Về di sản nghệ thuật của vua Hàm Nghi ở chốn lưu đày

Theo tin do ông Nguyễn Ngọc Giao viết từ Paris (Pháp) được phổ biến qua Đài BBC Luân Đôn, hồi 14g15 ngày 24-11-2010, bức tranh Chiều tà (Déclin du jour), sơn dầu, 35 cm x 46 cm của vua Hàm Nghi được bán đấu giá tại Hotel Drouot, 9 rue Drouot, 75009 Paris. Cũng theo tin nầy cho biết bức tranh ghi là được vẽ vào năm 1915. Theo tiểu sử của vua Hàm Nghi thì năm đó ông ở tại biệt thự Gia Long, trên đồi El Biar, Thủ đô Alger nước Algérie (Bắc châu Phi).
Bức tranh nầy là quà tặng của “ông Hoàng An Nam” (tức vua Hàm Nghi) cho một gia đình người Pháp. "Bên trái, góc dưới bức tranh có ghi, bằng sơn đỏ: 1915, trên đó là, từ phải sang trái, hai chữ Hán Tử Xuân, bút hiệu của Hàm Nghi, tên thật là Nguyễn Phúc Ưng Lịch". Bức tranh nầy do một gia đình ở miền tây-nam nước Pháp trao cho họ bán. Phía sau bức tranh có ghi “Tặng phẩm của Hoàng thân - Chiều tà sau lâu đài An Nam (tức Biệt thự Gia Long) Hoàng đế Hàm Nghi vẽ năm 1915 tại Algérie (Don du Prince d’ Annam Déclin du jour derrière le Palais d’ Annam peint par l’ Empereur Hàm-Nghi en Algẻrie en 1915.

Lần đầu tiên một tác phẩm của Hàm Nghi được đem ra bán đấu giá (điều này giải thích tại sao, mức định giá ban đầu khá thấp chỉ từ 800 đến 1200 Euros). Nhưng cuối cùng, với sự nhiệt tình hưởng ứng của đại diện Chính quyền Thừa Thên Huế và Việt Kiều tại Pháp, đại diện công ti SVV Millon & Associés gõ búa vào lúc 14g57, ngày 24-11-2010, chấp nhận giá cuối cùng là 8 800 €, cao gấp 9 lần so với giá ban đầu. Tên người mua được bức tranh nầy (qua điện thoại) chưa được công bố, có lẽ là một Việt Kiều “đại gia’ ở Pháp.

« Sự kiện » bán đấu giá bức tranh Chiều Tà của vua Hàm Nghi xuất hiện đúng vào năm sinh nhật lần thứ 140 (1871-2011) của ông gợi nhớ lại cách đây đúng 12 năm (1999), chúng tôi gồm Dược sĩ Nguyễn Duy Thản (một chàng rể quý tộc Pháp), ông Huỳnh Văn Tươi (người thân của GSTS Trần Văn Khê) và Nguyễn Đắc Xuân may mắn được Công chúa Như Lý tiếp tại Lâu đài De La Nauche (Vigeois, Dordogne, Pháp). Tôi được tận mắt nhìn thấy nhiều cổ vật, hình ảnh và tác phẩm nghệ thuật do vua Hàm Nghi để lại.

Công chúa cho phép tôi rước tấm chân dung vua Hàm Nghi đang chưng trên bàn thờ và tác phẩm Bức tranh quê (sơn dầu của vua Hàm Nghi) treo trên tường trong gian thờ tổ tiên trong lâu đài đem ra ngoài để chụp lại. Qua trò chuyện, Công chúa Như Lý cho biết, vua Hàm Nghi vẽ rất nhiều, nhưng sau nầy Công chúa Như Mai dùng một số tác phẩm làm quà tặng cho các ân nhân và bằng hữu của gia đình. Tặng cho những ai, những tác phẩm gì thì Công chúa Như Lý không nhớ. (Có lẽ bức tranh Chiều tà được bán đấu giá nêu trên nằm trong số quà tặng ấy).

Tìm hiểu quá trình học tập và sáng tác nghệ thuật của vua Hàm Nghi tôi được biết: Lúc mới sang Alger, vua Hàm Nghi không chịu học tiếng Pháp. Vì ông cho rằng “Đó là tiếng nói của thực dân đã cướp nước Việt Nam ông không học làm gì”. Nhưng sau ông thấy người Pháp ở Alger không giống như người Pháp trong suy nghĩ của ông. Để tiện việc gặp gỡ, giao tiếp, ông bắt đầu học tiếng Pháp. Và, không những học tiếng, ông còn học chụp ảnh, vẽ, nặn tượng, đánh kiếm và thể dục .v.v. Ông học vẽ với họa sĩ Reynaud (giải nhất Roma), mỗi tuần hai buổi vào thứ ba và thứ sáu. Ông vẽ say sưa, tiến bộ trông thấy từng ngày, chứng tỏ ông có năng khiếu hội họa thực sự. Theo Công chúa Như Lý: Năm 1899, vua Hàm Nghi được sang thăm Paris, ông có dịp đi xem cuộc triển lãm tranh của Paul Gauguin (1848-1903). Ông rất thích tranh Paul Gauguin. Người ta nói từ đó tranh của ông chịu ảnh hưởng của phong cách Gauguin. Tôi đã tìm đến xem tranh của Gauguin ở các Bảo tàng Mỹ thuật tại Paris, tôi thấy nhận xét ấy rất đúng[1].
Theo nhiều nguồn tin đã công bố thì vào tháng 11 năm 1926, vua Hàm Nghi đã có một triển lãm tranh và tượng tại Galerie Mantelet, rue de la Boétie, Paris 8. Nhiều tranh tượng của ông đã được giới yêu tranh mua. Ông Nguyễn Ngọc Giao nghiên cứu đã biết tên những tác phẩm nghệ thuật triển lãm năm 1926 nhưng chưa biết những ai và ở đâu còn lưu giữ được những tác hẩm nghệ thuật ấy.

Qua thông tin của Nguyễn Ngọc Giao, lại được biết “Ông hoàng An Nam” có với bà giáo làm gia sư cho các con ông một người con trai nhưng không được gia đình ông hoàng thừa nhận. Về sau người con trai ấy đi Không quân Pháp, lái tàu bay đánh Phát-xít Đức và mất, để lại một người con gái học Y, nay là một bác sĩ ở Pháp. Bà nầy (còn giấu tên) rất tự hào mình là cháu nội vua Hàm Nghi. Bà còn giữ được nhiều tư liệu, thông tin về ông nội của bà. Bà đã cho nhà báo Nguyễn Ngọc Giao và đoàn làm phim “Đi tìm dấu tích Ba Vua” của Nguyễn Hồ, được công bố tấm ảnh “Nghệ sĩ” Hàm Nghi ngồi trong phòng có nhiều tranh tượng, chăm chú ngắm một bức tượng đang cầm trên tay.


Không rõ những bức tượng trong ảnh ấy do nhà vua sưu tập hay chính ông đã sáng tác. Tấm ảnh chụp năm 1935 – thời gian nhà vua còn đang ở trong Biệt thự Gia Long trên đồi El-Biar. Các tranh tượng ấy nếu do ông sưu tập thì thông thường có lẽ ông trưng bày trật tự ngăn nắp hơn. Ở đây ông để một cách tùy tiện nên ta có thể nghĩ đó chính là các tác phẩm do ông sáng tác.
Như nhiều tài liệu đã viết[2]: Khi mới đến Alger, mười ngày đầu, ông được tạm trú tại L’hôtel de la Régence (Tòa Nhiếp chính). Sau đó, ông được giao một ngôi nhà khá tiện nghi, trước có một khoảng sân rộng, chung quanh là vườn hoa, trên đồi El-Biar, cách Alger chừng 3 cây số. Đây là một vùng hoang dã trên dãy đồi Mustapha Supéreur nhìn ra vịnh Alger. Lối đi từ trong nhà ra có hai rặng thông, trên cổng vào treo lủng lẳng một tấm biển mang ba từ “Villa des pins” (Tùng Hiên). Sau đó Tùng Hiên được sửa chữa và đổi tên thành Biệt thự Gia Long (Villa de Gia Long). Vào đầu năm 1944 vua Hàm Nghi mất, quan tài ông được táng ngay trong vườn biệt thự ấy. Năm 1962, nước Algérie được độc lập, có lệnh kiều dân Pháp phải hồi hương. Gia đình bà Lolae (phu nhân vua Hàm Nghi) phải dọn qua Pháp trú tại Lâu đài De Losse của Công chúa Như Mai (thuộc làng Thonac, tỉnh Dordogne). Năm 1965 hài cốt vua Hàm Nghi cũng được chuyển qua táng ở khu mộ mà Công chúa Như Mai đã chuẩn bị sẵn tại làng Thonac. Biệt thự Gia Long được giao lại cho chính phủ Algẻrie. Theo Công chúa Như Lý, ngay khi vua Hàm Nghi còn tại thế, vào năm 1943, biệt thự Gia Long từng được trưng dụng một phần để dành cho tướng de Gaulle đặt bản doanh của Pháp chiến đấu (France Combattante) tại Bắc Phi. Sau De Gaulle là tướng Giraud. Đến khi Algérie độc lập, biệt thự ấy lại được trưng dụng làm nhà riêng cho Đại sứ Liên bang xô-viết (nay là Liên bang Nga). Mới đây, không rõ từ nguồn tư liệu nào, ông Nguyễn Ngọc Giao cho biết “khu vườn lớn này đã được chia đôi, một nửa trở thành đại sứ quán Liên Xô (nay là Liên bang Nga), tòa biệt thự và nửa vườn còn lại vẫn do chính phủ Algérie chủ quản”. Đặc biệt hơn, vào tháng 10-2010, ông Nguyễn đã gặp một Cựu đại sứ Việt Nam, và được biết thêm: “…năm ngoái (tức 2009) ông (Đại sứ ) đã đến Alger và được đi thăm biệt thự này và thấy ngoài vườn có một vài tác phẩm điêu khắc”[3]
Qua tìm hiểu nêu trên, ta có thể thấy được các nguồn lưu giữ tác phẩm nghệ thuật của vua như sau:
a.Tại gia đình ba người con của Công chúa Như Lý;
b.Tại các gia đình quen thân của ông bà Hàm Nghi, được Công chúa Như Mai tặng tranh của đức thân sinh;
c.Tại các cá nhân và gia đình đã mua tranh của vua Hàm Nghi trong triển lãm năm 1926 tại Paris;
d.Tại gia đình bà cháu nội không chính thức của vua Hàm Nghi;
e.Tại sân vườn biệt thự Gia Long ở Alger (Algérie).
Trong 5 nguồn ấy, nguồn thứ nhất là quan trọng nhất. Hiện nay các cháu ngoại của vua Hàm Nghi chưa có một liên lạc nào với chính quyền Việt Nam cả. Vì thế ngoài tôi ra, chưa một nhà nghiên cứu Việt Nam nào được ba người cháu ngoại ấy tiếp. Công chúa Như Lý đã qua đời năm 2005. Theo sự nhận định của tôi, còn lâu chúng ta mới được các con của bà tiếp. Vì thế tôi cung cấp một số thông tin cụ thể về hậu duệ của vua Hàm Nghi (chủ yếu là con cháu Công chúa Như Lý) để đời sau tìm đến như sau:
Công chúa Như Lý [Comtesse de La Besse] sinh tại biệt thự Gia Long trên đồi El-Biar, gần Thủ đô Alger, vào ngày 22-7-1908, thành hôn với Bá tước François Barthomivat [Count de La Besse, sinh ngày 3-2-1905] vào ngày 20-4-1933. Ông bà Bá tước De La Besse sống tại lâu đài De La Nauche (Vigeois, Dordogne), nước Pháp. Ông bà có một người con trai và hai người con gái:
1) Philippe Barthomivat [Viscount de La Besse], sinh ngày 25-2- 1937 tại Lâu đài De La Nauche (19410 Vigeois, France), cưới cô Jane Boardman. Không có con.
2) Françoise Barthomivat de la Besse, lấy ông Jacques Matis de Bisschop, sinh được hai người con trai và một người con gái.
2.1. Marc Matis de Bisschop. Sinh ngày 31-1-1960, sống ở Toulouse, cưới cô Veronique, thường gọi là Dupui.
2.2.Luc Matis de Bisschop
2.3. Hélène Matis de Bisschop.
3) Anne Alice Marie Barthomivat de la Besse, lấy ông Guy Dabat (Ảnh dưới), thường gọi là Anne Dabat.

Cô Anne Dabat. Ảnh NĐX
Có 3 người con trai và một cô con gái:
3.1. Philippe Dabat.
3.2. François Dabat.
3.3. Jean Dabat.
3.4. Maylis Dabat.
Hơn một thế kỷ qua, trong lịch sử Việt Nam: Vua Hàm Nghi là biểu tượng của ngọn cờ Cần Vương yêu nước. Đến nay, với những thông tin ít ỏi dẫn trên, chúng ta cũng đã có thể khẳng định được rằng: Vua Hàm Nghi còn là một nghệ sĩ vẽ tranh, nặn tượng và nhiếp ảnh hiện đại quốc tế. Cùng với Lê Văn Miến, vua Hàm Nghi là một trong hai họa sĩ Việt Nam đầu tiên vẽ tranh, nặn tượng theo phong cách phương Tây. Các nhà nghiên cứu có thể bổ sung tên vua Hàm Nghi vào danh sách những nghệ sĩ mở đầu cho Lịch sử Nghệ thuật tạo hình Việt Nam hiện đại. Sự nghiệp nghệ thuật của vua Hàm Nghi rất lớn nhưng vẫn còn nhiều ẩn số. Lời giải còn chờ sự nổ lực của tùy viên văn hóa của Tòa Đại sứ Việt Nam tại Pháp, sự đóng góp của các nhà nghiên cứu Việt Nam ở trong và ngoài nước, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế -
Gác Thọ Lộc (Huế), 11-2010
Nguyễn Đắc Xuân
Tài liệu tham khảo
http://www.diendan.org/phe-binh-nghien-cuu/ham-nghi-nghe-si/
http://www.bbc.co.uk/vietnamese/culture/2010/11/101112_ham_nghi_painting.shtml
http://www.bbc.co.uk/vietnamese/av/2010/11/101122_ham_nghi_ngngocgiao.shtml
http://www.diendan.org/Doi-song/ai-111a-mua-111uoc-buc-tranh-chieu-ta-cua-ham-nghi/
Ngyễn Đắc Xuân, Vua Hàm Nghi-một tâm hồn Việt ở chốn lưu đày, Ncb Thuận Hóa Huế 2008
và nhiều tài liệu, hình ảnh khác do tác giả sưu tập và thực hiện riêng.
________________________________________
[1] Ngyễn Đắc Xuân, Vua Hàm Nghi-một tâm hồn Việt ở chốn lưu đày, Nxb Thuận Hóa Huế 2008
tr.28-29
[2] tr.24 và tr.34
[3] http://www.bbc.co.uk/vietnamese/culture/2010/11/101112_ham_nghi_painting.shtml

 

Bình luận


Chưa có bình luận!


Bài viết trước đó
Bài viết kế tiếp

Trở lại đầu trang