Tháng 9 năm 2022 này, kỷ niệm 230 năm ngày vua Quang Trung qua đời ở Huế, suốt mấy tháng qua tôi phải lo sao lục hình ảnh, tài liệu hiện vật sưu tầm và khai quật khảo cổ để tổ chức một cuộc trưng bày giới thiệu quá trình nghiên cứu khám phá được Phủ Dương Xuân Thời Các Chúa Nguyễn Tiền Thân của Cung Điện/ Lăng Đan Dương Của Vua Quang Trung tại chùa Vạn Phước với giới yêu thích lịch sử và quý trọng vua Quang Trung nên mọi thời sự tôi không theo dõi. Bất ngờ, tối 1-8-22 vừa rồi, một vị lãnh đạo hưu trí gọi điện thoại cho tôi: “Anh Xuân, anh em họ khai quật di tích núi Bân – nơi vua Quang Trung đăng quang, anh xem có ý kiến gì không, anh là nhà nghiên cứu chuyên đề Quang Trung mà!”. “Ô, núi Bân đã quy hoạch, dựng tượng đài Quang Trung to đùng, đã là Di tích lịch sử quốc gia từ năm 1988 rồi, còn khai quật gì nữa? - “Anh đi xem đi sẽ rõ”.
Sáng hôm sau tôi chạy lên Bảo tàng lịch sử TTH ở 268 Điện Biên Phủ để hỏi thăm thì ôi chỉ thấy tòa ngang dãy dọc bỏ hoang với một nhóm xe pháo máy bay để ngoài trời, trước sau không một bóng người. Tôi tự thấy mình quê quá. Bảo tàng chưa dọn lên, chỉ những hiện vật lớn để ngoài trời lên thôi. Nếu khách du lịch vô thăm họ sẽ hỏi những xe tăng thiết giáp máy bay đó trong trận đánh nào ở TTH lấy ai giải thích cho họ? Tôi chạy ngược về Thành Nội vào Bảo tàng Lịch sử TTH ở Quốc sử quán cũ – cơ quan tôi đã có mặt từ thuở mới thành lập. Rất không may cả ban Giám đốc Bảo tàng đi công tác, tôi chỉ gặp được mấy cán bộ văn phòng, kho bãi mà thôi. Hiện vật khai quật Núi Bân Bảo tàng chỉ giữ 15 viên gạch. Nhưng muốn được xem phải có lệnh của Ban Giám đốc. Thật buồn. Nhân tiện tôi gửi vào Thư viện Bảo tàng 4 cuốn sách vừa mới xuất bản rồi rút lui.
May sao, trong lúc tìm người để tham khảo về vụ Khai quật núi Bân thì đọc được bài “Di tích núi Bân xứng đáng là Di tích quốc gia đặc biệt” trên Thuathienhue online sau đây:

Bài viết đăng trên báo TTH online
Đọc sơ qua bài báo tôi thấy Ngành văn hóa lịch sử tỉnh nhà được Trung ương chủ trì thực hiện việc khai quật di tích núi Bân rất quyết tâm để nâng cấp Di tích Quốc gia núi Bân thành Di tích Quốc gia Đặc biệt. Việc này ngoài suy nghĩ của tôi từ trước đến nay. Thông thường trước khi có quyết định khai quật quan trọng như thế phải có một hội nghị, hội thảo khoa học trình bày rõ vì sao phải khai quật, nguồn tài liệu lịch sử, kết quả khai quật sẽ được sử dụng như thế nào, khai thác Di tích Quốc gia Đặc biệt ra sao (?). Rất tiếc tôi không được dự cuộc hội thảo quan trọng đó, cũng không được mời tham dự khi mở các hố đầu tiên bắt đầu cuộc khai quật và nhất là buổi báo cáo kết quả khai quật ngày 29/7 vừa qua.
Đọc qua bài báo tôi có mấy ý kiến khái quát sau đây:
1. Vua Quang Trung đăng quang ở núi Bân. Như chúng ta đã quá biết: Tháng 12 năm 1788, 29 vạn quân Thanh ào ạt xâm lược Thăng Long. Các lực lượng của Tây Sơn không đủ sức chống trả nên phải rút vào các tỉnh phía Nam và hỏa tốc về Phú Xuân cấp báo với Bắc Bình Vương Nguyễn Huệ đem quân ra cứu Thăng Long. Tình hình hết sức nguy khốn nhưng Nguyễn Huệ không vội. Ông cho đắp đàn (壇) ở núi Bân để họp ba quân, lên ngôi Hoàng đế lấy niên hiệu là Quang Trung để chính danh, kêu gọi toàn dân đứng dậy đánh giặc cứu nước. Đối với giặc, ông là người chủ chính thức của nước Đại Việt. Thực hiện việc lên ngôi xong ông thúc quân Bắc tiến. Quân dân phấn khởi hào hứng xuất phát rầm rộ như gió bão. Cái đàn ở núi Bân chỉ dùng một lần ấy thôi. Sau khi đánh thắng quân Thanh về lại Phú Xuân ông chỉ cho nâng cấp phát triển dinh ông ở Phủ cũ Dương Xuân để chuyển thành Cung điện Đan Dương của Hoàng đế Quang Trung chứ không hề để ý đến núi Bân nữa. Hơn nữa ông không có ý định ở Phú Xuân lâu dài, ông chỉ ở tạm rồi sẽ về Nghệ An, do đó ông không xây dựng Đàn Nam Giao ở Phú Xuân làm gì. Cái đàn ở núi Bân tuy chỉ là một mô đất nhưng nó có một giá trị lịch sử rất lớn – nơi bắt đầu cho một thời đại Quang Trung lừng lẫy oai hùng. Biết ơn lịch sử, Tỉnh TTH đã dựng bức tượng Quang Trung oai hùng uy nghi giữa một cảnh quan hùng vĩ ở núi Bân. (Chỉ tiếc là bức tượng và cảnh quan chưa có tư liệu hiện vật gì kèm theo cho hấp dẫn người dân và khách bốn phương). Theo tôi như thế là quá đủ rồi tìm cách mở rộng thêm diện tích để được công nhận thêm hai chữ "đặc biệt" nữa để làm gì? Có thực hiện được không?
2. Ngoài thông tin tư liệu Nguyễn Huệ cho lập đàn ở núi Bân để lên ngôi, không rõ Nhóm khai quật núi Bân do ông Nguyễn Ngọc Chất –Phó trưởng phòng nghiên cứu sưu tầm (Bảo tàng Lịch sử Quốc gia) chủ trì cuộc khai quật đã dựa vào tài liệu nào để khẳng định thời vua Quang Trung có đàn Nam Giao ở Huế, khuôn viên rộng hơn nhiều so với diện tích tỉnh TTH dành cho khu Di tích núi Bân hiện nay? Nếu không có tài liệu mà quý vị suy diễn để đào bới hết chỗ này đến chỗ kia thì quý vị sẽ chịu trách nhiệm với dân Huế sau này! Xin nhắc lại với quý vi chuyện Địa đạo Khe Trái dỏm (1996) đã đưa hai cán bộ Bảo tàng Lịch sử TTH đi gỡ lịch nhiều năm. Một bài học không thể nào quên;
3. Thời Tây Sơn ở Phú Xuân chỉ có 14 năm (1786-1800), chưa hình thành được tính cách riêng cho vật liệu xây dựng. Do đó từ cuối thời các chúa Nguyễn, trải qua Tây Sơn rồi tiếp sau là nhà Nguyễn đều dùng vật liệu có từ cuối thời các chúa Nguyễn. Khu vực núi Bân trước đây có nhiều mồ mả qua các thời kỳ. Khi xây dựng Di tích núi Bân đã phải dời mồ mả của nhiều gia đình. Ngoài phạm vi Di tích núi Bân hiện nay ở bốn chung quanh vẫn còn nhiều mồ mả. Quý vị khai quật phát hiện được một số gạch quý (Người giữ kho Bảo tàng TTH cho biết đang được giữ 15 viên). Các vị có thể đo biết được số gạch đó có từ thế kỷ 18 (cuối thời các chúa Nguyễn), quý vị làm sao khẳng định được số gạch đó không phải của mồ mả ai đó mà là của thành quách Đàn Nam Giao của vua Quang Trung? Nếu không chứng minh được thì toàn bộ gạch Bảo tàng đang giữ chủ là những viên gạch cổ không liên quan gì đến bức vòng thành quý vị đang nỗ lực tìm cho di tích lịch sử Quang Trung ở tỉnh TTH.
4. Nguyễn Huệ cho đắp đàn làm lễ lên ngôi rất gấp để đi chinh phạt quân Thanh làm gì có thời gian để xây thành? Nếu có thì cũng chỉ về sau xây chung quanh cái mô đất làm đàn cho Nguyễn Huệ đăng quang chứ làm gì phải có thành bao quanh khu đất đến nhiều héc-ta mà ba quân của Nguyễn đã đứng chờ lệnh xuất quân như thế ?
5. Với diện tích khu vực Di tích núi Bân hiện nay chỉ được sử dụng năm ba cuộc lễ tái hiện cảnh lên ngôi của Nguyễn Huệ/Quang Trung. Toàn bộ khu di tích núi Bân cho đến nay chưa khai thác được gì cả. Nếu mở rộng thêm như Nhóm Khai quật để làm gì nữa ?
6. Di tích núi Bân có một giá trị đặc biệt. Trước đây ngành văn hóa lịch sử Việt Nam có thể chưa hiểu hết giá trị của nó nên mới nhận di tích núi Bân ở tầm quốc gia mà thôi. Nay qua thời gian so sánh giá trị ý nghĩa của nó với các di tích đặc biệt khác thấy núi Bân không thua nên nâng di tích núi Bân lên quốc gia đặc biệt chứ không phải cần bổ sung diện tích của nó. Sao quý vị không nghĩ tới nên xây dựng một Bảo tàng Quang Trung ở núi Bân. Đó là nơi trưng bày tất cả tư liệu, hình ảnh, thơ văn, hiện vật con người thời Quang Trung ở Huế. Cái Bảo tàng đó giúp nâng cấp đặc biệt cho Di tích núi Bân cả dân tộc sẽ vỗ tay hoan nghênh.
Trên đây là những ý nghĩ sơ khởi của một người cầm bút xứ Huế, rất riêng, tôi mong được thảo luận khoa học với Nhóm thực hiện công trình khai quật núi Bân để bảo vệ lịch sử văn hóa Huế được tốt hơn. Trong khi chờ đợi sự trao đổi của quý vị, tôi sẽ đọc và bình luận những thông tin cụ thể trên bài báo Thừa Thiên Huế nói trên.
Rất mong.
Huế, 6-8-2022
Nguyễn Đắc Xuân.