Theo Tôi, đã đến lúc phải tiến hành một kế hoạch tái thiết Thành phố di sản dựa trên ý tưởng mới về một Thành phố Huế-Thế kỷ 21 (gọi tắt là Huế 21) phát triển song hành với Thành phố di sản trong mối quan hệ tiếp nối nhận sông Hương làm trục bố cục chính.
Ý tưởng này sẽ giúp Thành phố di sản thoát khỏi mô hình phát triển theo kiểu “vết dầu loang” của hầu hết các đô thị tại Việt Nam mà hậu quả của nó là sự xâm hại và biến dạng các không gian lịch sử. Trong luận văn Thạc sỹ nghiên cứu về Huế năm 2001, Tôi cũng đã phát thảo hình dạng của cấu trúc không gian Thành phố Huế Thế kỷ 21 với mô hình đô thị tuyến (chiều dài khoảng 8km và chiều ngang trung bình khoảng 2km) nằm đối xứng với Kinh thành qua phần hạ lưu của sông Hương với qui mô diện tích khoảng 1600 ha. Trục động lực đô thị phát triển kéo dài 8km về phiá cửa biển Thuận An, đây là một đại lộ sinh thái với cảnh quan hiện đại kết hợp với mạng lưới sông rạch ăn lan ra phiá hạ lưu sông Hương tạo nên sự cân bằng mới giữa các công trình kiến trúc hiện đại nằm bao quanh bởi môi trường sinh thái làng quê. Các thuỷ lộ vuông góc với đại lộ này được đào đắp để nâng nền cho các khu vực xây dựng công trình theo nguyên tắc phong thuỷ truyền thống. Cấu trúc đô thị được xây dựng theo mô hình đô thị sinh thái thế kỷ 21 phù hợp với lối sống và phương thức sinh hoạt mới nhằm hoàn thiện chức năng của Thành phố di sản trong tương lai. Khái niệm Đô thị phong cảnh (Paysage urbaine) của thành phố di sản song hành cùng khái niệm Đô thị Làng quê (Village urbaine) của thế kỷ 21-Một kỷ nguyên hướng đến bảo vệ môi trường và nâng cao chất lượng cuộc sống, có lẽ là sự lựa chọn phù hợp cho Huế tương lai.
Đô thị gia-Kiến trúc sư Hồ Viết Vinh
Tổng thư ký Hội Nghiên cứu và phát triển di sản văn hóa Huế