VỀ CÂY THÁNH GIÁ TRÊN NẮP MỘ VUA HÀM NGHI

Các bạn ở Hoa Kỳ nhờ Nguyễn Hữu Hiệp hỏi “Vì sao trên nắp mộ vua Hàm Nghi có cây Thánh giá?”
Trả lời: Cho đến nay tôi chưa bao giờ có thông tin vua Hàm Nghi đã vào đạo Thiên chúa. Tôi cũng có hàng chục hình ảnh vua Hàm Nghi nhưng không thấy có chân dung vua Hàm Nghi nào đeo Thánh giá cả. Do đó tôi vẫn tin vua Hàm Nghi cho đến lúc qua đời (1944) ông vẫn giữ tín ngưỡng truyền thống của gia đình. Ở chốn lưu đày Algérie thuộc Pháp, vua Hàm nghi thuê dựng một biệt thự đặt tên Gia Long theo kiến trúc truyền thống của triều Nguyễn để ở và thờ các tiên đế. Đầu năm 1944, nhà vua qua đời vì bệnh dạ dày và được táng ngay trước biệt thự Gia Long .
Biệt thự Gia Long của vua Hàm Nghi ở Alger

Biệt thự Gia Long của vua Hàm Nghi ở Alger

Gần 20 năm sau, nước Algérie độc lập, tất cả những gì thuộc người Pháp đều phải rời khỏi Algérie. Năm 1965, Công chúa Như Mai và gia đình vua Hàm Nghi phải bốc mộ Người đem qua Pháp và táng tại khu đất của Công chúa Như Mai đã mua sẵn tại làng Thonac/ Dordogne. Năm 1999, tôi đi viếng lăng mộ vua Hàm Nghi. Lăng mộ vua Hàm Nghi hết sức đơn sơ, gồm hai khối bê-tông chồng lên nhau. Khối lớn khoảng 4m x 6m, cao 0,6m, chưa kể phần móng chôn sâu dưới đất; khối nhỏ chiều ngang bằng một phần ba khối lớn chồng trên khối lớn ở vị trí trung tâm, trên mặt có hình Thánh giá nằm theo chiều dọc. Trên mặt bê-tông của khối lớn còn thừa ở bên trái (từ ngoài nhìn vào) gắn tấm bia mang từ Alger sang với dòng chữ: “S.M.Ham Nghi.Hue 1871-Alger 1944. Empereur d Annam”(Vua Hàm Nghi. Huế 1871-Alger 1944. Hoàng đế nước An Nam). Phần bê-tông bên phải có một tấm đá dùng làm nắp che cho cửa huyệt mộ lăng. Trong huyệt mộ này đã táng 5 người, gồm vua Hàm Nghi; Hoàng phi Marcelle Laloe, 1884-1974 vợ chính thức của vua Hàm Nghi; Nhu May, Princesse d'Annam, 1905-1999; Minh Duc, Princed'Annum, 1910-1990; Marie Jeanne Delorme, 1852-1941 (Người giúp việc cải táng từ Algérie qua Pháp cùng một lần với vua Hàm Nghi.

Ngôi mộ Hàm nghi rất đơn sơ

Ngôi mộ Hàm nghi rất đơn sơ

Năm 2012 nhà tôi (cô giáo VTCT) nhân dự một khóa tu ở Làng Mai có dịp thăm mộ vua Hàm Nghi đã thấy lăng mộ của vua Hàm Nghi đã được làm mới. Năm 2016 tôi lại sang Pháp, thăm lại lăng Nghi tôi thấy tất cả tên tuổi của những người hợp táng trong mộ đã được khắc đầy đủ hai bên mộ. Đặc biệt cây Thánh Giá trên mộ được đắp mới đậm nét.
Cô giáo từ Huế đến viếng lăng mộ vua Hàm Nghi đã được làm mới (2012)

Cô giáo từ Huế đến viếng lăng mộ vua Hàm Nghi đã được làm mới (2012)

Các bạn hỏi tôi về cây Thánh giá trên nắp mộ vua Hàm Nghi, ý kiến của tôi như sau:
Vua Hàm Nghi không vô Thiên Chúa giáo, nhưng sống trong môi trường văn hóa Phương Tây, đại đa số theo truyền thống có Đạo Thiên chúa. Ông lập gia đình, bà Marcelle Laloe theo Đạo Thiên chúa nên đám cưới được tổ chức trong nhà thờ Chánh tòa ở Alger. Về sau,ông có ba người con đều theo mẹ có đạo Thiên chúa. Khi hài cốt nhà vua được cải táng qua Pháp, ngôi mộ nhà vua lập nên cho cả gia đình chứ không riêng gì cho nhà vua.Những người sẽ táng trong mộ đều có đạo Thiên chúa nên trên nắp mộ có cây Thánh giá là chuyện phải có. Nếu sau này hài cốt vua Hàm Nghi và bà Marcelle Laloe được cải táng về Huế, bà Marcelle Laloe phải theo chồng, trên mộ ông bà cây Thánh giá sẽ được thay thế bằng một chữ Phước (福) đời đời bền vững với Cố đô Huế.

Bình luận


Chưa có bình luận!


Bài viết trước đó
Bài viết kế tiếp

Trở lại đầu trang