Kể từ buổi bình minh lịch sử các vua Hùng dựng nước mở mang bờ cõi thì nhân dân Việt Nam ta đã phải sống dưới nhiều triều đại phong kiến. Các vua chúa tuy thuộc dòng họ khác nhau, tốt xấu cũng khác nhau, nhưng nhìn chung vẫn không rời khỏi cách ngự trị theo kỷ cương, khuôn phép muôn thuở của phong kiến.
Trải qua mấy nghìn năm, các vua chúa Việt Nam đã đóng đô và dời đô mấy lần ở mấy nơi, từ vùng trung du đến vùng đồng bằng, từ miền Bắc đến miền Trung của Tổ quốc.
Kinh đô sau cùng là Phú Xuân của triều Nguyễn, đóng bên tả ngạn sông Hương giữa năm Nhâm Tuất ( 1802). Trải qua tám vua: Gia Long, Minh Mạng, Thiệu Trị, Tự Đức, Dục Đức, Kiến Phước, Hiệp Hòa, Hàm Nghi thì kinh đô Phú Xuân bị giặc Pháp đánh chiếm năm 1885.
Tính từ ngày thất thủ kinh đô đến nay là vừa đúng 100 năm ( 1885_1985).
Từ đó về sau thêm năm vua nữa: Đồng Khánh, Thành Thái, Duy Tân, Khải Định, Bảo Đại nối tiếp lên ngôi, nhưng càng về sau thì cảnh ngai vàng bệ ngọc, cảnh triều nghi đã nhuốm vẻ chợ chiều, nghĩa là có tiếng mà không có miếng, vì toàn bộ vua chúa, quan lại của Nam triều đều do giặc Pháp trả lương tháng.
Cây đa già cỗi dẫu lá cành đã héo, thân hình đã mục ruỗng vẫn còn đứng yên, trùm bóng, choáng chổ,ngăn đường, nếu chưa có một trận gió lớn đến quật ngã. Trận gió lớn, nói đúng hơn là trận bão lớn đủ sức rung trời chuyển đất đã đến. Đó là Cách mạng Tháng Tám năm 1945. Mấy danh từ mỹ miều như kinh đô, đế đô, đế khuyết, thần kinh. Tràng An mang bề thế uy nghi được trên hai trăm năm chúa Nguyễn tìm kiếm và gần một trăm rưỡi năm các vua Nguyễn bồi đắp, ngày nay chỉ còn là một cố đô, một quần thể di tích văn hóa trên hai bờ sông Hương.
Khí thế hào hùng, quật khởi của Cách mạng tháng Tám thì không chỉ riêng Huế mới có, mà sự thật đã tỏa ra như sóng trào bão cuốn ở khắp mọi nơi, từ miền xuôi đến miền ngược, từ đầu đến cuối đất nước. Có thể nói trên toàn cõi nước Việt Nam ở đâu có tủi nhục, đau thương thì ở đó có phong trào Cách mạng tháng Tam.
Tuy nhiên, trên dải đất mà phong kiến triều Nguyễn đã đặt nền tảng, thành trì, cung điện lâu đời thì sức vùng lên của nhân dân lao động cũng mang màu sắc lạ hơn nhiều nơi khác.
Dưới đây là mấy hình ảnh đáng để ý:
Hạ tuần tháng 8 năm 1945, tại Huế hầu như sĩ quan và quân lính Nhật biến đi đâu mất. Trước đây xe chúng thường qua lại trên đường phố gầm rú như xe cứu hỏa. Giờ đây, cả xe và lính Nhật tự nhiên hết hung hăng, hết hống hách. Xe nhà binh Nhật, đoàn lính Nhật đứng sát bên đường mỗi khi gặp đoàn người tuần hành. Khi được tin tại Hà Nội đã có cuộc tổng khởi nghĩa và nhân dân đã đứng lên làm chủ thì trời Huế gần như không còn cảnh ban đêm nữa. Đêm đêm trai gái, già trẻ ở các làng đều thắp đuốc, cầm vũ khí kéo nhau đi biểu tình. Rồi trên đường đi, làng này gặp làng khác, đoàn người cứ liên tiếp chắp nối kéo dài, kéo dài mãi ra...Cuọc biểu dương lực lượng kéo đi rất khuya.
Ngày hôm sau, các đoàn người lại rầm rộ, náo nhiệt xuống đường. Họ đi chiếm huyện đường. Thừa Thiên ngày ấy có 6 huyện: Phú Vang, Phú Lộc, Hương Trà, Hương Thủy, Phong Điền, Quảng Điền. Khi đoàn quân cách mạng ào ạt, hùng dũng kéo đến thì hầu hết các huyện đường đều bỏ trống. Quan nha lính tráng đều đã trốn lánh. Riêng hai huyện Hương Thủy và Hương Trà thì cả tri huyện lẫn thơ lại đều ra tận cổng chợ đón cách mạng để xin nộp khuôn dấu, nộp giấy tờ.
Cho đến 3 giờ chiều ngày 23 tháng 8, tại sân vận động thành phố Huế mới diễn ra cuộc mít tin quần chúng toàn thành toàn tỉnh, sau đó là cuộc tuần hành kéo dài trên các đường lớn của nội, ngoại thành. Trên dòng sông Hương thì dày đặc thuyền đò trang trí cờ hoa rực rỡ. Những đoàn người ở các huyện xã đã xuống thuyền. Thuyền tấp nập chèo về phía Bao Vinh để hướng ra phá Tam Giang. Do đó, ngày hôm ấy từ sáng đến chiều tối, trên mặt đường, mặt phá, mặt sông đã vang dậy tiếng hát, tiếng hô khẩu hiệu chen với tiếng chiêng, tiếng trống từ đầu núi đến cuối sông.
Trên đây là cảnh tươi sáng, cảnh báo động làm náo nức lòng người. Riêng lớp người thuộc về Hoàng gia quý tộc thì không khỏi nơm nớp lo sợ. Họ luôn buồn bã tự hỏi không biết cách mạng sẽ quyết định số phận của họ ra sao. Trong lớp người này phần lớn đã học qua lịch sử nước Pháp. Ai cũng nhớ sau ngày 14 tháng 7 năm 1789, vua Lujis XVI, hoàng hậu Marie Antoinette cùng nhiều triều thần đã bị cách mạng Pháp dẫn ra pháp trường xử trảm. Giữa lúc ấy, một tin truyền miệng đã lan ra nhanh là sẽ có một phái đoàn chính phủ vào Huế. Vào để làm gì không ai rõ. Có tiếng đồn là phái đoàn vào thu hồi vũ khí quân Nhật và hỏi tội vua quan. Đã sẵn hoang mang, lớp người quyền quý được tin này càng rối bời hoảng hốt.
Sự việc đến đã đến. Trên Ngọ Môn của Hoàng cung ngày 30 tháng 8 năm 1945, trước hàng vạn chủ nhân mới của đất nước, Bảo Đại, vua cuối cùng của triều đại cuối cùng, đã đọc tuyên bố xin thoái vị. Bảo Đại kính cẩn trao ấn kiếm đến tận tay vị đại diện của chính phủ. Từ trên đỉnh cột cờ trước hoàng thành, lá cờ vàng đã từ trên cao buông nhanh xuống như một giọt nước mắt lớn đang rơi. Vua quan đưa mắt nhìn theo cờ đã cùng một lúc cúi đầu xuống. Giữa tiếng nhạc của bài Tiến Quân Ca hùng tráng, lá cờ đỏ sao vàng đã từ từ vươn lên, vươn lên, để sau cùng bay lồng lộng giữa nền trời xanh. Hàng vạn người cùng nhìn theo hướng cờ, đầu ngẩng cao lên, hiên ngang tự hào.
Những hình ảnh này cũng phần nào nói lên nền phong kiến già cỏi, lỗi thời đã rơi rụng và lủi dần vào bóng đêm. Còn chế độ mới, con người mới, cuộc sống mới thì ngày càng vươn lên cao, thưo bước tiến không ngừng của thời đại.
Như cùng lúc Bảo Đại xin xuống ngai vàng thì một tin mới không kém phần quan trọng lại truyền khắp đô thành. Một vị đại biểu khác của chính phủ đã đến Tân Lăng để hỏi thăm và trao quà của Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi biếu mẹ vua Hàm Nghi, vợ vua Thành Thái và vợ vua Duy Tân, những ông vua có tinh thần dân tộc đã chết.
Tin này loan ra đã thật sự dẹp bớt nỗi run sợ, bối rối, lo lắng của lớp người hoàng tộc, hoàng gia, quyền quý. Dễ thường trên thế giới chưa có một cuộc khởi nghĩa rộng lớn nào chuyển kinh đô thành cố đô mà vừa kiên cường, dũng mãnh quyết liệt lại vừa độ lượng nhân hậu như Cách mạng tháng Tám năm 1945 ở nước ta.
Giữa một mùa thu ấy( 1945) tôi từ biệt quê nhà ra Thủ đô Hà Nội. Mãi đến đại thắng mùa xuân năm 1975, tôi mới được dịp trở lại quê cũ, biết bao bồi hồi, xao xuyến.
Ngày trước, khi tôi còn trẻ, tóc còn xanh thì Huế tôi rất già. Ngày nay được trở về, sao 30 năm liền xa quê dẫu người đã già, tóc đã bạc, tôi lại thấy Huế tôi rất trẻ.
Khi tôi còn trẻ Huế tôi già
Đến lúc tôi già Huế trẻ ra
Thêm nữa, khi ra đi thấy trên kỳ đài, trước Ngọ Môn lá cờ đỏ sao vàng bay phất phới. Ba mươi năm sau trở về, tôi lại thấy lá cờ bay lồng lộng trước Ngọ Môn trên kỳ đài. Tôi tưởng như trong thời gian vắng mặt khá dài, chẳng có gì thay đổi ở quê hương cả.
Có khác chăng là lá cờ lần này rộng lớn hơn, tươi màu hơn.
Đúng như thế, ngày ấy sắc cờ cách mạng đã in đậm, khắc sâu tận đáy lòng nhân dân Thừa Thiên_ Huế. Thời gian không thể làm phai nhạt, tàn bạo không thể bắt họ quên. Cờ cách mạng, cờ nhân dân, cờ Tổ quốc chỉ biết ngày càng tỏa sáng theo chiều dài của lịch sử, theo chiều rộng của núi sông, theo chiều cao của chế độ.
( Trích Kết Hợp, tạp chí của Hội đoàn kết người Việt Nam tại Bỉ, số 83/84, tháng 12 năm 1985)