Về những lời tâu cuối cùng của Thái sư Trương Đăng Quế gửi vua Tự Đức

           Cuối tháng 3 năm Tự Đức thứ 16 (1863) Trương Đăng Quế (TĐQ) Cần chánh Điện Đại học sĩ, Thái Bảo Tuy Thạnh Quận công – về trí sĩ. Lý do được chuẩn cho là “Trương Đăng Quế ốm và thiết tha muốn về hưu” (TL, t.XXX, tr.15). trong buổi lễ đình thần tiễn đưa, vua Tự Đức đã dụ bậc lão thần họ Trương rằng :

    - “Về trí sĩ có nghe, có thấy sự gì hay tính nghĩ điều gì tốt, thì thần đệ tâu lên vua!”

          Trương Đăng Quế, một người “đã trải thờ 3 triều Minh Mạng, Thiệu Trị, Tự Đức, hai lần làm cố mệnh – nhân mệnh, lệnh của vua Minh Mạng đặt vua Thiệu Trị lên ngôi, rồi lại nhận mệnh lệnh của vua Thiệu Trị đặt Tự Đức lên ngôi, làm quan đến nhất phẩm, tước đầu 5 bậc (công, hầu, bá, tử, nam), hơn nữa con trai là Quang Trụ lấy công chúa An Mỹ (con vua Minh Mạng), con gái (Bà Trương Thị Thứ) làm phủ thiếp (Miên Thẩm Tùng Thiện Vương), một nhà hiển vinh, xưa nay ít thấy (TL, t.XXVII – 1848 – 1853, tr.291).

          Nhưng lại ít thấy hơn nữa khi về trí sĩ ở quê nhà (Sơn Tịnh, Quảng Ngãi) quan Thái sư Trương Đăng Quế, ở trong ngôi nhà tranh lúc còn hàn vi, mọi danh lợi đều để ở ngoài tai.

          Tháng 6 năm Tự Đức thứ 16 (1863), tuân theo lời dụ của vua Tự Đức, Trương Đăng Quế tâu lên vua Tự Đức 5 điều, ông đã “ tính nghĩ ra được” trong ngôi nhà ấy.

 

    I. Năm điều tấu.

          Điều 1. – “Về đường lối trị nước, điều cần thiết không gì bằng việc dùng người” (TL, t.XXX – 1863 – 1865. tr.26). Hoàng thượng từ khi ngự trị tới nay, thông minh, nhân hiếu, tiếng đồn khắp thiên hạ…Thế mà nước chưa được thịnh trị là vì sao?” Trương Đăng Quế đã dẫn chứng các ví dụ người tài trong lịch sử đã giúp cho ngước được thịnh trị như thế nào. Rồi ông cho rằng người tài ngày nay có ít, nhưng ông khẳng định rằng : “Nhân tài của một đời cũng đủ để làm xong công việc cho một đời, trong nước chưa từng không có người tài bao giờ” (tr.27).

           - “Về chính sách tự cường tự trị, chớ nên vội quên, thì một khoản dùng người, thực là việc khẩn yếu. Xin Hoàng thượng cẩn thận tùy tài giao việc” (nt).

          Trương Đăng Quế nói “Đã dùng được người giỏi, thì phàm những việc nhỏ giao hết cho họ làm, mà bắt buột phải có thành hiệu” và khi đã có người tài giúp việc thì nhà vua “việc gì phải nhọc lòng khổ nghĩ, ngày xem giấy tờ kiện cáo, lặt vặt nhỏ mọn, mà thay việc làm cho trăm quan làm gì” (nt). Đây là câu trả lời chí lý cho những lần vua Tự Đức than vãn nhiều việc.

          Điều 2. –Việc vua Tự Đức lo lắng chưa có con trai nối nghiệp. Theo Trương Đăng Quế cho rằng vua Tự Đức chưa chọn được người tài giúp việc cho nên suốt ngày nhà vua phải lo “mọi việc, xem và phê tập tấu, ngày không hết việc, rất là khó nhọc, còn về phương pháp di thần dưỡng tính, chưa rỗi nghĩ đến(nt, tr.28) Trương Đăng Quế khuyên nhà vua : “Nên bận về lúc cầu hiền, mà thong thả về lúc đã chọn được người”. Nhờ người hiền giúp việc, vua Tự Đức sẽ “ngày được khang kiện, đã có thể nhờ sức khỏe để mưu việc trị nước, mà điềm ứng sinh hoàng tử, cũng tất có thể được”.

          Điều 3. – Muốn yên dân phải có cán bộ ở huyện tốt, có kinh nghiệm. Ông phản đối việc “đem các tôn sinh, ấm sinh, giám sinh vừa tới niên lệ được bổ đã phân phát về làm hậu bổ ở các tỉnh”. Ông phê bình nặng nề rằng : “Đem người chưa từng trải việc bao giờ, mà ủy vào việc trị dân, thì không khỏi dư luận chê là chưa học cầm kéo mà đã học cắt gấm” (nt).

          Ông đề nghị tất cả những hạng người trên cần phải xét hạch lại và phân bổ về làm việc ở các Bộ, các Thượng ty. Sau một hai năm, xét ai có thể làm việc chính trị được mới bổ về những nơi thiếu ở các địa phương, người nào không có khả năng làm chính trị, thì không được đưa về trị dân.

          Điều 4. – Trương Đăng Quế đề nghị triều đình nên có chủ trương noi theo gương cũ cho “quan lại, quân, dân nộp gạo chuộc tội”, Như vua Càn Long nhà Thanh cũng nói : “vàng để chuộc tội”. Làm như thế nhà nước vừa có tiền vừa thực hiện được chính sách “thương kẻ bị tội”. Tội nặng thì nộp nhiều, tội nhẹ nộp ít, người giàu nộp nhiều, người khó nộp ít… phải xét kỹ.

          Điều 5. – Muốn cho quan được thanh liêm, không gì bằng bớt người làm việc mà thêm lương “nhưng việc có bớt đi thì người mới có thể bớt được, mà muốn cho việc bớt đi thì quan cần phải được người giỏi, quan được người giỏi thì đường lối trị nước, tưởng đã được quá nửa vậy” (tr.29).

          Cả năm điều đề cập đến năm phạm vi khác nhau, nhưng tựu trung lại cũng chỉ được giải quyết bằng thuật dùng người.

 

    II. Châu phê

          Nhận được tập tấu, vua Tự Đức bóc ra xem ngay, đọc xong vua Tự Đức lấy bút son phê vào lề trang giấy từng điều một.

          Châu phê ở điều 1 (thuật dùng người).

          “Biết người là việc khó, Trẫm từ lâu đã nghĩ kỹ, vẫn chưa được cách gì, nên bảo lại ta rõ ràng, thực là việc rất cần thiết, ra rất mong mỏi vậy”

          Châu phê ở điều 2 (việc chưa có con)

          “Chỉ nhờ ơn trên ban cho, may hoặc có chăng?”

          Châu phê ở điều 3,4,5 :

          “Có thể dùng được, giao cho đình thần xét bàn và thi hành” (tr.29).

 

    III. Lời tâu cuối cùng.

          Giữa mùa xuân năm Tự Đức thứ 18 (1865), vua Tự Đức được tin Trương Đăng Quế ốm nặng, bèn sai người đem quế, sâm và thái y đến Quảng Ngãi chữa trị cho ông, rồi lại sai tỉnh thần Quảng Ngãi đến tham hỏi và truyền dụ của vua : “Nếu Trương Đăng Quế thấy có điều gì lợi ích cho quốc kế thì sao đệ lên”. Trương Đăng Quế dù sắp thở đến hơi thở cuối cùng cũng gắn nói :

    -“Việc dùng người là quan trọng hơn cả, và đã tâu rồi, tưởng không còn gì quan yếu hơn nữa, chỉ mong thánh thượng cho thi hành”.

          Sau đó Trương Đăng Quế mất, vua Tự Đức cho bãi triều 3 ngày, tặng hàm cho Trương Đăng Quế là Thái sư tên thụy là Văn Lương. Vua Tự Đức truyền khắc trên bia mộ Trương Đăng Quế là “Lương triều cố mệnh lương thân Trương Văn Lương chi mộ” (TL.t.XXX, 1863 – 1865, tr.177 – 178).

 

    IV. Lời người biên soạn

          Thái sư Trương Đăng Quế là một lương thần (vì thế trong các sách các nhân vật lịch sử Việt Nam không có tên ông) ông mất cách đây gần 130 năm (1865-1993), nhưng nội dung những lời tâu của ông đến nay vẫn còn giá trị. Có được giá trị đó là nhờ ông suốt đời đã nghĩ đến việc trị nước, dám nói với vua những gì mình đã nghĩ tới, không sợ trái ý vua.

          Tư tưởng trị nước của Trương Đăng Quế ta còn đáng học, nhưng điều đáng học nhất là nhân cách của ông. Nhân cách ấy mới có tư tưởng ấy và tư tưởng ấy mới giữ được một nhân cách ấy.

(Năm 1993)

Bình luận


Chưa có bình luận!


Bài viết trước đó
Bài viết kế tiếp

Trở lại đầu trang