Búp sen xanh (BSX) là một cuốn tiểu thuyết viết về quảng đời niên thiếu của Bác Hồ - một danh nhân lịch sử đặc biệt. Sách vừa phát hành đã bán rất chạy, tác giả Sơn Tùng được vinh dự nhận phần thưởng cao nhất trong cuộc thi sáng tác cho thiếu nhi năm 1982. Nhiều người vốn ít đọc sách, nghe có cuốn tiểu thuyết viết về Bác cũng tìm mua một cuốn, đọc xong lại đi giới thiệu cho bạn bè đọc. (Đó là một hiện tượng rất đáng mừng, chứng tỏ Bác Hồ kính yêu luôn sống mãi với chúng ta). Riêng tôi có chút đỉnh hiểu biết về đề tài này thì vừa mừng cũng lại vừa lo. Mừng vì được đọc một tác phẩm văn nghệ viết về Bác, lo vì nghĩ đến một ngày nào đó người đọc sẽ phẫn nộ khi họ phát hiện ra những chi tiết hấp dẫn giả tạo của cuốn sách. Vì vậy tôi đã viết một bài đính chính những chi tiết và sự kiện lịch sử mà Sơn Tùng đã sử dụng trong Búp sen xanh(1). Vì yêu cầu của người đọc, vì các thế hệ tương lai yêu kính Bác Hồ, lần này tôi lại cầm bút góp với tác giả thêm một số ý kiến nữa.
-----------------
(1) Xem “Cần đính chính một số chi tiết và sự kiện lịch sử trong “Búp sen xanh”, báo Văn Nghệ số 28 (10-7-82) tr.3 và về cuốn Búp sen xanh nghiên cứu lịch sử số 4 (7-8-82) từ 86 đến tr. 92.

Tiểu thuyết Búp Sen Xanh của nhà văn Sơn Tùng. Ảnh Internet
Trước khi đi vào phần tư liệu, tôi xin trình bày một vài suy nghĩ về thể loại tiểu thuyết lịch sử. Bi-ê-lin-ski có nói: “Tiểu thuyết lịch sử là điểm phối hợp giữa nghệ thuật và khoa học lịch sử” (có nghĩa là mối quan hệ giữa văn học và sử học). Thông thường có hai loại tiểu thuyết lịch sử: Loại thứ nhất mượn lịch sử của một nhân vật lịch sử cùng bối cảnh xã hội của nhân vật ấy để làm nổi bật một bài học gì đó cho người hôm nay. Loại thứ hai viết về các danh nhân lịch sử. Loại thứ nhất nặng về bài học lịch sử, loại thứ hai nặng về lượng thông tin của nhân vật lịch sử, trong đó có nhiều thông tin trong chính sử chưa có hoặc qua cách viết của chính sử không lý giải được. Trong những năm gần đây chúng ta đã đọc khá nhiều tiểu thuyết lịch sử loại thứ hai này viết về cuộc đời của Mác, Ăng-ghen, Lê-nin, Ca-li-nin,… Tôi nghĩ tiểu thuyết viết về Bác thuộc loại thứ hai này. Người đọc tiểu thuyết lịch sử không những được tiếp thu những kiến thức về lịch sử nhân vật lịch sử mà còn tiếp thu thêm về kiến thức chính trị, xã hội, kinh tế, văn học, nghệ thuật, dân tộc học của giai đoạn lịch sử ấy. Do đó, người viết tiểu thuyết lịch sử trước khi viết phải được trang bị bằng mồ hôi nước mắt của mình về những kiến thức ấy. Những kiến thức ấy còn giúp cho người viết đào sâu vào tính cách nhân vật, gợi cho người viết thêm nhiều tình tiết, ảnh hưởng tới cả kết cấu của tác phẩm.
Từ những suy nghĩ trên, tôi có nhiều điều góp thêm với tác giả Búp sen xanh, nhưng do khuôn khổ của tờ tạp chí, tôi không đề cập hết mọi vấn đề trong Búp sen xanh, và cũng không đưa ra hết những chi tiết cần phải đính chính mà chỉ trích dẫn một số chi tiết điển hình để xác minh nhất và có liên quan đến tiểu sử của gia đình Bác và Bác mà thôi.
Để người đọc dễ theo dõi tôi xin ghi lại các giai đoạn thời niên thiếu của Bác (từ 1890 đến 1911) được trình bày trong Búp sen xanh như sau:
- Thời thơ ấu (từ trang 5 đến tr.113): Trong phần này dành 5 đoạn (tr.5 đến tr.54) nói đến quê hương và buổi thiếu thời ở quê hương của Bác; 5 đoạn ( từ đoạn 6 tr. 55) nói về thời gian Bác Hồ theo gia đình vào Huế lần thứ nhất; 3 đoạn (từ đoạn 10 tr. 97) nói về những ngày tháng cụ Nguyễn Sắc thi đỗ phó bảng và đem con về sống ở quê nội (làng Sen).
- Thời niên thiếu (từ tr.114 đến tr.199) nói về thời gian Bác trở lại Huế rồi từ Huế vào Sài Gòn. Phần thứ hai này chia làm 11 đoạn. Trong 11 đoạn ấy (từ đoạn thứ 13 đến đoạn thứ 21) dành 8 đoạn (từ 13 đến 20) cho thời gian Bác theo học và tham gia phong trào đấu tranh chống thuế ở Huế, 1 đoạn (đoạn 21) dành thời gian Bác đi đường vào cụ Sắc ở Bình Khê (Bình Định); ba đoạn 22, 23, 24 (từ tr. 176 đến tr. 199) nói về thời gian Bác dừng chân dạy học ở Phan Thiết.
- Tuổi hai mươi (từ tr. 200 đến tr. 250) gồm có 7 đoạn: Phần thứ ba này viết về thời gian Bác vào Sài Gòn “làm cu li”, có người yêu là cô Út Huệ và cuối cùng Bác xuống tàu đi tìm đường cứu nước.
Viết năm đoạn đầu của cuốn sách (từ tr. đến tr. 54) Sơn Tùng đã dựa vào tài liệu của Hoài Thanh - Thanh Tịnh(2), Ban nghiên cứu Lịch sử Đảng Nghệ Tĩnh(3), Chu Trọng Huyến(4), Tôn Quang Duyệt(5)... Ngoài những tài liệu chưa được công nhận một cách chính thức trên, trong lần nói chuyện tại Bảo tàng Hồ Chí Minh tại Huế ngày 17-6-1982, tác giả còn cho biết đã dựa vào gia phả họ Nguyễn Sinh và 4 lá tử vi của Bác và gia đình Bác mà tác giả đã được ông Cả Khiêm (anh của Bác) cho và do chính tác giả xin ở Sa-Đéc sau ngày giải phóng (1975). Căn cứ trên những tài liệu đã có tác giả hư cấu thêm (Ví dụ như người hát xẩm) để tái hiện thời thơ ấu của Bác. Việc tái hiện đó cung cấp thêm được những thông tin gì, đúng đến đâu và sai lạc đến đâu tôi xin dành cho các nhà văn nhà nghiên cứu giai đoạn Bác ở Nghệ Tĩnh trả lời. Tôi chỉ có một số ý kiến vế những tài liệu khoa học tác giả đã sử dụng để viết mấy đoạn văn trên. Bằng một giọng tự chủ tác giả kể lại một cách ly kỳ việc tác giả đi tìm được 4 lá tử vi của Bác và gia đình Bác. Thôi cứ ví dụ như là có thật như lời tác giả. Lúc còn nhỏ dưới chế độ phong kiến, gia đình Bác có thể chấm tử vi cho Bác, nhưng đến nay những nhà văn Cộng sản có cần những thứ ấy để hiểu thêm Bác không hay không phải hiểu thêm Bác, mà chỉ để thỏa mãn cho những người còn mê tín dị đoan hôm nay!
Thời gian Bác Hồ theo gia đình vào Huế lần thứ nhất (từ doạn 6 tr.55 đến đoạn 9 tr.96), Sơn Tùng cũng dựa vào những tài liệu cũ tác giả nêu trên. Trong hơn 40 trang sách này, người đọc có nhiều điều muốn hỏi tác giả. Trước nhất là hai bài thơ của nhân vật cậu bé Côn (tức Bác Hồ lúc 4 hay 5 tuổi) làm ở chân đèo Ngang và trên đèo Ngang.
Bài con đường qua đèo Ngang:
“Núi cõng con đường mòn
Cha thì cõng theo con
Núi nằm ì một chỗ
Cha đi cúi lom khom
Đường bám lì lưng núi
Con tập chạy lon ton
Cha siêng hơn hòn núi
Con đường lười hơn con”
(BSX tr.52)
Bãi biển nhìn từ đèo Ngang:
“Biển là ao lớn
Thuyền là con bò
Thuyền ăn gió no
Lội trên mặt nước
Em nhìn thấy trước
Anh trông thấy sau
Ta lớn mau mau
Vượt qua ao lớn”
(BSX tr. 54)
Đọc bài thơ ai cũng tưởng là thơ của tác giả làm hộ cho nhân vật Côn. (Đặc biệt hai câu kết bai thứ hai “Ta lớn mau mau, vượt qua ao lớn” là khẩu khí của nhân vật gài vào trước để nhân vật sau này sẽ vượt qua trùng dương tìm đường cứu nước). Người đọc trách tác giả sao lại cho nhân vật lịch sử mới bốn năm tuổi hối cuối thế kỷ trước đã làm thơ “mới” đến thế? Người đọc trách, tác giả chịu nhận mình “non tay” về nghệ thuật một chút không sao! Nhưng điều đáng nói là: anh đã tìm mọi cách để chứng minh hai bài thơ trên là của Bác thật! Trong buổi nói chuyện ở Huế anh nói hai bài thơ đó đã được trích ở trong cuốn Tất Đạt tự ngôn của ông Cả Khiêm (anh của Bác) đã cho tác giả. Trước đó Sơn Tùng viết ở báo Văn nghệ (số xuân năm Tân Dậu 1981, trang 3), anh lại cho biết anh đã ghi chép được hai bài thơ trên qua lời kể của ông Cả Khiêm vào một ngày giáp tết năm Canh Dần (1950). Giữa nói và viết Sơn Tùng đã không thống nhất với chính mình. Ví như có Tất Đạt tự ngôn, còn buổi tác giả gặp ông cả năm 1950 và ông cả có đọc bài thơ ấy, tác giả có tự hỏi rằng làm sao ông Cả có thể nhớ lâu đến thế? Hơn năm mươi năm (từ 1895 đến 1950) và tác giả đã kểm chứng như thế nào để xác minh hai bài thơ ấy là của Bác thật? (ví chưa ai thấy và cũng chưa ai xác minh ngoài những lời giới thiệu ly kỳ của Sơn Tùng). Tác giả có so sánh hai bài thơ ấy với những bài thơ sau này Bác làm không? Giả như ông cả có cung cấp cho thật nhưng chưa kiểm chứng được lại thấy nó thiếu lô-gích người viết cũng phải gác lại.
Bác theo gia đình vào đến Huế, Sơn Tùng cho biết Bác cùng đến “ở đậu tại ngôi nhà tranh ba gian, có một chái làm bếp. Ngôi nhà này cùng trong một dãy nhà đồng loạt gần viện Đô sát, tại thành nội. Đây là nhà “từ thiện” dành cho những người dân không có nhà cửa, những viên chức nghèo và gia đình lính khố vàng ở nhờ. Với ba gian nhà xinh xắn, anh Sắc bố trí một gian phía ngoài làm chỗ dạy học… gian giữa là nơi thờ gia tiên…” (Búp sen xanh, trang 55).
Gian nhà Bác ở đầu tiên ở Kinh đô là một di tích lịch sử quan trọng không thể hư cấu được. Vậy Sơn Tùng đã dựa vào tài liệu nào? Và anh đã xác minh căn nhà đó ra sao? Bất cứ một người Huế nào cũng thấy sự hư cấu vô lý của tác giả: Chế độ phong kiến nhà Nguyễn cuối thế kỷ 19 đã suy tàn mà vẫn còn những gian nhà xinh xắn rộng rãi (ba gian và một chái) để cho những người không có nhà cửa ở sao? Viện Đô sát ngày xưa là nơi đặt ngôi trường Thuận Thành B ngày nay vẫn cón đó, còn dãy nhà mà Sơn Tùng viết ở đâu? Hay đó chỉ là một gian nhà hoàn toàn hư cấu(?). Cái khuyết điểm của tác giả ở đây là không chịu đi sâu nghiên cứu thực địa (Búp sen xanh viết sau khi thành phố Huế được giải phóng, ít nhất trên một năm), không tìm hiểu tư liệu (tạp chí Văn hóa nghệ thuật, số tháng 2 năm 1980, trang 25 đã đăng bài viết về ngôi nhà đầu tiên của Bác ở Huế và bảo tàng Hồ Chí Minh ở Huế đã xác minh và chụp ảnh trưng bày tại nhà bảo tàng từ năm 1979).
Trong thời gian Bác Hồ theo gia đình vào Huế ở lần thứ nhất, Sơn Tùng cho biết Bác Hồ có 2 người bạn thân là Công Tôn Nữ Huệ Minh và Diệp Văn Kỳ. Trong bài viết này tôi xin đề cập đến bà Huệ Minh.
Trong tập Nhớ nguồn(6) Sơn Tùng cho biết bà Huệ Minh đang bán quán ở “xóm đồng bào” trong Đồng Tháp Mười. Bà kể cho Sơn Tùng nghe nghững năm tháng bà là bạn của Bác ở Huế. Năm 1945 Cách mạng tháng Tám thành công bà có nhận được quà của Bác gửi tặng. Trong Búp sen xanh Sơn Tùng dựng nhân vật Huệ Minh rất quan trọng. Bà Huệ Minh chính là người bạn đã chứng kiến những giờ phút cuối cùng của người mẹ thân yêu của Bác. Theo Sơn Tùng Huệ Minh là một người rất thân cận với với gia đình vua Thành Thái. Bà vợ vua Thành Thái đã từng gửi quà qua bà Huệ Minh đề cho em của Bác Hồ (Búp sen xanh trang 81). Dưới trang sách tác giả ghi thêm chú thích: “Sau ngày cách mạng tháng 8-45 thành công. Bác Hồ đã trao nhiệm vụ cho ông Lê văn Hiến trong dịp vào Huế công tác đến thăm sức khỏe và biếu quà bà Thành Thái và người con dâu của bà là bà Duy Tân - hai bà vợ của hai ông vua yêu nước. (Hồi ký của đồng chí Võ Nguyên Giáp - Những năm tháng không thể nào quên, trang 127). Trong buổi nói chuyện tại Huế ngày 17-6-1982, Sơn Tùng còn cho biết thêm Công Tôn Nữ Huệ Minh chính là con gái ông Bửu Lý - em ruột vua Thành Thái (tên là Bửu Lân). Bửu Lý em ruột Bửu Lân nghe có lý thật. Nhưng sự thật thì sao?
- Theo gia phả nhà Nguyễn, tài liệu do Công chúa Lương Linh con gái vua Thành Thái (hiện nay ở tại số nhà 97 đường Mai Thúc Loan, Huế) cho biết Bửu Lân chỉ có hai người em trai là Bửu Toàn (tức Tuyên Hoá Vương) và Bửu Liêm (Hoài An Vương), không hề có ai là Bửu Lý cả. Lý lịch chính của Huệ Minh do Sơn Tùng hư cấu. Sơn Tùng có quyền hư cấu một nhân vật như Huệ Minh, nhưng tại sao Sơn Tùng lại phải bày đặt thêm nguồn gốc là gia đình ông Thành Thái và ông Bửu Lý nữa làm gì? Như thế mới chứng tỏ được cơ sở khoa học của tác phẩm Búp sen xanh chăng?
- Công chúa Lương Linh cũng cho tôi biết, sau ngày Cách mạng tháng Tám 1945 thành công Bác Hồ có giao nhiệm vụ cho ông Lê Văn Hiến và ông Trần Hữu Dực đến tặng quà cho gia đình bà vợ đích vua Thành Thái và bà mẹ vua Duy Tân ( vợ thứ của Thành Thái). Đúng như hồi ký của đồng chí Võ Nguyên Giáp. Bà Lương Linh còn cho biết: Bác là một lãnh tụ cách mạng, một lãnh tụ yêu nước đã làm cách mạng thành công Bác nhớ những người đã giúp đỡ cho gia đình Bác. Một người bình thường thì có thể làm như thế chứ một người vĩ đại như cụ Hồ thì không bao giờ Cụ làm như thế. Nếu cần phải làm như thế thì cũng tế nhị chứ không lộ liễu như thế đâu”.
Sơn Tùng lại không nghĩ như bà Lương Linh, tác giả đã từng viết:
- “Có phải đây là dinh thất của Công Tôn Nữ Huệ Minh không ạ? Chúng tôi được vinh dự thay mặt cho Ủy ban nhân dân lâm thời chuyển đến bà món quà của Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi vô biếu bà” (Nhớ nguồn trang 267) và “Hồ Chủ tịch còn gửi quà cho một số người trong nội thành này nữa. Vì Hồ Chủ tịch đã ở trong thành nội một thời gian, lúc người còn nhỏ. Những ai mà Hồ Chủ tịch đã quen biết, đã từ lúc còn tuổi thiếu niên, nay Người vẫn còn nhớ hết và nhờ hỏi tìm giúp” (Nhớ nguồn, trang 268).
Từ việc Bác gửi quà tặng cho bà vợ và mẹ hai ông vua yêu nước, Sơn Tùng đã bày vẽ thành việc Bác gửi quà cho Tôn Nữ Huệ Minh là người quen thân với Bác lúc nhỏ. Gửi cho một người chưa đủ, Sơn Tùng còn thêm thắt việc Bác gửi quà cho nhiều người. Bác còn nhờ cán bộ, chính quyền Huế tìm tung tích của những người bạn lúc thiếu thời của Bác nữa!
Sau ngày Cách mạng tháng Tám thành công, đất nước trải qua nhựng giờ phút vô cùng khó khăn, thù trong giặc ngoài làm cho Bác phải đối phó căng thẳng biết chừng nào. Bác nghĩ về chuyện ấu thơ đó vào lúc nào? Và có nghĩ đến, Bác không thể giao nhiệm vụ cho cán bộ đi làm việc ấy cho Bác đâu! Đọc đến những đoạn văn Sơn Tùng có đề cập đến chuyện này tôi đâm ra nghi ngờ sự hiểu biết của Sơn Tùng về đạo đức và nếp nghĩ, nếp sống mẫu mực của Bác!
.....
Đọc qua phần thứ hai của cuốn tiểu thuyết (tức là giai đoạn Bác theo cụ phó bảng sắc vào kinh đô sống lần thứ hai (từ tr.114 đến trang 199). Tài liệu tác giả sử dụng của Chu Trọng Huyến, Ban nghiên cứu Lịch sử Đảng Nghệ Tĩnh, của Tôn Quang Duyệt và bài hồi ký của ông Lê Thanh Cảnh đăng trong Hoài niệm Quốc Học tập 2, năm 1971, (từ tr.5 đến tr.40). Ngoài ra Sơn Tùng không còn cung cấp thêm một số thông tin mới nào!
Những tài liệu của các tác giả trên mới phổ biến trên dạng tư liệu khoa học, đăng báo với mục đích thăm dò. Đọc tài liệu của ông Cảnh, chắc chắn Sơn Tùng cũng đã biết ông Cảnh là ai? Một người ở bên cạnh bốn đời khâm sứ Pháp, một người đã có trách nhiệm theo dõi ba Thanh và ông cả Khiêm trong suốt mấy chục năm ròng. Hồi ký ông Cảnh viết sau khi Bác đã mất và có lẽ Sơn Tùng cũng đã thấy ông Cảnh xuyên tạc Bác một cách thô bạo như thế nào! Tôi không loại bất cứ một tài liệu nào ngay cả tài liệu của địch, trong khi dùng phải xác minh một cách tường tận. Nếu chưa xác minh thì không nên dùng.
Sơn Tùng viết: “Ba cha con quan phó bảng Nguyễn Sinh sắc trở lại kinh đô Huế với những tên gọi mới: Quan phó bảng Nguyễn Sinh Huy và hai con là Nguyễn Tất Đạt và Nguyễn Tất Thành” (BSX tr.120).
Người đọc hỏi tác giả “vì sao lần này cụ Sắc và hai anh em Khiêm, Côn vào Huế với những cái tên mới: Huy, Tất Đạt, Tất Thành?” vì sao lại có những cái tên mới ấy. Và có từ bao giờ? Sao tác giả không lý giải cho người đọc biết rõ?
Tôi xin trao đổi tên của Bác lúc nhỏ mà Sơn Tùng đã đề cập đến nhiều lần. Sơn Tùng thuật lại lời của bà Huệ Minh (năm1971): “Cụ (tức Sắc) còn có một người con trai thứ tên là Nguyễn Sinh Công. Nhưng bà mẹ của cậu Công gọi theo tiếng Nghệ An là “Côông” (Nhớ nguồn tr.260). mười năm sau 1981, Sơn Tùng viết bài “Nhớ về cái tết gặp cụ Nguyễn Sinh Khiêm đọc thơ Bác Hồ tại làng Sen” (báo Văn Nghệ, xuân Tân Dậu, tr.3), tác giả kể lại lời ông cả Khiêm “Chuyến đi vô kinh năm Ất Mùi với cha mẹ, tôi mới lên bảy còn chú Côn mới bốn hay năm tuổi… tên là Côn, chứ không phải là Công - Cụ vừa nói vừa viết chữ Côn chữ Công lên lên giấy - khởi thuỷ là tên Côn do ông ngoại và cha tôi chọn cái tích con cá Côn hóa chim bằng để đặt tên cho chú ấy (Bác Hồ)”. Sơn Tùng nghe ông cả Khiêm giải thích như thế năm 1950, tại sao đến năm 1971 nghe bà Huệ Minh nói Bác có tên là Công, Sơn Tùng không có ý kiến gì mà chỉ ghi theo lời bà ấy? Sao chỗ này tác giả không cho một chú thích để người đọc khỏi lầm? Phải chăng Sơn Tùng mới hư cấu cái chuyện ông cả Khiêm cho biết Bác tên Côn sau khi Sơn Tùng đọc bài của ông Lê Thanh Cảnh? Hay năm 1971 Sơn Tùng chưa có dịp nhớ lại chuyện của năm 1950? Viết Búp sen xanh Sơn Tùng dùng tên Bác lúc nhỏ là Côn.
Đọc tập tư liệu viết về Bác trước năm 1975 tơi chưa hề thấy một tài liệu nào (ngay cả những tài liệu của người thân trong gia đình Bác là ông Nguyễn Tài Tư, tức là Thiếu Lang Quân hiện nay ở tại 27 Hàm Tử, Q.3, thành phố Hồ Chí Minh) nói Bác có tên Côn cả. Người lý giải Bác có cái tên đầu tiên ấy là ông Lê Thanh Cảnh. Tôi không nghĩ Bác không có cái tên Côn. Nhưng có lẽ sau này chứ không phải lúc Bác mới ra đời (BSX tr.12). Nhân đây tôi cũng xin ghi lại hai mẫu chuyện sau có liên quan đến việc dụ Sắc đổi tên cho hai người con như thế nào.
Về nghiên cứu thời gian ông cụ Khiêm bị giam lỏng ở làng Phù Lễ (huyện Hương Điền, Bình Trị Thiên), tôi được gặp bà Nguyễn Hiệp đã trên 90 tuổi. Bà vợ ông cả. Có một hôm ông cả sang nhà chơi, uống rượu với ông Hiệp kể chuyện: “Cha tôi là một người nho học, lúc sinh con, ước mong con lớn lên giựt cái gia giáo của nhà nho. Con gái phải thanh bạch, trong trắng, con trai phải khiêm nhường, cung kính vì vậy mà anh chị em bày tui mới có cái tên Thanh, tên Khiêm, tên Cung. Nhưng không ngờ vô kinh mới hay cái tên ấy là phạm “huý”. Cái tên Khiêm trùng với cái tên Khiêm lăng (lăng vua Tự Đức). Đi học, đi thi mà tôi chỉ cần viền một chữ Khiêm là Phạm huý, phạm trường quy bị đuổi, bị đánh hỏng ngay chứ còn gì còn học hành thi cử được nữa cho nên sau ngày ông cụ tôi đỗ phó bảng về làng ông xin đổi tên cho các con ngay”
Mẫu chuyện thứ hai do đồng chí Trần Minh Siêu, cán bộ nghiên cứu của bảo tàng Kim Liên kể: “Sau ngày đổ đạt ở Huế về (1901) cụ Sắc không ở quê vợ làng Hoàng Trù nữa mà phải đưa con về nguyên quán - làng Sen. Nhân việc này, cụ Sắc xin đổi tên cho các con, vì tên Khiêm của người con trai cả của cụ phạm húy không đi học, đi thi được. Cụ nghĩ cuộc đời mình học tài thi phận cứ lao đao lận đận hoài, cụ ước ao các con cụ sau nầy làm gì thì nhất định được nấy. Cụ gửi cái ước ao ấy vào cái tên Tất Đạt và Tất Thành. Như thế hai cái tên Tất Đạt Tất Thành chỉ có từ năm 1902”.
Hai mẫu chuyện trên chính xác đến mức nào phải nghiên cứu xác minh thêm, nhưng người đọc còn thấy nó có lý và nó cũng trùng hợp với những tài liệu khoa học đã công bố như bài “Hồ Chí Minh - Những tên Người” của Đức Vượng(7).
Sơn Tùng không lý giải được sự đổi tên đó cho nên đã viết một cách tùy tiện coi đó là hai cái tên tự của người anh Bác và của Bác đã được cụ thân sinh đặt cho hai người mới ra đời (BSX tr.32). (Tên tự có nghĩa gì ai đặt, và đặt lúc naò xin hẹn bạn đọc theo dõi một bái báo khác).
Vấn đề niên đại rất quan trọng khi viết tiểu thuyết các danh nhân. Nếu chưa biết rõ thì lờ đi, nếu trong chính sử đã viết mà tác giả không có tài liệu gì xác đáng hơn thì không nen thay đổi. Trường hợp tác giả có tài liệu có giá trị khoa học thật sự thì mới đưa ra. Vấn đề niên đại Sơn Tùng dùng trong Búp sen xanh rất tùy tiện. Ôi xin đơn cử một ví dụ:
Sơn Tùng viết Bác vào trường Quốc Học mùa hè năm 1906 (BSX tr. 130). Người đọc sẽ hỏi:
- Như thế Bác chỉ có một niên khóa (1905-1906) tại trường Pháp Việt Đông Ba mà đỗ tiểu học được sao? Một người bình thường phải học bốn năm mới qua được bậc tiểu học lúc ấy, Bác có một năm làm sao đỗ được?
Búp Sen Xanh viết xong vào tháng 8 năm 1981, vào thời điểm này những tài liệu chính thức viết về vấn đề này đã có nhiều. Ví dụ như cuốn 1 của bộ Hồ Chí Minh toàn tập (ra đời năm 1980) ở trang 144 có ghi: “1907, mùa hè, Bác tốt nghiệp bậc tiểu học. Thì vào trường Quốc Học Huế”. Viết tiểu thuyết về Bác mà không đưa vào tài liệu chính thức của cơ quan nghiên cứu khoa học về Bác được không?
Bác vào Quốc Học năm 1906 hay 1907 là một vấn đề lịch sử quan trọng, nó có tác động lớn đến tuổi trẻ của Bác. Người viết không thể tùy tiện cho sai số lớn đến thế được. Giả như bạn đọc nước ngoài đã đọc nhiều tư liệu chính thức và mới nhất về Bác thì họ sẽ nghĩ sao về cách viết tùy tiện của tác giả Búp sen xanh?
Hoàn cảnh không cho phép tôi viết một cuốn sách để góp ý cho một cuốn sách. Để khỏi mất thì giờ bạn đọc, tôi xin thảo luận thêm với tác giả Búp sen xanh một sự kiện: “Mối tình của Nguyễn Tất Thành với cô Út Huệ” ở xóm Chiếu thành phố Sài Gòn.
Công bố mối tình này (dù là dưới dạng tiểu thuyết), Sơn Tùng đã đáp ứng được thị hiếu của một số người tò mò muốn viết chuyện đời tư của Bác. Đây có thể nói là một sự kiện “mới” nhất - Trước Sơn Tùng chưa một nhà nghiên cứu, một nhà văn nào dám đề cập đến.
Biết được sự kiện mới mẽ ấy, Sơn Tùng cho biết anh đã rất công phu nhẫn nại và phải nói là may mắn nữa mới có được tài liệu. Sơn Tùng đã kể lại với nhà văn Nguyễn Văn Bổng như sau:
- Một bà cụ, bạn học chữ nho rồi chữ Quốc ngữ với Bác ngày nhỏ ở Huế sau này đã có chồng con, vẫn giữ tình thân, những kỷ vật kỷ niệm thân thiết với Bác. 1975, bà cụ 84 tuổi. Anh Sơn Tùng tìm tòi gặp được bà ở thành phố Hồ Chí Minh, thăm viếng lần thứ 15 bà mới nói... Bà dặn anh Sơn Tùng:
- Ông phải hứa với tôi, trong lúc tôi còn sống, ông không được công bố những kỷ vật, những câu chuyện tôi kể với ông, làm vậy người ta lầm tưởng tôi hám danh lợi muốn được chính quyền cách mạng ban thưởng, nên đã kể công có quan hệ với cụ Hồ và thân sinh của cụ”.
Nay (tức tháng 3-1982 bà cụ qua đời đã hai năm, tức bà cụ mất năm 1980 NDK) Báo Văn nghệ số đặc biệt chào mừng Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ 5, 3-1983, tr.23 )
Trong buổi nói chuyện tại bảo tàng Hồ Chí Minh tại Huế tháng 6-1982, Sơn Tùng cho biết: Bà cụ anh đã nhẫn nại đến tới 15 lần mới được nghe bà kể chuyện ấy là bà Lê Thị Hạnh vợ nhà báo Diệp Văn Kỳ em ruột bà là bà Lê Thị Huệ (tức Út Huệ trong BSX). Bà Hạnh đã trao lại cho Sơn Tùng nhiều kỷ vật vô giá trong đó có các thứ; gương soi mặt, lược chải đầu (Bác đã dùng tháng lương đầu tiên của mình để mua tặng người yêu), một tấm ảnh hai người chụp chung, người trong ảnh đè tay lên đùi và sè đủ cả 10 ngón tay. Tài liệu mà Sơn Tùng thích thú nhất là một xấp báo trong đó có đăng bài của Diệp Văn Kỳ (viết về mối tình Lê Thị Huệ và anh Ba, tức Nguyễn Tất Thành). Sơn Tùng còn cho biết thêm những bài báo đó đã được sao lại và có một bản trữ tại bảo tàng Hồ Chí Minh (Hà Nội).
Là một trong những người nghiên cứu về Bác, sau khi nghe Sơn Tùng báo cáo tôi đã nhờ gia đình vua Thành Thái hướng dẫn để vào thành phố Hồ Chí Minh tìm hiểu thêm. Tôi không được hân hạnh gặp bà Lê Thị Hạnh vì bà đã mất năm 1980. Nhưng may mắn thay, mới đi lại một vài lần tôi đã gặp bà Diệp Thị Mai (con gái bà Hạnh) ở tại số nhà 64 đường Đề Thám, Thành phố Hồ Chí Minh. Chị Mai cho biết sau ngày giải phóng cũng có một vài cán bộ đến thăm bà Diệp Văn Kỳ (tức Lê Thị Hạnh) và hỏi chuyện Bác Hồ. Bà Hạnh có cung cấp cho những người đến hỏi vài mẫu chuyện nhỏ về Bác mà bà đã nghe được qua lời chồng đến nay bà vẫn còn nhớ. Không làm gì có gương lược, hình bóng, báo chí như Sơn Tùng nói nghĩa là không có mối tình giữa Bác và bà Huệ nào đó. Nghe tôi hỏi: “Chỉ có thế sao bà mẹ bắt Sơn Tùng lui tới đến 15 lần mới kể”. Người trong nhà thay lời chị Mai, đáp “Sao mà nói ác cho bà già vậy. Các ông nhà văn họ tưởng tượng ra ly kỳ quá”.
Thực hư như thế nào?
Phải chăng Sơn Tùng căn cứ vào chuyện Bác rất thích cấm hoa huệ mà hư cấu nên câu chuyện tình của Bác trong Búp Sen Xanh? Về việc này đồng chí Hà Huy Giáp - Viện trưởng Viện bảo tàng Hồ Chí Minh đã nghiêm khắc phê phán trên báo Nhân Dân ngày 28-9-1982 như sau: “Không nên chỉ căn cứ vào những hiện tượng được nghe lại hoặc thấy không đầy đủ mà suy diễn thì sẽ dẫn đến sai lệch. Làm sao có thể thuyết phục được chỉ khi căn cứ vào hiện tượng trong phòng ở của Bác thường có hoa huệ để lý giải và tạo lập về một mối tình thời trẻ của Người đầy sự hấp dẫn và ly kỳ”. Lời phê phán của đồng chí Hà Huy Giáp cũng có nghĩa là không có một tập báo chí gì đó mà Sơn Tùng đã nói tàng trữ tại Viện Bảo tàng Hồ Chí Minh.
Tóm lại chúng tôi có những điều muốn trao đổi với Sơn Tùng như sau:
1- Viết về cuộc đời niên thiếu của Bác nhưng hình như Sơn Tùng chưa đến hết những nơi Bác đã sống qua (đặc biệt là thành phố Huế - nơi Bác đã ở hai lần gần 10 năm) để nghiên cứu;
2- Sơn Tùng dùng một số tài liệu trong đó có nhiều tài liệu chưa được kiểm chứng (như bài hồi ký của ông Lê Thanh Cảnh) mà không kiểm chứng lại, trong lúc đó có nhiều tài liệu tương đối có giá trị khoa học thì tác giả bỏ qua (tài liệu thời gian Bác sống qua tại làng Dương Nổ, do ban nhiên cứu lịch sử Đảng Bình Trị Thiên xuất bản).
3- Vì vội vã thỏa mãn thị hiếu của người đọc, Sơn Tùng đã không ngần ngại hư cấu những sự kiện đi ngược lại các tài liệu của chính sử (ví dụ viết chuyện Bác có người yêu ở xóm Chiếu).
4- Bác cũng là một con người như mọi người, không phải thánh thần tiên phật, nhưng Sơn Tùng đã thần thánh hoá bác một cách sai lạc, từ lời ăn tiếng nói, từ cử chỉ nhỏ nhặt trong cuộc sống đến sự hiểu biết văn học nghệ thuật (tuồng hát bội) tư tưởng, tình cảm yêu nước. Không những thần thánh hóa Bác mà còn thần thánh hóa cả những người thân nội ngoại trong gia đình Bác.
5- Vì muốn đề cao Bác và gia đình Bác một cách thiếu khoa học cho nên Sơn Tùng không ngại ngùng xuyên tạc sự nghiệp của những nhà yêu nước đi trước Bác như Phan Bội Châu, Đặng Thái Thân, Lê Văn Miến...
6- Và cũng vội vã muốn thỏa mãn gấp thị hiếu của người đọc, Sơn Tùng đã viết cuốn Búp sen xanh rất cẩu thả (ví dụ bà Loan - mẹ Bác, có mang khi cụ Sắc đi thi năm 1898 (tr.69) mà mãi đến mùa thu năm cuối cùng của thế kỷ 19 (theo Sơn Tùng là năm 1900, Búp sen xanh tr. 77) bà mới chuyển dạ sinh người em của Bác hơn hai năm trời (từ mùa xuân 1898 đến mùa thu năm 1900).
7- Viết tiểu thuyết lịch sử nhưng việc nghiên cứu hoàn cảnh lịch sử phong tục tâp quán, ngôn ngữ địa phương không được nghiêm túc... cho nên Sơn Tùng đã hiện đại hóa nhân vật lịch sử một cách sai lạc.
Alex. Dumas (bố) một nhà văn viết tiểu thuyết lịch sử nổi tiếng, có một quan niệm rất rộng rãi cho việc hư cấu trong tiểu thuyết lịch sử, ông bảo “lịch sử chỉ là một cái đinh để treo những bức tranh”. Sự vận dụng tưởng tượng hư cấu phóng khoáng đến mức nào đi nữa thì những sự kiện lịch sử được lấy làm “đinh” cho tác phẩm cũng phải bảo đảm chính xác. Đến như những sự kiện quan trọng ấy mà cũng hư cấu thì những bức tranh kia sẽ không có chỗ treo.
Phải chăng quãng đời niên thiếu của Bác qua một số tài liệu chưa chính thức được Sơn Tùng chấp nhặt một cách vội vã chỉ là một cái cớ để cho tác giả treo những bức tranh lệch lạc của tác giả?
Tôi xin dành lại câu trả lời cho bạn đọc.
Huế, tháng 3-1983
(Tạp chí Sông Hương, số 3, tháng 11 năm 1983 - từ trang 93 đến trang 100)
------------
(2) Quê hương và thời niên thiếu của bác. Quốc doanh phát hành sách Nam Định tái bản lần 2, 1962.
(3) Những mẫu chuyện về thời niên thiếu của Bác - Sụ thật, Hà Nội 1980
(4) Kể chuyện từ làng Sen, Kim Đồng 1980.
(5) Tuổi thơ Bác Hồ ở Huế - Báo Văn Nghệ số 21 (1978).
(6) NXB Phụ Nữ 1975.
(7) Kỷ yếu Hội nghị khoa học nghiên cứu về Chủ tịch Hồ Chí MinhNhân kỷ niệm lần thứ 90 ngày sinh của Hồ Chủ tịch (1890-1980) lưu hành nội bộ, Hà Nội 1981, tr. 429.