như Mai và Như Lý đã ở khi hai bà đã qua đời. Mathilde đến Lâu đài Losse khi lâu đài nầy đã trở thành một khu du lịch nhộn nhịp. Mathilde đứng ngoài chứ chưa vào được lâu đài La Nauche của Công chúa Như Lý. Mathilde đã gặp được vài người ở thế hệ thứ ba (cháu vua Hàm Nghi). Tuy nhiên Mathilde đã tra cứu được nhiều tài liệu trên internet, tài liệu lưu trữ quý về vua Hàm Nghi và gia đình như bản khai tử bà giúp việc Delorme có chữ ký của Công chúa Như Mai, tượng bằng đất nung José của vua Hàm Nghi, Thư của Công chúa Như Mai yêu cầu được đem hài cốt vua Hàm Nghi về Huế, Thư từ chối của chính quyền Pháp, ảnh chân dung ông Francis Laloé (ông nhạc của vua Hàm Nghi).v.v. Một người thông thạo Pháp ngữ, yêu quý lịch sử, xông xáo, có đủ kiến thức và phương tiện đi lại, lùng sục tư liệu (không những về vua Hàm Nghi mà còn về nhiều nhân vật Việt Pháp khác) như Mathilde là một người cầm bút hiếm có. Sự đóng góp tư liệu lịch sử của Mathilde cho lịch sử Việt Nam, văn hóa Việt Nam hết sức quý giá. Tuy nhiên, tôi không hiểu vì lý do gì mà Mathilde lại bác bỏ tất cả những góp ý, những tài liệu chính thức của Hoàng tộc Nguyễn có giá trị về tên gọi Như Mai – trưởng Công chúa của vua Hàm Nghi để theo đuổi cái tên Nhữ Mây hết sức lạ lẫm đối với giới sử học và Hoàng tộc Nguyễn ? 

         Ông Lê Văn L.- một trí thức Phật tử ở Huế rất ngưỡng mộ cuốn Dấu xưa -Tản mạn lịch sử nhà Nguyễn, của Mathilde Tuyết Trần (Nxb Trẻ, TP HCM 2011), nhưng khi gặp tôi ông thắc mắc:

          - “Xưa nay ai cũng biết con gái trưởng của vua Hàm Nghi là Công chúa Như Mai. Vậy mà Mathilde Tuyết Trần viết là Nhữ Mây, tại sao các nhà Huế học các anh không có ý kiến gì hết vậy? ”

          Tôi thưa thiệt:

           -“Cái tên Nhữ Mây đã xuất hiện trên báo Hồn Việt[2] thân thiết của tôi từ cuối năm 2010, nhưng tôi chỉ góp ý riêng với Tòa soạn, chứ không viết thành bài đăng báo. Chuyện đó sai rành rành như vậy rồi thế nào tác giả cũng sẽ thấy và bà tự sửa thôi !”  

          Tưởng chuyện đơn giản chỉ có thế. Không ngờ...

           Một hôm, nhà văn Trần Phương Trà bạn của nhà thơ Nguyễn Duy và là người đồng chí – đồng hương – đồng sự của tôi, từ Hà Nội điện thoại vô Huế trách tôi:

           - Vợ chồng minh vừa xem bộ phim “Đi tìm dấu tích ba vua: Hàm Nghi - Thành Thái - Duy Tân“  do Hãng phim Truyền hình TPHCM (TFS) thực hiện

Thấy có nhiều đoạn quay anh và và bà xã anh, sao anh không góp ý với đoàn làm phim, trong đó có Nguyễn Duy của Hội nhà văn ta, để họ thuyết minh cho đúng con gái trưởng của vua Hàm Nghi là Như Mai chứ làm sao lại là Nhữ Mây lạ lùng rứa?"

([1] Nguyễn Đắc Xuân, Vua Hàm Nghi – một tâm hồn Việt ở chốn lưu đày, Nxb Thuận Hóa-2008

[2] Mathilde Tuyết Trần, Công chúa Nhữ Mây – Một trong những nữ vĩ nhân của nước Pháp, Hồn Việt số 42 (Tháng 12-2010), tr. 12.-14 & 64)

Tôi phân trần:

        - Ông bà Trần ơi, anh em làm phim họ đến hỏi chuyện, vợ chồng tôi biết gì về vua Hàm Nghi và gia đình của nhà vua ở Pháp, thì nói việc ấy chứ có được xem kịch bản, có được biết họ thuyết minh như thế nào đâu mà góp ý!“

         - “Một bộ phim tài liệu tốn kém quý giá như thế mà để mắc phải cái lỗi ấu tri như thế tiếc quá!” – Trần Phương Trà thông cảm cho tôi và tiếc cho bộ phim.

         Sau cú điện thoại của Trần Phương Trà tôi rất buồn. Nhưng dù sao thì bộ phim cũng đã hoàn thành lâu rồi, đã phổ biến khắp thế giới, mình có góp ý thêm nữa thì cũng chẳng giải quyết được gì nên tôi im luôn.

         Chuyện chưa dứt ở đó. Hồi trung tuần tháng 7 -2012 vừa rồi, sau khi dự lễ Kỷ niệm 30 năm thành lập Phật giáo Làng Mai ở Bordeaux (Pháp), Phật tử  - trong đó có bà xã tôi và một vài người bà con ở Huế của tôi, được các Thiền sư Làng Mai hướng dẫn đi viếng lăng mộ vua Hàm Nghi ở làng Thonac,  Dordogne.         

         Đứng trước ngôi mộ chung của gia đình vua Hàm Nghi thấp lè tè, không ai ngờ đuợc ngôi mộ của gia đình nhà vua yêu nước nổi tiếng trong sử sách như thế mà lại đơn sơ đến thế! Trên phiến đá làm nắp ngôi mộ chung khắc tên 5 người theo thứ tự như sau:

S.M. HAM NGHI, Empereur d'Annam, Hue 1871 - Alger 1944

S.A.I. La princesse d'Annam, née Marcelle LALOË, 1884 – 1974

Nhu May, Princesse d'Annam, 1905 – 1999 (do NĐX nhấn mạnh)

Minh Duc, Prince d'Annam, 1910 – 1990

Marie Jeanne DELORME, 1852 - 1941

        Người hướng dẫn của Làng Mai đọc to lên:

        -...... “Nhữ Mây – Công chúa An Nam, 1905-1999“

H.2.Tên Như Mai Công chúa An-nam được khắc trên phiến đá nắp ngôi mộ chung.  Ảnh Nguyễn Đình Niêm

H.2.Tên Như Mai Công chúa An-nam được khắc trên phiến đá nắp ngôi mộ chung. Ảnh Nguyễn Đình Niêm

      Bà xã tôi là một cô giáo người Huế, dạy văn ở trường Đồng Khánh Huế, đã từng nghe tên Công chúa Như Mai - Trưởng Công chúa của vua Hàm Nghi từ thuở mới vào Trung học, năm 2002 đã từng hỏi chuyện cô Anne – cháu ngoại vua Hàm Nghi ở Vigeois về Công chúa Như Mai, Công chúa Như Lý,  đã rất tự hào với những tư liệu lịch sử về gia đình vua Hàm Nghi mà chúng tôi đã thu thập được lâu nay nên mau miệng nói:

- “Công chúa Như Mai chứ không phải Nhữ Mây đâu!”

Thật bất ngờ, ngay lập tức những Phật tử ở miền Nam tranh nhau lên tiếng phản đối:

- “Công chúa Nhữ Mây sách vở báo chí đã viết lâu nay như vậy và đã khắc lên bia mộ rành rành kia mà còn cãi Như Mai nữa được sao?”

     Người nầy tiếp nối người kia chê bà xã tôi “Không biết gì mà cũng cãi”

     Bà xã tôi quá bẽ bàng, bèn hỏi nhỏ một người “Ai viết Công chúa Như Mai là Nhữ Mây rứa?” thì được biết đó là Mathilde Tuyết Trần tác giả cuốn Dấu xưa -Tản mạn lịch sử nhà Nguyễn, rất được bạn đọc quan tâm ở TP HCM. Không có tài liệu chính xác trong tay thì không thể nói gì hơn, bà xã tôi phải ngậm miệng để lo thắp hương lạy vua và khấn nguyện hương hồn nhà vua chứng giám cho sự hiểu nhầm tai hại nầy (Xem ảnh H.3.dưới đây).

H.3. Khấn nguyện nhà vua tha thứ cho sự nhầm lẫn tên trưởng Công chúa Như Mai của nhà vua thành Nhữ Mây. Ảnh NĐN

H.3. Khấn nguyện nhà vua tha thứ cho sự nhầm lẫn tên trưởng Công chúa Như Mai của nhà vua thành Nhữ Mây. Ảnh NĐN

     Sau đó về Huế bà xã tôi yêu cầu tôi phải viết bài chứng minh tên con gái trưởng của vua Hàm Nghi là Như Mai chứ không phải Nhữ Mây như Mathilde Tuyết Trần đã viết. Nếu không đính chính thì sai lầm nầy sẽ để lại một hậu quả không mấy tốt đẹp, xúc phạm đến bà Công chúa khả kính của dân tộc.

      Không thể từ chối được một lời yêu cầu chính đáng của bà xã, tôi viết bài phản biện nầy, hy vọng sẽ không còn hiểu lầm Như Mai thành Nhữ Mây nữa.

     Chưa vội đề cập đến tài liệu phức tạp, tôi xin nêu mấy nhận xét sau đây:

  1. Theo thực tế và nghiên cứu của tôi mấy chục năm nay thì các hoàng tử họ Nguyễn Phúc chỉ được học chữ Hán, từ thời Thành Thái trở về sau (1889-1945) có học thêm chữ Quốc ngữ và chữ Pháp, chứ không được học chữ Nôm. Vua Hàm Nghi từ nhỏ đến lớn đều học chữ Hán, viết chữ Hán. Do đó nếu nhà vua đặt tên cho con gái gồm hai chữ Nôm “Nhữ Mây” thì chắc chắn ông có thể ghi tên con mình bằng chữ Nôm lên giấy được!
  2. Các tên Nôm “Mây”, “Mưa”, “Gió ” “Trăng” là những tên người rất mới, chỉ xuất hiện mấy mươi năm gần đây thôi. Nếu có đặt thì cũng chỉ đặt để gọi thân mật trong gia đình, chứ không dùng làm tên chính thức. Việc đặt tên cho con cháu trong Hoàng tộc Nguyễn rất chặt chẽ, đặt theo Bộ trong chữ Hán. (Ví dụ Kiên Thái Vương và Phòng 26 thuộc Đệ tam chánh hệ phải đặt tên con cháu thuộc bộ Đậu) Bởi thế, qua nghiên cứu tên ông hoàng, bà chúa con cháu trong Hoàng tộc Nguyễn tôi chưa hề tìm được một người nào có tên chính thức bằng chữ Nôm. Nếu vua Hàm Nghi thích “Mây”, “Mưa”, “Gió ” “Trăng”, thì có lẽ ông sẽ dùng các chữ vân, vũ, phong, nguyệt trong chữ Hán chứ không thể dùng các tên Nôm ấy! Theo tôi: không thể có chuyện vua Hàm Nghi đặt tên con gái trưởng của mình bằng hai chữ Nôm “Nhữ Mây“.
  3. Qua tiếp xúc, tôi biết Công chúa Như Lý không nói được một tiếng Việt nào. Tôi tin bà Laloé vợ vua Hàm Nghi cũng không biết tiếng Việt. Và, chắc Công chúa trưởng của vua Hàm Nghi cũng thế. Thế thì vua Hàm Nghi đặt tên cho con gái mình là Nhữ Mây thì vợ con ông là những người Pháp làm sao họ có thể phát âm và viết đúng được cái tên Nôm NHỮ ấy?
  4. Chúng ta biết vua Hàm Nghi có ba người con, người thứ hai và người thứ ba ông dùng từ Hán Việt để đặt tên: Như Lý và Minh Đức. Vua Hàm Nghi có dạy cho Như Lý viết tên mình bằng chữ Hán. Cho nên khi tôi xin địa chỉ, Công chúa Như Lý đã viết tên và địa chỉ nhà bà lên giấy cho tôi như sau:
H.3.Bên trái: Tên Nhu Ly theo mẫu tự La-tinh và Như Lý bàng chữ Hán. Bên phải là tên chính thức của Comtesse de la Besse (Bà Hầu tước Besse), tên lâu đàu Nauche, tên địa phương Vigeois (Pháp), cuối cùng là số điện thoại.

H.3.Bên trái: Tên Nhu Ly theo mẫu tự La-tinh và Như Lý bàng chữ Hán. Bên phải là tên chính thức của Comtesse de la Besse (Bà Hầu tước Besse), tên lâu đàu Nauche, tên địa phương Vigeois (Pháp), cuối cùng là số điện thoại.

H.4. Ảnh bên phải Công chúa Như Lý ngồi viết trả lời những gì chúng tôi thỉnh cầu. Ảnh NĐX

H.4. Ảnh bên phải Công chúa Như Lý ngồi viết trả lời những gì chúng tôi thỉnh cầu. Ảnh NĐX

        Người con thứ hai và thứ ba đặt tên bằng từ Hán Việt: Như Lý, Minh Đức, lẽ nào người con gái trưởng của ông, vua Hàm Nghi lại dùng từ Nôm Nhữ Mây?

       Viết bốn ý kiến trên tôi nghĩ sẽ được độc giả, nhất là độc giả Huế, độc giả Hoàng tộc Nguyễn đồng tình nhưng chưa chắc đã thuyết phục được Mathilde Tuyết Trần. Vì thế tôi phải bình luận những chứng cứ, lý lẽ mà Mathilde đã sử dụng để đưa ra cái tên Nhữ Mây.

         A. Về phát âm tên Như Mai: Mathilde viết “Trong tiếng Pháp có chữ “mai” là tháng năm, nhưng không có người Pháp nào lại phát âm chữ “mai” thành “me” cả. Đó là giọng người Việt nói tiếng Pháp”. (Dấu Xưa, tr.124)

Bình luận: Tôi ở Huế, tiếng Pháp tự học là chính nên không dám có ý kiến gì về nhận định thuộc lãnh vực ngữ âm học trong tiếng Pháp nêu trên của Mathilde. Nhưng tôi thực hiện theo kiểu tự học của tôi như sau: Tôi tìm gặp được một ông khách du lịch người Pháp chính cống trú ở Khách sạn ngay ngỏ xóm nhà tôi (kiệt 7 Nguyễn Công Trứ, Huế). Tôi nhờ ông ghi hộ chữ MAI (như ngày mai, tiếng Pháp là Demain) đúng theo âm mà ông sẽ nghe tôi đọc. Ông vui vẻ nhận lời. Ông nhìn miệng tôi đọc “MAI“ và ghi ngay hai chữ: May Mai (chữ i có hai chấm trên đầu – i tréma). Cách thực hiện của tôi ngược với Mathilde là: Mathilde viết ra chữ Mai và người Pháp đọc chữ Mai ấy, còn tôi thì đọc và nhờ người Pháp nghe và ghi lại. Theo cách của tôi mới có thể đúng với trường hợp của vua Hàm Nghi. Nhà vua đặt tên cho con gái là Như Mai, ông đọc như thế và vợ con ông là người Pháp bắt chước đọc theo và họ ghi là May. Khi đi làm Giấy khai sanh cho con, người đi khai cũng đọc và người Pháp làm hộ tịch nghe kỹ rồi cũng ghi May. [Tôi mong những người gần gũi người Pháp hằng ngày thử lại cách thức tôi đã làm xem thử có đúng không. Nếu đúng thì chuyện tên Công chúa Như Mai được người Pháp viết trên tất cả các giấy tờ liên quan, khắc lên bia mộ là Nhu May không có gì phải nghiên cứu tranh luận nữa].

      B. Về tài liệu khoa học. Mathilde viết: “Theo chữ ký của bà có bỏ dấu tiếng Việt trong văn tự còn được lưu trữ thì tên của bà là Nhữ Mây. Một cái tên rất lạ và rất đẹp. Trong các văn bản chính thức, bà ký tên là Nhữ Mây d’Annam (Xin xem hình kèm theo trong sách)”. (Sđd. tr.125).

Bình luận: Đây là tài liệu có giá trị khoa học nhất. Nếu có thật tên NHỮ MÂY có bỏ dấu thì tên con gái trưởng của vua Hàm Nghi là Nhữ Mây không còn gì để phải thảo luận nữa. Theo chỉ dẫn “Xin xem hình kèm theo trong sách ” vừa trích của Mathilde, tôi tìm trong sách Dấu Xưa, đọc được hai bản sao tài liệu gốc.

Tài liệu thứ nhất: “Thư của Công chúa Nhữ Mây yêu cầu được đem hài cốt vua Hàm Nghi về Huế” (Sđd.tr.153&154), Tài liệu nầy là hai trang viết tay nhưng không có tên và chữ ký nào của người viết ở cuối thư cả. Dòng chú thích viết “Thư của Công chúa Nhữ Mây”  do Mathilde áp đặt chứ trong văn bản tài liệu không có. Có lẽ đây chỉ là một bản thảo chứ chưa phải là bản chính thức đã gởi cho chính quyền Pháp lúc ấy. Văn bản nầy không giúp ích gì trong việc xác nhận tên của Công chúa là Nhữ Mây cả;

Tài liệu thứ hai quan trọng nhất, theo chú thích của Mathilde thì đây là “Văn bản khai tử bà Delorme có chữ ký của Công chúa Nhữ Mây” (Sđd.tr.107), Vì quá quan trọng nên tôi phải scan rồi phóng to lên để xem như sau:

H.5. Đoạn cuối “Văn bản khai tử bà Delorme“ KHÔNG CÓ tên Nhữ Mây

H.5. Đoạn cuối “Văn bản khai tử bà Delorme“ KHÔNG CÓ tên Nhữ Mây

      Ở cuối văn bản nầy có 2 chữ ký: Bên trái chữ ký của xã trưởng Paul Culine và bên phải chữ ký của Nhu May d’Annam. Không có bất cứ một dấu hiệu nào chứng tỏ có hai chữ Nhữ Mây như Mathilde đã khẳng định cả. Chữ ký Nhu May d’Annam nầy không khác gì chữ ký Nhu May d’Annam mà Công chúa Như Mai đã dùng cho đến cuối đời bà. Ví dụ như chữ ký của Công chúa Như Mai (vào khoảng năm 1995) trong một lá thư bà cám ơn cụ Ưng Thi đã gởi cho bà bản Phả hệ triều Nguyễn, xin trích như sau:

H.6. Trích thư Công chúa Như Mai gởi cho cụ Ưng Thi. TL của NĐX

H.6. Trích thư Công chúa Như Mai gởi cho cụ Ưng Thi. TL của NĐX

     Chữ ký của Công chúa Như Mai dưới Văn bản khai tử bà Delorme không khác gì các chữ ký khác. Không tìm thấy một dấu hiệu nào có hữ Nhữ Mây trong Văn bản như Mathilde đã khẳng định. Vậy phải chăng Mathilde đã thực hiện một “cú lừa” để đổi tên Công chúa Như Mai thành Công chúa Nhữ Mây?

     C. Nhờ ngoại cảm hỗ trợ. Mathilde viết ...“Qua điện thoại trực tiếp một nhà ngoại cảm Hà Nội “xác nhận” cho tôi biết tên người con gái đầu lòng của vua Hàm Nghi là “Như Mây” đẹp và thanh cao như một áng mây – đồng thời giải thích thêm về tên của người con gái thứ hai là Như Lý – như công lý, chân lý.” (Sđd. tr.126)

Bình luận: Nếu Mathilde tin chắc “Văn bản khai tử bà Delorme có chữ ký của Công chúa Nhữ Mây” thì đã đủ chứng cớ tên Công chúa trưởng của vua Hàm Nghi là Nhữ Mây rồi. Cần gì phải dẫn chứng thêm tài liệu thông tin nào khác nữa? Nhưng có lẽ Mathilde không dối mình được nên phải đưa thêm tài liệu ngoại cảm nầy để dối độc giả. Tài liệu ngoại cảm không nói chữ Nhữ mà dùng chữ Như, và vẫn giữ chữ Mây. Nếu tin nhà ngoại cảm thì chính nhà ngoại cảm đã phá cái tên Nhữ Mây mà Mathilde đã cố chủ trương. Qua dẫn chứng ở đoạn C nầy, nó bộc lộ sự thiếu nghiêm túc trong khoa học của Mathilde.

Như Mai hay Nhữ Mây chỉ là một cái tên thôi. Nhưng nó không thuộc loại “chuyện nhỏ“. Dưới con mắt của người nghiên cứu sử: Cuộc đời Công chúa Như Mai có hai giá trị mà không có bất cứ một bà Công chúa Nguyễn nào có thể so sánh được với bà:

  1. Mặc dù mẹ là một bà đầm Pháp, bà là một nhà khoa bảng Pháp nhưng suốt đời bà sống xứng đáng với vua cha Việt bị đày: Bà tự hảo với cái tên Công chúa Như Mai An Nam; bà ăn mặc theo kiểu An Nam thể theo ý kiến của vua cha; bà không lập gia đình để được sống theo ý của vua cha; bà sống vị tha, làm từ thiện giúp dân nghèo, được mọi người quý trọng, có thể xem bà là một phụ nữ có nhân cách lớn;
  2. Công chúa Như Mai là một phụ nữ khoa bảng hàng đầu trong giới nữ Pháp quốc. Trong thư kể chuyện gia đình, viết ngày 22-6-1999, Công chúa Như Lý đã viết cho tôi: Xin trích:
H.7. Thông tin về CC Như Mai trong thư viết tay của CC Như Lý. TL của NĐX

H.7. Thông tin về CC Như Mai trong thư viết tay của CC Như Lý. TL của NĐX

      Tạm dịch:  “Chị cả Như Mai của tôi vẫn còn tại thế. Chị đã tốt nghiệp Thủ khoa Viện Nông học Paris thế hệ 1925. Lúc còn trẻ, chị làm việc ở vùng  Losse, làng Thonac. Nhờ vậy mà chúng tôi có được một hầm mộ trong nghĩa trang của địa phương nầy”.

      Chuyện Công chúa Như Mai “tốt nghiệp Thủ khoa Viện Nông học Paris thế hệ 1925” là một sự kiện quan trọng. Chính Mathilde đã biết rất rõ nên đã viết: Trên danh sách liệt kê những nữ vĩ nhân của nước Pháp và những người phụ nữ tiên phong trong xã hội có tên công chúa “Nhu May Princesse d’ Annam” vừa là người phụ nữ đầu tiên tốt nghiệp ngành nông lâm học, lại vừa là Thủ khoa năm ấy của nước Pháp” (Sđd. Tr.131).

       Công chúa Như Mai mang dòng máu Việt, con một ông vua yêu nước bị đày mà làm sáng danh cho người Việt trên đất Pháp như thế thì tên của bà phải khắc lên biển đồng, bia đá chứ? Một nhân vật quan trọng như thế mà chỉ mới cách đây chưa đẩy mười lăm năm (1999-2012) mà Mathilde Tuyết Trần không biết rõ tên Công chúa là Như Mai hay Nhữ Mây thì thật có lỗi rất lớn đối với Công chúa, với phụ nữ Việt Nam, với dân tộc Việt Nam.

       Nếu Mathilde Tuyết Trần không bảo vệ được cái danh xưng Nhữ Mây mà bà đã áp đặt cho Công chúa trưởng của vua Hàm Nghi thì không những bà phải xin lỗi độc giả của báo Hồn Việt, xin lỗi độc giả của Nxb Trẻ, xin lỗi Nguyễn Phước tộc... mà còn phải đến Thonac – Dordogne  thắp nhang xin lỗi hương hồn Công chúa Như Mai, xin lỗi gia đình vua Hàm Nghi. Nếu không thì độc giả Việt Nam sẽ nghi ngờ động cơ nghiên cứu sử Việt của bà. Tôi mong sớm nhận được hồi âm của bà.

                                                                         Huế, 1-10-2012

                                                                                       N.Đ.X.  

Bình luận


Chưa có bình luận!


Bài viết trước đó
Bài viết kế tiếp

Trở lại đầu trang