Nếu tỉnh Thừa Thiên Huế không ngừng xây dựng ba bãi đỗ xe trên, không trả lại cảnh quan vốn có của ba ngôi lăng vô giá vừa nêu thì sẽ không thể bảo vệ được trong hồ sơ tái đề cử Quần thể Di tích Huế với tiêu chí mới là Di sản Cảnh quan Văn hóa Thế giới sắp tới. Để cứu vãn Di tích Cố đô Huế hiện nay tôi kính mong Hội thảo hôm nay có ý kiến dứt khoát về vấn đề nầy.
“Hội nghị tham vấn chuyên gia về tình hình thực hiện chính sách, pháp luật về bảo vệ, phát huy giá trị di sản văn hóa Huế” Huế 30-3-2018
Đây là một vấn đề quá cũ. Nhưng cái cũ ấy không đứng yên một chỗ, nhất là sau ngày Việt Nam đi vào kinh tế thị trường, hội nhập quốc tế nó luôn luôn mới nên phải bắt đầu trở lại. Thực hiện công việc nầy là chức năng của Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế (TTBT). Tuy nhiên tôi là tác giả của hàng chục cuốn sách về triều Nguyễn và Huế xưa, từng là một thành viên trong Hội đồng Khoa học Nghệ thuật của TTBT, một người gần 40 năm qua đã bao lần khóc cười với công việc - “Bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa Cố đô Huế”. Hôm nay tôi rất hân hạnh được Ban tổ chức “Hội nghị tham vấn chuyên gia về tình hình thực hiện chính sách, pháp luật về bảo vệ, phát huy giá trị di sản văn hóa Huế” của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội mời phát biểu ý kiến với Hội nghị. Tôi xin phát biểu 5 ý kiến sau đây:
1. Di sản Văn hóa Cố đô Huế;
2. Việc bảo vệ và phát huy;
3. Thực trạng hiện nay;
4. Kiến nghị, đề xuất về mặt chính sách;
5. Một vài việc đáng quan tâm.
I. Di sản Văn hóa Cố đô Huế.
Theo lịch sử Thuận Hóa - Phú Xuân - Huế là Thủ phủ xứ Đàng Trong (1635-1774), Kinh đô Phú Xuân thời Quang Trung (1788 - 1792), Kinh đô của nước Việt Nam thời Nguyễn (1802-1945).
- Di sản Văn hóa Cố đô, vật chất và phi vật chất Thời các chúa Nguyễn, thời Quang Trung và quan trọng nhất là thời 13 đời vua Nguyễn.
Vật chất: Gồm di tích lịch sử lăng mộ các chúa Nguyễn, các quốc tự (Thiên Mụ, Túy Vân), Di tích thời Quang Trung (Dấu tích Cung điện Đan Dương-sơn lăng của Hoàng đế Quang Trung), Thành quách cung điện Hoàng thành, cung An Định, Hồ Tĩnh Tâm, đàn Nam Giao, đàn Xã Tắc, lăng mộ các vua Nguyễn và gia đình, Văn Thánh, Võ Thánh, Quốc Tử Giám, Trấn Bình Đài (Mang Cá), Trấn Hải Thành (Thuận An) và hàng chục lăng mộ và Phủ, Phòng của các ông hoàng, bà chúa danh nhân văn hóa dân tộc như phủ phòng lăng mộ Tùng Thiện Vương, Tuy Lý Vương, Diên Phước Công chúa (chị vua Tự Đức), Ngọc Sơn Công chúa (con gái vua Đồng Khánh).v.v.
Phi vật chất: Đã có 4 Di sản được UNESCO công nhận là di sản phi vật chất của nhân loại gồm: Nhã nhạc, Mộc bản (bản khắc gỗ để in ấn các tác phẩm của triều đại), Châu bản (các văn bản của triều đình đã được nhà vua xem qua và phê lên bằng mực son), Thơ văn được chạm khắc, khảm cẩn, tráng men trên hệ thống kiến trúc cung đình tại Huế. Hàng ngàn cổ vật vô giá trong Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế. Và còn nhiều di sản phi vật chất của Triều Nguyễn đã biết nhưng chưa lập hồ sơ để đệ trình xin công nhận là di sản văn hóa quốc gia hay quốc tế như: Sử sách thơ văn của Triều Nguyễn, Ẩm thực Cung đình Triều Nguyễn, Lễ phục và Thường phục Triều Nguyễn .v.v.
II. Việc bảo vệ và phát huy.
Đây là lãnh vực thuộc chức năng của TTBT, tôi chỉ xin trình bày dưới góc nhìn phản biện dưới đây.
III. Thực trạng hiện nay:
Cần phải có một cuộc khảo sát quy mô mới có kết luận được. Tôi chỉ đề cập đến một số nét khái quát dưới góc nhìn phản biện mà thôi:
3.1. Về quản lý: Quản lý Di sản không thống nhất: Di sản của Cố đô Huế mà Mộc bản còn lưu giữ ở Đà Lạt, Châu Bản lưu giữ ở Hà Nội, Quốc Tử Giám sử dụng làm Bảo tàng Lịch sử Cách mạng TTH .v.v.
3.2. Trùng tu bảo vệ cái xác mà thiếu cái hồn. Nói cách khác mấy mươi năm qua mới trùng tu, bảo vệ cái vỏ chứ thiếu nhiều cái ruột, thiếu nhiều cái hồn của di tích nên thiếu hấp dẫn. Ví dụ như Cung An Định, lầu Tứ Phương Vô Sự, Lầu Tàng Thơ (Thư) .v.v.
3.3. Trùng tu tôn tạo những nơi có thể bán vé tham quan (cửa Ngọ Môn, Thái Miếu, lăng Tự Đức .v.v.) còn những di tích khác dù rất quan trọng nhưng chưa quan tâm như lăng mộ các chúa sau chúa Nguyễn Hoàng, Phủ Dương Xuân thời các chúa Nguyễn, Hồ Tĩnh Tâm;
3.4. Khai thác kinh tế uy hiếp di tích. Di tích phải phục vụ du lịch, phục vụ khách tham quan, phải có nơi cho khách nghỉ chân, giải khát. Nhưng không được sử dụng không gian di tích làm nhà hàng, quán nhậu phục vụ bá tánh, những người đến đây không có mục địch tham quan. Xin dẫn chứng một vài nơi dư luận báo chí đã lên tiếng phản đối lâu nay.
3.4.1- Quán cà phê trên Lầu Tứ Phương Vô Sự phía sau Hoàng Thành.
3.4.2.- Sân vườn Nhà lưu niệm Đoan Huy Hoàng Thái Hậu (145 Phan Đình Phùng) lúc đầu được phép mở một quán cà phê nho nhỏ bên phải nhà Lưu niệm, về sau chủ đầu tư tổ chức thành Coffee and Restaurant Dấu Xưa ngay trong Nhà Lưu niệm. Bị dư luận phê phán, chủ đầu tư phải thay đổi. Nay toàn bộ khu vườn chung quanh Nhà Lưu niệm bị sử dụng làm một tiệm cà phê giải khát thời thượng. Không mấy ai còn biết đây là nhà lưu niệm của bà Hoàng Thái Hậu cuối cùng thời Quân chủ VN nữa.
3.5. Tai hại nhất là xây dựng các bãi đỗ xe phục vụ du lịch trên đất di tích, trong khu vực bảo vệ di tích.
3.5.1. Xây dựng bãi đỗ xe trong khu vực bảo vệ di tích Lăng Minh Mạng. Vi phạm Điều 32 Luật Di sản Văn hóa năm 2001 được sửa đổi bổ sung năm 2009.
3.5.2. Xây dựng bãi đỗ xe trên 17.000 m2 trong khu vực bảo vệ lăng Tự Đức, phá vỡ cảnh quan khu sườn đồi Vọng Cảnh - lăng Tự Đức. Trong lúc chuẩn bị mặt bằng, chủ đầu tư là Công ty TNHH Dịch vụ và Thương mại Chuỗi Giá Trị đã san ủi lăng mộ bà tài nhân họ Lê, vợ vua Tự Đức gây nên sự phẫn nộ của dư luận, đặc biệt của bà con dòng họ Nguyễn Phúc tộc. Cho đến nay vẫn chưa giải quyết xong.
3.5.3. Xây dựng bãi đỗ xe trên khu đất lưu đức 5000m2 ngay bên trái trước lăng Khải Định.
Xây dựng bãi đỗ xe trên khu đất lưu đức bên trái trước lăng Khải Định TTBT đã vi phạm Điều 32 Luật Di sản Văn hóa năm 2001 được sửa đổi bổ sung năm 2009 và Khoản 1 Mục B Điều 4 & Khoản C Điều 14 Nghị định 98/2010/NĐ-CP ngày 21 Tháng 9 năm 2010;
Để thực hiện đề án xây dựng bãi đỗ xe lăng Khải Định, TS Phan Thanh Hải – Giám đốc TTBT đã trình bày với Hội đồng Nhân dân tỉnh TTH và báo chí rằng việc xây dựng bãi đỗ xe lăng Khải Định (tại địa điểm nầy) đã được Thủ tướng và Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch cho phép. Nhưng nhiều lần tôi đề nghị công bố hai văn bản của Thủ tướng và Bộ Văn hóa, TS Phan Thanh Hải né tránh không công bố. Chủ đầu tư xây dựng bãi đỗ xe lăng Khải Định đã lừa Hội đồng Nhân dân TTH và báo chí về thủ tục từ sáu tháng nay chăng?
Nếu bãi đỗ xe vi phạm di tích, phá vỡ cảnh quan môi trường lăng Khải Định nêu trên không bị xử lý sẽ không thể giấu được trong hồ sơ xin tái đề cử Quần thể Di tích Huế với tiêu chí mới là Di sản Cảnh quan Văn hóa Thế giới sắp tới.
IV. Kiến nghị, đề xuất về mặt chính sách.
Cố đô Huế là một trung tâm văn hóa du lịch quốc gia. Du lịch là thế mạnh hàng đầu về kinh tế của tỉnh TTH. Trong xu thế hội nhập quốc tế hiện nay, việc phát triển du lịch ngày càng diễn ra mạnh mẽ. Vì thế việc quy hoạch văn hóa du lịch trên địa bàn tỉnh TTH phải đặt lên hàng đầu. Những sai phạm xây dựng vừa qua (ba bãi đỗ xe ở ba lăng Minh Mạng, Tự Đức, Khải Định) là do thiếu quy hoạch. Nếu không có quy hoạch, các nhóm lợi ích bắt tay với bọn tiêu cực trong các cơ quan di sản văn hóa cấp trên tiếp tục xây dựng theo ý họ thì “Huế bài thơ đô thị tuyệt tác” theo đánh giá của UNESCO không sớm thì muộn cũng sẽ trở thành “Bài thơ tự sát”.
“Bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa Cố đô Huế” là một công tác chuyên sâu phải uyên thâm giá trị di tích, có trình độ về trùng tu tôn tạo, nắm vững luật di sản văn hóa để bảo vệ di tích nên tuyển chọn cán bộ lãnh đạo và quản lý di tích chủ chốt, cán bộ nghiên cứu phải có tâm, có tầm, ít nhất phải có những tiêu chí trên. Mấy chục năm qua nhiều vị lãnh đạo, nhiều người tay ngang được “tuyển” vào phòng Nghiên cứu của TTBT không có những tiêu chí trên nên việc bảo vệ và phát huy giá trị di tích Cố đô Huế đã mắc phải nhiều sai lầm, nhiều giá trị của di tích không được phát huy.
Luật Di sản Văn hóa quy định các vùng bảo vệ di tích rất chặt chẽ, phải đóng mốc, vẽ bản đồ treo tại chỗ, trong các vùng bảo vệ I và II được làm gì và cấm làm gì. Nhưng TTBT đã rất lõng lẽo trong công việc nầy và chính TTBT đã vi phạm các vùng bảo vệ các lăng. Đặc biệt là lăng Khải Định. Đề nghị Nhà nước phải có quy chế giám sát việc bảo vệ di tích Cố đô Huế.
Lực lượng giám sát và tuyên truyền cho di tích tốt nhất là dân, trong đó có báo chí. Vì thế mọi hoạt động có liên quan đến di tích Cố đô Huế trong tầm nhìn của dân phải công khai minh bạch. Để cho dân thực hiện tốt nhiệm vụ làm chủ của mình Nhà nước phải giúp cho dân nắm rõ Luật Di Sản Văn Hóa. Hiện nay nhiều cán bộ công tác lịch sử văn hóa cũng chưa hề biết có luật nầy.
Để khuyến khích người dân tham gia bảo vệ và phát huy giá trị các di sản văn hóa Cố đô Nhà nước phải có chính sách phạt nặng những người vi phạm di tích và khen thưởng những cá nhân tập thể đã tham gia bảo vệ và phát huy giá trị di tích tốt.
V. Một vài việc đáng quan tâm.
*Hội đồng tham vấn về lịch sử văn hóa du lịch. Trong cơ chế hiện nay, tất cả mọi hoạt động xã hội đều dưới sự lãnh đạo của Đảng. Sự lãnh đạo đó luôn thay đổi theo nhiệm kỳ. Sự thay đổi theo nhiệm kỳ đó có tác động rất lớn đến ngành văn hóa – một ngành đòi hỏi sự bền vững thâm sâu. Nhiều đồng chí được phân công lãnh đạo di sản văn hóa nhưng chưa hề chuyên sâu về lịch sử văn hóa. Để giữ được sự chuyên sâu và bền vững về văn hóa tôi đề nghị ở những Trung tâm văn hóa quốc gia nên có một Hội đồng tham vấn gồm những chuyên gia tâm huyết hàng đầu ở địa phương về lịch sử văn hóa nghệ thuật du lịch để cho lãnh đạo tham vấn và giúp phản biện những đề án về xây dựng phát triển văn hóa lịch sử du lịch của chính quyền. Ở Hàn Quốc Hội đồng nầy do nhân dân tự nguyện lập nên và hoạt động có kết quả rất tốt. Không có bất cứ một công trình nào trên đất Hàn không hợp lòng dân, không phát huy được giá trị của công trình. Ở Huế, nên lập Hội đồng nầy, Hội đồng tự kết nạp thành viên theo quy định của họ và thay thế khi có thành viên hết tuổi hoạt động. Hội đồng là một thành viên của UBMTTQVN tỉnh TTH.
*Làm rõ nội dung phát huy giá trị di tích. Lâu nay TTBT tập trung bảo tồn di tích còn lại sau chiến tranh, trùng tu phục hồi một số di tích đã bị hư hại nặng do chiến tranh và khí hậu (lầu Tứ Phương Vô Sự, lầu Tàng Thơ (Thư), lăng Gia Long .v.v.) ít quan tâm đến việc phát huy giá trị DSVH Cung đình Huế (như Cung An Định, đàn Nam Giao, đàn Xã Tắc v.v.) hay có chỗ quan niệm phát huy sai gây nên hậu quả nghiêm trọng (xây dựng bãi đỗ xe ở khu đất lưu đức lăng Khải Định). Vì thế phải có những văn bản quy định rõ việc phát huy giá trị các di tích như thế nào. Phát huy về nội dung di tích (nghiên cứu và trưng bày rõ giá trị về các mặt lịch sử, văn hóa, kiến trúc) quảng bá nội dung đó bằng nhiều hình thức sách, phim ảnh, các tập gấp, đĩa DVD v.v.để giáo dục quần chúng và gây sự hấp dẫn đối với khách tham quan. Khi di tích được khách du lịch thích đến enjoy thì về mặt kinh tế mới phát huy được tốt chứ không phải phát huy giá trị di tích đang có bằng cách xây dựng nhiều bãi đỗ xe sát cạnh các lăng, sát cạnh các di tích như hiện nay.
*Châu về hợp phố. Do chiến tranh và do việc quản lý sau ngày hòa bình lập lại chưa hoàn chỉnh nên những di sản của Cố đô Huế bị dời ra khỏi Huế như Mộc Bản lên Đà Lạt, Châu Bản triều Nguyễn ra Hà Nội, Hiện nay Thái Bình Ngự Lãm Thư Lâu, lầu Tàng Thơ (Thư) phục hồi xong xin đề nghị Quốc hội, đề nghị Chính phủ cho phép “châu về hợp phố”. Nếu không chuyển Mộc bản, Châu bản về được thì phải có chủ trương trả lại cho Cố đô Huế mỗi thứ một bản sao.
*Nhà nước thiết kế phục hồi các di tích cho tư nhân đấu thầu xây dựng khai thác một thời gian rồi trả lại cho nhà nước. - Hiện nay còn nhiều di tích quan trọng của Cố đô Huế đang chờ trùng tu. Nhưng có lẽ chờ vài chục năm nữa chưa chắc nhà nước sẽ có tiền để trùng tu. Tôi đề nghị TTBT lập đề án thiết kế cụ thể các di tích đang bỏ hoang rồi cho tư nhân đấu thầu xây dựng đúng theo thiết kế đã duyệt. Nhà nước và tư nhân thỏa thuận cho tư nhân khai thác văn hóa du lịch một thời gian để lấy lại vốn rồi trả lại công trình cho nhà nước. Ví dụ như Hồ Tịnh Tâm – nơi vui chơi nghỉ dưỡng của các vị hoàng đế triều Nguyễn. Làm sống lại Hồ Tịnh Tâm là làm sống lại cả vùng bên ngoài Hoàng thành Huế vậy.
Kết luận .- Di sản văn hóa Cố đô Huế do lịch sử để lại. Đã được thế giới công nhận. Một bài thơ đô thị tuyệt tác. Ngành quản lý di tích đã có nhiều thành tựu trong việc trùng tu tôn tạo những di tích bị hư hại do chiến tranh, do thời tiết khí hậu mưa dầm gió rét của xứ Huế. Các di tích được khoanh vùng bảo vệ bán vé thu tiền chứ ít có công trình xem Di sản văn hóa của lịch sử để lại như một nguồn tài nguyên vô giá để xây dựng thành những điểm văn hóa du lịch theo tính cách của từng di tích (Nơi thờ cúng thiêng liêng, nơi tưởng niệm trầm mặc, nơi nghỉ ngơi thư giản, nơi vui chơi giải trí, nơi trải nghiệm hưởng thụ của người xưa.v.v.). Các vua Nguyễn xây dựng các lăng mộ làm nơi yên nghỉ nghìn thu của các Ngài chứ không có mục đích làm du lịch bán vé thu tiền. Chúng ta muốn biến những nơi ấy thành những điểm tham quan du lịch thì phải giới thiệu giá trị về mọi mặt của di tích, phải tạo cảnh quan môi trường di tích, không bị khí thải CO2 bào mòn, hài hòa với thiên nhiên vốn có của di tich, khách du lịch đi trên con đường dẫn đến di tích lăng mộ các vua Nguyễn có cảm tưởng như đi hành hương. Vào lăng, khách tham quan chiêm ngưỡng phần vật chất của khu lăng mộ còn được biết thời đại người nằm trong mộ đã trải qua. Ý nghĩa giá trị của di tích trong lịch sử văn hóa của dân tộc. TTBT hiện nay không những chưa tôn tạo được môi trường cảnh quan cần có ở một khu di tích nào mà còn làm ngược lại: xây dựng ba bãi đỗ xe nhiều ngàn m2 trên đất di tích, trên vùng bảo vệ cấm xây dựng ở các lăng Minh Mạng, Tự Đức, Khải Định, vi phạm di tích, động đến phong thủy, phá vỡ cảnh quan, gây tiếng động ồn ào, môi trường bị ô nhiễm khí CO2. Nếu tỉnh Thừa Thiên Huế không ngừng xây dựng ba bãi đỗ xe trên, không trả lại cảnh quan vốn có của ba ngôi lăng vô giá vừa nêu thì sẽ không thể bảo vệ được trong hồ sơ tái đề cử Quần thể Di tích Huế với tiêu chí mới là Di sản Cảnh quan Văn hóa Thế giới sắp tới. Để cứu vãn Di tích Cố đô Huế hiện nay tôi kính mong Hội thảo hôm nay có ý kiến dứt khoát về vấn đề nầy.
Xin trân trọng cám ơn Hội nghị. Kính chào Hội nghị.
Huế, Tháng 3-2018
N.Đ.X.
Tài liệu tham khảo:
- Luật Di sản Văn hóa năm 2001 được sửa đổi bổ sung năm 2009;
- Ann Helen Unger-Walter Unger HUE CITÉ IMPÉRIALE DU VIETNAM, Éditions Abbeville Newyork-Paris-London
- Lê Văn Hảo, Hue UN CHEF-d’OEUVRE DE POESIE URBAIME, Sudestasie, Paris 1982.
- Kỷ yếu Hội thảo “Quản lý và sử dụng bền vững cảnh quan văn hóa, hệ thống sinh thái lịch sử tại các lăng tẩm Hoàng gia triều Nguyễn và khu vực thượng nguồn sông Hương”. Do Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế phối hợp với Viện Nghiên cứu đô thị và vùng, Đại học Waseda, Nhật Bản (WIURS) tổ chức tại Huế ngày 20-3-2018.