TRÒ CHUYỆN VỚI CÔNG CHÚA NHƯ LÝ VỀ VUA HÀM NGHI - VINH DỰ CỦA MỘT ĐỜI CẦM BÚT

Sau ngày thống nhất đất nước 1975), đang làm công tác tuyên giáo ở Thành ủy Huế, do một cái duyên, tôi thực hiện công trình Thời niên thiếu của Bác Hồ ở Huế. Muốn nghiên cứu về Thời niên thiếu của Bác Hồ ở Huế tôi phải biết triều Nguyễn và Huế xưa – nơi thời Bác đã sống qua. Tôi vô tình bước một thế giới mênh mông, đa chiều, cực kỳ phức tạp. Từ một người cầm bút xuất thân kháng chiến, lao vào nghiên cứu (nghiệp dư), tất cả đêu phải đi lại từ đầu. Ngoài chuyên đề về thời niên thiếu của Bác Hồ tôi đầu tư nghiên cứu ba ông vua yêu nước Hàm Nghi, Thành Thái, Duy Tân. Cuộc đời ba vua cuối Triều Nguyễn ai cũng biết. Điều mà lịch sử muốn biết là nửa đời sau của ba vua ở chốn lưu đày. Về hai vua Thành Thái Duy Tân tôi may mắn được thân quen với Công chúa Lương Linh (Mệ Sen) con gái vua Thành Thái từ trong Phong trào đấu tranh đô thị (1963-19750 và sau đó gặp gõ các hoàng tử con vua Thành Thái như Vĩnh Giu, Vĩnh Cầu, Vĩnh Giêu (ở Hoa Kỳ), được gặp và phỏng vấn bà Fernande Antier (bà vợ đầm của Duy Tân), gặp và hỏi chuyện các hoàng tử Georges Vinh San, Claude Vĩnh Sa , Roger Vĩnh San con vua Duy Tân, Đối với vua Hàm Nghi thì rất khó khăn vì không tìm được người thân của ông. Bất ngờ, vào khoảng đầu năm 1998, ông Daniel Grandclément từ Paris về Huế sưu tập tư liệu cho cuốn sách Bảo Đại và những ngày cuối cùng của Vương triều An Nam. Khi nói chuyện về Hoàng hậu Nam Phương ông Daniel cho biết lăng mộ Hoàng hậu ở Chabrignac/Corrèze gần nhà của Công chúa Như Lý con gái vua Hàm Nghi. Trời ơi ! Ông khách Daniel đã vô tình cung cấp cho tôi hai thông tin quý. Làng mộ HH Nam Phương và nơi ở của Công chúa Như Lý con gái vua Hàm Nghi.
Tôi mắc cái bệnh “Đã nhúng tay vào nghiên cứu việc gì là phải đi đến cùng”. Tôi phải đi Pháp tìm gặp Công chúa Như Lý và viếng mộ Hoàng hậu Nam Phương để hỏi chuyện vua Hàm Nghi. Tháng 7 năm 1998, tôi về hưu, rời khỏi Văn phòng Đại diện Miền Trung báo Lao Động, đầu năm 1999 tôi đi Pháp.
Nhờ sự giúp đỡ của bà Mộng Điệp và Hội Người Yêu Huế tại Pháp giúp, người hướng dẫn cho tôi đi gặp Công chúa Như Lý là dược sĩ Nguyễn Duy Thản. Dược sĩ Thản chưa bao giờ nghe nói đến Công chúa Như Lý nhưng ông giúp hướng dẫn cho tôi vì ông nghĩ: Công chúa Như Lý là một quý tộc, mà bà xã ông là một quý tộc Pháp nên bà có thể nhờ dân quý tộc Pháp ở Corrèze tìm hộ Công chúa Như Lý cho tôi. Đây là một chuyến “điền dã” lịch sử nên tôi còn nhờ ông Huỳnh Văn Tươi - thư ký của GS Trần Văn Khê ở Paris cùng đi để giúp quay phim.
Sáng 24-1-1999, chúng tôi ra ga Austerlitz (Paris) đi tàu lửa về ga Uzerche - thị trấn của quận Tulle (tỉnh lỵ của Corrèze), cách phía tây nam Paris trên 450 km. Ông bà Corbier - một gia đình quý tộc thân thuộc của bà xã ông Thản ở Corrèze đưa ô-tô ra ga đón chúng tôi về lâu đài Saint Martin Sépert cách ga chừng nửa giờ ô-tô. Trong lúc chờ ăn trưa, ông Corbier điện thoại cho dân quý tộc trong vùng tìm hộ địa chỉ Công chúa Như Lý nhưng không ai biết Công chúa Như Lý là ai cả. May ra hỏi làng Chabrignac ở đâu. Nhờ cái địa danh Chabrignac mà ông Corbier liên lạc được với Comptesse de la Besse tức Công chúa Như Lý và xin Công chúa cho phép một nhà nghiên cứu sử ở Huế/VN sang xin được đến thăm bà. Bà đồng ý. Nhưng loay hoay lạc đường cả buổi chiều. Mãi đến gần tối mới đến lâu đài De la Nauche của Công chúa Như Lý.
H.1.Trước lâu đài De la Nauche của Công chúa Như Lý

H.1.Trước lâu đài De la Nauche của Công chúa Như Lý

Xe vừa vào đến sân đã thấy đèn trong lâu đài bật sáng. Tôi vừa mở cửa bước xuống xe thì có một người đàn ông trạc tuổi tôi và một phụ nữ mặc áo len màu nghệ ra đón đưa chúng tôi vào lâu đài. Một bà già cao ráo nghiêm nghị mặc đầm, bên ngoài khoát một chiếc áo len cùng một màu đà nhạt ngồi ở bộ bàn ghế cổ đứng dậy đưa tay cho chúng tôi bắt và trách chúng tôi:
- “Tại sao đến trễ vậy ?”.
Chưa nghe giới thiệu tôi cũng đoán biết đó là Công chúa Như Lý. Chúng tôi giải thích là đi lạc đường và xin lỗi bà. Tôi hết sức xúc động. Bà Công chúa Như Lý là cái gạch nối giữa thời Cần Vương với thế hệ chúng tôi.
Sau khi bà nghe giới thiệu tôi là nhà sử học từ Huế sang, Bà nói:
- “Từ khi vua Hàm Nghi đặt chân lên cảng Alger tháng 1-1889, cho đến nay (1-1999) vừa tròn 110 năm. Các ông là những người Việt Nam đầu tiên từ bên nước sang đến nhà người thân của vua Hàm Nghi. Trước đây ông Trần Văn Chương làm đại sứ ở Alger có đến thăm chúng tôi một lần nhưng ông ấy đến thăm với tư cách là cháu rễ đến thăm gia đình cậu [1] chứ không phải là nhà sử học đến thăm con gái vua Hàm Nghi.”
Chúng tôi được Công chúa Như Lý tiếp trong phòng khách rộng với vô vàn đồ cổ phương Đông và phương Tây. Cùng tiếp với Bà có vợ chồng cô Anne Dabat - con gái út của bà - những người đầu tiên đã ra đón chúng tôi ở sân lâu đài. Bà cho biết thêm:
-“Có vợ chồng Philippe - con trai của tôi cùng đến đón các ông nhưng chờ lâu quá, nhà họ ở chỗ khác nên cáo lỗi. Rất tiếc không gặp được các ông”.
Công chúa Như Lý năm ấy (1999) đã 91 tuổi nhưng vẫn còn khoẻ mạnh. Bà không biết tiếng Việt, không có dịp tiếp xúc với người Việt Nam nên bà rất thiếu thông tin về Việt Nam. Những thông tin bà biết đều đã quá cũ và hoàn toàn không làm cho bà yên tâm. Bà hỏi:
- “Ông là nhà sử học ở Huế, ông cho tôi biết những người con của cụ Tôn Thất Thuyết đã bảo vệ vua Hàm Nghi như thế nào?”.
Tôi trình bày với bà về sự hy sinh cho đại nghĩa của ông Tôn Thất Tiệp và Tôn Thất Đàm.
Bà lại hỏi :
- “Mấy người Pháp đi du lịch Việt Nam về cho tôi xem ảnh một cái bàn thờ có ảnh vua Hàm Nghi ở lăng Minh Mạng. Tại sao người ta đem ảnh cha tôi thờ ở lăng Minh Mạng?”.
Tôi hết sức ngạc nhiên. Tôi giải thích với bà:
- “Cháu cũng là hướng dẫn du lịch thường lên thăm lăng vua Minh Mạng, nhưng chưa bao giờ thấy ở đó có thờ ảnh vua Hàm Nghi cả.
Nghe tôi nói cương quyết như thế bà hơi nghi ngờ tôi. Bà nhắc lại:
- “Chính mắt tôi thấy mấy chiếc ảnh ấy. Trước tấm ảnh có nhiều hoa. Mắt tôi nhìn không nhầm, tai tôi nghe rõ những gì các người Pháp đi du lịch Việt Nam về kể lại!”.
Tôi đâm ra nghi ngờ chính tôi. Để khỏi mất thiện cảm của bà, tôi và các bạn cùng đi nói qua chuyện khác. Tuy thế, tôi vẫn ám ảnh trước thái độ khó chịu của Bà. Một tiếng đồng hồ sau tôi sực nhớ ra một điều gì đó. Tôi nhoài người đến phía bà để mượn cuốn sách Huế Thành phố vương giả Việt Nam (Hué Cité Impériale du Viet Nam) của ông bà Anne Hélen và Walter Unger để dưới tay bà. Tôi hy vọng trong sách này có ảnh nội thất Thế Miếu. Quả nhiên ở trang 98 có chiếc ảnh mà tôi hy vọng. Tôi trân trọng đặt trang ảnh trước mặt bà và hỏi:
H.2. Đây là ảnh Thế Miếu chứ không phải lăng Minh Mạng.

H.2. Đây là ảnh Thế Miếu chứ không phải lăng Minh Mạng.

- “Thưa bà, chiếc ảnh mấy người bạn Pháp đưa cho bà xem có giống chiếc ảnh chụp dãy bàn thờ này không?“.
Bà nhìn kỹ rồi đáp:
- “Giống như thế!”.
Tôi mừng quá:
- “Kính bà, đây là ảnh nội thất Thế Miếu do vua Minh Mạng xây dựng vào năm 1821, để thờ các vua nhà Nguyễn. Trong dãy bàn thờ này có áng thờ vua Hàm Nghi và trên áng thờ có ảnh hoàng phụ của bà! Thế Miếu do vua Minh Mạng xây dựng chứ không phải lăng Minh Mạng”.
Nhìn kỹ tấm ảnh và nhớ lại, bà vui mừng bảo tôi:
- “Đúng rồi. Ông là nhà sử học Huế, tôi tin ông”.
H.3. & H.4.Di ảnh vua Hàm Nghi thờ tại lâu đài de la Nauche

H.3. & H.4.Di ảnh vua Hàm Nghi thờ tại lâu đài de la Nauche

Cùng với CC Như Lý trước bàn thờ vua Hàm Nghi

Cùng với CC Như Lý trước bàn thờ vua Hàm Nghi

Khi những ngộ nhận của Bà được giải đáp, bà vui lòng cho tôi biết nhiều thông tin mới về một nửa đời sau của vua Hàm Nghi, về Công chúa Như Mai và Hoàng tử Minh Đức. Bà đưa tôi đến trước bàn thờ vua Hàm Nghi vái xin hương hồn nhà vua cho tôi được thỉnh di ảnh đang thờ để chụp lại cùng một số ảnh cũ, tranh nghệ thuật của vua Hàm Nghi.

     H.5A.& 5B.CC Như Lý ghi những thông về lâu đài De la Nauche.

Đáp ứng nguyện vọng tha thiết của tôi, Công chúa Như Lý ngồi chăm chú ghi lại địa chỉ lâu đài De la Nauche. Chồng bà là một hoàng tộc Pháp bà có tên là Comptesse de La Besse. Bà viết tên Như Lý bằng chữ Hán 如李, Vì không còn thời gian hỏi chuyện tiếp, tôi gửi lại bản những câu hỏi bằng tiếp Pháp về vua Hàm Nghi mà tôi đã chuẩn bị trước khi đến gặp Bà. Bà xem qua và hứa sẽ trả lời cho tôi.
Trước khi chia tay Công chúa Như Lý, cô Anne Dabat - con gái út của bà, bảo tôi: “Chưa bao giờ mẹ tôi tiếp ai như tiếp các ông. Nếu các ông qua chậm một thời gian nữa chưa chắc mẹ tôi còn sống và nếu vẫn còn chưa chắc bà còn minh mẫn để kể chuyện với các ông như thế”.
Về Việt Nam nhiều người mừng cho tôi đã có một chuyến điền dã lịch sử. Tưởng như thế đã quá vinh dự rồi, đến nửa tháng 7 năm 1999, lá thư hai trang viết tay trả lời tất cả những câu hỏi tôi đã gửi lại trước khi tạm biệt Bà hồi đầu năm 1999.
H.6A & 6B. Hai trang thư của CC Như Lý

H.6A & 6B. Hai trang thư của CC Như Lý

6B. Hai trang thư của CC Như Lý

6B. Hai trang thư của CC Như Lý

“ Ngày 11-6-1999,
Ngày 22 tháng 6 năm 1999,
Ông,
Tôi nghĩ rằng ông sẽ hài lòng khi tôi đem lại một vài chi tiết về ngày tháng trước những câu hỏi của ông. Những hình ảnh về mộ phần của gia đình trong nghĩa trang ở Thonac / Dordogne chỉ rõ ngày chết của ba tôi. S.M. Hàm Nghi Huế 1871- Alger 1944 Hoàng Đế xứ Trung Kỳ.
Quan tài được đi dời đến đây lúc xảy ra biến cố chiến tranh Algérie nhờ Chính phủ Pháp.
Ông đã được chôn cất khi chết, trên đất của Biệt thự Gia Long ở trên đồi nhìn xuống vịnh Alger.
Mẹ tôi, tên khai sinh Marcelle Laloe, đã thành hôn năm 1904 tại Alger, qua đời tại nhà tôi, La Nauche/Vigeois/Corrèze năm 1974.
Em tôi, Minh Đức sinh tại Gia Long , El-Biar, Alger, đã qua đời tại Bệnh viện Val-de-Grace Thành phố Paris ngày 7 tháng 8 năm 1980. (Sĩ quan quân đội). Ngày nay chị cả của tôi, vẫn còn sống. Chị ấy là thủ khoa của Viện Quốc gia Nông học tại Paris, khoá 1925. Chị ấy đã làm việc trên đất de Losse Thonac\Dordogne khi còn trẻ - Chính vì vậy mà chúng tôi có hầm mộ gia đình ở tỉnh đó.
Lễ cưới của tôi được tổ chức tại El-Biar/Alger năm 1933.
Con gái của tôi Francoise sinh năm 1934, không người nối dõi,
Con trai của tôi Hi.ippe sinh năm 1937, không người nối dõi,
Con gái của tôi Anne sinh năm 1939 có 4 người con. Tôi có 10 người cháu nội ngoại.
Mặt khác vì lớn tuổi …nếu tôi vắng mặt và nếu cần , xin gặp con trai tôi, Bá tước de La Besse, chủ nhân lâu đài de Chabrignac 19350Juillac (Corrèze).
Tôi xin gửi đến ông lời chào trân trọng.
Bà Bá tước de La Besse”
(Bản dịch của BS Gérard Chapuis)
Tôi tưởng được như thế là quá quý rồi. Tôi viết thư cảm ơn Bà kèm theo một số hình ảnh về cuộc Bà tiếp chúng tôi hồi đầu năm 1999. Nhận được thư cảm ơn và mấy tấm ảnh, Bà dùng tấm bưu thiếp có in ảnh lâu đài De La Nauche viết mấy dòng thật ý nghĩa trả lời tôi:
H.7.Bưu thiếp của CC Như Lý gửi cho Nguyễn Đắc Xuân

H.7.Bưu thiếp của CC Như Lý gửi cho Nguyễn Đắc Xuân

“Ngày 05 tháng 3 năm 2001,
Bà de Corbier có trao cho tôi thư của ông. Tôi xin chân thành cảm ơn sự quan tâm của ông.
Rất tiếc, tôi không hiểu lời thư …nhưng những hình ảnh gợi cho tôi nhớ ít nhiều ký ức xa xôi.
Những kỷ niệm về chuyến thăm của ông tại La Nauc cùng với những kỷ niệm khác.
Tôi xin gửi đến ông lời chào trân trọng, kèm theo lời chúc mừng.
Bà Bá tước de La Besse”.
(Bản dịch của BS Gérard Chapuis)
Tấm bưu thiếp khẳng định mối quan hệ của tôi với Công chúa con gái vua Hàm Nghi. Sự cách biệt về thời gian, không gian được thu hẹp lại, tầng lớp quý tộc và xã hội, Tây –Ta mờ đi. Tôi và vợ con tôi rất hạnh phúc với mối duyên này. Năm 2002 bà xã tôi sang Paris thăm con gái đang học tại Đại học Sorbonne. Hai mẹ con qua điện thoại nhờ ông Philippe (con trai Công chúa Như Lý) hướng dẫn xuống Corrèze thăm Bà. Lúc này Bà đã vào Viện dưỡng lão. Tiếp nhà tôi Bà rất vui nhưng trách “Chuyện vua Hàm Nghi tôi đã cung cấp cho ông Xuân hết rồi còn sang đây làm gì cho tốn kém”. Bà xã tôi đã thưa : “ Thưa Công chúa. làm người phụ nữ Việt Nam có cơ duyên được thăm Công chúa con gái vua Hàm Nghi yêu nước là một vinh dự hạnh phúc hiếm có làm sao chúng con có thể bỏ qua được ! Chúng con xin cảm ơn Bà”. Sau đó nhà tôi và con gái được Quận chúa Anne Dabat hướng dẫn về thăm lâu đài de La Nauche và vùng chung quanh ở Vigeois. Từ đó về sau cần biết thêm thông tin gì tôi nhờ con gái hỏi ông Philippe. Đến năm 2005 Bà qua đời. Qua mối quan hệ Bà để lại, sau năm 2010 Amandine Dabat – cháu nội của con gái Bà về Huế thăm và tiếp tục trao đổi thông tin về vua Hàm Nghi với tôi cho đến bây giờ.
Nhờ thông tin trong buổi tiếp xúc đầu năm 1999 và thông tin trong các thư của Công chúa Như Lý tôi đã giúp đính chinhd nhiều sai lạc về vua Hàm Nghi ở Việt Nam. Ngay cả thông tin về vua Hàm Nghi trong Nguyễn Phúc Tộc Thế Phả và sách Bảo Đại của Daniel Grandclément. Những điều tôi chưa nghĩ tới: Gia đình tôi là những người Việt đầu tiên và cuối cùng được gặp con gái vua Hàm Nghi; lần đầu tiên và cũng là lần cuối cùng Công chúa Như Lý có hình ảnh (do tôi chụp) đăng trên các bài viết về vua Hàm Nghi ở chốn lưu đày. Đặc biệt những thư Bà gửi cho tôi là những thông tin đầu tiên và cuối cùng Bà viết về thân phụ của Bà. .
Được hỏi chuyện Công chúa Như Lý, được nhận các lá thư của Công chúa với nhiều thông tin về vua Hàm Nghi ở chốn lưu đày là một vinh dự hiếm có của đời một người cầm bút. Tôi ghi lại chuyện cũ để cống hiến cho độc giả báo Lao Động thân thiết của tôi hơn một phần tư thế kỷ qua. Rất mong được tiếp nhận.
Huế, chờ đón Xuân Quý Mão (2023).
N.Đ.X.
(Đăng trên Báo Lao Động miền Trung & Tây Nguyên số Xuân Qúy Mão 2023)
________________________________________
[1] Ông Trần Văn Chương là chồng bà Thân Thị Nam Trân, mẹ bà Nam Trân là Công nương Như Sắc - em ruột của các vua Kiến Phước, Đồng Khánh, Hàm Nghi
Đăng trên Báo Lao Động miền Trung & Tây Nguyên số Xuân Qúy Mão 2023

Đăng trên Báo Lao Động miền Trung & Tây Nguyên số Xuân Qúy Mão 2023

Bài viết được đăng trên báo

Bài viết được đăng trên báo

Bình luận


Chưa có bình luận!


Bài viết trước đó
Bài viết kế tiếp

Trở lại đầu trang