Báo Tuổi Trẻ Chủ Nhật số 46-2003 ngày 23-11-2003, đăng bài Bí ẩn tranh tường cung An Định của Ngô Minh (tr.24-25). Bài báo giới thiệu sơ lược về việc xây dựng cung An Định (CAĐ), việc Sứ quán Đức tài trợ để phục chế lại “6 bức tranh tường cổ quý hiếm” ở CAĐ. Phần chủ yếu của bài báo: Tác giả gióng lên hai câu hỏi còn tồn tại chung quanh 6 bức tranh cổ quí hiếm ấy.
Câu hỏi 1. Trong 6 bức tranh, người xem có thể “nhìn hình vẽ có thể nhận ra phối cảnh thật của năm lăng: Gia Long, Minh Mạng, Thiệu Trị, Tự Đức, Đồng Khánh; còn một bức chưa rõ vẽ công trình gì?”. (Bức tranh chưa rõ vẽ công trình gì được phóng lớn in giữa trang báo, tạm gọi là bức tranh thứ 6);
Câu hỏi 2. Tác giả đích thực của 6 bức tranh tường nêu trên là ai ?
Kết thúc bài báo, tác giả viết: “Hai câu hỏi trên nhất định sẽ được làm sáng tỏ. Đây là công việc của các nhà nghiên cứu văn hóa Huế cũng như các nhà nghiên cứu mỹ thuật”.
Lâu nay Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế và nhiều nhà nghiên cứu Huế đã nỗ lực tìm câu trả lời cho hai câu hỏi trên nhưng chưa có kết quả. Nay gặp phải dư luận báo chí đòi hỏi thúc bách như vậy thì quả thật không lo tìm câu trả lời cũng không được. Chuyện mới xảy ra cách đây 90 năm mà “bí” thì thử hỏi chuyện trăm năm, hai trăm năm và xa hơn nữa thì làm răng chừ hè? Để góp công khám phá một phần bí ẩn di tích Nguyễn với các cơ quan chức năng, tôi mạo muội thử trả lời câu hỏi thứ nhất về bức tranh thứ 6, và xin dành lời đáp thứ hai cho các cơ quan chức năng và các nhà nghiên cứu khác.
- Về những ức đoán và suy đoán của các người đứng đầu các cơ quan chức năng
Theo bài báo cho biết: ông Phùng Phu - Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế, ức đoán bức tranh thứ 6 có thể đó là “một phủ đệ nào đó, có tầm quan trọng đặc biệt với gia đình và bản thân Bửu Đảo”.
Nhưng Tiến sĩ Trần Đức Anh Sơn - Giám đốc Bảo tàng Cổ vật Huế, lại suy đóan theo một hướng khác: “Có thể bức tranh đó vẽ lăng Khải Định đang ở dạng phác thảo trên bản vẽ. Lúc khánh thành cung An Định, vua Khải Định 33 tuổi, đã bắt đầu cho thiết kế lăng. Sở dĩ bức họa không giống với lăng Khải Định hiện nay vì sau chuyến đi Pháp về, Khải Định đã cho thay đổi thiết kế theo kiểu phương Tây, đồ sộ hơn nên không còn giống với bức tranh đã vẽ”.
Các ông Phùng Phu, TS Anh Sơn là những người đứng đầu các cơ quan chức năng nghiên cứu, bảo tồn, phát huy di tích CAĐ. Vì thế, dù chỉ là ức đoán hay suy đoán của các ông cũng đều là những ý kiến chỉ đạo quan trọng. Muốn minh họa hay bác bỏ những ý kiến ấy cần phải có tài liệu và chứng tích có liên quan. Tôi thực hiện bài viết này theo phương hướng đó.
1.1. Trước tiên là tìm cơ sở thực tế cho ý kiến của ông Phùng Phu: Đó là “một phủ đệ nào đó, có tầm quan trọng đặc biệt với gia đình và bản thân Bửu Đảo”.
Có đúng thế không? Đối với vua Khải Định, ngoài lăng Kiên Thái Vương (lăng ông nội vua Khải Định), lăng vua Đồng Khánh (thân sinh vua Khải Định, đã vẽ thành tranh trên tường cung An Định), CAĐ (phủ riêng của ông hoàng Phụng Hóa tức vua Khải Định), còn có 2 phủ thờ quan trọng: 1. Phủ Kiên Thái Vương (phía bên phải CAĐ, số 179 Phan Đình Phùng ngày nay) thờ Kiên Thái Vương Hồng Cai; 2. Phủ Ngoại từ thường gọi là Phủ Ba Cửa (phía bên trái CAĐ, nhằm số 181 Phan Đình Phùng) - thờ ông Dương Quang Hướng - ông ngoại của vua Khải Định. Ngoài hai phủ thờ đó không còn bất cứ một di tích nào quan trọng đối với vua Khải Định nữa. Mà hai di tích đó thì không có một chi tiết nào khả dĩ cho phép chúng ta có thể liên tưởng đến việc nó đã được vẽ lại thành bức tranh tường thứ 6 vừa nêu trên. Như vậy ý kiến của Giám đốc TTBTDTCĐ Huế không có cơ sở thực tế;
1.2. Về suy đoán của TS Anh Sơn vừa trích lại ở trên chưa thuyết phục được ai có lẽ vì những lý do sau đây:
- TS Anh Sơn cho rằng vua Khải Định đi Pháp về đã cho “thay đổi thiết kế (lăng Khải Định) theo kiểu phương Tây”. Đây là một suy đoán, mới nghe thì có lý lắm, nhưng khi chưa tìm được tư liệu chứng tỏ vua Khải Định đã từng quyết định như thế thì suy đoán cũng chỉ là chuyện suy đoán thôi;
- Như độc giả đã biết, mùa thu năm Đinh Tỵ (1917), vua Khải Định cho khởi công xây dựng CAĐ theo kiến trúc “phương Tây” (hay nói theo ngự bút của vua Khải Định là Á kiêm Âu), đến mùa Đông năm Nhâm Ngọ (cuối 1918 đầu 1919) thì công trình hoàn thành. Ba năm sau ngày khánh thành CAĐ (1919), vua Khải Định mới lên tàu sang Pháp (1922). Vậy, chưa đi Pháp mà vua Khải Định đã cho thực hiện một công trình “Á kiêm Âu” rồi, nói cách khác không phải sau đi Pháp năm 1922, vua Khải Định mới nảy ra chủ trương “Á kiêm Âu”. Sự thực thì cái ý tưởng “Á kiêm Âu” đã xuyên suốt cuộc đời của ông ngay từ khi ông mới lên ngôi (1916) cho đến lúc ông từ giã cuộc đời (6.11.1925) chứ không phải chỉ có từ sau ngày ông sang Pháp;
- Lăng Khải Định bắt đầu xây năm 1920, trước khi xây lăng thì xây CAĐ (1917) theo kiến trúc “Á kiêm Âu”, trong khi đang xây lăng thì xây Điện Kiến Trung (cuối năm 1921 đến 1923) cũng theo kiến trúc “Á kiêm Âu”. Như vậy thiết kế lăng Khải Định ở giữa hai thời kỳ chủ trương kiến trúc “Á kiêm Âu” không thể là một kiến trúc truyền thống (Á) được. Thiết kế kiến trúc lăng Khải Định ngay từ ban đầu phải là kiến trúc “Á kiêm Âu” như ta thấy ngày nay mới hợp lý. Do đó ý tưởng “bức họa không giống với lăng Khải Định hiện nay vì sau chuyến đi Pháp về, Khải Định đã cho thay đổi thiết kế theo kiểu phương Tây, đồ sộ hơn nên không còn giống với bức tranh đã vẽ” của TS Đức Anh Sơn không dựa trên khung cảnh thực tế kịch sử, nên không đứng vững được. Hơn nữa, ngày xưa việc xây dựng lăng vua nói chung và lăng Khải Định nói riêng là một việc lớn của quốc gia, nó liên hệ đến phong thủy, cuộc đất, thiết kế cho phù hợp ý tưởng riêng của ông vua, liên hệ đến tài chính, vật liệu đặt mua ở nước ngoài… không dễ gì có thể thay đổi được thiết kế một cách dễ dàng như TS Anh Sơn suy đoán;

Công trường xây dựng lăng Khải Định (Ảnh chụp khoảng năm 1923)
- Sau 4 tháng sang Pháp, ngày 19-7-1922, vua Khải Định về đến Huế. Lúc ấy phần thô của các kiến trúc chính của lăng Khải Định do ông Phùng Duy Cần (thân sinh của nghệ sĩ Điềm Phùng Thị sau này) theo dõi thi công đã gần xong. (Xem ảnh công trường xây lăng Khải Định chụp khoảng năm 1923).
Nếu vua Khải Định có muốn thay đổi thiết kế cũng không thể nào thực hiện được. Đến năm 1930, lăng Khải Định mới hoàn thành, nhưng bộ ảnh lễ Ninh lăng vua Khải Định năm 1925 mà chúng tôi đã sưu tập được chứng tỏ các kiến trúc chính của lăng Khải Định đã xong từ năm 1925.

Lễ Ninh lăng vua Khải Định đầu năm 1926
Nếu có sự thay đổi thiết kế từ một kiến trúc truyền thống (Á) sang kiến trúc “Á kiêm Âu” thì thời gian từ cuối năm 1922 đến năm 1925 không thể hoàn thành được một khối lượng công trình đồ sộ đến như thế. Qua tư liệu ảnh, ta có thể khẳng định thiết kế xây dựng lăng Khải Định theo kiểu kiến trúc “Á kiêm Âu” của vua Khải Định đã được thực hiện khá lâu rồi vua Khải Định mới sang Pháp.
Tóm lại những ước đoán và suy đoán của ông Phùng Phu và ông TS Anh Sơn về bức tranh thứ 6 trong CAĐ thiếu cơ sở khoa học không thể theo đuổi nghiên cứu làm rõ được.
- Những nguyên tắc cần thống nhất trong việc đi tìm tên của “phủ đệ hay lăng mộ của bức tranh thứ 6”.
Trong bất cứ một cuộc tranh luận nào muốn đạt được kết quả, việc đầu tiên là các bên phải thống nhất một số ý niệm cơ bản. Những ý niệm đó không phải là ý kiến riêng của bên nào mà là rút ra từ thực tế lịch sử của đề tài đang được tranh luận. Đề tài đi tìm tên của “phủ đệ hay lăng mộ của bức tranh thứ sáu” trong CAĐ có những ý niệm cần thống nhất như sau:
2.1. CAĐ vốn là Phủ Phụng Hóa của hòang tử Bửu Đảo - con vua Đồng Khánh cũng giống như các Phủ Tùng Thiện Vương, Tuy Lý Vương của các ông hoàng con vua Minh Mạng là Miên Thẩm, Miên Trinh… Việc thiết kế xây dựng cũng như trang trí nội thất đều thuộc quyền của người chủ của Phủ tức là vua Khải Định; vì là một kiến trúc tư nên chỉ trang trí những gì thân thiết nhất của nhà vua; và ngược lại không thể có những cái dù đẹp và nổi tiếng đến đâu mà mâu thuẫn với gia đình này;
2.2. Khải Định là một ông vua, những gì ông trang trí trong gia đình ông phải ngang cấp vua. Các vị vua tiền triều là những người không những thân thiết mà còn rất thiêng liêng đối với ông. Trong kiến trúc dinh thất của ông có phong cảnh lăng mộ của cha ông (vua Đồng Khánh), ông nội (vua Tự Đức cha nuôi của vua Đồng Khánh), ông cố (vua Thiệu Trị), ông sơ (vua Minh Mạng) và vị hòang đế sáng lập nhà Nguyễn - ông tổ 6 đời của ông (vua Gia Long). Vua Khải Định không thể đặt bất cứ một phong cảnh di tích nào thân thiết với ông mà không phải là vua ngang cấp với các vua tiền triều của ông được. Nếu đặt một di tích không ngang cấp vua là bất kính.
2.3. Xem cách sắp đặt vị trí 6 bức tranh tường trong sảnh tầng trệt CAĐ, ta thấy người thực hiện bộc lộ rõ ý đồ của họ:
- Từ trong nhìn ra, hai bức tường bên trái và bên phải đối nhau, có kích thước giống nhau, mỗi bức tường vẽ hai tranh có kích thước cũng giống nhau (1,6 m x 1,4 m), lăng Gia Long (trái, trong) đối với lăng Minh Mạng (phải, trong), lăng Thiệu Trị (trái, ngoài) đối với lăng Tự Đức (phải, ngoài). Hai bức tường cánh gà hai bên cửa chính cũng bằng nhau, vẽ hai bức tranh có kích thước giống nhau (1,8 m x 1,1m). Tranh bên trái đã biết đó là nhà bia trong khu lăng mộ vua Đồng Khánh. Tranh bên phải chưa có tên. Theo nguyên tắc lăng đối lăng nói trên, thì cảnh vẽ trong bức tranh còn lại (tranh thứ 6) trên hai bức tường cánh gà trái-phải của CAĐ cũng phải là cảnh một cái lăng nào đó. Có như thế nó mới đối được với khu lăng mộ vua Đồng Khánh.
Độc giả nào thống nhất với tôi 3 ý niệm trên thì xin đọc tiếp phần khám phá của tôi sau đây.
- Khám phá bí ẩn chung quanh bức tranh tường số 6 trong cung An Định
Nếu độc giả đã thống nhất với tôi 3 ý niệm trên thì tên bức tranh thứ 6 phải có ít nhất 4 đặc điểm sau:- Phải là một cái lăng vua (1), - Thân thiết nhất đối với vua Khải Định (2); - Ra đời trước năm 1917 - thời điểm xây dựng CAĐ (3); - Đối được với khu lăng mộ vua Đồng Khánh đã vẽ (4).
Cầm tấm ảnh bức tranh tường thứ 6 chưa có tên trong CAĐ, tôi đem so với cảnh quan lăng Kiến Phước (Bồi Lăng) trong khuôn viên lăng Tự Đức và lăng Dục Đức ở An Lăng. Hai ngôi lăng này có niên đại trước năm 1917. Chỉ nhìn qua tôi có thể khẳng định là không phải. Cuối cùng tôi tìm thấy hình như mặt trước tẩm điện của chính lăng vua Đồng Khánh có các yếu tố gần giống với bức tranh thứ 6: tam quan vào điện, sâu bên trong có điện nằm ngang, phía bên trái có tùng tự nằm thẳng góc với thành ngọai. Tuy nhiên so sánh cảnh quan thật đang bị cây lá che khuất ngày nay với bức tranh vẽ cách đây gần 90 năm còn nhiều chi tiết bị che khuất.

Cửa vào khu Tẩm điện lăng Đồng Khánh ngày nay. Ảnh NĐX

Nhà bia khu lăng mộ vua Đồng Khánh Bức tranh thứ 6 trong CAĐ
May sao, tôi tìm được tấm ảnh Porte d’entrée du tombeau de Dong Khanh (Cửa vào lăng vua Đồng Khánh) của Ph.Eberhardt, đăng trong sách Guide de L’ Annam, do nhà Augustin Challamen, xuất bản ở Paris năm 1914, ở tr.106, có những chi tiết gần với bức tranh số 6 hơn.

Cửa vào lăng Đồng Khánh (Porte d’entrée du Tombeau de Dong Khanh, Ph. Eberhardt, Guide de l’Annam, Paris Augustib Challamen, Éditeur. 1914, p, 106)
Tấm ảnh tư liệu cho thấy cảnh quan mặt trước tẩm điện lăng vua Đồng Khánh (tức khu tẩm điện hay điện thờ) có đủ 4 đặc điểm nêu trên:
- Tẩm điện lăng vua Đồng Khánh là cảnh quan một cái lăng vua;
- Tẩm điện lăng Đồng Khánh nên thân thiết nhất đối với vua Khải Định;
- Lăng Đồng Khánh ra đời năm 1889 trước năm 1917 - thời điểm xây dựng CAĐ, đến 28 năm;
- Tẩm điện lăng Đồng Khánh (bức tranh tường thứ sáu) đối được với khu lăng mộ của Đồng Khánh đã vẽ thành bức tranh thứ 5.
Như thế bức tranh thứ sáu đã có tên - Khu tẩm điện lăng vua Đồng Khánh. Trong phủ riêng của mình, vua Khải Định ưu tiên dành cho thân sinh mình hai bức tranh tẩm và lăng không có gì là khó hiểu cả. Bí ẩn đã được khám phá.
Trong một bài báo tôi không thể kể hết những đọan đường nghiên cứu khó khăn tôi đã đi qua. Do đó phần giải trình trên chắc không tránh được những thiếu sót bất cập. Rất mong được các cơ quan chức năng và các nhà nghiên cứu khả kính chỉ giáo để tôi có được một món quà nhỏ tặng cho khách tham quan Huế trong Festival 2004 sắp đến. Đa tạ.
Gác Thọ Lộc, một ngày mùa Đông 2003