Trong mấy chục năm qua tỉnh Thừa Thiên Huế (TTH) mang trong lòng Cố đô Huế loay hoay với việc phấn đấu xin Trung ương cho chuyển lên thành Thành phố trực thuộc Trung ương. Hai lần đưa dự án ra Quốc hội đều bị bác bỏ. Riêng Thành phố Huế - thủ phủ của tỉnh Thừa Thiên Huế, năm 2005 được Trung ương nâng lên làm Thành phố loại I trực thuộc tỉnh Thừa Thiên Huế. Nhưng trong thực tế quyền hạn Thành phố Huế loại I không hơn gì một huyện của tỉnh Thừa Thiên Huế. Người các huyện lên lãnh đạo Thành phố Huế hoặc người của các huyện lên làm việc trong các cơ quan của Tỉnh đóng trên Thành phố. Toàn bộ di tích vật chất tinh thần gì của Cố đô Huế đều nằm trong tay các cơ quan của tỉnh TTH. Nay tỉnh TTH đang tiến hành các thủ tục phấn đấu cho đô thị TTH là “đô thị di sản” – “Đô thị có tính chất đặc thù về di sản” hướng đến xin trực thuộc Trung ương.
Tôi tuy đã 83 tuổi đời, 47 tuổi Đảng, chưa từng ở trong một cấp úy nào của Thành phố cũng như của Tỉnh Thừa Thiên Huế nhưng từ đầu những năm 60 của thế kỷ trước cho đến nay (2020) tôi đã có mặt trong hầu hết các cuộc thay đổi từ chiến khu đến đô thị Huế, đã tham gia nghiên cứu hầu hết các đề tài văn hóa lịch sử của Cố đô Huế từ sau năm 1975 đến nay, tôi cũng đã viết hàng chục đầu sách về lịch sử văn hóa triều Nguyễn và Huế xưa, đã làm rõ Thời niên thiếu của Bác Hồ ở Huế, làm rõ những năm tháng lưu đày và lưu vong của các vua cuối triều Nguyễn, tìm được dấu tích Cung điện Đan Dương sơn lăng của Hoàng đế Quang Trung, đã phản biện cứu vãn Đồi Vọng Cảnh thoát khỏi Resort của Hà Lan, cứu vãn địa điểm Bảo tàng Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Thừa Thiên Huế (số 7 Lê Lợi) thoát khỏi Guesthouse của Luc-va-xi (Trung Quốc) và đặc biệt tôi đã lập được một tủ sách Huế học – trong đó có nhiều tư liệu độc bản….

Nguyễn Đắc Xuân đọc tham luận
Tôi thấy có nhiều việc trong Nghị Quyết 54 không thực hiện nhiệm vụ, chức năng của thành phố di sản trực thuộc Trung ương bỏ qua nhiều thế mạnh của Cố đô Huế nên tôi viết tham luận nầy gởi lên tỉnh Thừa Thiên Huế và các cơ quan chức năng ở Trung ương tham khảo để giúp cho tỉnh TTH thực hiện đúng được giá trị công việc đang phấn đấu theo Nghị quyết 54 của Bộ Chính trị.
I. Vì sao nên phục hồi Cố đô Huế ?
Baochinhphu.vn đăng[1]: “UBND tỉnh Thừa Thiên – Huế thông qua Đề án Xây dựng, phát triển đô thị Huế đến năm 2030 và Điều chỉnh cục bộ quy hoạch chung TP. Huế đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050” . Bài báo viết tiếp “Theo UBND tỉnh, Huế hiện là đô thị di sản, cảnh quan thiên nhiên, bảo tồn di tích lịch sử, văn hóa. Tuy nhiên, quy mô đô thị Huế nhỏ so với tốc độ phát triển, mật độ dân số cao (5.029 người/km2, trong khi quy định là 2.000 người/km2), hạ tầng xã hội khu vực trung tâm đang quá tải, hạ tầng kỹ thuật chưa đáp ứng nhu cầu phát triển đô thị. Do đó, đòi hỏi phải xem xét tính đến việc mở rộng đô thị. Theo đề án mới được thông qua, phạm vi mở rộng đô thị Huế gồm TP. Huế hiện hữu (70,67 km2) và các thị xã Hương Thủy, Hương Trà, một phần huyện Phú Vang với diện tích khoảng 348,54 km² (rộng gấp 5 lần TP. Huế hiện hữu).”
Trước đây tôi ủng hộ chủ trương cắt nhập ấy do tỉnh Thừa Thiên Huế nêu lên. Nhưng sau nghiên cứu lại và thăm dò ý kiến của người dân TTH tôi thấy không thể cắt hai thị xã Hương Trà – Hương Thủy và một phần huyện Phú Vang nhập vào Thành phố Huế để cho Thành phố có đủ tiêu chí về diện tích xin trực thuộc Trung ương. Không thể vì bốn lý do sau:
1.1. Kinh đô Huế xưa gồm đất Kinh sư và Phủ Thừa Thiên. Trên đất Kinh sư chỉ có nhà thờ Nguyễn Phúc tộc còn dân trăm họ làm việc ở Kinh đô đều là dân phủ Thừa Thiên. Dân thành phố Huế ngày nay với dân Thừa Thiên là một nên không thể cắt ra được;
1.2. Nếu cắt hai thị xã Hương Trà – Hương Thủy và một phần huyện Phú Vang thì dân trên phần đất còn lại của tỉnh Thừa Thiên (Huế) từ các huyện phía Bắc (Phong Điền và Quảng Điền) muốn vào các huyện phía Nam (Phú Vang, Phú Lộc) – và ngược lại, phải chạy lên các huyện miền Tây (A Lưới, Nam Đông) vô cùng trở ngại, dân Thừa Thiên Huế khó chấp nhận được sự cắt nhập duy ý chí ấy. Tình hình đó khác xa với Thành phố Đà Nẵng ở phía Bắc và tỉnh Quảng Nam ở phía Nam, sơn hà rạch đôi rất gọn, rất thuận lợi so với Tỉnh Thừa Thiên và thành phố Huế hiện nay;
1.3. Nhiều di tích của Cố đô nằm trên các huyện của tỉnh (Phủ Thừa Thiên cũ) như thành Hóa Châu ở Quảng Điền, Chùa Túy Vân, Hành cung Tĩnh Viêm, Hải Vân Quan ở Phú Lộc… quản lý, bảo vệ, khai thác như thế nào?
1.4. Những hạn chế của hai tên địa danh Thành phố Huế và tỉnh Thừa Thiên Huế.
1.4.1. Thời Nguyễn (lúc chưa bị thực dân Pháp đô hộ) chỉ có Kinh đô Phú Xuân (Capitale de Phú Xuân) gồm đất Kinh sư và Phủ Thừa Thiên chứ không có một địa danh nào mang tên Huế cả;
Thời Pháp thuộc (1897-1945), vào ngày 20-10-1898, vua Thành Thái được thực dân Pháp cho thành lập Thị xã Huế (La ville de Huế), lấy đất của các huyện Hương Thủy, Hương Trà và Phú Vang chung quanh Kinh đô thuộc Phủ Thừa Thiên lập nên 9 Phường cho Thị xã Huế. Về phương diện hành chính, Thị xã Huế tồn tại cho đến trước 26-3-1975. Sau năm 1975 Thị xã Huế từ thời VNCH được mở rộng lập thành phố Huế - tỉnh lỵ của tỉnh Bình Trị Thiên (1976-1989) rồi tỉnh Thừa Thiên Huế (từ 1989 đến nay). Như vậy thành phố Huế hiện nay là một thực thể riêng mới ra đời từ cuối thế kỷ XIX chứ không phải là tên Kinh đô xưa;
1.4.2. Tỉnh Thừa Thiên Huế. Địa danh mới ra đời sau ngày tỉnh Bình Trị Thiên chia tách phục hồi lại 3 tỉnh đã có trước năm 1976. Tên gán ghép tỉnh Thừa Thiên với Thành phố Huế chỉ thỏa mãn tinh thần cục bộ của lãnh đạo các huyện, thành phố lúc đó. Tên tỉnh Thừa Thiên Huế không có trong lịch sử, không phải là một thương hiệu hấp dẫn. Không hấp dẫn ngay với người dân địa phương, đừng nói chi với khách du lịch quốc gia, quốc tế.
Vì những lý do đó, Thành phố Huế hay tỉnh Thừa Thiên Huế không thể thay cho vị thế của Cố đô Huế được. Vừa sai về lịch sử vừa lãng phí những tiềm năng to lớn của Cố đô Huế.
II. Sự khác nhau giữa Thành phố di sản trực thuộc Trung ương và Cố đô Huế
2.1. Theo Nghị quyết 54 Thành phố di sản trực thuộc Trung ương (gọi tắt là Thành phố di sản): Quan điểm của Bộ Chính trị tại Nghị quyết này nêu rõ xây dựng và phát triển Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương trên nền tảng bảo tồn, phát huy giá trị di sản cố đô và bản sắc văn hóa Huế, với đặc trưng văn hóa, di sản, sinh thái, cảnh quan, thân thiện với môi trường và thông minh; du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn, công nghệ thông tin và truyền thông là đột phá, công nghiệp và nông nghiệp công nghệ cao là nền tảng. Đây là nhiệm vụ quan trọng, có ý nghĩa cả về kinh tế - xã hội, chính trị, quốc phòng và an ninh; không chỉ là riêng của Thừa Thiên Huế mà còn của cả vùng kinh tế trọng điểm miền Trung và cả nước.
2.2. Tất cả những việc Thành phố di sản đang phấn đấu thực hiện theo NQ 54 cũng là những nội dung Cố đô Huế phấn đấu thực hiện. Ngoài ra Thành phố di sản không có tư cách pháp nhân, không có nhiệm vụ thực hiện những việc sau đây:
2.2.1. Nước Nga có Thủ đô Matxcơva và cố đô Saint Petersburg; Nhật Bản có Thủ đô Tokyo và cố đô Kyoto, Trung Quốc ngoài Thủ đô Bắc Kinh còn có ba cố đô Tây An, Lạc Dương và Nam Kinh, Lào có cố đô Luangbrabang, Việt Nam ngoài Thủ đô Hà Nội còn có Cố đô Huế. Thành phố di sản không thể thay vai trò của Cố đô Huế được;
2.2.2. Cố đô Huế - về phương diện lịch sử, là tiền thân của Thủ đô Hà Nội. Cố đô chỉ đứng sau Thủ đô. Cố đô có quan hệ với toàn quốc, được xem là một “cõi đi về” của người dân tất cả các tỉnh thành trong cả nước VN chứ không của riêng một địa phương nào, nó có thể đại diện cho nước VN xưa giao lưu đặt quan hệ với tất cả các cố đô trên thế giới.
2.2.3. Chỉ có Cố đô Huế mới có đủ tư cách pháp nhân, đủ yếu tố tinh thần, yếu tố tâm linh để cho Núi Cấm (An Giang), Lăng Bỏ Hậu thời trung hưng nhà Nguyễn (Lấp Vò/Đồng Tháp), lăng mộ Võ Tánh Ngô Tùng Chu ở Thành Hoàng Đế (Bình Định), lăng mộ hai bà Hiếu Văn Hoàng hậu Mạc Thị Giai và Hiếu Chiêu Hoàng hậu họ Đoàn ở huyện Duy Xuyên (Quảng Nam), Thành Tân Sở (Quảng Trị), Lũy Thầy (Quảng Bình), Quý hương họ Nguyễn Phúc (Thanh Hóa).v.v. …hướng về.
2.2.4. Cố đô Huế được phục hồi kết nối với các địa phương trong và ngoài nước có quan hệ lịch sử như Hà Tĩnh (Nha Sơn phòng của vua Hàm Nghi ở Hương Khê), Quảng Bình (Lũy Thầy), Quảng Trị (Ái Tử, Tân Sở), Quảng Nam (hai ngôi lăng của hai bà hoàng hậu Vĩnh Diên và Vĩnh Diễn ở Chiêm Sơn, Duy Xuyên), ở Pháp (lăng mộ vua Hàm Nghi ở làng Thonac/Dordogne, lăng mộ Cựu hoàng Bảo Đại ở Paris, và lăng mộ Hoàng hậu Nam Phương ở Chabrignac/Corrèze), ở Nhật (con gái chúa Sãi lấy Araki Sotaro, chết chôn ở chùa Dainoji, Trường Kỳ).v.v. Các tỉnh cũng như các nước họ chỉ quan hệ với Cố đô của nước Việt Nam chứ không thể quan hệ với một thành phố như các tỉnh/thành phố khác ở Việt Nam về những vấn đề liên quan Cố đô của nước VN;
2.2.5. Cố đô Huế có tư cách pháp nhân, được Trung ương đầu tư phục hồi những gì có thể phục hồi cho Cố đô Huế, những báu vật của Cố đô vì chiến tranh đã đi lánh nạn ở các địa phương sẽ được rước về. Đặc biệt, khi đã có tư cách pháp nhân Cố đô Huế có thể xin lại một phần những báu vật của Kinh đô Huế đã lọt vào tay các nước như bộ Vạn Bửu Trình Tường (Kịch bản vở tuồng phải diễn một trăm đêm dưới thời vua Tự Đức). Sau ngày Thất thủ Kinh đô 1885, một đại đội lính Pháp chuyển tài sản ở Thành nội Huế xuồng tàu thủy đậu trên sông Hương phải mất 3 tháng mới chuyển xong. Tài liệu của Pháp còn ghi rõ sự kiện này. Tôi tin sẽ được trả lại một phần;
III. Cố đô Huế - một trung tâm văn hóa lịch sử lớn nhất của nước Việt Nam
Về Di sản Cố đô Huế, lâu nay chưa có một công trình nào khảo sát nghiên cứu thống kê một cách đầy đủ về di sản của Cố đô Huế. Di sản Cố đô Huế gồm có những gì ở đâu, hiện nay ra sao. Cũng không có người quan tâm đến vô số di sản ra đời trong môi trường văn hóa của Cố đô Huế để lại. Phải có một cuộc điều tra khoa học, chi tiết mới thấy hết được cái khối di sản phong phú, khổng lồ không nơi nào có được của Cố đô Huế. Sau đây tôi chỉ gợi lên một số để dẫn chứng cho tham luận.
3.1. Di sản vật chất và phi vật chất đã được UNESCO công nhận; Quần thể di tích Cố đô Huế, Nhã nhạc cung đình Huế, Thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu, Nghệ thuật Bài Chòi Trung Bộ, Mộc Bản triều Nguyễn, Thơ văn trên Kiến trúc Cung đình Huế, Châu Bản triều Nguyễn,
3.2. Kho sách di sản Hán Nôm do Quốc sử quán triều Nguyễn sưu tập và biên soạn đồ sộ vô giá hơn mọi thời đại trong lịch sử VN: Thơ văn của các vua triều Nguyễn, các bộ sách sử Đại Nam Thực Lục, Đại Nam Nhất Thống Chí đời Tự Đức và đời Duy Tân, Đại Nam Liệt Truyện, Đại Nam Hội Điển Sự Lệ, Đại Nam Quốc Ngữ, Hoàng Việt Luật Lệ.v.v.(một số đang ở nước ngoài và các tủ sách gia đình ở Việt Nam);
3.3. Mộc Bản, Địa Bạ triều Nguyễn (đang lưu giữ ở Dinh Thống Nhất TP HCM, học giả Nguyễn Đình Đầu đã dịch), Mộc Bản trong các Phủ Phòng của các Ông hoàng Bà chúa triều Nguyễn, Mộc Bản trong các chùa; Sắc Phong trong các đình chùa, gia phả, tộc phả của các dòng họ Nguyễn Phúc Tộc, Nguyễn Khoa, Hoàng Trọng, Thân Trọng, Hà Thúc.v.v.
3.4. Cung điện Đan Dương/sơn lăng của Hoàng đế Quang Trung ở Ấp Bình An, các Phủ, Phòng, lăng mộ của các Ông hoàng, Bà chúa triều Nguyễn nổi tiếng như Tùng Thiện Vương, Tuy Lý Vương, Mai Am, Huệ Phố; Nhà thờ hát Bội Thanh Bình Tự Đường (ra đời từ thời Minh Mạng); Các ngôi chùa vua, chùa Sắc tứ, các ngôi chùa ra đời thời các chúa Nguyễn như chùa Quốc Ân, chùa Thuyền Tôn, chùa Thiền Lâm, chùa Khánh Vân, các chùa của người Minh Hương dọc phố Gia Hội.v.v. ,
3.5. Di sản phi vật chất. Luật lệ (về Quan trường, Hồi tỵ, Dưỡng liêm, Khoa cử, Đình nghị, Tứ bất lập.v.v.), Quy hoạch (xây dựng Kinh thành Phú Xuân, khu phố Tây ở nam sông Hương), Kiến trúc (Nhà Rường, Đình làng, các Cổ Tự, Lăng mộ), Mỹ thuật triều Nguyễn; Di sản về Ngự Y (Nhà thương Huế - BV Trung ương Huế ngày nay) , Giáo dục (Quốc Học, Hai Bà Trưng, Quốc Tử Giám, Văn Thánh, Võ Thánh); Kho tàng ca Huế và Dân ca;
3.6. Di sản phát huy từ Nhã nhạc, Ca Huế, cảnh quan thiên nhiên và không gian di sản của triều Nguyễn để lại: Di sản Trang phục (áo dài, nón bài thơ), Ẩm thực (1700 món, đặc biệt các món ăn chay, Ngự thiện), thơ (Đây thôn Vỹ Dạ); âm nhạc (Đêm Tàn Bến Ngự, Tiếng Sông Hương, Nước Non Ngàn Dặm Ra Đi.v.v.);
3.7. Di sản thiên nhiên: Sông Hương, Núi Ngự; Cổ thụ trên vài trăm tuổi (Cây thị ở trước sân nhà thờ phái Thân Văn làng Dương Xuân Hạ, phường Thủy Xuân, trồng từ năm 1698), Phố cổ Bao Vinh, Phố cổ Gia Hội, cảng biển Thuận An; Nhà thờ cụ Phan Bội Châu, Bảo tàng Chủ tịch Hồ Chí Minh – thời niên thiếu của Bác Hồ ở Huế.v.v.;
3.8. Đô thị châu Âu. Trên bờ nam sông Hương, người Pháp đã xây dựng rất sớm những kiến trúc châu Âu ở Việt Nam, hài hoà với cảnh quan thiên nhiên như cầu Trường Tiền (1900), Nhà máy nước Vạn Niên, Nhà hàng khách sạn Morin (1901), ga Huế, sở Công chánh (nay là hai tòa nhà Bảo tàng Văn hóa Huế), Bệnh viện Huế (1894), trường Đồng Khánh (1917, nay là trường Hai Bà Trưng), trường Quốc Học (1896), Viện Dân biểu Trung Kỳ (nay là VP Đại học Huế, 3 Lê Lợi), Nhà thờ Phường Đúc, nhà thờ Phú Cam, nhà thờ Dòng Chúa Cứu Thế;
3.9. Di sản phi vật chất vô giá thời Pháp để lại: Đó là bộ tập san Đô Thành Hiếu Cổ - Bulletin des Amis du Vieux Hué, ra đời từ năm 1914, tồn tại cho đến năm 1944. Mỗi quý (3 tháng) ra một tập, suốt 31 năm ra đời được 121 tập và một tập danh mục gồm 500 bài nghiên cứu và hơn 30 bài tiểu dẫn chú giải quan trọng. Các tác giả là người Pháp và người Việt. Nổi tiếng nhất là Linh mục L. Cadière (trên 70 bài), R.Orband (30 bài), Cosserat (30 bài), Nguyễn Đình Hòe (10 bài), Đào Thái Hạnh (thân sinh của bà Đào Thị Xuân Yến/bà Nguyễn Đình Chi), Ưng Trình (cháu nội của Tùng Thiện Vương), Nguyễn Đôn, Hoàng Yến, Bửu Liêm, Võ Liêm, Đào Duy Anh.v.v. BAVH đã góp phần không nhỏ trong công việc nghiên cứu Huế xưa, Kinh thành Huế và vùng phụ cận, lịch sử triều Nguyễn và Huế, nghệ thuật, ngôn ngữ xứ Huế. BAVH là một công trình nghiên cứu lịch sử triều Nguyễn và Huế xưa vô tiền khoáng hậu. Một di sản không nơi nào có được. Toàn bộ di sản nầy và hàng trăm tư liệu quý hiếm khác chưa đưa lên BAVH đang được ông Jean Cousso –cháu ngoại BS Sallet –nguyên TTK Tòa soạn BAVH giữ tại Pháp. Ông J.Cousso nhiều lần về Huế tìm nơi chuyển lại cho Cố đô Huế nhưng chưa thực hiện được. Ngoài bộ BAVH, người Pháp và người các nước cũng đã để lại hàng trăm đầu sách viết về Cố đô Huế như Guide de l’Annam của Ph. Eberhadt (Thầy của vua Duy Tân) (Paris 1914), HUÉ la mystérieuse của Louis Chochod (Paris 1943), Quan Sự Cẩm Nang của Phạm Huy Lục (Hà Nội 1929), Les Tombeaux Des Nguyễn của Richard (BEFEO, HN 1914), Les ARÈNÉ DE HUÉ của R.P.Barnouin,(BSEI, XI.IX-3, 1974).v.v. .
3.10. Di sản quý nhất là con người.
3.10.1. Tiềm năng con người của Cố đô Huế. Đề cập đến tiềm năng du lịch hay khi chỉ đạo tỉnh Thừa Thiên Huế thực hiện nội dung Nghị quyết 54 của Bộ Chính trị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc [2] đã nhiều lần nhắc tỉnh TTH “Phải phát huy tiềm năng, thế mạnh riêng không phải tỉnh nào cũng có được như lĩnh vực trí tuệ; di sản hữu hình và vô hình; cuộc đời sự nghiệp của những bậc vĩ nhân, nhà tư tưởng, nhân vật lỗi lạc, tài hoa mà mỗi cuộc đời gắn với một câu chuyện, địa danh cụ thể chứ không chỉ nói về văn hóa đền đài, lăng tẩm, các di sản vật thể khác”. Đó là tiềm năng con người rất to lớn của tỉnh TTH. Nhưng khi lập lại Cố đô Huế thì tiềm năng con người của Cố đô Huế lớn hơn gấp bội. Vua chúa các triều đại Nguyễn: Nguyễn Hoàng đặt ra chủ trương mở nước về phương Nam, Nguyễn Huệ/Quang Trung “lấp” sông Gianh nối lại hai xứ Đàng Ngoài và Đàng Trong, chiến thắng 29 vạn quân Than ngày Xuân năm Kỷ Dậu (1789), Trần Văn Kỷ, Nguyễn Ánh/Gia Long thống nhất Việt Nam lập nên triều Nguyễn huy hoàng để lại cho Việt Nam một Cố đô ngang tầm quốc tế, Minh Mạng hoàn chỉnh nền hành chính VN bền vững, Tự Đức giỏi lịch sử văn thơ Hàm Nghi, Thành Thái Duy Tân yêu nước.v.v.
3.10.2. Phật giáo. Hòa thượng Liễu Quán, HT Thích Đôn Hậu, HT Thích Trí Quang, Sư bà Thích nữ Diệu Không,Thiền sư Thích Nhất Hạnh với Thiền Chánh Niệm từ Huế truyền bá khắp Âu, Mỹ.v.v.;
3.10.3. Phụ nữ có Huyền Trân Công chúa ngàn dặm ra đi để cho nước Đại Việt có thêm hai châu Thuận, Hóa. Có Ngọc Vạn, Ngọc Khoa lấy vua Chiêm, vua Chân Lạp giúp mở nước về Phương Nam, có bà Từ Dũ mẫu nghi thiên hạ, có Hoàng hậu Nam Phương giúp vua Bảo Đại kết thúc triều Nguyễn giữ được hạnh phúc cho, muôn dân, có Đạm Phương nữ sử, có bà Nguyễn Đình Chi (Đào Thị Xuân Yến) – người phụ nữ yêu nước nối văn hóa truyền thồng với hiện đại ở Huế, có Hoàng Thị Kim Cúc – cô giáo dạy nữ công ở trường Đồng Khánh từng là nguồn cảm hứng cho Hàn Mặc Tử sáng tác bài thơ bất hủ Đây Thôn Vỹ Dạ.v.v.. .
3.10.4. Văn nghệ sĩ: Tùng Thiện Vương, Tuy Lý Vương (Văn như Siêu Quát vô tiền Hán, Thi đáo Tùng Tuy thất thịnh Đường), Mai Am, Huệ Phố, Ông Già Bến Ngự (nhà yêu nước Phan Bội Châu), Ưng Bình Thúc Giạ, Nhà văn Thanh Tịnh, nhà thơ Tố Hữu, nhà thơ nhà Huế học Phan Văn Dật, các họa sĩ Lê Văn Miến, Tôn Thất Sa, Tôn Thất Đào, Phạm Đăng Trí, Bửu Chỉ, Kiến trúc sư Ngô Viết Thụ các nhạc sĩ Ông Hoàng Nam Sách, ông Hầu Biều, nhạc sư Nguyễn Hữu Ba, Nguyễn Văn Thương, Trịnh Công Sơn, nhà soạn nhạc không lời Tôn Thất Tiết, nhà tư tưởng duy tân Nguyễn Lộ Trạch, nhà Mác-xít Hải Triều Nguyễn Khoa Văn; các nhà nghiên cứu: Thái Văn Kiểm, Bửu Kế, Phan Thuận An, các làng nghề phục vụ Kinh đô Phú Xuân - Thợ đúc đồng Phường Đúc, thợ mộc ở Mỹ Xuyên,v.v.
IV. Vai trò của Cố đô Huế trong vị thế nước Việt Nam thời hội nhập
Qua thống kê sơ lược ở trên, cho thấy Cố đô Huế là một trung tâm văn hóa Việt Nam có đầy đủ di sản tinh thần vật chất, con người, thiên nhiên, văn hóa lịch sử dân tộc, văn hóa Phật giáo Huế (Thiền sư Thích Nhất Hạnh với Thiền Chánh niệm) đang phát huy rộng lớn trên thế giới.
4.1. Chúng ta đang sống trong thời hội nhập với đời sống công nghệ 4.0. Các chuyên gia trí tuệ nhân tạo (artificial intelligence - AI) cho biết AI sẽ giúp cho con người sống văn minh hơn, tiện nghi hơn, làm việc hiệu quả hơn, hạnh phúc hơn nhưng đồng thời AI cũng có thể là tai họa của loài người. Mai đây AI có thể mở được khóa các kho chứa bom nguyên tử, có thể giết người hàng loạt nếu người tạo ra các sản phẩm của AI không có tâm, không có văn hóa, không biết tôn trọng con người. Muốn tránh được tai họa đó người sáng tạo AI phải có một môi trường văn hóa để tu dưỡng tính nhân văn cho mình. Với tư cách là một người hoạt động văn hóa Huế tôi được Nhóm Bạn Cố đô Huế ở Hà Nội nhờ tiếp nhiều chuyên gia AI. Tôi và TS Thái Kim Lan đã giúp cho các bạn ấy được ăn cơm Huế, tham quan di tích, cảnh quan Huế, nghe ca Huế và nhạc Trịnh Công Sơn. Khi chia tay các bạn bảo tôi : “May ra còn có Huế để những người làm AI có một cõi đi về”. Để góp phần phát huy giá trị của Cố đô Huế, Quỹ học bổng Vietseeds của các bạn đã phát cho 20 sinh viên Huế (mỗi suất 1.000 USD/năm, phát trong vòng 5 năm) với ý hướng đào tạo nhân tài cho Huế. Tôi hết sức bất ngờ với ý nghĩ của giới AI. Song song với việc tiếp các nhà AI, tôi được Đại học Fulbright (TP HCM) mời giảng về Huế học cho Sinh viên thi lấy Chứng chỉ Việt Nam học. Họ cho biết Huế học giữ phần quan trọng nhất trong Chứng chỉ Việt Nam học. Hai sự việc trên vừa diễn ra trong năm 2019, Trước và sau đó tôi đã tiếp nhiều đoàn khách quốc tế, mỗi đoàn đều tỏ ra trân quý những di sản tinh thần và vật chất của Cô đô Huế. Qua thực tế tôi cảm thấy hạnh phúc được sống và học Huế và tự giao cho mình trách nhiệm bảo vệ và phát huy giá trị văn hóa của Cố đô Huế cho thời đại công nghệ 4.0;
4.2. Hà Nội thủ đô, Cố đô của nước Việt Nam như thế nào?
Việt Nam đã hội nhập thế giới. Ngoài Thủ đô Hà Nội, Việt Nam đang có các Thành phố hiện đại TP Hồ Chí Minh, TP Đà Nẵng, TP Cần Thơ, TP Hải Phòng. Các Thành phố đang tích cực vươn lên như Singapore, nhưng Tôi chưa được nghe có một thành phố Việt Nam nào đó vươn lên thành một thành phố hiện đại, thành phố công nghiệp mang bản sắc Việt Nam cả. Các làng quê Việt Nam hiện nay cũng đang hiện đại hóa, công nghiệp hóa. Cái xu thế ấy không ai dừng lại được. Chỉ cần năm mười nữa sẽ có một nước Việt Nam mới, chuyện ngàn năm văn hiến chỉ tìm đọc trong sách báo cũ mà thôi. Và nước Việt Nam mới đó chưa chắc bằng các nước mới chung quanh Việt Nam. Vì thế phải trùng tu tôn tạo Cố đô Huế để giữ lại cho dân tộc cái hồn Việt, cái văn hiến từ ngàn năm, để đối ngoại về văn hóa như Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã dạy ngay sau ngày đất nước thống nhất (1975): “Giải phóng xong may ra còn có Huế để đối ngoại về văn hóa”
4.3. Việt Nam có cần một Cố đô ngang tầm quốc tế không?
Việt Nam “núi liền núi, sông liền sông” với Trung Quốc – một nước lớn luôn nuôi tham vọng thôn tính người bạn láng giềng ở phương Nam. Chúng dùng nước sông Mê Kông ép VN ở phía tây, dùng vũ lực chiếm dần vùng biển Đông, dùng tiền và hàng trăm mưu mẹo thuê, mướn, tạo mãi làm chủ nhiều vùng đất từ Nam chí Bắc nước ta. Chúng dùng chiêu cùng lý tưởng xây dựng xã hội chủ nghĩa làm mờ đi ranh giới về văn hóa Việt Nam với Trung Quốc. Đối đầu với một đối thủ thâm độc như vậy, các biện pháp chính trị, ngoại giao, quân sự chưa đủ mà còn phải có văn hóa nữa. Thế thì ở đâu có thể giúp cho tuổi trẻ cái bản sắc văn hóa Viêt đó để tự vệ ? Xét trên toàn quốc hiện nay không còn nơi nào còn giữ được đầy đủ di sản tinh thần, vật chất, sống động có sức hút vào và tỏa ra như ở Cố đô Huế cả. Cái giá trị của Cố đô Huế đứng trên tỉnh TTH với trên dưới 70% dân chúng sống bằng nghề nông truyền thống. Hà Nội là Thủ đô của nước VN ngàn năm văn hiến, nhưng Hà Nội hiện nay không hội đủ các di sản để chứng minh cho cái văn hiến ngàn năm ấy. Việt Nam ngày nay đang có một Thủ đô Hà Nội hoành tráng, Thủ đô Hà Nội của nước Việt ngàn năm văn hiến phải được nối kết với Cố đô Huế. Cố đô Huế giữ niềm tự hào dân tộc, giữ cái hồn cho dân tộc để đối ngoại, đặc biệt là để đối đầu với Trung Quốc. Thành phố Huế là của tỉnh TTH, còn Cố đô Huế là của Việt Nam.
V. Lập lại Cố đô Huế những ưu việt
5.1. Phục hồi Cố đô Huế dựa trên nền tảng di tích di sản vật thể và phi vật thể, về thiên nhiên và con người của tỉnh TTH không bị ràng buộc vào các tiêu chí về đất đai, nhân khẩu, thu nhập của người dân một thành phố trực thuộc Trung ương. Các huyện miền núi A Lưới Nam Đông, vùng sâu vùng xa các huyện không thể phấn đấu năm mười năm nữa chưa chắc thỏa mãn được các tiêu chí của thành phố trực thuộc Trung ương. Nhưng nếu lập lại Cố đô Huế thì những vùng đất ấy thuộc Phủ Thừa Thiên của Kinh đô xưa thì được nằm trong Cố đô Huế ngay;
5.2. Nước VN nằm trên bán đảo Trung Ấn (Indochine), bản sắc văn hóa VN thống nhất hình thành bởi những yếu tố trong sáng, mạnh mẽ của phương Bắc hòa quyện với những yếu tố êm dịu sâu lắng của phương Nam. Cố đô Huế - cái bản lề của hai miền Nam Bắc, là nơi thể hiện rõ cái bản sắc ấy nhất. Kể cả hoa trái và con người cũng thế. Ta có thể thấy măng cụt, sầu riêng, sa-pô-che của miền Nam sum sê trái ngọt bên cạnh nhãn vải miền Bắc, thấy các nhà thờ họ Cao Xuân (Nghệ An) không xa Nam Châu hội quán, làng Thanh Trung của miền Nam. Con người ở Cố đô Huế thân thiện với người miền Nam gần gũi với người miền Bắc, không kỳ thị người Trung Hoa và rất quý trọng văn hóa Pháp. Cố đô Huế là thủ phủ của Phật giáo xứ Đàng Trong, xứ sở chay tịnh, yêu hòa bình. Một nơi đáng sống của người Việt Nam và thế giới.
5.3. Việt Nam có một Cố đô văn hiến, giữ được cái hồn của dân tộc Viêt.Truyền thống kết nghĩa Huế-Sài Gòn-Hà Nội sống lại, Huế giữ cái gốc truyền thống bên cạnh Đà Nẵng không ngừng vươn lên hiện đại Cố đô Huế chia bớt cái bận rộn chật chội ở trung tâm Thủ đô Hà Nội. Các cơ quan của Viện Hàn Lâm khoa học xã hội VN có thể đặt tại Huế. Các cuộc tiếp khách quốc tế, các Hội thảo hội nghị quốc gia/quốc tế có thể tổ chức trên đất Cố đô.v.v.Người Việt Nam xa văn hóa dân tộc lâu ngày có được một chốn đi về… Đại học Huế phấn đâu lên Đại học quốc gia và hướng tới quốc tế. Một thời đại mới mang bản sắc Việt ra đời. Văn hóa Việt Nam ngang vai với chính trị quân sự và kinh tế Việt Nam, hướng đến đứng đầu Đông Nam Á..
5.4. Phần cứng của Cố đô Huế cơ bản đã có. Sau khi được Trung ương cho quy chế với quyền hành cụ thể các phần mềm sẽ được lấp đầy (Ví dụ như đưa Mộc bản Đà Lạt), Địa bạ (TP HCM), Châu bản (Hà Nội) về Lầu Tàng Thơ đã trùng tu xong từ nhiều năm trước trong Kinh Thành Huế..
5.5. Khi Cố đô Huế được lâp lại thay thế cho tỉnh Thừa Thiên Huế sẽ tránh được những trở ngại do mở rộng Thành phố Huế và cắt ra khỏi tỉnh Thừa Thiên Huế. Nếu chạy theo ý tưởng xin Trung ương “Công nhận tỉnh TTH là đô thị di sản” hoặc đô thị có tính chất đặc thù về di sản” trực thuộc Trung ương thì đời nầy và nhiều đời sau chưa chắc đã thực hiện được. Vì những lý do sau:
- Tiền? Hiện nay chỉ cái việc dời dân ra khỏi di tích Kinh thành Huế chưa biết đến năm nào mới chạy đủ tiền? Kinh thành Huế là Cố đô của nước Việt Nam thống nhất nằm trên đất Huế chứ không phải di sản riêng của Huế, thế nhưng Trung ương đã rót được bao nhiêu tiền cho việc di dời nầy? Một chuyện cụ thể có giá trị lớn như thế mà còn khó, huống chi chạy cho đủ tiền cho cả cái tỉnh TTH nầy lên Thành phố di sản trực thuộc Trung ương biết đến bao giờ mới có đươc?
- Công tác đưa tỉnh có 70% dân số làm nông nghiệp có Cố đô Huế lên thành phố di sản cần phải có một đội ngũ cán bộ xây dựng, văn hóa lịch sử quy hoạch rất lớn. Thế nhưng hiện nay đội ngũ nầy ở TTH ra sao? Cán bộ văn hóa thiếu đến mức phải sử dụng một Giám đốc có nhiều sai phạm trong việc trùng tu di tích đang chờ xử lý lên làm Giám đốc sở Văn hóa Thể thao và Du lịch. Ông Giám đốc sở Văn hóa ấy có đủ trình độ và uy tín để vận động trí thức, các nhà nghiên cứu, các chuyên gia đô thị trong và ngoài nước, các thầy cô giáo xã hội nhân văn Đại học Huế giúp tỉnh không? Chắc chắn là không.
Không đủ tiền, không có con người thực hiện, làm sao đưa đưa cả cái tỉnh TTH nầy lên thành đô thị di sản được? Chờ đến bao năm nữa, bao nhiệm kỳ lãnh đạo nữa? Nhiệm kỳ sau có tiếp tục công việc của nhiệm kỳ nầy không? Không ai dám bảo đảm cả.
- Đưa cả cái tỉnh TTH lên thành đô thị di sản vừa làm loãng cái độ đậm đặc di sản vô giá của Cố đô Huế và phải chờ đợi vài chục năm nữa. Liệu trải qua các năm sắp tới có giữ được nguyên vẹn di sản Cố đô Huế hiện nay cho đến ngày ấy không? Cũng không ai dám bảo đảm cả.
Trong tình hình văn hóa Việt đang xuống cấp một cách tệ hại hiện nay, văn hóa ngoại lai đang tràn ngâp, đất nước đang cần một nền văn hóa Việt ngang tầm với chính trị ngoại giao và kinh tế…Nếu không kịp thời xây dựng lại Cố đô Huế - một trung tâm văn hóa dân tộc Việt thì sức mạnh kinh tế thị trường thời công nghệ 4.0 nầy sẽ xóa sạch văn hóa Việt, các thế hệ sau không còn gì để tự hào văn hóa Việt Nam nữa.
VI. Lập lại Cố đô Huế - một đề án khả thi
Việc quy hoạch phục hồi lại Cố đô Huế rất thuận lợi. Hiện nay người dân Huế còn giữ đầy đủ tư liệu quy hoạch Kinh đô Phú Xuân thời Gia Long (cũng đã có một luận văn Thạc sĩ trình ở Canada được điểm 10 “Quản lý sự đa dạng hình thái không gian và nâng cao giá trị đô thị di sản Huế”). Quy hoạch Huế thời Pháp thuộc, trong đó có quy hoạch riêng cho Khu phố Tây ở bờ Nam sông Hương, Từ sau năm 1975 đến nay cũng đã có nhiều lần Quy hoạch Huế, tuy chưa thành nhưng cũng đã để lại nhiều thông tin quý giá để tham khảo. Khi có chủ trương lập lại Cố đô Huế nhiều chuyên gia về quy hoạch, chuyên gia đô thị di sản ở trong và ngoài nước sẽ giúp Huế hoàn thành được Quy hoạch Cố đô Huế ngay;
- Nếu không bị ràng buộc bởi các tiêu chí về dân số, diện tích, thu nhập đầu người của các đô thị hiện nay, cố đô Huế có thể ra đời được ngay. Về cơ sở vật chất của Cố đô Huế trải qua hai cuộc chiến tranh và thời bao cấp bị hư hại nhiều nhưng cơ bản vẫn còn nguyên diện mạo. Nhiều cơ sở đã trùng tu tôn tạo phần cứng nhưng thiếu nội dung. Khi Trung ương cho lập lại Cố đô Huế thì Mộc bản ở Đà Lạt, Địa bạ ở TP HCM, Châu bản triều Nguyễn ở Hà Nội sẽ về Lầu tàng Thơ (Đã trung tu từ nhiều năm rồi). Hơn nữa việc trùng tu chưa cần phải thực hiện ngay. Và khi cần trùng tu thì cũng trùng tu dần dần chứ không cần phải làm ngay một lúc;
- Việc lập lại Cố đô Huế chắc chắn phải cần một số tiền lớn. Số tiền lớn đó có thể có được từ các nguồn:
- Xây dựng lại Cố đô của nước VN, chắc chắn Trung ương phải đầu tư một phần;
- Cố đô Huế có nhiều di sản được UNESCO công nhận, nay lập lại Cố đô Huế chắc chắn UNESCO sẽ vận động quốc tế tài trợ. Chính quyền Cố đô Huế cũng có thể trực tiếp xin các nước Pháp, Đức, Nhật, Hàn Quốc tài trợ. Và đây cũng là thời cơ tốt nhất để vận đông Hoa Kỳ bồi thường những hư hại do bom đạn Mỹ hủy diệt Thành phố Huế trong Tết Mậu thân 1968. (Trong thời gian diễn ra cuộc chiến Huế 1968, Tống thống Johnson ra lệnh cho quân đội Mỹ phá hủy Kinh thành Huế để tấn công quân đội Giải phóng. Ông hứa sau nầy Mỹ sẽ viện trợ xây dựng lại. Quân đội Mỹ đã thực hiện lệnh ấy. Kinh thành Huế đã tan nát nhưng từ đó đến nay Chính phủ Mỹ chưa thực hiện lời hứa của Tổng thông Johnson. Phải chăng đây là cơ hội tốt nhất để nhắc lại lời hứa đó với Mỹ?.
- Sau khi quy hoạch xong, các phần đất dành cho phát triển du lịch, phát triển văn hóa giáo dục Cố đô Huế có thể cho thuê, hoặc đổi đất lấy hạ tầng như nhiều nơi đã thực hiện thành công. Các di tích đang bị bỏ hoang xuống cấp, nếu được thiết kế trùng tu hoàn chỉnh (Ví dụ như Hồ Tịnh Tâm) các nhà đầu tư có thể bỏ vốn ra xây dựng đúng bản thiết kế. Họ cam kết khai thác một thời gian (thỏa thuận giữa nhà nước và nhà đầu tư) rồi giao lại cho Cố đô Huế. Trong xu thế hiện nay nhiều nhà đầu tư cũng có thể bỏ vốn xây dựng các di tích rồi giao lại cho Nhà nước chỉ với yêu cầu ghi tên họ trên bia đá dựng ở di tích mà thôi.
- Khi Cố đô Huế được xây dựng lại, bên cạnh Nhạc viện sẽ ra đời Bảo tàng Mỹ thuật Huế, Thư viện Cố đô Huế, Nhà hát nhạc kịch Cố đô, trùng tu Nhà thờ Hát Bội Thanh Bình Từ Đường, Bảo tàng Văn hóa Ẩm Thực Việt Nam (Hiệp hội Văn hóa Ẩm thực VN đã sẵn sàng).v.v. Tôi nghĩ khi Cố đô Huế thể hiện được đúng vai trò một trung tâm văn hóa tiêu biểu của nước VN, người giỏi, người giàu gốc Huế sẽ về lại Huế, nhiều nước sẽ đến đặt lãnh sự ở đây, thương hiệu Cố đô Huế sống lại làm giàu cho du lịch Việt Nam..
Tóm lại việc xây dựng phục hồi Cố đô Huế có giá trị về văn hóa kinh tế chính trị rất lớn, thương hiệu Cố đô Huế có tác dụng gấp nhiều lần so với Thành phố Huế trực thuộc Trung ương, không đòi hỏi nhiều tiền, dễ thực hiện, và có thể thực hiện được ngay. Vấn đề chỉ còn tùy thuộc vào Nghị Quyết của Bộ Chính trị và Nghi Quyết của Quốc hội. Khi được Trung ương cho Cố đô Huế một quy chế đặc biệt thích hợp với thực tế thì Cố đô Huế sẽ ra đời nhanh chóng như khi ra đời của Thành phố Đà Nẵng trước đây vậy.
Tham luận nầy chỉ là những gợi ý sơ lược. Phác thảo lần đầu nên không tránh được những bất cập, kính mong các bậc thức giả góp ý, bổ sung. Trân trọng cám ơn.
Huế, Ngày 20 tháng 02 năm 2020
Nguyễn Đắc Xuân
Địa chỉ: 3/7 Nguyễn Công Trứ, Huế - Đt 0914203944
E-mail: gacnhieuloc@gmail.com
Web: gactholoc.com và Web: cungdiendanduong.net
[1] Nguồn: Báo điện tử Chính phủ , ngày 23/09/2019, “Đô thị di sản Huế sẽ mở rộng gấp 5 lần” http://baochinhphu.vn/xa-hoi/do-thi-di-san-hue-se-mo-rong-gap-5-lan/375684.vgp
[2] Nguồn: Báo Công an TP Đà Nẵng, ngày 08/02/2020, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: TT-Huế cần phát huy tiềm năng và thế mạnh riêng
http://cadn.com.vn/news/102_219954_thu-tuong-nguyen-xuan-phuc-tt-hue-can-phat-huy-tiem-nang-va-the-manh-rieng.aspx