Để có những kỳ festival khiến mọi người nức lòng, đắm mê về một Huế xưa, người góp công không nhỏ - ông Nguyễn Đắc Xuân, nhà nghiên cứu Huế, nhà văn hoá bậc thầy trong những công trình nghiên cứu, sưu tầm văn hoá Huế. Nhiều người nhận xét, “ông là một trong những kho tư liệu sống về văn hoá đất Thần kinh”, quả không sai! Điều ít ai biết, quãng đời đã qua và kế tiếp, ông say sưa nghiên cứu Huế để âm thầm chứng minh một câu nói của Thủ tướng Phạm Văn Đồng... Tuy bận rộn với Festival Huế 2006, ông vẫn dành cho chúng tôi một cuộc trò chuyện đầy thú vị...
+ Là một người tâm huyết với văn hoá Huế, hết lòng với festival trên đất Cố đô, ông nhận định như thế nào về các kỳ festival đã diễn ra?
NĐX.- Trước đây tôi thường quan tâm đến 3 vấn đề liên quan đến Festival Huế; 1. Công nghệ làm Festival, sự tham gia của quần chúng, chủ đề liên quan đến văn hoá Việt Nam Huế. Sau 4 lần thực hiện, tôi thấy ba vấn đề đó đã dần dần cải thiện tốt và ngày nay có thể njói Huế đã có một công nghệ Festival. Hai vấn đề còn lại đã được khắc phục càng về sau càng tốt hơn.
- Công nghệ làm festival (lần 4) tương đối hoàn chỉnh sau quá trình mò mẫm, tìm tòi. Huế trở thành thành phố festival của Việt Nam để sánh vai với cường quốc năm Châu, mang tầm khu vực năm 2010, tầm quốc tế năm 2020 là một minh chứng cho những gì chúng ta đã làm được, sẽ làm tốt. Đòi hỏi chúng ta phải toàn tâm toàn lực hơn nữa để công nghệ festival trở nên hoàn chỉnh- là đích đến!
+ Nói như vậy, Festival Huế đã đến với cộng đồng, người dân thực sự trở thành chủ thể- công dân mang “tên” festival?
Vâng. Người dân Huế đã bắt đầu tham gia và nhờ thế tính cách Huế đã bộc lộ ngày càng rõ hơn. Sự thành công của Lễ hội áo dài trên sông Hương đêm 8.6 vừa qua là một ví dụ điển hình.
- Đúng vậy! Công chúng đã đóng góp trên các lĩnh vực, quyết định sự thành công ở mỗi kỳ festival. Với tiêu chí hướng đến cộng đồng đó, cả toàn dân cùng hưởng lợi festival, nghĩa là ai cũng có quyền lợi và nghĩa vụ xây dựng thành phố này đúng nghĩa- thành phố festival.
+ Ông từng nói, festival phải tránh tình trạng như một hội diễn, và công nghệ festival đã “thoát” ra khỏi điều đó?
- Chắc là chưa. Nhưng dù sao cũng đã tiến bộ hơn trước nhiều và tôi tin muốn tồn tại và có bản sắc riêng thì sớm muộn gì cũng phải thoát.
- Nội dung của festival lần này đã khá hơn, phù hợp với tiêu chí văn hoá Huế, được phục dựng rất tốt. Tuy không thể tránh khỏi những hạt sạn, nếu biết tinh lọc tốt, đầu tư chất xám. Tôi tin tưởng những kỳ festival sau sẽ hoàn chỉnh hơn.
+ Trong kỳ Festival 2006, “Đêm Hoàng cung”, Lễ hội truyền lô- vinh quy bái tổ và Lễ hội Nam Giao là 3 chương trình “đinh” của Festival 2006, nhìn nhận của ông thế nào?
- Ở Lễ hội Truyền lô - vinh quy bái tổ được làm công phu, đã tái hiện được phần nào về một hoạt động vinh danh người tài của triều Nguyễn xưa. Lần đầu tiên tổ chức, như thế là được, khoảng 60- 70%. Để khai thác những chi tiết sâu hơn phải cần thời gian nghiên cứu và thể hiện công phu. Yếu điểm của BTC Festival 2006 là vấn đề quảng bá nên lượng du khách đến không như dự kiến.
Với “Đêm Hoàng cung” chủ yếu dùng ánh sáng là chính. Bằng những phương tiện đắt tiền, kỹ thuật cao trong khi số tiền chi phí ít ỏi, làm được như vậy đã là quý lắm. Tái hiện không khí chỉ có Huế mới có. Tuy nhiên còn đơn sơ, thiếu tư liệu. Nếu lần sau thực hiện, tôi sẽ bổ sung nhiều tư liệu quý, đầy đủ hơn.
Trong Lễ hội Nam Giao, năm nay tổ chức đầy đủ 3 phần: xuất cung- tế- hồi cung. Lễ hội Nam giao lúc xưa cả triều đình tham gia, cả nước thực hiện. 3 năm tổ chức 1 lần. Trong Festival, mình làm như thế này là hết sức cố gắng...
+ Ý kiến cho rằng, ở các kỳ festival, kể cả lần này vẫn còn tình trạng “phục hồi những cái không có trong lịch sử”, nhìn nhận của ông như thế nào?
- Những cái gì không đúng mà mình làm chỉ có hại. Biết sai, cứ làm thì mất đi văn hoá Huế. Hơn nữa, thật tốn kém làm những cái rườm rà, không cần thiết. Tôi khẳng định, những gì mà anh em chúng tôi tham gia không bao giờ làm những cái mà hồi xưa không có. Trừ những môn ẩm thực tôi không tham gia nên không biết.
Trong Đêm Hoàng cung, chỉ tái hiện không khí thôi chứ hồi xưa không hẳn vậy, nhớ lại thời đã qua trong triều đình. Còn ở Lễ hội Nam Giao và Truyền lô, những cái được phục dựng đều từ xưa mà ra. Trước đây, có người đưa vào một số chi tiết chưa đúng, chúng tôi đã đấu tranh loại bỏ.
+ Huế có một nền văn hoá hoàn chỉnh, festival tái hiện lại “thời xưa cũ” cho thế giới được tận hưởng những giá trị tinh hoa. Văn hoá Huế và festival bổ trợ cho nhau như thế nào?
- Huế có văn hoá độc đáo của nó thì mới có festival Huế. Triều Nguyễn, một thời đại thịnh trị, có văn hoá hoàn chỉnh của một quốc gia. Những khung cảnh, di tích, kiến trúc... thật đặc trưng, là tinh hoa vô cùng quý giá. Festival tôn vinh những giá trị đó để lưu giữ đến muôn đời.
+ Qua những kỳ festival, chúng tôi thiết nghĩ, chương trình “quá nặng” trong khi thời gian tổ chức eo hẹp, ông nghĩ sao về điều này?
- Theo tôi, không nên đưa vào những chương trình nghệ thuật của các vùng, miền ngoài Việt Nam và Huế. Tránh nặng nề, tốn kém. Du khách tham gia Festival Huế, đến để tận hưởng những cái gì của Việt Nam, của Huế. Triều Nguyễn là triều đại đất nước thống nhất, có một nền văn hoá thống nhất, đa dạng, rất phong phú ta chưa khai thác hết.Người ta đến Huế, thích được thưởng thức văn hoá Huế, ẩm thực Huế, âm nhạc Huế... mà đưa đồ Tây- đồ Tàu vào làm loãng mất tính cách Huế. Đến để xem, tận hưởng (enjoy) những gì gọi là tinh tuý của Huế.
+ Chúng tôi lại nghĩ, Quảng Nam và một số địa phương từng tổ chức “Năm du lịch”, “Năm festival” tại sao không?
- Tôi chưa nghĩ tới chuyện này, Nhưng theo tôi việc tổ chức hai năm một lần đã nặng lắm rồi. Năm không diễn ra festival, thành phố vẫn tổ chức những lễ hội nhỏ, đặc trưng, lo cho nó cũng đã quá khó.
+Để Festival Huế mang tầm quốc tế, điều này quả là sự cố gắng dài dài, tính “cạnh tranh” có khắc nghiệt không, thưa ông?
- Theo tôi, tính “cạnh tranh” luôn luôn xảy ra. Nhưng nếu biết làm thì sẽ không đến nỗi khắc nghiệt lắm. Bởi, mỗi nơi có một thế mạnh về văn hoá riêng’ Cơ bản là công nghệ festival như thế nào để tôn vinh nó, thu hút khách. Làm sao để cho khách thấy họ phải đến đây mới hưởng được những gì những nơi khác không có.
+ Những cái gì thuộc về xưa cũ, khai thác đến một lúc nào đó sẽ cạn kiệt, ông có nghĩ thế? Và khó tránh khỏi sự trùng lặp giữa các kỳ festival, gây ra sự nhàm chán?
- Chắc chắn không lặp lại như cũ. Như khi mới tổ chức Festival Huế lần thứ nhất, chúng ta tưởng đã hết. Nhưng qua lần thứ hai, thứ ba và lần thứ tư này, chúng ta vẫn có những cái mới. Chắc chắn lần thứ năm, thứ sáu sẽ không trùng lặp. Khai thác những khía cạnh khác nhau, không bao giờ hết.
+Đi nhiều, tìm hiểu sâu về festival của các nước trên thế giới, ông thấy có gì khác biệt so với festival của ta?
- Không thể so sánh được. Vì festival của họ làm chuyên đề (hoạt hình, xiếc, thời trang, kịch,...). Còn ở mình đi lên từ hội diễn. Mà hội diễn thì như các bạn đã biết, không có tính cách riêng. Thực tế đã cho ta thấy ta chắt lọc, loại bỏ những cái gì không mang tính cách riêng, để có một festival hoàn chỉnh mang màu sắc Huế. Muốn cạnh tranh được, muốn tồn tại lâu dài festival Huế phải đẹp, hay, mới và rẻ... Muốn vậy, phải đầu tư chất xám, huy động toàn tâm, toàn lực của của chính quyền và của nhân dân.
+ Ông đánh giá như thế nào về thế hệ kế cận cho các kỳ festival sắp tới? Liệu họ có gánh vác được trọng trách này? Vì có ý kiến cho rằng, thế hệ trẻ ngày nay ít “mặn mà” mới văn hoá truyền thống?
- Ngày xưa các cụ, các thầy cũng có những âu lo cho lớp chúng tôi trước sự kế cận nền văn hoá truyền thống của dân tộc. Chúng tôi đã ý thức được điều đó, vươn lên trong học tập, đào sâu nghiên cứu...đáp ứng được những gì cụ mong đợi. Bây giờ cũng vậy thôi. Nghĩa là do nhu cầu, đời sống cần ắt hẳn các lớp kế cận cũng phải vươn lên. Hiện nay, lớp trẻ học nhanh hơn chúng tôi nhiều vì có phương tiện hiện đại, môi trường xã hội hơn, có cáí nhìn trẻ trung về những giá trị truyền thống.
+ Văn hoá Huế đã “mê hoặc” ông trong từng ngày sống? Điều gì khiến ông có những đam mê nghiên cứu Huế một cách công phu như thế?
- Sau năm 1975, Thủ tướng Phạm Văn Đồng vào Huế có nói một câu: “Giải phóng xong, thống nhất đất nước may ra còn có Huế để đối ngoại về văn hoá”. Câu nói của Thủ tướng cho thấy một điều, Huế có bản sắc văn hoá truyền thống đặc sắc, tinh tuý, mang bản sắc riêng cho dân tộc Việt Nam, có giá trị với nhân loại. Trong hơn 30 năm qua, tôi nghiên cứu để chứng minh lời nói của Thủ tướng Phạm Văn Đồng lúc bấy giờ. Và hiện nay, tôi tiếp tục theo đuổi để chứng minh câu nói đó ngày càng cụ thể, phong phú, đúng đắn hơn.
+ Văn hóa mà đem “đối ngoại” phải là văn hoá độc đáo của Việt Nam, có giá trị trên thế giới?
- Văn hóa với thiên nhiên, kiến trúc, âm nhạc, ẩm thực, thơ văn, phật giáo, triết học...đã được thế giới công nhận. Hai di sản văn hóa đã được công nhận và tôi tin còn nhiều di sản khác nữa cũng sẽ được công nhận. Bởi thế, nhiều người cho rằng tới Việt Nam mà chưa tới Huế xem như chưa tới Việt Nam, chưa hiểu hết văn hóa Việt Nam.
+ Âu lo cho Huế, ông nghĩ gì?
- Huế là một thành phố có đủ điều kiện để vươn lên, nhưng thú thực lãnh đạo địa phương và ngay cả Trung ương đối với Huế còn thiếu cả tâm lẫn tầm. Trả lời câu hỏi nầy phải bằng một cuốn sách mới nói hết được. Xin hẹn một dịp khác sẽ trả lời tiếp.
+ Xin cảm ơn ông!
Nguyễn Xuân Hoài
(thực hiện)