ĐOÀN KHẢO CỔ BẢO TÀNG LỊCH SỬ VN KHAI QUẬT NÚI BÂN TÌM ĐƯỢC ĐÀN NAM GIAO THỜI TÂY SƠN ĐỒNG DẠN VỚI ĐÀN VIÊN KHÂU BÊN TRUNG QUỐC?

Stt này là những bình luận của tôi khi đọc bài báo Thừa Thiên Huế.

      1. Báo viết: “Di tích núi Bân xứng đáng là Di tích quốc gia đặc biệt. Đó là ý kiến được nhiều chuyên gia, nhà nghiên cứu đưa ra và nhận được sự đồng tình tại buổi báo cáo sơ bộ kết quả khai quật di tích núi Bân (phường An Tây, TP. Huế) do Bảo tàng Lịch sử Quốc gia phối hợp với Sở Văn hóa và Thể thao tổ chức ngày 29/7."
      Nguyễn Đắc Xuân bình luận.- Di tích núi Bân là Di tích Quốc gia do Bộ Văn hóa Thể thao Du lịch và Tỉnh TTH quản lý. Việc khai quật ở núi Bân có được Bộ và Tỉnh TTH cho phép không? Tài liệu nào cho biết ở núi Bân có đàn Nam Giao thời Tây Sơn để tổ chức khai quật? Giả dụ như có thì tính chất, đặc điểm của nó như thế nào để làm chuẩn xác định những vật liệu xây dựng khai quật được cho là của Đàn Nam Giao thời Tây Sơn hay không phải, phải loại bỏ? Tất cả những vật liệu xây dựng được khai quật đã được chứng minh là của Đàn Nam Giao thời Tây Sơn chưa? Nếu chưa thì phải hẹn chờ khảo nghiệm chứ chưa thể kết luận những gì đã khai quật được là những vật liệu, dấu tích của di tích đàn Nam Giao thời Tây Sơn. Công bố như thế là xem thường giới nghiên cứu khoa học và chính quyền TTH.
      2. Báo viết: “Di tích này trước đó đã được xếp hạng Di tích lịch sử cấp quốc gia vào năm 1988. Cuộc khai quật này do Bảo tàng Lịch sử quốc gia đảm nhận với mục tiêu hướng đến xác định quy mô, kết cấu nguyên gốc phục vụ cho công tác bảo tồn và hướng tới xây dựng di tích này trở thành Di tích quốc gia đặc biệt”.
      NĐX bình luận.- Mấy chục năm qua tất cả những khai quật ở TTH (tập trung nhất ở Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế) đều do Viện Khảo cổ VN đảm trách và tất cả đều có kết quả tốt. Việc khai quật núi Bân lần này lại do Bảo tàng Lịch sử quốc gia đảm nhận tôi hơi lạ. Phải chăng đơn vị mới này có tay nghề cao hơn Viện Khảo cổ chăng?
       Phải chăng những gạch đá quý vị thu được qua khai quật 9 hố Đông, Tây, Nam, Bắc khu di tích chiếm 140 m2. Cái kết quả đầu tiên đó đã có thể giúp “xác định quy mô, kết cấu nguyên gốc” đàn Nam Giao thời Tây Sơn chưa mà công trình khai quật núi Bân đã dừng lại? Nếu quý vị không chứng minh được Thời Tây Sơn có Đàn Nam Giao ở Núi Bân và tất cả những vật liệu xây dựng quý vị đã khai quật được là dấu tích của đàn Nam Giao thời Tây Sơn ấy thì quý vị sẽ giải thích với dân Huế như thế nào về công việc quý vị đã thực hiện vừa rồi ở Huế?
        3. Báo viết thời gian khai quật “Kéo dài hơn một tháng, đoàn các chuyên gia dự tính khai quật khảo cổ hơn 100m2, tuy nhiên sau đó đã mở rộng lên tới 140m2."
        NĐX bình luận.- “đoàn các chuyên gia dự tính khai quật khảo cổ hơn 100m2, tuy nhiên sau đó đã mở rộng lên tới 140m2”. Vì sao phải mở rộng thêm lên tới 140 m2, mở rộng thêm ấy tìm được những gì? Có giá trị, ý nghĩa ra sao?
       4. Báo viết: “Ông Nguyễn Ngọc Chất, Phó Trưởng phòng Nghiên cứu, sưu tầm (Bảo tàng Lịch sử Quốc gia) – người chủ trì cuộc khai quật lần này cho hay, đã triển khai mở 9 hố đào ở bốn hướng Đông, Tây, Nam, Bắc của đàn tế hiện tại. Tùy theo mỗi hố việc khai quật được mở chạy dài theo các hướng khác nhau."
        NĐX bình luận.- Quý vị quyết định khai quật mỗi hố căn cứ trên các yếu tố gì? Có dấu hiệu là đàn Nam Giao Thời Tây Sơn của các vị, do ngẫu nhiên hay nhờ máy dò dưới lòng đất có dấu hiệu vật liệu xây dựng cổ, cho nên đào ở đâu ở đó có những vật liệu các vị cần tìm ? Khi khai quật được vật liệu xây dựng quý vị có đánh giá vật liệu đó ra đời vào thời nào, có thứ vật liệu nào các vị loại bỏ vì nghi ngờ chúng không phải của đàn Nam Giao Thời Tây Sơn không? Tôi không được dự nên không biết rõ. Qua phát biểu của quý vị được đăng trên các báo tôi có cảm tưởng đào 9 hố ở cả bốn cạnh Đông Tây Nam Bắc quý vị đều cho đó là vật liệu của đàn NG Thời Tây Sơn cả. Nếu đúng như thế thì cần gì đoàn chuyên gia đào bới suốt tháng qua cho nhọc mệt. Quý vị chỉ cần ngồi uống trà chỉ cho 4 toán lao động đào hàng chục hố ngoại vi khu vực di tích núi Bân hiện nay quý vị sẽ có hàng tấn vật liệu xây dựng của mồ mả bao đời còn sót lại sau khi đã dời đi. Hàng tấn vật liệu xây dựng “cổ” ấy được quý vị dán cho cái tên của “Dấu tích đàn Nam Giao thời Tây Sơn”, kèm theo cái bản đồ các vị sáng tác ghi rõ những hố do nhóm lao động đào nữa là xong. Cái kết quả ngụy tạo đó đủ có cơ sở “xác định quy mô, kết cấu nguyên gốc của Đàn Nam Giao Thời Tây Sơn” của quý vị. Có thể xảy ra giống như thế không?
        5. Báo viết: “Đáng chú ý, ở khu vực phía Tây, nơi mở 5 hố xuất hiện một số vết tích nguyên gốc như mặt kè, bờ sườn, mặt nền tầng 1 và một phần vết tích chân mặt sườn tầng 2 của đàn Nam Giao thời Tây Sơn."
       NĐX bình luận.- Quý vị chưa xác định được đàn Nam Giao thời Tây Sơn như thế nào, chưa biết những đặc điểm, tính cách của nó ra sao, dựa trên cơ sở nào mà quý vị đã dám quyết: “một số vết tích nguyên gốc như mặt kè, bờ sườn, mặt nền tầng 1 và một phần vết tích chân mặt sườn tầng 2 của đàn Nam Giao thời Tây Sơn”? Đây là một cách giải thích võ đoán, giải thích để được việc phi khoa học. Không rõ hiện vật trưng bày ở Bảo tàng Lịch sử Việt Nam có bị các vị thẩm định như thế không?
        6. Báo viết:“Quá trình khai quật nhóm phát hiện ra các mảnh gạch vỡ và đá lấn trong đất. Riêng khu vực phía Tây phát hiện thêm những đoạn móng đá kè và vỉa gạch ở chân tầng 1 đàn tế. Đá được xác định là đá sa phiến dạng hòn, cục, có màu vàng nhạt, tím nhạt, xám xanh, xám trắng. Gạch được phát hiện là dạng gạch bìa hình chữ nhật màu đỏ tươi, xương mịn, độ nung cao với chiều rộng 13-14cm, dày 2,5-4cm, dài 14-16cm, niên đại tập trung thế kỉ 18. Điều này cho thấy phản ánh rõ tính chất xây dựng gấp gáp của đàn Nam Giao thời Tây Sơn."
       NĐX bình luận.- Vùng núi Bân vốn là nghĩa địa của quan quân dân chính ở Phú Xuân. Trải qua các thời kỳ mồ mả được chôn cất sửa sang bốc dời không có gì ổn định cả. Nhóm khai quật “phát hiện ra các mảnh gạch vỡ và đá lấn trong đất. Riêng khu vực phía Tây phát hiện thêm những đoạn móng đá kè và vỉa gạch” là chuyện bình thường. Tính chất của số vật liệu xây dựng đó cũng đúng như quý vị công bố. Vấn đề cốt lõi là khối vật liệu xây dựng đó có yếu tố gì, biểu hiện gì chứng tỏ chúng là một thành phần của đàn Nam Giao Thời Tây Sơn của quý vị, không phải của mồ mả thành quách lăng mộ mồ mả của quan quân dân chính Phú Xuân từ thời các chúa Nguyễn cho đến trước ngày chúng ta xây dựng Di tích núi Bân? Nếu không trả lời được đề nghị các cơ quan chức năng xem lại kết qua Đoàn khảo cổ của quý vị vừa báo cáo.
        7. Báo viết: “Theo ông Chất, kết quả khai quật bước đầu đã đem đến những nhận thức mới, có giá trị trong việc xác định quy mô, kết cấu nguyên gốc của đàn tế Nam Giao thời Tây Sơn. Kết quả đó góp phần khẳng định núi Bân chính là nơi được sử sách ghi chép cũng như các nhà nghiên cứu trước đây ở Huế xác nhận là nơi lập đàn tế cáo trời đất, lên ngôi hoàng đế của Bắc Bình Vương Nguyễn Huệ."
        NĐX bình luận.- Kết quả đó chưa được chứng minh là dấu tích đàn Nam Giao Thời Tây Sơn nên chưa có giá trị gì trong việc làm hồ sơ nâng cấp Di tích Núi Bân. Di tích núi Bân là nơi Nguyễn Huệ đắp đàn tế trời lên ngôi Hoàng đế. Di tích đó đã được khẳng định, đã được xếp hạng là Di tích Quốc gia từ năm 1988 chứ không đợi đến cuộc khai quật này của quý vị.
       8. Báo viết: “Từ những kết quả thu được, có thể nhận thấy đàn Nam Giao thời Tây Sơn xây dựng có quy mô, kích thước chu vi các tầng 1, 2 rộng lớn hơn khá nhiều so với đàn tế hiện nay. Bố cục đàn này có nét tương đồng với đàn Viên Khâu (xây năm 1540 thuộc khu di tích Thiên Đàn ở Bắc Kinh, Trung Quốc) với đế hình vuông, 3 tầng đàn ở giữa hình trò”, ông Chất đánh giá."
        NĐX bình luận.- Ôi! Từ những vật liệu xây dựng phát hiện ở 9 hố khai quật ở nhiều nơi chưa được chứng minh chúng cùng nằm trên 4 đường thẳng tạo nên đàn Nam Giao thời Tây Sơn (hình vuông, hoặc chữ nhật) hoặc cùng nằm trên một đường tròn (nếu đàn Nam Giao là hình tròn), chưa khẳng định được tất cả vật liệu đó hoàn toàn của đàn Nam Giao hay của mồ mả lăng mộ nào đó của quan quân dân chính Huế bao đời nay. Thế mà quý vị cho biết “đàn Nam Giao thời Tây Sơn xây dựng có quy mô, kích thước chu vi các tầng 1, 2 rộng lớn hơn khá nhiều so với đàn tế hiện nay” là quá giỏi. Có lẽ quý vị cũng là những nhà ngoại cảm nên đã được người trong cõi âm giúp mới sáng suốt giỏi đến vậy (!).
Có lẽ các vị nhờ ngoại cảm giúp nên đã thấy được: “Bố cục đàn này có nét tương đồng với đàn Viên Khâu (xây năm 1540 thuộc khu di tích Thiên Đàn ở Bắc Kinh, Trung Quốc) với đế hình vuông, 3 tầng đàn ở giữa hình trò”.
Như vậy công cuộc khai quật núi Bân để “xác định quy mô, kết cấu nguyên gốc” của đàn Nam Giao thời Tây Sơn của quý vị đã cơ bản xong rồi.
  Kết quả:
- Đàn Nam Giao thời Tây Sơn “đế hình vuông, 3 tầng đàn ở giữa hình trò”, tương đồng với đàn Viên Khâu của Trung Quốc;
- “Quy mô, kích thước chu vi các tầng 1, 2 rộng lớn hơn khá nhiều so với đàn tế hiện nay”
- Bốn cạnh Đông, Tây, Nam, Bắc đã được 9 lỗ khai quật xác định, chỉ còn việc cho người đo đạc để biết cụ thể nó “lớn hơn khá nhiều so với đàn tế hiện nay” ra sao nữa là xong.
Tôi có cảm tưởng quý vị đã được cõi âm tặng cho hình ảnh đàn Nam Giao thời Tây Sơn giồng như đàn Viên Khâu bên Trung Quốc. Các vị sử dụng hình ảnh kết cấu của cái đàn ấy chụp lên núi Bân. Chuyện tổ chức khai quật chỉ là hình thức để hợp thức hóa một dự án của quý vị mà thôi.
Liệu có ai công nhận cái đàn Nam Giao thời Tây Sơn của quý vị ấy không?
Tôi phản biện stt này căn cứ trên những thông tin in trên báo Thừa Thiên Huế. Nếu không may, tin trên báo sai dẫn đến phản biện của tôi sai. Nếu... rất mong được Nhóm khai quật núi Bân nhắc nhở tôi sẽ xin lỗi và đính chính ngay.
Cảm ơn báo Thừa Thiên Huế đã tạo điều kiện cho tôi được đóng góp ý kiến với công trình khai quật núi Bân. Chuyện này còn dài kính mong được báo giúp tiếp.
Huế, 8-8-2022
Nguyễn Đắc Xuân

Bình luận


Chưa có bình luận!


Bài viết trước đó
Bài viết kế tiếp

Trở lại đầu trang