Cuối Đông năm Kỷ Mão, Kinh đô Huế chìm đắm trong nỗi âu lo, căng thẳng tột cùng. Tin Hoàng đế “siết” nặng1 từ hoàng cung truyền ra các phủ đệ, dinh thự rồi lan rộng đến dân gian.
Tại điện Trung Hòa, các ngự y đã tiến dâng đủ phương thuốc nhưng vô hiệu. Vị Hoàng đế một thời thanh gươm yên ngựa, tung hoành khắp non nước, nếm đủ mùi gian khổ, vinh nhục của kiếp người, giờ đây như ngọn đèn cạn dầu sắp tắt.
Ngày 18, nhà vua bỗng tỉnh táo, truyền đòi Thái tử Đảm, Tả quân Quận công Lê Văn Duyệt đứng đầu võ ban, Lễ bộ Thượng thư Phạm Đăng Hưng đứng đầu văn ban vào nhận di mệnh. Tất cả đến trước sập ngự, quỳ tấu xin vua tĩnh dưỡng, bớt phiền nghĩ, để mong thánh thể được bình phục, kéo dài tuổi thọ.
Vua bình thản, ban lời: “Sống chết có mệnh Trời, bọn ngươi đừng kiêng sợ. Phàm truyền ngôi là việc lớn xưa nay. Ngày nay còn sáng suốt, nói được mà không nói, ngày khác chết đi, làm sao nói kịp nữa?”. Nhìn thẳng vào Thái tử, Vua dạy tiếp: “Công xây dựng cơ nghiệp rất gian nan, con từng trông thấy. Nay việc lớn thiên hạ đã định, ta yên lòng chẳng cần dặn gì thêm. Duy một điều con cần ghi nhớ, ngày sau phải cẩn thận, tránh gây sự với ngoại bang”. Giờ Tỵ ngày 9 tháng Chạp (khoảng 9 - 11 giờ sáng), vua băng hà thọ được 58 tuổi (ngày 3.2.1820).
Sự việc tưởng chừng như đơn giản, theo nguyên tắc cha truyền con nối bình thường. Nhưng không, đó là quyết định sau gần 20 năm suy nghĩ, đắn đo, thu xếp của Vua Thế tổ triều Nguyễn...
Bước vào tuổi ngũ tuần, nhà vua cảm thấy mỏi mệt dần với quốc kế, dân sinh. Để chính danh vị và yên lòng người, các đại thần nhiều phen tâu xin vua chọn lập ngôi “trừ nhị” (người kế vị). Công luận có vẻ nghiêng về hoàng tôn ĐÁN. Không hiểu sao vua vẫn làm ngơ chưa quyết?
(Chú thích 1 Siết: tiếng trong cung cấm để chỉ cho Vua, Thái hậu, Hoàng hậu bị bệnh.)
Đán sinh năm 1796, con trưởng của Anh Duệ Hoàng thái tử Nguyễn Phước Cảnh và vương cơ Tống Thị Quyên, cháu đích tôn của vua và hoàng hậu Thuận Nguyên2. Hoàng hậu là con gái của công thần Tống Phước Khuông, người vợ tào khang đã cùng với vua trải qua bao nỗi hiểm nguy, góp phần đắc lực trong sự nghiệp trung hưng. Đông cung Cảnh mới lên 4 tuổi, đã phải lìa xa cha mẹ theo Giám mục Bá Đa Lộc (Evêque d’Adran) sang Pháp quốc cầu viện. Mười ba tuổi, ông được tấn phong Nguyên soái Quận công, nắm quyền Tả quân dinh; từ đó theo cha chinh chiến lập nhiều công huân. Năm 1801, hai mươi hai tuổi, ông giữ quyền nhiếp chính tại Gia Định, bị bệnh đậu mùa rồi mất (ngày 17.2 năm Tân Dậu).
(Chú thích 2 Hoàng hậu Thuận Nguyên: tên Tống Phước Thị Lan (1762 - 1814) tổ tiên gốc Tống Sơn, Thanh Hóa sau theo chúa Nguyễn chạy vào Nam nhập tịch ở Long Hồ (Vĩnh Long). Năm 16 tuổi (1778) kết hôn với Nguyễn Phước Ánh, được lập làm vương hậu năm 1796. Sau khi lên ngôi, nghĩ đến công lao to lớn của bà trong cuộc trung hưng; vua Gia Long (N.P.Ánh) tấn phong làm hoàng hậu năm 1806. Suốt triều Nguyễn, bà là hoàng hậu đầu tiên đến bà Nguyễn Hữu Thị Lan (1914 - 1963) được vua Bảo Đại tấn phong hoàng hậu (1934) lần thứ hai và cuối cùng.)

Hoàng thái tử Nguyễn Phước Cảnh
Để tạo hậu thuẫn cho hoàng tôn Đán, và gây áp lực với vua, Tiền quân Quận công Nguyễn Văn Thành (N.V.T) tổ chức tiệc rượu tại tư dinh, mời các đại thần đến dự, công khai tuyên bố: “Hoàng tôn Đán xứng đáng được nối ngôi. Tôi sẽ tâu xin vua lập làm người kế nghiệp”. Các quan đều sợ oai của N.V.T nên im lặng. Chỉ có Lại bộ Thượng thư Trịnh Hoài Đức phát biểu: “Đây là việc hệ trọng của Nhà nước, quyết định do ý của Vua. Nếu kẻ bề tôi định kế riêng, tham lấy công to thì tội càng nặng”. Có người đem chuyện mật tâu với vua Gia Long, vua rất giận bảo: “Hắn muốn lập người nhỏ tuổi để dễ khống chế. Ngày sau có thể chẹt họng, vỗ lưng chăng? Ta há tối tăm, nhầm lẫn, không biết đắn đo, để vội nghe lời hắn mà không vì xã tắc chọn người sao?”
Nhằm thăm dò ý kiến, một hôm bãi chầu, vua kêu riêng N.V.T vào hỏi: “Nay đích tôn của ta là Đán còn nhỏ, trong các con ta, ai xứng đáng nên lập làm thái tử?”. N.V.T không hài lòng, thẳng thắn tâu: “Theo lễ nên lập Đán, là đích tôn thừa trọng mới đúng. Nay bệ hạ muốn chọn người khác, thì biết con không ai bằng cha, chúng tôi không dám dự biết đến.”
Tháng hai năm Giáp Tuất (1814), hoàng hậu Thuận Nguyên băng hà tại điện Khôn Nguyên. N.V.T tâu xin vua cho hoàng tôn Đán đứng chủ tang lễ, giữ việc thừa tự. Vua bác đi và dụ: “Hoàng tử Đảm đã được Hoàng hậu nhận nuôi làm con từ lúc ba tuổi, có khoán ước rõ ràng, nên giao cho làm chủ tang lễ. Đây là việc hệ trọng của Nhà nước, không thể câu nệ theo nghĩa đích tôn thừa trọng ngoài dân gian được.”3
N.V.T tâu: “Nếu để hoàng tử Đảm chủ tang lễ thì lời xưng hô trong văn cúng tế không thuận.”
Vua gắt: “Con phụng mạng cha để cúng tế mẹ, danh chính ngôn thuận, có điều gì dám bảo không hợp?”. Từ đó, mỗi lần N.V.T tâu xin việc gì, vua chỉ im lặng.
Tháng Ba năm Bính Ngọ (1816), vua triệu tập hoàng thân, đại thần họp tại điện Cần Chánh, N.V.T không được tham dự vì đang liên can đến vụ án của con trai là Nguyễn Văn Thuyên4. Vua bảo Trịnh Hoài Đức viết: Sắc lập hoàng tử thứ tư là Đảm làm Đông cung hoàng thái tử. Ai đồng ý phải ký tên vào.
Tất cả quỳ tâu: “Nay trên Thánh ý đã quyết định, thật là phước lớn của Nhà nước. Chúng tôi xin hoàn toàn tuân mạng.” Vua rất hài lòng.
Sau buổi họp đó, N.V.T bị tước hết binh quyền, thu lại tướng ấn. Vụ án Nguyễn Văn Thuyên được giao cho Quận công Lê Văn Duyệt, một đối thủ của N.V.T tra xét.
Năm sau (1817), N.V.T và toàn gia quyến bị bắt giam vào quân xá Thị trung. Triều đình họp tại Võ công thự (Nhà họp hội đồng tướng lĩnh) xử chung thẩm.
Hỏi N.V.T: Có âm mưu tổ chức tạo phản không?
N.V.T đáp: Không.
Hỏi: Có biết việc con trai là Nguyễn Văn Thuyên âm mưu tổ chức tạo phản không?
N.V.T đáp: Không.
Trở về quân xá, gặp thống chế Huỳnh Công Lý, N.V.T than thở: “Tội của tôi đã kết xong rồi. Nay vua bắt tôi phải chết, nếu bề tôi không chết là bất trung”. Ông bèn dùng thuốc độc tự tử.
(Chú thích: 3 Thuở còn loạn lạc ở trong Nam, Nguyễn Phước Ánh (GL) sai Lê Văn Duyệt viết giấy tờ giao Nguyễn Phước Đảm (M.M) mới lên 3 tuổi cho bà Tống Thị Lan nuôi dưỡng làm con.
4 Nguyễn Văn Thuyên: con trai của Quận công Nguyễn Văn Thành đậu cử nhân năm 1813, rất giỏi thơ văn, tính thích giao du với các danh sĩ khắp Nam Bắc. Làm thơ gởi cho bạn ở Thanh Hóa có câu: “Thử hồi nhược đắc sơn trung tế, tá ngã kinh luân chuyển hóa cơ”
Nghĩa: Chúa núi phen này mong gặp được,
Giúp ta thay đổi hội cơ này.
Lê Văn Duyệt thu được bài thơ đem dâng cho vua và mật cáo cha con Nguyễn Văn Thuyên âm mưu phản nghịch.)

Thế tổ cao Hoàng đế đức vua Gia Long
Thế là sau cái tang Thuận Nguyên Hoàng hậu và cái chết của N.V.T, điểm tựa vững chắc của hoàng tôn Đán hoàn toàn bị sụp đổ. Vua Gia Long chuẩn bị những điều kiện thuận lợi và an toàn nhất cho người nối ngôi: Hoàng tử Đảm con của thứ phi Trần Thị Ngọc Đương sinh năm Tân Hợi (1791), nguyên đán năm Canh Thìn (15.2.1820), tuân theo di chiếu của tiên đế được triều đình tôn lên ngôi, cải nguyên Minh Mạng.
Tuy đã chính vị, vua Minh Mạng vẫn cứ băn khoăn về hoàng tôn Đán, một khuôn mặt sáng chói phản chiếu hào quang và huyền thoại của Đông cung hoàng thái tử Cảnh và Thuận Nguyên Hoàng hậu, còn làm quyến cố lòng người. Nhất là ở Nam kỳ Lục tỉnh, miền đất long hưng của họ Nguyễn Phước.
Năm Giáp Thân (1824) theo lời cáo tố của Lê Văn Duyệt (L.V.D): Ứng Hòa Công Đán (Mỹ Đường)5 phạm tội thông dâm với mẹ. Vua Minh Mạng ra lệnh cho L.V.D bắt ngay bà Tống Thị Quyên bỏ vào củi dìm xuống nước chết; phế Đán và con cháu làm thường dân, xóa tên trong hoàng tộc. Vụ án chẳng cần chứng cớ và xét xử! Năm Bính Tuất (1826), em trai của Đán là Kính (Mỹ Thùy) cũng bị kiện và truy tố. Trong lúc chờ đợi đình nghị, Kính quá lo lắng, buồn rầu sinh bệnh chết, chưa có con nối dõi. Tất cả quyền lợi, danh dự của dòng hoàng thái tử Cảnh mất trắng. Đối thủ đáng sợ nhất đã bị loại hẳn ra khỏi “triều đường”, từ đây ngai vàng sẽ do con cháu đế hệ (dòng vua Minh Mạng) truyền nối mãi...
Nhưng vì duyên cớ nào mà đích tôn Đán, với những ưu thế sẵn có của bà nội, của cha, của các đệ nhất công thần... mà kết cục lại mất quyền “thừa tự”, để phải kéo dài cuộc sống với bao nỗi khổ đau, tủi nhục cùng cực, cho đến chết (năm Tự Đức thứ 2 Kỷ Dậu, 1849)6?.
Có phải vì nhỏ tuổi chăng? Lúc Vua Gia Long quyết định chọn lập người kế nghiệp (1816) thì Đán đã hai mươi tuổi, tương đối trưởng thành. Hay có nguyên nhân thầm kín khác mà chính sử không ghi? Chính bức thư của Giám mục Bá Đa Lộc, gởi cho ông Letondal ngày 17.8.1789, đã phần nào giải thích sự việc:
“Từ ngày Đức Đông cung trở về nước7 và đã từ chối không làm lễ bái trước bàn thờ chư vị tiên đế, tôi đã mất một phen phân trần, giải thích lại với đức lịnh muôn năm. Hoàng thượng tỏ vẻ xúc động nhiều về cử chỉ kỳ lạ của thái tử. Ngài phán cho tôi biết rằng, Ngài lấy làm ngạc nhiên vì sao đạo Gia Tô có thể dung túng cho tín đồ quên hết ông bà tổ tiên đi làm vậy...”
Sau khi lắng nghe sự giải thích, biện minh hết lời của giám mục B.Đ.L, Nguyễn Vương khẳng định:
“Duy ta nhất quyết tôn trọng tục lệ thờ phượng cha mẹ, ông bà. Ta cho đó là việc cần thiết và đúng theo như ta đang bàn luận cùng thái phó (B.Đ.L), việc ấy không có chi là lố lăng, đáng cười. Vả lại đó là cổ tục cốt yếu của Quốc gia, dạy cho đứa con từ bé thơ phải biết thờ cha, kính mẹ, như vậy mới là “hiếu tử”. Giúp cho cha mẹ có quyền trị gia, nếu không thì trật tự trong gia đình không còn và sẽ rối loạn mất. Sự trọng kính cha mẹ ông bà, phải được phổ biến công khai, bành trường rộng và ăn sâu tận gốc rễ...” (Bản dịch của Vương Hồng Sển, trong khảo về Đ.S.M.L Huế, quyển hạ, từ trang 90 - 94. Nhà xuất bản TP.HCM 1993).
Hiện nay công luận đang tìm hiểu, đánh giá lại triều Nguyễn một cách khách quan. Xin cung cấp một vài sự kiện góp phần nhìn nhận đúng đắn, trung thực về những nhân vật lịch sử Việt Nam vào đầu thế kỷ XIX.
(Chú thích: 5 Vua Minh Mạng phân chia đế hệ và phiên hệ. Do đó đổi tên của hoàng tôn Đán và Kính (có bộ Nhật) thành Mỹ Đường và Mỹ Thùy.
6 Sau khi Mỹ Đường (Đán) chết, nhờ có đại thần Võ Xuân Cẩn và Tạ Quang Cự hết lời tâu xin thống thiết, vua Tự Đức cảm động tha tội cho Lệ - Chung (con trai của Đán) và ân phong làm Cảm Hóa Quận công, giữ việc thờ cúng Anh Duệ hoàng thái tử Cảnh. Con cháu được liệt vào hoàng tộc và cấp cho lương bổng.
7 Đông cung Cảnh theo G.M Bá Đa Lộc sang Pháp năm 1784; theo tàu La Méduse trở về Nam Việt vào ngày 28.7.1789.)
Tài liệu tham khảo
- Đại Nam Thực lục Chính biên - Đệ I, Đệ II Kỷ.
- Đại Nam Liệt truyện
- G. Taboulet, “La Geste Française en Indochine.”
- Vương Hồng Sển, “Khảo Về Đồ Sứ Men Lam Huế” Nxb TP.HCM 1993).