Chỉ có một phương án: Phải thu hồi lại đất của đàn Âm hồn trả cho đàn Âm hồn mà thôi

Kính gởi Bảo tàng Tổng hợp tỉnh Thừa Thiên Huế! Sáng ngày 28-9-2012, tôi được mời dự cuộc họp các ngành chức năng và các nhà nghiên cứu lịch sử Thừa Thiên Huế lấy ý kiến về việc lập hồ sơ để tỉnh sớm có quyết định công nhận di tích đàn Âm hồn ở 73 Ông Ích Khiêm, P. Thuận Hòa, TP Huế.
Tại cuộc họp anh Cao Huy Hùng – GĐ Bảo tàng, đưa ra hai phương án để trưng cầu ý kiến:
Phương án 1: Diện tích bảo vệ là 1.266,5 m2 (tức diện tích gốc của Đàn Âm hồn được xây dựng từ thời vua Thành Thái);
Phương án 2: Diện tích bảo vệ 707, 8 m2 (diện tích còn lại của Đàn Âm hồn sau khi nhiều hộ lấn chiếm, mua đi bán lại đất của Đàn Âm hồn);


Chuyện lịch sử đàn Âm hồn, trong hơn 10 năm qua, tôi đã viết và đã đăng nhiều bài trên báo chí và in lại trong nhiều sách về Triều Nguyễn và Huế xưa của tôi. Vì thế Ban tổ chức cuộc họp lấy ý kiến đã mời tôi phát biểu. Tôi đã phát biểu, thư ký của Ban tổ chức đã ghi chép. Tuy nhiên, tôi sợ ý kiến của tôi được ghi không đầy đủ nên tôi tự ghi lại ý kiến của tôi sau đây để Bảo tàng tiện tham khảo.
1. Gần 20 năm qua báo chí, tư liệu lịch sử được công bố, các văn bản của chính quyền liên quan đến viêc đàn Âm hồn có bị chiếm dụng hay không, những cuộc mua đi bán lại đất đàn Âm hồn đã gây bức xúc dư luận không ít, thế nhưng cán bộ cơ quan tài nguyên môi trường không nắm vững, phát biểu trong cuộc họp rất tơ lơ mơ. Tôi đề nghị cơ quan tài nguyên môi trường sưu tập tư liệu, tìm hiểu rõ vấn đề nầy và có ý kiến chính thức để báo chí, dân chúng và những người mua đi bán lại đất đàn Âm hồn biết mình phải làm gì để đất đàn Âm hồn được trả về cho Bảo tàng làm nơi thờ cúng linh hồn những người yêu nước, những dân vô tội đã bị giết trong ngày thất thủ Kinh đô 23 tháng năm Ất dậu (1885).
2. Theo tôi, trước năm 1985, tôi công tác ở Ban Tuyên giáo Thành ủy Huế. Trong lúc đi nắm tình hình sản xuất ở các HTX trong Thành phố tôi đã nhiều lần đến rạp mộc thuộc phường Thuận Hòa dựng tạm trên đất đàn Âm hồn. Không hiểu vì sao, sau đó mảnh đất bị trưng dụng tạm đó úm-bà-la trở thành đất của tư nhân rồi mua qua bán lại nhiều lần gây nên hậu quả để ngày hôm nay chúng ta phải xử lý. Tôi đề nghị chính quyền TP Huế có văn bản yêu cầu Phường Thuận Hòa giải trình vấn đề nầy một cách cặn kẽ để tháy ai là người chịu tách nhiệm trước pháp luật về vấn đề đất đàn Âm hồn ;
3. Đối với tôi, một người nghiên cứu Huế, một người dân kháng chiến chống giặc ngoại xâm, chỉ biết một việc độc nhất một vấn đề: Đất đàn Âm hồn – một di tích của nhà Nguyễn, có giá trị quốc gia, có lịch sử gắn với đời sống tâm linh của người dân Huế yêu nước, đất của nơi thờ cúng đàn Âm hồn bị chiếm dụng thì phải trả lại cho Huế. Năm nay chưa giải quyết được thì sang năm, sang năm nữa, hết đời nầy chưa xong thì đến đời sau tiếp tục. Do đó chỉ có một phương án 1 mà thôi. Những ai đưa ra ý kiến Phương án 2 là tiếp tay cho bọn tham nhũng, tiếp tay cho cái ác. Thế hệ nầy không đủ quyết tâm giải quyết vấn đề thì hay để cho đời sau tiếp tục, không nên tiếp tay cho cái ác gây thêm khó khăn cho đời sau nữa;
4. Trong thời gian thực hiện Nghị quyết 4 hiện nay mà không làm rõ được những khuất tất liên quan đến giấy tờ mua qua bán lại đất thuộc đàn Âm hồn thì làm sao dân có thể tin Đảng và Nhà nước có thể làm rõ được những vấn đề khuất tất về nhà đất to lớn, đầy dẫy trên đất Thừa Thiên Huế nầy ?
Kèm theo ý kiến nầy tôi xin gởi tặng Bảo tàng bản sao những bài viết của tôi liên quan đến lịch sử đàn Âm hồn trong mấy chục năm qua.
Kính chúc quý đồng chí sức khỏe, chưa thu hồi được toàn vẹn đất của đàn Âm hồn thì hãy để đó chứ không nên hợp thức hóa những sai lầm trong quá khứ gây nên hậu quả không những cho đời nầy mà lưu lại khó khăn cho các đời sau.
Kính chào các đồng chí.
Nguyễn Đắc Xuân

Bình luận


Chưa có bình luận!


Bài viết trước đó
Bài viết kế tiếp

Trở lại đầu trang