Từ cuối những năm 80 của thế kỷ trước từ sau khi hài cốt vua Duy Tân ở Cộng hòa Trung Phi được chuyển về táng ở Huế, tôi đã nghĩ đến việc vận động Nguyễn Phước tộc và Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế nghiên cứu và đưa hài cốt gia đình vua Hàm Nghi ở làng Thonac Dordogne về Huế. Năm 1999 tôi sang Pháp may mắn được kính thăm và hỏi chuyện Công chúa Như Lý về những năm tháng vua Hàm Nghi ở chốn lưu đày và biết được ý nguyện của công chúa Như Lý muốn đưa hài cốt vua Hàm Nghi về Huế khi hoàn cảnh cho phép. Lần đầu tiên tôi được đến thăm lăng mộ vua Hàm Nghi ở làng Thonac. Tôi đã viết cuốn sách “Vua Hàm Nghi một tâm hồn Việt ở chốn lưu đày”. Nghiên cứu kỹ về vua Hàm Nghi tôi rất ngạc nhiên trong “Nguyễn Phúc tộc thế phả” chỉ nêu tên vua Hàm Nghi là con của Kiên Thái vương và bà Phan Thị Nhàn. Không hề có thêm một chi tiết nào về cuộc đời của thân mẫu vua Hàm Nghi. Tôi tìm kiếm trong tư liệu của Nguyễn Phước tộc, nghiên cứu tư liệu của triều Nguyễn (Đại Nam thực lục, Đại Nam liệt truyện), nghiên cứu sách báo của Việt Nam và của Pháp viết thời ấy cũng không hề có một thông tin gì thêm ngoài cái tên của bà Phan Thị Nhàn.

Lăng mộ bà Phan Thị Nhàn - thân mẫu của vua Hàm Nghi
Trong khi đi tìm tiểu sử của thân mẫu vua Hàm Nghi thì được Tiến sĩ Đặng Văn Giáp – một người từng làm ngoại giao trong tổ chức EU. Giới thiệu với tôi cuốn sách “L’empire D’Annam” của Capitaine Ch.Gosselin, tại trang 378 có đoạn viết “Hàm Nghi đã cư trú tại Thanh Lạng được vài ngày, năm 1885 và năm 1886 người ta có nói là vua đã kết hôn với một cô gái trẻ ở làng.” Tác giả cho biết chi tiết này lấy trong tài liệu mật của Pháp. Tôi hết sức bất ngờ đi tìm tiểu sử của thân mẫu vua Hàm Nghi thì lại được biết vua Hàm Nghi đã có một người vợ ở Thanh Lạng. Qua Hoàng Trọng Đính phủ Kiên Thái vương và ông Đặng Văn Giáp, tôi được biết vợ đầu tiên của vua Hàm Nghi năm ấy (1885 – 1886) là bà Phan Thị Hòa. Việc Gosselin viết vua Hàm Nghi đã có vợ ở trong sách “L’empire D’Annam” có hậu quả về chuyện vua Hàm Nghi hỏi hôn với cô Marcelle Laloë. Vua Hàm Nghi phải kêu Triều Đình viết một lá thư đảm bảo rằng nhà vua không chính thức kết hôn với ai. Để bảo vệ hạnh phúc của gia đình vua Hàm Nghi nên triều Nguyễn và phủ Kiên Thái vương giấu chuyện vua Hàm Nghi đã có vợ trong thời gian kháng chiến. Sự thật thì vua Hàm Nghi và bà Phan Thị Hòa đã có 1 người con trai là ông Bửu Trắc sinh năm 1889. Sau khi vua Khải Định lên ngôi biết Bửu Trắc là con vua Hàm Nghi nên đã đem Bửu Trắc về ở trong nội. Hai năm sau vua Khải Định mất, Bửu Trắc từ biệt Huế đổi tên Duy Thịnh, mang họ ông Nguyễn Duy Sắc [quan ngự y của vua Hàm Nghi 1885-1888] qua Phnom Penh làm giám đốc tài chính cho Descours & Cabaud, một công ty Pháp lớn nhất ở Đông Nam Á thời đó. Theo Hoàng Trọng Đính cho biết là vua Khải Định sắp xếp cuộc "lưu đày" này cho Bửu Trắc với Pháp trước khi vua mất.
Ông Bửu Trắc có ba người con, một trai hai gái. Cô gái út tên là Thị Tuất (mẹ của ông Đặng Văn Giáp). Khi vua Hàm Nghi xuất bôn thì gia đình cử Phan Thị Hòa theo giúp, săn sóc Hàm Nghi. Theo gia đình con cháu của vua Hàm Nghi khi rời Quảng Trị, Hoàng Thái hậu Từ Dũ đã đưa cho Phan Thị Hòa mấy đôi đũa (bằng răng con Hải Mã) để cho vua Hàm Nghi ăn không trúng độc. Bà Hòa còn giữ lại 1 ít đũa sau này giao cho con cháu giữ kỷ niệm.
Bia mộ bà Phan Thị Hòa - Vợ đầu của vua Hàm Nghi lúc ở Thanh Lạng

Bia mộ của Hoàng tử Bửu Trắc - Con trai của vua Hàm Nghi và bà Phan Thị Hòa
Bà Tuất – cháu nội vua Hàm Nghi có 8 người con, bốn trai bốn gái, trong đó là Đặng Văn Giáp và Đặng Văn Luyện. Vừa qua hai ông đã đầu tư một số tiền khá lớn để đại trùng tu Kiên Thái vương (179 đường Phan Đình Phùng, Huế) và trùng tu lăng mộ thân mẫu vua Hàm Nghi là bà Phan Thị Nhàn, lăng mộ của các bà vợ Kiên Thái vương mà không có con.
Ông Giáp cũng cho biết bà Phan Thị Nhàn – thân mẫu vua Hàm Nghi là con gái của Đại thần Phan Thanh Giản. Tôi nhờ ông Phan Thanh Kế tra cứu trong gia phả họ Phan Thanh thì được biết bà Phan Thị Nhàn là con gái độc nhất của Phan Thanh Giản. Có được thông tin này giúp làm rõ họ hàng bên nội và bên ngoại của vua Hàm Nghi.
Qua trao đổi với ông Đặng Văn Giáp về vấn đề lăng mộ vua Hàm Nghi. Thông tin mới nhất về vấn đề này được ông Giáp cho biết: “Tôi có bàn luận chuyện này với Amandine và gia đình. Tóm tắt lại sớm hay muộn chúng tôi và bên Dabat sẽ dời mộ vua Hàm Nghi về. Tháng 2 năm 2020, chúng tôi cùng với Amandine Dabat và Hoàng Trọng Đính, phủ Kiên Thái Vương, anh Vĩnh Dũng, và Vĩnh Quả, HĐTS NPT có lên thăm viếng vùng đất. Nếu chính quyền duyệt việc cho phép làm lăng vua Hàm Nghi bên cạnh thân phụ [Kiên Thái Vương] chúng tôi có thể đẩy nhanh quá trình đưa hài cốt vua về sớm.”
Sau cuộc tọa đàm ngày 3/8 tôi sẽ liên hệ tiếp với ông Đặng Văn Giáp để bàn về ý kiến cụ thể của gia đình về vấn đề dời lăng mộ vua Hàm Nghi về Việt Nam trước khi trình bày với Nguyễn Phước tộc và các cơ quan chức năng ở Huế.
Trên đây là đôi nét sơ lược về con cháu của vua Hàm Nghi chưa có tên trong tộc phả Nguyễn Phước tộc.
Cũng theo Tiến sĩ Đặng Văn Giáp cho biết Amandine Dabat sẽ xuất bản một cuốn sách viết về câu chuyện Hàm Nghi – Phan Thị Hòa và Bửu Trắc.
Hy vọng sẽ còn nhiều thông tin quý giá về vua Hàm Nghi sẽ được tiếp tục giới thiệu trong thời gian tới.
N.Đ.X