Tái hiện chân thực lịch sử để có bản sắc riêng

Ở Việt Nam bây giờ, mỗi năm có hàng mấy chục lễ hội, festival mang màu sắc truyền thống diễn ra trên khắp ba miền đất nước. Dù lễ hội có sự tích lịch sử từ đời các vua Hùng cho đến những chuyện mới xảy ra cách đây vài trăm năm, ở đâu cũng thấy áo rộng khăn vành, khăn đóng áo dài, đủ màu đủ sắc; xanh, đỏ, vàng, tím, trắng đen loạn xạ. Người xem muốn tìm dấu tích lịch sử, bản sắc của từng lễ hội, từng festival truyền thống rất khó. Bởi thế tính hấp dẫn của các lễ hội, festival truyền thống mất dần. Trước thực trạng như thế cho nên khi được mời tham gia ý kiến với cuộc Tái hiện lễ đăng quang của vua Quang Trung trong festival Huế 2008, tôi rất lo.
Lễ đăng quang của vua Quang Trung là dấu ấn của thời đại Tây Sơn “áo vải, cờ đào” chứ không phải của vua Lê Thái Tổ trước đó hoặc của các vua Nguyễn Thái Tổ, Nguyễn Thánh Tổ sau này. Lễ chỉ diễn ra có một lần, gắn liền với chiến thắng 29 vạn quân Thanh, mang dấu ấn lịch sử rất rõ. Tái hiện cái dấu ấn lễ đăng quang của vua Quang Trung ở Phú Xuân (cuối năm 1788) phải có sự gia công của các nhà nghiên cứu lịch sử, nghiên cứu văn hóa truyền thống, chứ không phải sản phẩm của sự tưởng tượng sáng tạo của đạo diễn. Các nhà nghiên cứu thường phải căn cứ trên sử liệu. Nhưng sử liệu cũng như những gì có liên quan đến thời Tây Sơn, Nguyễn Huệ/ Quang Trung đều đã bị triều Nguyễn “tận pháp trừng tri” hủy diệt hêt. Vì thế, để có thể đi đến cái dấu ấn Quang Trung, theo tôi có ba cách tiếp cận: một là loại bỏ những gì có thể xác định được là chúng ra đời sau thời Quang Trung; hai là nghiên cứu chính con người và quân đội thời Quang Trung; ba là tìm các nhân chứng cùng thời.

Festival Huế 2008 Tái hiện lễ lên ngôi của hoàng đế Quang Trung (Ảnh: VnExpress)

1. Loại bỏ
Trong các lễ hội Tây Sơn Quang Trung (ở Bình Định, Huế, Hà Nội) ta thường thấy đàn ông mặc áo dài khăn đóng, đàn bà con gái mặc áo rộng khăn vành. Cái áo dài của đàn ông từ thời Nguyễn Phúc Hoạt/Khoát (1738-1765) cho đến nay (2008) đã được cải tiến nhiều lần nhưng dù sao nó cũng không xa với cái gốc lắm. Cái áo rộng của phụ nữ thì nó không phát triển từ cái áo dài của phụ nữ Việt Nam mà thực chất là áo của các bà Công Chúa, các mệnh phụ Tàu mới du nhập vào Việt Nam từ thời Tự Đức. Cái khăn vành của phụ nữ mới xuất hiện từ thời vua Bảo Đại cưới Hoàng hậu Nam Phương (1934). Cái khăn vành ấy chỉ dành cho Hoàng hậu Nam Phương mà thôi. Cái khăn đóng của đàn ông là sản phẩm xuất hiện dưới thời vua Khải Định. Tất cả hình ảnh quan lại, đàn ông Việt Nam, phụ nữ Việt Nam chụp trước thời Khải Định (1916-1925) còn lưu lại đến ngày nay không hề thấy có một cái khăn đóng, cái khăn vành nào cả. Từ thời Khải Định ngược về trước ông bà ta - quan cũng như dân, nam cũng như nữ - đều quấn khăn . Tùy theo địa vị xã hội, tuổi tác và hoàn cảnh mà sử dụng màu trắng, đen, xanh, nâu, đỏ… Vua Hàm Nghi bị lưu đày ở xứ người suốt 55 năm (1889-1944), cho đến lúc vĩnh biệt cuộc đời (14-1-1944) trên đầu vẫn không rời một cái khăn.
Ngay cả cụ Tôn Thất Hân - Phụ chánh thân thần triều Bảo Đại vẫn không dùng khăn đóng mà dùng khăn và tự chít lấy.
Như vậy không nên đưa bất cứ một hình ảnh áo rộng khăn vành, khăn đóng nào vào lễ đăng quang của vua Quang Trung.
2. Nghiên cứu con người và quân đội thời Quang Trung
Chúng ta biết quân đội của vua Quang Trung xuất thân từ vùng núi An Khê, Bình Định. Trong lễ đăng quang của vua Quang Trung trước khi xuất quân đi đánh quân Thanh không thể thiếu mặt ba tộc người Thượng, Chiêm, Kinh. Lâu nay trong các lễ hội Tây Sơn/ Quang Trung ta ít thấy có bóng dáng người Thượng và người Chiêm. Trong ba tộc người đó cách ăn mặc của người Thượng ít thay đổi nhất, sau đó đến người Chiêm. Chỉ có người Kinh thay đổi cách ăn mặc nhiều nhất. Một đặc điểm khác, đội quân của Nguyễn Huệ/ Quang Trung là đội “quân nhân dân”, chắc chắn chưa có đồng phục như quân nhà Nguyễn sau này. Bản thân vua Quang Trung cũng chỉ “áo vải, cờ đào”. Ngoài các đơn vị chính quy sử dụng súng, hỏa hổ, đại bác (1), tượng binh, chắc chắn đa số quân đội Quang Trung có gì mặc nấy. Chỉ khác thường dân ở chỗ có trang bị vũ khí như gươm, giáo, mác mà thôi. Nếu muốn sát với lịch sử hơn, ta còn có thể thêm hình ảnh của lực lượng “Phỉ” người Tàu và người Minh hương đã đi theo Phong trào Tây Sơn. Tái hiện được cách ăn mặc của đội quân Quang Trung gồm có 4 sắc dân Kinh, Thượng, Chiêm, “Phỉ” Tàu sẽ khắc sâu được dấu ấn của lễ đăng quang của vua Quang Trung.
3. Tìm nhân chứng của người đương thời
Như trên đã viết, toàn bộ tư liệu có liên quan đến thời Tây Sơn/ Quang Trung đã bị nhà Nguyễn “tận pháp tiêu hủy”. Nhưng nếu còn thì cũng chỉ còn trên chữ nghĩa chứ khó có hình vẽ. Nhưng may mắn, có một “kênh” tư liệu và hình vẽ có liên quan đến Tây Sơn/Quang Trung nằm ngoài tầm kiểm soát của nhà Nguyễn. Đó là nguồn thông tin tư liệu của các vị Thừa sai Thiên chúa giáo, các nhà buôn đi tìm thị trường, các nhà ngoại giao phương Tây đã đến xứ Đàng Trong trước thế kỷ XIX. Một trong số người đó là John Barrow (1764-1848) - đại sứ đầu tiên của Anh quốc tại Trung Quốc. Ông John Barrow biết tiếng Trung Quốc, đã đến Đàng Trong vào cuối đời Quang Trung - đầu đời Cảnh Thịnh(1792-1793). Ông đã ghi lại những điều mắt thấy tai nghe trong bút ký Cuộc du hành đến xứ Đàng Trong vào các năm 1792-1793 (A Voyage to Cochinchine in the years 1792 and 1793) xuất bản ở Luân Đôn năm 1806. Trong cuốn sách hiếm hoi này được minh họa bởi 6 bức tranh màu nước do họa sĩ William Alexander thực hiện vào năm 1793. Tuy nét vẽ hơi Tây nhưng cũng phản ánh được bóng dáng con người và các sinh hoạt xã hội thời Quang Trung - Cảnh Thịnh như cảnh một nhóm dân xứ Đàng Trong, một người lính xứ Đàng Trong, thuyền bè xứ Đàng Trong trên sông Faifo, cảnh dân chúng xem biểu diễn tuồng, lễ dâng cúng hoa quả cho Phật, một người đàn bà Thượng du tay bế con, đầu đội nước. Tôi xin trích dẫn 3 tranh sau đây:
Quan sát kỹ ba bức tranh này ta có thể tưởng tượng được hình ảnh dân chúng và binh lính thời Tây Sơn/ Quang Trung như thế nào. Người lính đội khăn, mặc áo lưng lửng, gài nút một bên, quần lưng lửng, đi chân đất. Một người lính Chiêm. Người đàn bà ôm con đội nước bên suối là một người Thượng sống ở Đà Nẵng. Trong lễ đăng quang của vua Quang Trung không thể thiếu những hình ảnh ấy.
Với tư cách cố vấn lịch sử cho lễ Tái hiện lễ đăng quang của vua Quang Trung, tôi đã chuyển những ý tưởng trên đến nghệ sĩ Nguyễn Quốc Hưng - đạo diễn cuộc lễ quan trọng vừa nêu. Và được đạo diễn hết sức hoan nghênh. Cuộc lễ tái hiện có tạo được dấu ấn lịch sử hay không còn tùy thuộc vào nhiều yếu tố khác nữa như khung cảnh, vũ khí, âm nhạc... Tuy nhiên phục trang của đội “quân nhân dân” bách chiến bách thắng của vua Quang Trung có thể nói là quan trọng hàng đầu. Đây là một việc nghiên cứu công phu lâu dài, không thể muốn là có thể thực hiện được ngay. Tổ chức tái hiện một vài lần rồi sẽ bổ sung hoàn chỉnh dần dần. Và khi cuộc lễ đăng quang được hoàn chỉnh thì sẽ đóng góp vào văn hóa dân tộc một cuộc lễ có ý nghĩa lịch sử với bản sắc riêng và không thể trùng lặp với bất cứ cuộc lễ nào khác của dân tộc Việt.

Nguyễn Đắc Xuân

Huế, cuối tháng 4-2008


1. Phần lớn các loại vũ khí này là chiến lợi phẩm trong các trận chiến thắng quân Xiêm ở Rạch Gầm - Xoài Mút, ở Nam Bộ, ở Phú Xuân và ở cả Thăng Long.

 

 

Bình luận


Chưa có bình luận!


Bài viết trước đó
Bài viết kế tiếp

Trở lại đầu trang