Nguồn tin “lịch sử” nào gây nên chuyện Công chúa Lê Ngọc Hân làm vợ hai kẻ cừu thù là vua Quang Trung và vua Gia Long?

Từ sau ngày Phong trào Tây Sơn bị diệt (1802), suốt thế kỷ 19, sử nhà Nguyễn chỉ có một vài lần nhắc đến chuyện tiếp tục trừ diệt hậu duệ của Phong trào Tây Sơn, ngoài ra không hề đề cập gì đến chuyện phải chuyện trái khác của Phong trào Tây Sơn nữa. Quan dân không ai dám hé môi. Mãi cho đến đầu thế kỷ 20, các vua cuối triều Nguyễn bất lực trước hoàn cảnh Việt Nam thuộc Pháp, chuyện cấm đoán của nhà Nguyễn đã bớt hiệu lực, các nhà nghiên cứu có Tây học bắt đầu đề cập đến vị trí quan trọng của Phong trào Tây Sơn trong lịch sử Việt Nam. Chuyện tình của Công chúa Ngọc Hân – Bắc cung Hoàng hậu của vua Quang Trung được ông Phạm Việt Thường – thư ký ở Tòa sứ  Pháp, viết trên Tập san Đô Thành Hiếu Cổ (Bulletin des Amis du Vieux Hué), số ra tháng 10 tháng 12 năm 1941, một bài mang tựa đề Les caprices du génie du mariage ou l’extreordinaire destinée de la Princess Ngọc Hân” (Những oái oăm của ông Tơ  bà Nguyệt  hay là số phận lạ lùng của Công chúa Ngọc Hân) (từ tr.369 đến tr.373). Bài viết có giá trị như một bút ký lịch sử rất sinh động. Bulletin des Amis du Vieux Hué (Đô Thành Hiếu Cổ) ra đời từ năm 1914, rất có uy tín, nên bài viết của ông Phạm Việt Thường được nhiều người tin. Đó là tin: Công chúa Ngọc Hân làm vợ hai ông vua cừu thù là Quang Trung và vua Gia Long. Công chúa Ngọc Hân có với vua Gia Long hai người con trai là Quảng Oai Quận công và Thường Tín Quận vương. Thông tin ấy đã được nhiều nhà nghiên cứu sử dụng suốt hơn nửa thế kỷ qua. Và, dĩ nhiên cũng đã có nhiều nhà nghiên cứu phản biện. Để tiếp cận với sự thật lịch sử chúng tôi chuyển ngữ nguyên văn bài viết của Phạm Việt Thường rồi bình luận để biết thực hư như thế nào và sẽ sao nguyên văn văn bản tiếng Pháp kèm theo ở cuối bài để cống hiến những bạn đọc không có sẵn Tập san Đô Thành Hiếu Cổ trong tay. 

Những oái oăm của ông Tơ bà Nguyệt hay là số phận lạ lùng của Công chúa Ngọc Hân

Những oái oăm của ông Tơ bà Nguyệt hay là số phận lạ lùng của Công chúa Ngọc Hân

(Les caprices du génie du mariage ou l’extreordinaire destinée de la Princess Ngọc Hân”[1]

Số đâu có số lạ lùng

Con vua lại lấy hai chồng là vua

Những khách du lịch đi thăm cố đô Huế có ngay ấn tượng về sự huy hoàng và buồn thảm của các công trình nghệ thuật. Những phủ đệ cũ kỹ, những đền đài với những bộ sườn bị mối mọt tường phủ đầy rêu rải rác đây đó ở nông thôn, trên những sườn đồi hay trong rừng thông là những dấu tích của một thời huy hoàng đã qua.

Ta vẫn còn nghe những tiếng vọng bí ẩn từ thời xa xưa trong chỗ sâu kín của những nhà cao sang bị sa sút trong đó có các phủ đệ kín đáo của Quảng Oai Quận Công và Thường Tín Quận Vương, nhắc nhở chúng ta tình nghĩa vợ chồng của công chúa Ngọc Hân đã lần lượt là vợ của hai vị đại anh hùng trong lịch sử Việt Nam: Nguyễn Huệ (Quang Trung) và Nguyễn Ánh (Gia Long) là hai kẻ thù sinh tử.

Sau khi đã đánh đuổi quân Xiêm ra khỏi Nam Kỳ, Nguyễn Huệ thực hiện một cuộc chiến không khoan nhượng, không ngơi nghỉ chống Nguyễn Ánh. Không thể chiến đấu với một địch thủ quá mạnh. Nguyễn Ánh tháo chạy sang Xiêm với ý đồ tái tổ chức quân đội (tr.369) và tiếp tục chiến đấu cho đến thắng lợi cuối cùng. Trong khi đó Nguyễn Huệ chinh phục hết tỉnh thành này đến tỉnh thành khác và sức mạnh và uy thế ngày càng được xác lập.

Dưới danh nghĩa phò Lê diệt Trịnh, Nguyễn Huệ và bộ tướng Nguyễn Hữu Chỉnh sau chiến thắng vang dội ở sông Vị Hoàng, tiến chiếm thành Sơn Nam và tiến vào kinh đô Thăng Long (Hà Nội).

Nguyễn Huệ yêu cầu yết kiến vua Lê Hiển Tông, mặc dù nhà vua đang ốm liệt giường cũng gượng dậy tiếp đón để biết được những ý định của Nguyễn Huệ. Trong buổi thiết triều, Nguyễn Huệ đoán chắc với nhà vua sự trung thành với vương triều và xác quyết ý muốn tiêu diệt họ Trịnh. Hài lòng với lời bày tỏ này, vua Lê Hiển Tông phong cho Nguyễn Huệ là Nguyên Soái Phụ Chính Dực Võ Uy Quốc Công và để đảm bảo lòng trung thành của Nguyễn Huệ vua gả con gái là Ngọc Hân cho Nguyễn Huệ.

Tướng quân Nguyễn Huệ, cương quyết và không thương tiếc ở chiến trường, cứng rắn và không khoan nhượng trong chỉ huy trở nên e thẹn, ngẩn ngơ trước sắc đẹp của người vợ mới. Nguyễn Huệ rất lấy làm sung sướng được phần thưởng là nàng công chúa lá ngọc cành vàng và tự cho mình là người đàn ông sung sướng nhất.

Trong khi ở Thăng Long người ta tổ chức đám cưới linh đình cho Nguyễn Huệ và Ngọc Hân công chúa thì dưới bầu trời Vọng Các Nguyễn Ánh vị chúa đào vong hướng cái nhìn buồn bã về phương Tây, tâm tư đầy hy vọng, ông đợi sự trở lại của giám mục Bá Đa Lộc và người con trai tên Cảnh trong sứ mạng sang Pháp.

Sau những chiến thắng liên tiếp, Nguyễn Huệ lên ngôi Hoàng Đế lấy niên hiệu Quang Trung. Công chúa Ngọc Hân trở thành Hoàng Hậu. Nhưng vinh quang và hạnh phúc không kéo được dài lâu vì triều đại Quang Trung khá ngắn ngủi. Vào năm Nhâm Tý (1792) nhà vua bị bệnh qua đời, Ngọc Hân trở nên góa bụa, ẩn mình trong cung cấm để khóc than cho người chồng quá cố và chôn vùi luôn nhan sắc của mình.

Nguyễn Quang Toản, con trai bà chánh thất của vua Quang Trung nối ngôi cha, với niên hiệu Cảnh Thịnh. Với lý do Cảnh Thịnh còn trẻ quyền lực của vương triều được giao phó cho các đại quan trong Hội đồng Nhiếp chính. Những người này chỉ tìm cách hãm hại lẫn nhau (tr.370) không màng gì đến công lý. Trong một triều đình ăn chơi, dân tình oán thán, từ đó dân gian có câu :

“Lạy trời cho cả gió Nồm

Cho thuyền chúa Nguyễn dong buồm thẳng ra”

Những người theo Tây Sơn, chính họ cũng chán nản sẵn sàng trở mặt ngay khi có cơ hội.

Biết tình hình này, Gia Long (Nguyễn Ánh thì đúng hơn.NĐX) tấn công Phú Xuân (Huế) (1801). Vua Cảnh Thịnh lúc này mới 19 tuổi tháo chạy ra Bắc. Kinh đô Thuận Hóa (Huế) thất thủ từ đó kéo theo sự sụp đổ  của triều đại Tây Sơn.

Thất bại của quân Tây Sơn và sự tháo chạy của Cảnh Thịnh như tin sét đánh với Ngọc Hân, bà có cảm giác như bị phó mặc cho chúa Nguyễn.

Một đêm, dưới ánh sáng nhạt nhòe của ngọn đèn, Ngọc Hân chợt thấy một người lực lưỡng, oai vệ tiến đến và chào bà.

Bà run sợ trước sự xuất hiện này và đánh liều hỏi:

- Tên giặc Nguyễn kia, ngươi muốn gì ở ta ?

- Không muốn gì, người đối thoại vui cười trả lời, đừng sợ. Giặc Nguyễn cũng là người, còn nhân ái hơn cả giặc Tây Sơn.

Và vì Ngọc Hân vẫn giữ sự im lặng, người này nói thêm:

- Dù chuyện gì xảy ra đi nữa lâu đài này vẫn thuộc về bà.

- Nhưng thưa ngài, nhà này không khác gì một nhà tù. Ngọc Hân trả lời. Và bà bắt đầu khóc. Trong đau khổ sắc đẹp của bà càng lộng lẫy hơn.

Tôn trọng sự đau khổ của bà, tên giặc vô danh nói vài câu an ủi và lui ra.

Sau một đêm mất ngủ, Ngọc Hân thức dậy, ủ rũ giữa những tiếng reo mừng của chim muông. Bà hình như còn nghe tiếng reo hò của những đội quân tấn công kinh thành. Bà mệt mỏi và không màng điểm trang. Thình lình bà thấy một người đàn ông mang những biểu hiện của hoàng gia. Bà biết là tên giặc vô danh hôm trước. Đây chính là Nguyễn Ánh.

Bà đứng dậy tạ lỗi về sự hiểu lầm của mình (Tr.371).

Gia Long (Nguyễn Ánh là đúng hơn. NĐX) cười và nói:

- Hôm nay bà dậy sớm nhỉ.

- Thưa Ngài, cả đêm tôi không ngủ được - Ngọc Hân trả lời.

- Bà là một Bà Hoàng can đảm. Bà biết cho là mặc dầu có những đổi thay nhưng giang sơn không thay đổi, hãy khuây khỏa, đừng đau khổ nữa. Những lâu đài này vẫn thuộc về bà.

- Thưa Ngài, tôi xin cảm ơn về những lời nói của Ngài nhưng... - và Ngọc Hân để cho câu nói nửa vời sụt sùi trong nước mắt khổ đau.

Một ngày trong buổi lễ thiết triều, vị đại thái giám Lê Văn Duyệt trình bày với Nguyễn Ánh những nhận xét sau đây:

Chúng ta đã chiến thắng, nhưng kẻ thù của chúng ta chưa bị đánh bại. Không thể chấp nhận được là Hoàng thượng lại bị người đàn bà ấy quyến rũ. Khi sự nghiệp theo đuổi bao nhiêu năm chưa hoàn thành. Xin Hoàng thượng thứ lỗi cho thần, mặc dù là người đàn bà ấy đẹp sắc nước hương trời cũng vẫn là người vợ của kẻ thù. Người đàn bà đẹp không thiếu, không thể để thanh danh hoen ố vì một người đàn bà. Xin Hoàng thượng nghĩ lại.

Nguyễn Ánh cười và bình tĩnh trả lời:

- Nhà ngươi nói có lý. Có rất nhiều đàn bà đẹp nhưng không có ai trong số họ làm cho ta hài lòng thì sao? Ngọc Hân là vợ của kẻ phản nghịch. Một cách gọi thật ác độc. Ngọc Hân là một người phụ nữ như bao phụ nữ khác, một phụ nữ xứng đáng được yêu thương và kính trọng và ta đoán chắc là không có một người thứ hai trong thế gian này. Sau khi biết bà ta rồi ta không muốn yêu thương bất cứ người phụ nữ nào khác nữa. Trong 24 năm chiến đấu, dù có lúc hiểm nguy, ta đã không một phút quên đi vai trò lãnh đạo của mình ta. Hôm nay người cứ nhớ rằng ta không vì một người đàn bà mà quên đi nhiệm vụ. Tình yêu là tình yêu và điều này không có điểm chung nào với mục đích cao cả mà ta theo đuổi cũng như ý chí của ta để đi đến mục đích này. Hậu thế sẽ không ai chê trách một ông vua có tình yêu, và chắc là các ngươi và triều thần cũng vậy.

Trước sự cương quyết của chúa Nguyễn, triều đình đành tuân theo và Ngọc Hân tìm được tình yêu mới quên đi quá khứ.

Vào năm 1802, Nguyễn Ánh lên ngôi Hoàng đế, lấy niên hiệu là Gia Long (Tr.372).

Sinh thời, vua Lê Hiển Tông đã đặt từ Trung Hoa gỗ đã gia công chạm khắc để xây dựng cung điện. Sau khi vua băng hà gỗ mới được chuyển qua, nhà cung ứng vận chuyển đến Huế. Để làm hài lòng Ngọc Hân, con vua Lê Hiển Tông, Gia Long đã chấp nhận số gỗ này và dùng để xây dựng trong hoàng thành một cung điện lớn, người ta nói hiện nay là điện Cần Chánh.

Ngày nay rất hiếm người qua lại điện thờ của Quảng Oai Quận Công và Thường Tín Quận Vương, những người con của Ngọc Hân và Gia Long lại không buông tiếng thở dài khi nhìn lại những phủ đệ đã đổ nát, dần dần biến mất./. (Tr.373).

Bình luận: Dưới mắt của giới sử học, bài viết của Phạm Việt Thường thiếu tư liệu tham khảo, thiếu dẫn chứng cho các sự kiện được nêu, nên chỉ được xem là một bút ký lịch sử, không có giá trị khoa học. Tuy nhiên đề tài của bài viết là chuyện tình của Công chúa Ngọc Hân đời Quang Trung nối tiếp với thời Nguyễn sơ rất hấp dẫn người đọc. Bài viết lại được đăng trên Tập san Đô Thành Hiếu Cổ (BAVH) có uy tín hàng đầu trong giới sử học xưa và nay nên bài viết được xem như một tài liệu lịch sử có giá trị. Thông tin trong bài viết đã gây nên nhiều sự hiểu lầm hơn nửa thế kỷ qua. Do đó muốn chấm dứt được sự hiểu lầm này, tôi phải xem bài viết ấy là một bài nghiên cứu lịch sử và phản biện theo phương pháp sử học.

Nhưng trước khi phản biện khoa học, tôi có mấy nhận xét với tư cách một người đọc:

- Năm 1801, Nguyễn Ánh chưa lên ngôi, nhưng nhiều lần Phạm Việt Thường viết Gia Long đã gặp Công chúa Ngọc Hân;

- Bài viết nói rõ bà Ngọc Hân làm vợ vua Gia Long sinh ra hai người con trai là Quảng Oai Quận Công và Thường Tín Quận Vương. Thế trước kia làm vợ vua Quang Trung suốt 6 năm trởi (1786-1792) bà không sinh được cho vua Quang Trung một người con nào sao?

- Vua Quang Trung qua đời năm 1792, từ đó cung điện trong thành Phú Xuân thuộc về Quang Toản. Đến năm 1801, trong cung điện thành Phú Xuân phải là nơi ở của vợ Quang Toản, làm sao bà Ngọc Hân là vợ vua Quang Trung đã qua đời trước đó gần chục năm làm sao bà có thể ở trong đó để Nguyễn Ánh đến gặp bà trong cung cấm ấy?

Chỉ cần đặt ra vài ba câu hỏi đó cũng đã chứng tỏ người đàn bà Nguyễn Ánh đến gặp trong cung cấm vừa lọt vào tay Nguyễn Ánh năm 1801 không phải là Công chúa Ngọc Hân – Hoàng hậu của vua Quang Trung.

Thế thì người đàn bà thân mẫu của hai ông hoàng Quảng Oai Quận Công và Thường Tín Quận Vương là ai, phần phản biện tiếp sau sẽ làm rõ.

  1. Phải chăng Công chúa Ngọc Hân đã làm vợ vua Gia Long? Xin đọc đoạn trích trong bộ sử chính thức của nhà Nguyễn - bộ Đại Nam thực lục Chính biên - sau đây:

Nhâm Dần, Thiệu Trị năm thứ 2 (1842), mùa Thu, tháng 7: “Tỉnh Bắc Ninh có dân xã Phù Ninh ngầm thờ ngụy quỷ. Việc bị phát giác. Vua sai hủy bỏ đền thờ.

(Nguyên người xã ấy là Nguyễn Thị Huyền, làm cung nhân của vua Lê Hiển Tông, có người con gái là Ngọc Hân (tr.183), sau gả cho ngụy (Nguyễn) Huệ sinh được 1 trai, 1 gái. Ngọc Hân chết, trai gái cũng chết non cả. Khoảng đầu năm Gia Long, ngụy Đô đốc tên là Hài ngầm đem hài cốt mẹ con Ngọc Hân từ Phú Xuân về táng trộm ở địa phận xã Phù Ninh. Thị Huyền ngầm xây mộ, dựng đền, khắc bia giả dối, đổi lại họ tên để làm mất dấu tích. Tới đây, việc ấy phát giác, vua sai hủy đền thờ, đào bỏ hài cốt kẻ ngụy đi)[2].

Vậy Ngọc Hân nào làm vợ vua Gia Long (theo Phạm Việt Thường) và Ngọc Hân nào theo sử nhà Nguyễn đã bị vua Thiệu Trị (cháu nội vua Gia Long) “sai hủy đền thờ, đào bỏ hài cốt” ném xuống sông? Không thể có chuyện vua Thiệu Trị cho đào mồ bà nội dì của mình đổ xuống sông. Cho nên không thể có chuyện Công chúa Ngọc Hân làm vợ vua Gia Long;

  1. Phạm Việt Thường viết Ngọc Hân làm vợ vua Gia Long sinh ra hai người con trai là Quảng Oai Quận Công và Thường Tín Quận Vương. Cũng trong sử nhà Nguyễn, bộ Đại Nam Liệt truyện Chính biên, sơ tập viết tiểu sử hai ông hoàng Quảng Oai và Thường Tín như sau:

Quảng Oai công tên là Quân. – Con thứ mười của Thế tổ, mẹ là Đức Phi họ Lê. Năm Gia Long thứ 16 phong là Quảng Oai công (do NĐX nhấn mạnh).

Ông lúc còn tuổi trẻ thích chơi đùa và sấc láo kiêu ngạo. Giáo đạo là Ngô Đình Giới dạy bảo đốc trách có phần nghiêm ngặt. Ông ghét lắm. Một hôm ông sai thằng nhỏ đầy tớ bắt con hà mô trói để ở sân, lấy roi đánh, bảo răng: “mày chớ khinh ta” (con hà mô tục gọi là con nhái, nhái với giái, tiếng miền trung giới nói là giái, tiếng gần như nhau cho nên lấy thế làm trò đùa). Buổi đầu năm Minh Mạng, vua cho Trần Đại  Nghĩa chuyên làm thầy giảng dạy, ban cho cái roi. Dụ rằng: em nhỏ tuổi của trẫm, sinh trưởng ở trong cung cấm, không dạy thì không nên người có đức được. Ngươi sớm hôm khéo dẫn bảo, có lỗi thì đánh chớ để cho kiêu lười thành tính. Lại sai Hàn lâm trực giảng là Nguyên Đăng Sĩ sung làm giảng quan ở phủ của ông.

Năm Minh Mạng thứ 10 (1829) là năm Kỷ Sửu mùa hạ, ông bị bệnh đậu chết, mới 21 tuổi. Vua nghỉ coi chầu ba ngày, cho tên thụy là Cung Trực. Sai Hoàng trưởng tử (tức Hiến tổ Chương hoàng đế) đến cho rượu, chi phát gấm vóc vải lụa và tiền của công, sai quan sửa việc tang. Ngày an táng sau quan đến tế một đàn. Ông không có con thừa tự.

Thường Tín công tên là Cự. – Con thứ 11 của Thế tổ, là em cùng mẹ với Quảng Oai công tên là Quân. Năm Gia Long thứ 16 phong là Trương Tín công. Buổi đầu năm Minh Mạng, coi việc thờ Long thành thái trưởng công chúa. Năm Tự Đức thứ 2, mùa hạ ông mất, thọ 40 tuổi, tên thụy là Ôn Tĩnh. Ông có 7 con trai, 11 con gái, con thứ ba là Thường Đổng, năm Tự Đức thứ 8 phong là Vĩnh Ân đình hầu; con thứ năm là Thường Lâu, năm ấy cho tước là Trợ quốc khanh”[3].

Bộ sử chính thức này của triều Nguyễn ghi rõ thân mẫu của hai ông hoàng Quảng Oai Công và Thường Tín Công con vua Gia Long là bà “Đức Phi họ Lêchứ không hề có tên Ngọc Hân. Không thể nhầm Đức Phi họ Lê với Lê Ngọc Hân được. Như vậy Phạm Việt Thường đã gán ghép Đức Phi họ Lê tức Lê Ngọc Hân một cách tùy tiện.

  1. Năm 1801 (năm Nguyễn Ánh trở lại Phú Xuân) Lê Ngọc Hân có còn trên cõi đời này để cho Nguyễn Ánh (sau lên ngôi là Gia Long) gặp và lấy làm vợ không?

Phan Huy Ích – nhà thơ, một trọng thần của triều Quang Trung và triều Cảnh Thịnh, khi Vũ Hoàng hậu Lê Ngọc Hân của vua Quang Trung qua đời, ông đã viết giúp 5 bài văn tế bằng chữ Nôm, có chú rõ là văn tế Vũ Hoàng Hậu lưu lại trong Dụ am văn tập. Bài thứ nhất soạn cho vua Cảnh Thịnh đứng tế ghi rõ: “Kỷ Mùi đông, nghĩ Ngự điện Vũ Hoàng hậu tang quốc âm văn” mùa đông năm Kỷ Mùi (1799) nghĩ đỡ nhà vua bài văn quốc âm để tế điện Vũ Hoàng-hậu”. Như thế Hoàng hậu Ngọc Hân đã qua đời năm Kỷ Mùi (1799), hai năm sau (1801) Nguyễn Ánh mới về Phú Xuân thì làm sao Nguyễn Ánh có thể gặp được bà Ngọc Hân? Chứng tỏ Phạm Việt Thường đã hư cấu chuyện vua Gia Long lấy bà Ngọc Hân làm vợ.

Phạm Việt Thường đã bịa đặt chuyện vua Gia Long lấy Ngọc Hân làm vợ. Tuy nhiên, hơn nửa thế kỷ qua có nhiều người tin đó là sự thực không chỉ vì thông tin của Phạm Việt Thường mà còn có nhiều nguyên nhân phụ khác nữa.

a) Mười lăm năm trước khi bài của Phạm Việt Thường xuất hiện trên BAVH thì trên Tạp chí Nam Phong [4] của đại học giả Phạm Quỳnh đã đăng bài khá dài “Ngọc Hân Công Chúa Dật Sự” (không có tên tác giả và xuất xứ) viết về tiểu sử bà Ngọc Hân. Bài viết dựa vào sách Hoàng Lê nhất thống chí nói về việc bà vâng lệnh vua cha Lê Hiển Tông kết duyên cùng Nguyễn Huệ và được phong làm Hữu cung hoàng hậu. Ở cuối bài viết tác giả có đoạn được Tạ Quang Phát dịch nghĩa sau đây:

Dòng dõi nhà Tây Sơn đều không còn sót một ai. Công chúa Ngọc Hân vì là con của vua Lê được khỏi nạn, năm ấy đã được 32 tuổi mà nét đẹp xinh về dung sắc của công chúa vẫn chưa hề suy giảm.

Vua Thế tổ bổn triều nhà Nguyễn (Gia Long) để yên công chúa Ngọc Hân ở một dịch đình (ngôi đền bên cạnh), cho người hầu hạ cung phụng. Bày tôi của vua Gia Long có người cho rằng công chúa Ngọc Hân là vật dư thừa của Tây Sơn mà can gián vua. Vua Gia Long bảo:

- “Lãnh thổ và nhân dân ngày nay không có một món gì là không phải vật thừa dư của Tây Sơn thì mới làm sao?”

Về sau vua Gia Long cho công chúa Ngọc Hân về Bắc theo quê quán của mẹ ở Bắc Ninh cho đến lúc lâm chung [5].      

Dật sự theo Hán Việt Tự Điển của Thiều Chửu “sách không thấy chép chỉ nghe thấy di truyền lại” (tr.668). Như thế dật sự đăng trên Tạp chí Nam Phong dẫn trên không phải là một tài liệu lịch sử, nó chỉ là một chuyện kể, một giai thoại (anecdote) không phải sự thật. Nhưng vì dật sự được đăng trên Tạp chí Nam Phong nên nhiều người xem như sự thật lịch sử và tin theo. Phần chính của bài viết của Phạm Việt Tuyền có lẽ đã phỏng theo dật sự này

--------------------

[1] BAVH, Oct-Nov/1941, tr.369 đến tr.373.

[2] Quốc sử quán Triều Nguyễn, Đại Nam thực lục chính biên, bản dịch, tập XIV, Nxb Khoa học, Hà Nội 1971, tr.183-184.

[3] Quốc sử quán Triều Nguyễn, Đại Nam Liệt truyện Chính biên, sơ tập, bản dịch của Viện Sử học, Tập II, Nxb Thuận Hóa, Huế 1993, tr.61-62.

[4] Tạp chí Nam Phong số 103, năm 1926, phần chữ Hán.

[5]  Tập san Sử Địa, số 13, SG tháng 10-12 năm 1969, tr. 126-127.

Trang đầu Ngọc Hân Công Chúa Dật Sự (Nam Phong số 103)

Trang đầu Ngọc Hân Công Chúa Dật Sự (Nam Phong số 103)

 b) Cách viết tên mẹ của các hoàng tử, các công chúa của các sử gia triều Nguyễn chỉ viết cấp bậc [6] và họ của các bà chứ tránh viết tên thật. Do đó tên bà mẹ hai ông hoàng Quảng Oai và Thường Tín chỉ ghi Đức Phi họ Lê. Chính vị nguyên tắc “tránh viết tên thật” ấy mà người ta đã tự hiểu theo cách nghĩ của họ. Ngay cả người trong Hoàng tộc cũng đã tưởng như thế và viết sai như thế.

Trong một bài viết có tựa đề “Công chúa Đông Đô, Hoàng hậu Phú Xuân nàng là ai?” Minh Vũ Hồ Văn Châm cho biết:

“Ðó là cuốn Hoàng Triều Ngọc Phả, bản quốc ngữ, do Tôn Nhân Phủ biên soạn và ấn hành dưới triều vua Thành Thái. Trong cuốn sách này, ở các chương nói về Quảng Oai công và Thường Tín Quận vương con vua Gia Long, rõ ràng mẹ đẻ của ngài được ghi là Công chúa Lê Ngọc Hân, con vua Hiển Tông nhà Hậu Lê. Thật là rõ ràng và chính xác như một cộng một là hai, như hai cộng hai là bốn, không còn bàn cãi gì nữa cả. Người viết (tức Minh Vũ) đã chính mắt được đọc những dòng chữ đó vào năm 1988 tại nhà nhạc phụ, sách do ông Tôn Thất Yên đưa cho mượn. Ông Tôn Thất Yên lúc bấy giờ là người được hội đồng Nguyễn Phước tộc ủy thác điều hành công việc thường ngày của Hội đồng Nguyễn Phước tộc ở Sài gòn, và được hội Trung Việt Ái hữu ủy thác trông nom quản lý nghĩa trang Gò Dưa, Thủ đức”. [7]                    

Ngọc Phả viết dưới triều Thành Thái (1889-1907) mà còn nhầm đến như vậy trách gì ông Phạm Việt Thường thuộc bá tánh viết báo gần cuối triều Nguyễn (1941)!

Đầu những năm chín mươi của thế kỷ 20, Hội đồng Trị sự Nguyễn Phúc tộc, biên soạn Nguyễn Phúc tộc thế phả đã sửa những sai lầm của người xưa. Người vợ thứ ba của vua Gia Long (sau hai bà Thừa Thiên Cao Hoàng hậu và Thuận Thiên Cao Hoàng hậu) là bà Đức Phi Lê Thị Bình, được Thế phả viết như sau:

Bà người Lam Sơn (Thoại Nguyên, Thanh Hóa), là con gái út của vua Lê Hiển Tông, em gái của Ngọc Hân công chúa, mẹ không rõ. Bà sinh ngày 12 tháng 12 năm Giáp thìn (22-1-1785).

Năm Nhâm tuất (1802) bà vào hầu Thế Tổ, chẳng bao lâu được phong là Tả cung tần.

Bà mất ngày 2 tháng 9 năm Canh ngọ (10-10-1810). Tặng là Đức Phi, Thụy là Cung Thận, Tẩm ở làng Trúc Lâm (Thừa Thiên), nhà thờ ở Kim Long (Thừa Thiên) sau dời qua làng Phú Xuân. Hiện nay (1995) bà được thờ tại nhà thờ phòng Thường Tín.

Bà sinh được hai hoàng tử và hai hoàng nữ. Trưởng nam là Quảng Oai công Nguyễn Phúc Quân, con thứ là Thường Tín Công Nguyễn Phúc Cự, trưởng nữ là An Nghĩa Công Chúa Ngọc Ngôn, thứ nữ là Mỹ Khê Công Chúa Ngọc Khuê[8].

Như vậy chuyện bà Công chúa con út vua Lê Hiển Tông Lê Ngọc Bình là thân mẫu của hai ông hoàng Quảng Oai và Thường Tín. Tài liệu lịch sử đã giải cái oan cho Công chúa Ngọc Hân “Con vua mà lấy hai chồng làm vua”.

Còn chuyện bà Ngọc Bình là vợ cũ của Quang Toản, bà được đưa vào hầu vua Gia Long trong trường hợp nào, không thuộc phạm vi bài phản biện này.

Qua bài viết người đọc thấy Phạm Việt Thường đã sử dụng cuộc đời đẹp đẽ của Công chúa Ngọc Hân làm nền tôn cái ý chí, cái lý tưởng, cái nhân hậu của Nguyễn Ánh - Gia Long lên một cách phi lịch sử. Bài viết ấy vô tình đã làm mất uy tín Tập san Đô thành Hiếu cổ. Nghiên cứu và sử dụng thông tin trong bộ Tập san Đô thành Hiếu cổ không thể không tiếc cho tập san đã có một bài viết bịa đặt một cách thiếu đạo đức như thế./.                  

                                               Gác Thọ Lộc, cuối năm 2013

---------------

[6] Như Thuận phi, Thiện phi, Nhã phi. Cung phi, Cần phi, Chiêu phi. Khiêm tần, Thận tần, Nhân tần, Thái tần, Khoan tần, Giai tần, Tuệ tần, Gián tần, Giản tần. Tĩnh tần, Cẩn tần, Tín tần, Uyển tần, Tiệp dư, Quý nhân. Mỹ nhân.

[7] http://chimvie3.free.fr/22/hvcs050.htm.

[8] Hội đồng Trị sự Nguyễn Phúc tộc, Nguyễn Phúc Tộc Thế Phả, Nxb Thuận Hoá, 1995, tr.222.

Bình luận


Chưa có bình luận!


Bài viết trước đó
Bài viết kế tiếp

Trở lại đầu trang