Tìm thấy hai mươi trang Ngự bút của vua Khải Định

Những nét chính về vua Khải Định đại khái như thế. Nhưng khi được đọc 20 trang ngự bút của ông nói về nhiều vấn đề có liên quan đến triều đại ông, chúng tôi thấy ngoài những điều trên, vua Khải Định cũng có những việc làm, những suy nghĩ có thể giúp chúng ta hiểu ông một cách đầy đủ hơn.

Nghiên cứu các vua, chúa nhà Nguyễn, chúng tôi thường tham khảo các  bộ sách Hội Điển, Thực Lục, Liệt truyện, Đại Nam Nhất Thống chí... của  Quốc sử quán. Nhưng từ thời vua Thành Thái về sau, các bộ sách trên chưa kịp biên soạn tiếp thì nhà Nguyễn đã cáo chung. Vì thế khi nghiên cứu những  chủ trương, chính sách, ý kiến,  trình độ, tính cách của  từng ông vua cuối cùng này rất khó khăn. Những bài viết về sinh hoạt cá nhân của các ông thường không đầy đủ. Vua Khải Định (1916-1925)  là một trong những trường hợp  điển hình.

          Vua Khải Định lên ngôi (1916) khi ông vua trẻ yêu nước Duy Tân vừa bị thực dân Pháp bắt đày qua đảo Réunion. Thần dân không mấy người có cảm tình với Khải Định. Thể trạng ông yếu ốm, bạc nhược. Ông không có khả năng sinh dục. Tính lại thích trang điểm như  phụ nữ. Ông tự chế ra áo mũ không giống ai để phục sức. Về chính trị ông là một ông vua bù nhìn cho thực dân Pháp, không có một chủ trương, một chính sách gì có thể làm lợi cho dân cho nước.

Vua Khải Định (1916-1925)

Vua Khải Định (1916-1925)

Những nét chính về vua Khải Định đại khái như thế. Nhưng khi được đọc 20 trang ngự bút của ông nói về nhiều vấn đề có liên quan đến triều đại ông, chúng tôi thấy ngoài những điều trên, vua Khải Định cũng có những việc làm, những suy nghĩ có thể giúp chúng ta hiểu ông một cách đầy đủ hơn.       

  1. Hai Mươi Trang Ngự Bút

          Chúng tôi có được tập ngự bút này từ một gia đình Nho học. Gia chủ cho biết họ đã mua nó từ năm 1947, khi dân chúng vào Đại nội lấy sách vở chữ Nho gánh ra chợ Đông Ba bán làm giấy vấn thuốc lá.

           Tập ngự bút bằng giấy thượng phương (loại giấy sản xuất riêng dành cho vua), 25cm x 50 cm, màu mực son, nét bút tài hoa đáng xếp vào loại đại gia; chữ thảo, nhiều đoạn tương đối khó nhận ra, đặc biệt còn nguyên dấu vết đồ, di, câu, cải của người viết.

          Hai mươi trang ngự bút này không đề ngày viết, nhưng xem nét bút và màu giấy không đều có thể biết nó đã được viết trong nhiều lần, trong một thời gian khá dài. Lại căn cứ trên các sự kiện cụ thể thì biết nó đã  được thảo trước năm 1919 - năm thi Hội cuối cùng và cũng là khoa thi Hội có một đạo Văn sách hỏi về thời sự mà vua Khải Định có nói rõ ý mình trong ngự bút. Năm cuối cùng có thể là năm 1923 - năm hoàn thành điện Kiến Trung đã được nhà vua đề cập cụ thể. Chúng tôi bước đầu cho rằng vua Khải Định viết 20 trang ngự bút này trong một thời gian ít nhất là 4 năm: từ 1919 đến năm 1923. Đó là những năm làm việc sung sức nhất của đời ông.

  1. Những Thông Tin Quý Trong Ngự Bút

          Tập ngự bút đề cập đến nhiều việc, chúng tôi chỉ trích một số thông tin có thể giúp chúng ta hiểu hơn về các di tích lịch sử, về suy nghĩ của vua Khải Định đối với xã hội VN lúc bấy giờ, về phong cách làm việc và trình độ trí thức của ông.

          2.1. Điện Kiến Trung Và Lầu Vua Đọc Sách Thái Bình: Đây là ngôi điện lịch sử, nơi phái đoàn của Chính phủ VNDCCH do ông Trần Huy Liệu dẫn đầu vào gặp Bảo Đại bàn chuyện thoái vị của ông vào tháng 8.1945.

          Chỗ xây dựng điện Kiến Trung trước kia là lầu Du Cửu thời Duy Tân. Đến thời Khải Định còn dùng tạm,  mãi đến:

          “....tháng 11 năm  Khải Định thứ sáu (1921) mới sai bộ Công theo qui thức ngự chế mà dựng lại, dùng kiểu Á kiêm Âu nới rộng ra . Tháng tư năm thứ 8 (1923) thì  xong...”

          Thời viết Đại Nam Nhất Thống Chí chưa có điện Kiến Trung, nên thông tin trên do ngự bút cung cấp rất cần thiết cho giới nghiên cứu (Điện này đã cháy năm 1947).

        Bên trái điện Kiến Trung là Thái Bình Ngự Lãm Thư Lâu (Lầu vua đọc sách Thái bình) cũng đã được Khải Định cho xây lại “ ....Nay ban mệnh cho quan bộ Công tuân theo kiểu ngự chế mà dựng lại lầu vậy...”.

      Lầu này vừa được Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô trùng tu và đang được khai thác phục vụ khách tham quan.

       2.2  Hành Cung Tĩnh Viêm : Tài liệu quý  nhất  được  ngự bút  ghi là hành cung  (1) Tĩnh Viêm ở vùng bãi biển Cảnh Dương và  vịnh Chân Mây phía nam huyện Phú Lộc (Nơi đang được Chính quyền TTH  khảo sát để làm cảng biển nước sâu phục vụ du lịch). Vua Khải Định đã từng đến tìm hiểu tại chỗ, đặt hành cung Tĩnh Viêm với một  bài văn bia ngự chế:

“ ...nơi này: đất nhô núi rậm, đảo cát giăng ngang, nước tiếp biển cả, sông ngòi bao quanh, dãy núi ngất trời ôm phía sau, khe lớn không cùng ập phía trước, nam giáp Vân quan, bắc liền Dương khẩu, thôn mờ xóm vắng, nơi nơi cây biếc ráng hồng, vũng hạt bến thuần (2), lúc lúc chèo ngư gió củi (3). Xem lên núi thì mây lạ tuôn ra từ hang hẻm như quần tiên nhẹ múa non Bồng, nhìn xuống nước thì gió thanh gợn sóng trông rập rình như muôn ngựa xô nhau vượt biển. Bấy giờ mới  dừng xe nhìn ra tít tắp: nào khí lành, nào gió dịu, nào cảnh xinh, nào vật tốt...Đăm đắm một lúc lâu , bất giác cả người mát rượi, oi bức bặt tăm, nhẹ nhõm hẳn ra, đắm cảnh rộn lòng...”

          Một tâm hồn tầm thường khó mà viết được đoạn văn bia như thế.  Không rõ vua Khải Định có biết hay không mà chẳng thấy nhắc đến trong bia văn trên là cuối thế kỷ 18 đầu thế kỷ 19 các vua Quang Trung, Gia Long, Minh Mệnh và triều thần của các ông đều có đến nơi này và truyền lại nhiều thơ văn.

 

Một trang Ngự bút của vua Khải Định

Một trang Ngự bút của vua Khải Định

          2.3 Khi Vua Giải Quyết Nạn Tiêu Cực: Một hôm Khải Định ngự giá thăm Quảng Trị. Một người dân họ Huỳnh Ngọc đón xe vua khiếu nại mấy phú hào ngụy tạo chứng từ, lại hối lộ các quan tỉnh, huyện để chiếm đoạt tài sản ở xã Thượng Nghĩa, huyện Cam Lộ. Khi về Kinh nhà vua tự tay viết cho cụ Hồ Đắc Trung "vậy khanh Khánh Mỹ kiêm bộ Lễ hãy tận tâm xét lời lẽ, tình tiết ở đơn yêu giá kia mà truy cứu hồ sơ, cốt lấy lẽ công bằng - không xử đoán thiên vị - làm kết quả. Tỉnh huyện có nhận hối lộ làm quấy thì lập tức trừng trị thật nặng (...) rồi trình lên ngỏ hầu chấm dứt mối tranh chấp. Nếu họ Huỳnh Ngọc khiếu nại gian dối mà dám liều làm nhờn như thế thì cũng phải nghiêm trị để răn kẻ gian dối khác..."

          Rất tiếc là ta không rõ cụ Hồ Đắc Trung (Khánh Mỹ quận công) giải quyết vụ đó ra Trung ra sao, nhưng qua nội dung đoạn ngự bút trên chứng tỏ ông vua bù nhìn nọ cư xử với dân coi cũng… chất lượng.

          2.4. Biết Rõ Những Người Chung Quanh Và Nghiêm Khắc Với Mình:

          Đối với các quan chung quanh, vua Khải Định biết tương đối cặn kẽ. Mỗi khi bổ nhiệm quan lại ông cân nhắc lợi hại chứ không ký bừa. Hồi chức An sát Thanh Hoá khuyết, Viện Cơ Mật đề cử một danh sách 6 người, nhà vua than thở là cũng khó chọn lựa, nhưng cuối cùng ông cũng hạ bút phê :

 "...thấy người giữ chức ở Kinh có ấn hàm lâu ngày, lại trước kia từng đã làm việc dân chính không có lỗi gì thì Hà Thúc Hối có thể sung chức ấy...."

          Khi bổ nhiệm thị lang bộ Công , nhà vua viết : "khuyết chức thị lang ở  bộ Công, trẫm thấy Hồng lô Tự khanh Ưng Bàn, lang trung ty Cẩn tín, tuy ở lâu nội chức nhưng trẫm từng sắc phong làm Đổng lý công tác (như đốc công-ND) thường làm được nhiều việc , huống chi viên ấy hơi thông toán số , am hiểu vật liệu cây gỗ, nay cho lãnh nguyên hàm thăng chức Thị lang bộ Công.."

          Đối với bản thân, vua Khải Định cũng xử sự khá đứng đắn. Có lần vua thảo một  tờ Dụ bị nhầm, đáng lẽ viết " Chuẩn cho Đặng Ngọc Bửu hàm Tổng đốc lãnh chức Tuần Vũ"  ông lại viết thành: "Hàm Thượng thư lãnh chức Tuần Vũ”. Các quan ở Các cứ chép y như thế để ban hành, khi bị phát hiện nhà vua viết" : 

          "Lúc bấy giờ trẫm lu bù muôn chuyện (vạn cơ tùng tập) vả lại tin rằng việc làm của quan ở Các tất không đến nỗi nhầm lẫn nên chỉ xem lướt rồi ban hành, phải quấy đều do một mình quan ở Các làm sơ sàitrẫm cũng không từ chối lỗi ấy. Vả lại, quan ở Các là tai mắt của trẫm, mọi việc phải xét cẩn thận, để thay phần nhọc nhằn cho trẫm, (...) để hấp tấp dính vào sai lầm mà không biết ư? việc ấy đã qua rồi nên khoan miễn. Từ rày về sau, các ngươi với trẫm đều nên gắng sức sửa chữa thêm cho tôt hẳn  ra để làm mọi việc thì mới khá. (Tự hậu nhĩ đẳng dữ trẫm quân đương gia lệ tự tân dĩ dung thử vụ giả khả".

          Vua thì trách các  quan ở Các ( nơi nắm mọi hồ sơ) không phát hiện chỗ sai để trình vua chữa lại. Quan ở Các thì quá tin rằng vua chẳng thể nào nhầm nên cứ thế ban hành. Rốt cuộc các ngươi với trẫm chịu chung một lỗi hấp tấp (suất lược). Vua mà biết chia phần lầm lỗi như thế  cũng đáng quý thay!

          2.5. Một ông vua muốn tiến bộ: Người đời chê vua Khải Định lai căng. Nhưng kiến trúc của điện Kiến Trung, cung An Định, lăng Khải Định bên cạnh cái phần không được cũng có khá nhiều cái mới mà các đời vua trước chưa hề có. Qua tập ngự bút này thấy ông có những ý kiến muốn đổi mới rõ hơn. Đổi mới quan trọng nhất là trong học hành thi cử. Năm 1918 đã bỏ thi Hương, năm 1919 bỏ luôn thi Hội để chuyển qua thi cử theo lối Tây phương. Trước khi bỏ thi Hội ông còn có ý kiến:" Trẫm thấy lệ đời trước thi Điện không đánh hỏng. Nay trẫm chủ trương chọn lấy kẻ thức thời đạt thế có chân tài kinh tế để  trổ tài thực dụng chứ không như  các khoa lệ trước (...) quan trường vân mệnh tuyển người tài nên thể theo ý trẫm người nào nghị luận sát thời, đối sách hợp vụ đều theo cao thấp mà lấy đỗ. Nhược bằng đối sách tầm thường, nghị luận viển vông (vu tịch), không gần với sự tình thì tuy rất công phu, hay ho (tuy thậm công giai) lấy đỗ có ích gì?"

          Tư tưởng muốn đổi mới tích cực hơn qua đoạn ngự bút nói về ông chủ tàu Bạch Thái Bưởi và thợ máy Nguyễn Văn Phước :

      ."Xem như Bạch Thái Bưởi ở Bắc kỳ có chế tạo tàu thủy đặt tên Bình Chuẩn, rất là khéo tốt, chẳng nhờ đến thợ người Âu. Thợ chế tạo tàu ấy là tay thợ nổi tiếng Nguyễn Văn Phước. Chủ lẫn thợ đều là người nước Nam ta.

    ...Xem  nước Nam ta vốn kém của cải mà vụng tay thợ. Nếu không bày ra và không dám làm thử thì Phước đâu có chỗ trổ tay thơ? Nếu không có ngươi Phước lành nghề thì có bày ra cũng tốn suông tiền của vậy. Tay nghề nổi danh ấy có phải là mục tiêu tiến bộ văn minh ngày khác của nước ta không nhỉ ?

     Nay chuẩn cho Bạch Thái Bưởi được thưởng thụ (4) Hàn lâm viện thị độc (5),Nguyễn Văn Phước được thưởng thụ Hàn lâm viện kiểm thảo (6) để được ơn vinh mà biết phấn đấu..."

          Sự ban thưởng của vua Khải Định dành cho Bạch Thái Bưởi và Nguyễn Văn Phước không có giá trị về vật chất nhưng lúc ấy rất có ý nghĩa về tinh thần. Qua đây cũng thấy được trong đáy lòng ông vua bù nhìn Khải Định không phải không có một chút ưu tư cho tiền đồ Tổ quốc.

          2.6. Thay đổi bổng lộc các phi tần: Vua Khải Định bất lực trong vấn đề ân ái. Nhưng các quan muốn được tin cậy vẫn tiến con gái vào cho vua. Người ta kể có lần một ông quan ngõ ý muốn đưa con gái vào cung cho vua, Khải Định đã bảo :

" Ở đây là cái chùa, ai muốn tu thì cứ đưa vào tu". Vì bất lực, nhà vua rất sợ gần gũi các bà, nhưng ông không quên đời sống kinh tế khó khăn của họ. Ngự bút viết: ..." hiện dưới kia (sic) vật giá cao vọt (Hiện hạ vật giá đằng ngang ) thì thứ bổng lộc mỏng manh ấy (giá ban bạc lộc)- chỉ mức lương qui định từ đời Thành Thái - khó bề thoải mái cho sự cần dùng (nhu dụng nan nhàn) nên chuẩn cấp thêm..."

          Ngự bút cho biết: Hoàng Quý Phi: 2000$/năm (167$ tháng), Diễm Tần bậc 1: 600$/năm (ngang với công chức mới tốt nghiệp Cao đẳng), Diễm Tần bậc 6  trở xuống: 240$/năm (20$/tháng, trong lúc học bổng học sinh Cao đẳng thời ấy 29$/tháng). Khải Định đã nâng lương cho các bà ví dụ như Diễm Tần bậc 1 tăng thêm 600$/năm (tăng 100%), Diễm Tần bậc 5 hưởng đồng niên 309$34 được cấp thêm 50$ 66 .v.v.

          Dân ca có câu "Một ngày dựa mạn thuyền rồng, còn hơn muôn kiếp nằm trong thuyền chài" . Đối với các bà trong cung Nguyễn thời Khải Định thì câu nầy không đúng. Mang tiếng vợ vua mà tiền bạc ít ỏi, ân ái không có thì dựa cái mạn thuyền rồng ấy chỉ phí một đời con gái mà thôi.

          Với trình độ hạn chế, chúng tôi dồn sức làm cái việc  "chụp tấm hình phần bên kia mặt trăng" về vua Khải Định, chắc là chưa đạt yêu cầu"kỹ thuật". Mong độc giả cảm thông.

                                                                                                                                                                              Huế-Đà Nẵng, 1-1996 

                                                           

Chú thích :

(1) Hành cung nơi để vua nghỉ khi đi các nơi xa Kinh đô    

Bình luận


Chưa có bình luận!


Bài viết trước đó
Bài viết kế tiếp

Trở lại đầu trang