Bản sắc văn hóa Huế - đặc trưng con người Huế, Tháng 6-2010
Người Huế, lối sống Huế
và vấn đề phát triển du lịch – dịch vụ trong tỉnh
Nguyễn Đắc Xuân[1]
Ban tổ chức đặt cho tôi tham luận về “Người Huế, lối sống Huế và vấn đề phát triển du lịch – dịch vụ trong tỉnh”. Tôi thấy đầu đề nầy quá rộng, một tham luận khó có thể trình bày rạch ròi được.
Theo cách hiểu của tôi đầu đề nầy hàm chứa 3 nội dung:
- Người Huế và vấn đề phát triển du lịch;
- Lối sống Huế và vấn đề phát triển du lịch;
- Người Huế-lối sống Huế và vấn đề phát triển dịch vụ trong tỉnh.
1. Người Huế và vấn đề phát triển du lịch
Người Huế là một “di sản” gồm có người trong lịch sử và người đương thời có đẳng cấp quốc gia và quốc tế[2].
1.1. Người trong lịch sử xuất thân từ các thành phần khác nhau:
- Vua chúa (vua Quang Trung, vua Hàm Nghi, vua Duy Tân, vua Bảo Đại) các ông hoàng, bà chúa (Ông Hoàng Mười, Bà Chúa Nhất) và quan lại (Nguyễn Khoa Đăng, Trần Văn Kỷ, Phụ chính thân thần Tôn Thất Hân, ông thượng thư Trần Đình Bá);
- Các lãnh tụ cách mạng (Phan Bội Châu, Thời niên thiếu Bác Hồ, Nguyễn Chí Diễu, Nguyễn Chí Thanh, Tố Hữu.v.v),
- Các vị Hòa thượng Tỳ-kheo, Linh mục (HT Liễu Quán, HT Thích Tịnh Khiết, HT Đôn Hậu, Thầy Thích Thiện Siêu, Sư bà Thích nữ Diệu Không, sư cô Trí Hải, L. Cadière.v.v),
- Các văn nghệ sĩ (Tùng Thiện Vương, Tuy Lý Vương, Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, Họa sĩ Tôn Thất Đào, Họa sĩ Phạm Đăng Trí);
- Các nhân sĩ (Bà Đạm Phương nữ sử, cụ Huỳnh Thúc Kháng, ông Hoàng Đức Trạch, bà Nguyễn Đình Chi.v.v.),
- Các nghệ nhân (hai ông tổ thợ vàng Cao Đình Hương, Cao Đình Độ.v.v.);
- Các nhân vật lịch sử (Phạm Quỳnh, anh em nhà họ Ngô Đình... )
.v.v.và v.v.
Giới thiệu các di tích có liên quan đến từng nhân vật và vai trò của họ trong lịch sử và văn hóa Việt Nam ở Huế để phục vụ du lịch. Mỗi nhân vật gắn với hiện vật phải có một tập gấp, hoặc sách giới thiệu riêng.
1.2. Nhân vật đương thời phục vụ du lịch.
Khách du lịch đến Huế không những họ đến để thưởng ngoạn sông Hương, núi Ngự, di tích kiến trúc Cung điện, lăng tẩm, chùa chiền, nghe chuyện lịch sử qua hướng dẫn viên mà họ còn muốn được gặp các nhân vật ở địa phương có đẳng cấp quốc gia và quốc tế. Ở các nước, du khách thường muốn gặp các giáo sư Đại học, các nhà lãnh đạo tâm linh, các nhân sĩ, các nhà nghiên cứu, các văn nghệ sĩ, các nghệ nhân.v.v. Thực tế du lịch Huế mấy chục năm qua cũng đã hình thành mạng lưới gặp gỡ các nhân vật địa phương như HT Đôn Hậu (chùa Thiên Mụ, nay đã mất), Sư bà Diệu Không (chùa Hồng Ân, nay đã mất), bà Nguyễn Đình Chi (Vườn An Hiên, nay đã mất), họa sĩ Phạm Đăng Trí (đã mất), Họa sĩ Bửu Chỉ (ở Vỹ Dạ, đã mất), GS Tôn Thất Hanh (người đứng đầu Hội đồng trị sự Nguyễn Phước Tộc), Nhà nghiên cứu Phan Thuận An (31 Nguyễn Chí Thanh, Phủ bà chúa Ngọc Sơn con gái vua Đồng Khánh), nhà văn Bửu Ý (Câu lạc bộ Ca Huế), nhà nghiên cứu Nguyễn Hữu Thông (nhà cổ ở Long Thọ-Nguyệt Biều), nhà nghiên cứu Nguyễn Hữu Châu Phan (thư viện gia đình, sách cổ), nhà nghiên cứu Hồ Tấn Phan (thư viện gia đình, cổ vật vớt ở các dòng sông), nhà thơ Trần Vàng Sao (Vỹ Dạ), nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân (Tủ sách gia đình, nghiên cứu lịch sử văn hóa Huế), các nghệ nhân đan, thêu, các nghệ nhân đúc đồng, các nghệ nhân đàn ca Huế.v.v.
Những nhân vật văn hóa lịch sử đương thời có đẳng cấp, do tuổi tác đã qua đời khá đông. Lớp trẻ đang hình thành, nhưng điều kiện kinh tế của “lớp trẻ” rất khó khăn. Do đó họ khó phục vụ du lịch đúng bài bản được. Muốn sử dụng nhân vật Huế đương thời phục vụ phát triển du lịch, Ngành văn hóa du lịch nên chọn một số nhân vật và cùng họ đầu tư ma-két-tin, trang bị những phương tiện tối thiểu để đón, tiếp khách và có chế độ thù lao hợp lý.
2. Lối sống Huế và vấn đề phát triển du lịch
Tính khoa học của nội dung thứ hai nầy là phải làm rõ “lối sống nào của người Huế có thể xem là những điểm thuận lợi đặc biệt được khách du lịch ưa thích để vận dụng vào việc phát triển du lịch Huế. Tham luận nầy không có tham vọng đề cập đến toàn bộ lối sống của người Huế mà chỉ chú ý đến những nét đặc biệt có thể vận dụng vào việc phát triển du lịch, trong cố gắng tạo cho ngành du lịch Huế có tính cách riêng, có bản sắc riêng “không nơi nào có được”.
Khi hình thành lối sống (đặc biệt từ thế kỷ XIX đến Thế kỷ XX), người Huế nói chung dĩ nhiên đã có một lối sống giống nhau, và rồi qua thời gian do thành phần xuất thân, mỗi thành phần cũng lại có những nề nếp khác nhau - như gia đình quan lại, gia đình công chức, trí thức, gia đình tiểu thương, gia đình người lao động trên bộ và dưới nước. Qua nghiên cứu và qua kiểm nghiệm từ thực tế trong và ngoài nước, tôi thấy hàng hóa du lịch (vật chất và phi vật chất) là tinh hoa, quý giá nhất của một dân tộc, một địa phương. Mặc dù phần lớn những tinh hoa, quý giá nhất đó do người lao động làm ra, nhưng chỉ có tầng lớp vua chúa, quý tộc, trưởng giả thủ đắc và sử dụng. Do đó, nói đến lối sống Huế để phục vụ du lịch là nói đến lối sống của giới quý tộc và thượng lưu ở Huế là chính, còn lối sống của các tầng lớp khác chỉ đề cập đên khi cần. Thế thì lối sống của giới quý tộc và thượng lưu ở Huế là gì?
2.1. Hài hòa với thiên nhiên. Ai đã đi vào đời sống người quý tộc Huế một vài lần là có thể thấy ngay: Người Huế sống nhàn nhã, hài hòa với sông núi, cỏ cây. Mỗi gia đình khép kín trong một khu vườn nhà yên tĩnh. Vì thế mà có nhà nghiên cứu du lịch nước ngoài bảo rằng: “Huế là thành phố vườn”. Do cái tính cách đó, thiên nhiên môi trường tự nhiên ở Huế chưa bị vi phạm như nhiều địa phương khác. Đó là nguồn tài nguyên du lịch sinh thái đang được thế giới quan tâm hiện nay;
2.2. Trọng đời sống gia đình. Nhiều thế hệ cùng ở trong một mái nhà. Trước đây nhiều gia đình được vua ban tặng “tứ đại đồng đương” (bốn đời sống trong một mái nhà), “Ngũ đại đồng đường”. (năm đời sống trong một mái nhà). Trong mỗi nhà dù nhà lớn hay nhà nhỏ đều có thiết bàn thờ tổ tiên ở gian giữa hay nơi trang trọng nhất trong nhà. Gia đình theo đạo Phật thì trước thờ Phật sau thờ linh của cha mẹ, ông bà và cố nội. Tổ tiên quá vãng nhưng ảnh hưởng của họ vẫn sống trong đời sống của con cháu trong gia đình. Gia đình người Huế rất quan tâm đến mồ mã, kỵ giỗ.... Từ gia đình, người Huế rất quan tâm đến dòng tộc, họ hàng. Do gắn bó chặt với gia đình, họ hàng nên người Huế đi xa ít mất gốc. Đặc biệt là các dòng họ lớn ở Huế như Nguyễn Phước, Hà Thúc,Thân Trọng, Hồ Đắc, Nguyễn Khoa, Hoàng Trọng.v.v.Lối sống xem trọng gia đình là một di sản, lối sống tự do cá nhân của phương Tây hiện nay đang khủng hoảng, nhiều người đi du lịch Việt Nam để tìm họ hàng, sống lại nếp sống gia đình mà nhiều người phương Tây đã đánh mất; khách du lịch đến Huế rất thích ăn cơm gia đình. Nhà bà chúa Ngọc Sơn ở 31 Nguyễn Chí Thanh là một địa chỉ “ăn cơm gia đình” được khách du lịch quốc tế rất chú ý. Cho nên, ngày nay nhà hàng ăn cao cấp ở Huế đã bắt đầu xây dựng nhà hàng có “không khí gia đình”;
2.3. Rất trọng đời sống tâm linh. Huế là Kinh đô của Phật giáo xứ Đàng Trong với hàng trăm ngôi chùa, gồm chùa vua, chùa quan, Tổ đình, chùa sắc tứ, chùa Tàu (phần lớn ở Gia Hội)...Ngoài những lễ Phật Đản, lễ Phật thành đạo, lễ Quán Thế Âm hằng năm, còn có ngày lễ (Rằm, Mồng Một) hằng tháng và nhiều ngày kỵ giỗ, húy nhật của các vị Hòa thượng, Tỳ-kheo khai sơn, mở dòng tu khắp các địa phương trong tỉnh Thừa Thiên Huế. Ngoài dân gian có không biết bao nhiêu lễ lược mang tính tâm linh: Không ở đâu có tục cúng đất như ở Huế. Cúng đất để nhớ ơn những người đã có công mở đất vùng châu Ô, châu Ri để dân Thuận Hoá Phú Xuân xây dựng nên Thừa Thiên Huế ngày nay. Cúng 23-5 để nhớ những người đã chết trong ngày Thất thủ Kinh đô 23-5 Ất Dậu (1885), nhắc lại ngày mất nước để hâm nóng tinh thần yêu nước của người đời sau; lễ hội điện Hòn Chén lễ bà Liễu Hạnh và bà Thiên-y-A-na vào Rằm tháng 3 và Rằm tháng 7 hằng năm. Ngày Rằm Tháng 7 cũng là ngày Xá tội vong nhân, ngày lễ Vu Lan và nói đến tình mẹ. Các làng đều có đình làng, xuân thu nhị kỳ đều có cúng tế nhớ ơn các vị khai canh, khai khẩn (thường gọi là việc làng). Các dòng họ đều có nhà thờ họ riêng, hằng năm đều có các lễ lược nhớ ơn tổ tiên gọi là “việc họ”. Người Huế rất trọng người chết. Đi ngoài đường gặp đám ma đi qua, bộ hành thường dừng lại và giở mũ cúi đầu chào xe tang. Hương hồn của người chết vẫn có mặt trong đời sống dân chúng. Ngoài những nơi thờ cúng chính thức, hồi đầu thế kỷ XX, Tập san Đô thành hiếu cổ (Bulletin des Amis du Vieux Húe) thống kê có trên 200 nơi thờ cúng khác. Có thể nói Huế là thành phố tâm linh. Huế có đầy đủ cơ sở, con người, phương tiện để mở các tua du lịch tâm linh, các Festival tâm linh[3].
2.4. Nhàn nhã. Đời sống kinh tế của người Huế không sung túc như các đô thị lớn khác, nhưng người Huế vẫn thích sống nhãn nhã, trong một mái nhà (dù đã xuống cấp, sụp đổ lúc nào không biết), không vội vàng, chụp giật theo cơ chế thị trường. Nếp sống nhàn nhã đó thể hiện rõ nét trong chén rượu, chén trà, điếu thuốc, miếng trầu. Nếp sống có văn hóa nầy nếu được thu thập, nâng cao, vận dụng hình thành phong cách giao tiếp, lễ tân, mang phong cách riêng của Huế;
2.5. Phong phú, đa dạng. Nếp sống của người Huế ổn định, kín đáo nhưng không nhàm chán. Bởi vì người Huế được thừa kế một di dản văn hóa vật chất và phi vật chất đỉnh cao vô cùng phong phú. Trong nhà vườn cổ có sách, có đàn, có truyền thống thêu đan, đặc biệt là truyền thống nấu ăn ngon với hàng chục món ăn khác nhau; mùa nào ăn thức ấy, ăn để sống, ăn chơi, ăn để chữa bệnh;
2.6. Tiết kiệm. Huế là đất Cố đô, Kinh đô Phật giáo xứ Đàng trong, mang nặng tính chính trị, tâm linh. Từ ông hoàng bà chúa quan lại, đến các vị tăng quan (thường đọc trại ra là tăng can, người được Triều đình bổ nhiệm trụ trì các chùa vua), xuống đến công chức, thầy giáo đều ăn lương của một nhà nước nông nghiệp chưa phát triển. Sống trong hoàn cảnh kinh tế không dồi dào, chung quanh dân chúng “mùa đông thiếu áo, mùa hè thiếu ăn”, cho nên muốn có một đời sống ổn định người Huế phải sống tiết kiệm. Thịt một con gà có thể chế biến nấu 4 món ăn cho một mâm cơm khách, hoặc một bữa cúng giỗ. Thịt gà luộc xé phay bóp tiêu muối rau răm; đầu cánh chân gà + nước luột gà kho măng; hai đùi gà rô-ti ăn với xà-lách, bộ lòng mề gà xào miến. Bốn món gà đều ngon, có vị riêng không thể nào lẫn vào nhau được. Do phải gồng gánh, chiếc áo dài thường rách vai, người Huế biết dùng một miếng vải cũ khác màu “vá vai”, biến cái áo rách thành một chiếc áo có duyên. Một bữa kỵ có đến mấy chục món, món nào cũng ngon nhưng rất ít, “ăn lấy hương lấy hoa”, thưởng thức hương vị của món ăn hơn là ăn cho đã miệng, ăn cho no bụng. Do đó, chén, dĩa ở Huế nhỏ hơn so với chén dĩa ở các vùng miền khác. Khách đến nhà nhằm lúc gia đình đang ăn cơm, chủ nhà rất vui vẻ lấy thêm chén đũa mời khách “ăn ba hột”. Cái tính tiết kiệm của người Huế thể hiện qua ẩm thực Huế giúp hạn chế việc tiêu dùng lương thực, thực phẩm của xã hội. Lầy tài nghệ của người nấu ăn nâng cao chất lượng món ăn, chế biến các món ăn ngon từ các vật phẩm bình thường. Ví dụ như “cơm muối” ở Huế. Nhà văn Nguyễn Tuân đã từng ăn và không thể quên gần bốn mươi món muối Huế. Bên cạnh hàng chục món muối có hàng chục món mắm. Tiết kiệm vật phẩm, lấy chất xám, tay nghề nâng cao chất lượng món ăn là xu thế đang được thế giới quan tâm hiện nay. Tuy nhiên, nhà hàng khách sạn phải giải thích, hướng dẫn đầy đủ khách du lịch mới hiểu được cái “vi tế” của việc ăn uống nầy. Khi họ biết họ rất thú vị. Vừa qua Bác sĩ Bùi Duy Tâm ở Hoa Kỳ về Huế, đãi bạn bè một bữa “cơm muối” ở nhà hàng Ý Thảo của ông bà Nguyễn Xuân Hoa-Trương Thị Cúc. Bữa cơm muối là bữa tiệc đặc biệt, chỉ đến Huế mới thưởng thức được bữa cơm đặc biệt ấy.
5.7. Cương nhu, trên dưới rạch ròi. Tính cách chung của người Huế tạo bởi yếu tố Bắc mạnh mẽ, trong sáng, giao hòa với yếu tố Nam trầm lắng, êm dịu. Người Huế có đủ các đức tính cương, nhu để ứng xử trước cuộc đời. Thi vào ngành ngoại giao sinh viên Huế đỗ cao và đông. Số lượng người Huế làm việc trong bộ Ngoại giao thời nào cũng đông hơn các địa phương khác. Và, cũng vì còn chịu ảnh hưởng của Khổng giáo nên người Huế rất trọng đẳng cấp, tôn ty, trật tự. Người trên kẻ dưới lễ độ rạch ròi. Vì tôn trọng người trên nên dân Huế trước đây có thói quen tránh gọi tên thật, gọi tên thật là “phạm húy”. Để tránh gọi tên thật, trong Hoàng gia có cách gọi trang trọng khác như gọi bà Từ Cung là Đức Từ, gọi vua Bảo Đại là “Ông Ngài”. Trong Phật giáo ngày nay vẫn còn giữ cách xướng tên các vị Hòa thượng bằng cách tách tên thành hai từ trên dưới (theo cách viết chữ Hán) (HT Đôn Hậu đọc “thượng Đôn hạ Hậu”. Sự trang trọng, cung kính trong lễ nghi giao tiếp trong đời sống người Huế có thể hình thành phong cách lễ tân của ngành du lịch Huế.
3. Người Huế-lối sống Huế và vấn đề phát triển dịch vụ trong tỉnh.
Lối sống và tính cách của người Huế có những thuận lợi và khó khăn gì trong việc tổ chức dịch vụ phục vụ du lịch? Ở TTH có thể phát triển các ngành dịch vụ với những thuận lợi và khó khăn sau đây:
3.1. Hướng dẫn du lịch. Người H|uế đẹp, sống trong môi trường cảnh quan văn hóa, có nhiều cơ hội học ngoại ngữ, và thực hành ngoại ngữ nên việc đào tạo hướng dẫn viên du lịch thuận lợi. Nên mở trường đào tạo hướng dẫn viên du lịch cho toàn quốc;
3.2. Tổ chức nhân viên nhà hàng, khách sạn, nhà nghỉ. Huế là địa phưong đầu tiên có khách sạn quốc tế (Khách sạn Morin ra đời từ năm 1901), có công nghệ phục vụ nhà hàng, khách sạn. Nhưng trải qua hai cuộc chiến tranh, kinh nghiệm tổ chức phục vụ nhà hàng, khách sạn ở Huế bị gián đoạn khá lâu. Sau ngày thống nhất đất nước việc phục hồi công nghệ nầy không được quan tâm đúng mức, vì thế khi phát triển du lịch, Huế gặp không ít khó khăn về nhân viên nhà hàng khách sạn. Khó khăn vì thiếu trường đào tạo dịch vụ, người Huế không ham thích việc phục vụ, không thích làm ô-sin cho người khác. Đặc biệt, do phong cách lễ giáo cũ, người làm dịch vụ nhà hàng, khách sạn ở Huế thường thiếu một nụ cười. Cần phải có kế hoạch, chương trình đào tạo nhân viên nhà hàng, khách sạn, nhà nghỉ bài bản, cập nhật;
3.3. Tổ chức chuyên chở, vận tải, thư tín, gởi hàng hóa. Phương tiện chuyên chở: Hàng không, đường bộ (đưa đón ra vào sân bay Phú Bài, vận tải liên tỉnh), đường thủy (đò dọc, thuyền rồng) phương tiện di chuyển trong nội đô (xích-lô, xe ôm, taxi.v.v). Các dịch vụ vận tải nầy cũ, bình thường, vừa của các Công-ty, vừa của dân.v.v.Chưa được huấn luyện bài bản. Dân lái đò xuất thân là dân Vạn Đò, văn hóa kém nên phục vụ kém, nhiều khi gây bức xúc khách du lịch. Các đò được cải tạo thành thuyền rồng không giống ai. Màu sắc diêm dúa, nhiều người bảo đó là “thuyền gà cồ, thuyền gà trống”. Cần phải nghiên cứu mẫu thuyền rồng khác phát triển từ những nét đẹp truyền thống xưa, vừa đẹp, vừa hài hòa với cảnh trí của sông Hương. Ở các trung tâm du lịch như Paris, Roma, Genève... có loại xe trần, du khách ngồi hai dãy tựa lưng vào nhau đi tham quan thành phố và dẫn đến các tụ điểm du lịch. Ở Huế chưa có.
3.4. Tổ chức chế biến thức ăn, ẩm thực phục vụ du khách. Đây là thế mạnh tuyệt đối của Huế. Tuy nhiên xã hội chưa tổ chức khai thác đúng mức. Nhiều lần tôi đã quãng bá ý tưởng ở Huế nên mở trường dạy nấu ăn, đào tạo bếp. Đào tạo bếp ở nhiều cấp. Cấp thấp nhất phục vụ trong các gia đình (như ô-sin), cao hơn phục vụ trong các quan ăn tập thể, phục vụ các nhà hàng. Cao nhất là các bếp có ngoại ngữ có thể xuất khẩu, phục vụ quốc tế.
3.5. Tổ chức vui chơi (âm nhạc, ca Huế trên sông Hương), các lễ hội. Nhiều sách báo đã viết cái hay và những khuyết điểm của dịch vụ các loại hình nầy. Tham luận nầy tôi chỉ xin nhắc lại một việc: Trong cả nước, chỉ có một nhà thờ Hát Bội (Thanh Bình Từ Đương ở đường Chi Lăng, Gia Hội. Huế). Nghệ thuật sân khấu hàng đầu ở Huế nổi tiếng quốc tế và quốc nội là Hát Bội. Cho mãi đến sau 30-4-1975 ở Huế vẫn còn Rạp hát Bà Tuần (Rạp Đồng Xuân Lâu) do phu nhân ông Tuần vũ Đặng Ngọc Oánh lập ra từ năm 1920. Nhưng hiện nay không còn một nơi nào để du khách còn có thể xem được Hát Bội Huế. Tôi đề nghị nên có một địa điểm biểu diễn Hát Bội. Trong lúc chờ đợi xây dựng địa điểm ấy, Nhà hát Duyệt Thị Đường trong Hoàng Thành nên có chưong trình Hát Bội thường xuyên bên cạnh Nhã Nhạc như đang diễn hiện nay.
3.6. Tổ chức sản xuất và buôn bán hàng lưu niệm. Huế có các nghề truyền thống làm hàng lưu niệm tuyệt vời: đúc đồng, kim hoàng, mộc mỹ nghệ, thêu đan, vẽ tranh, đất nung.v.v. Tay nghề cao nhưng mẫu mã cũ, ít quan tâm đến thị hiếu luôn thay đổi của khách du lịch nên không phát triển được. Cần phải đầu tư chất xám mỹ thuật hiện đại và luôn luôn mới, mới tồn tại và phát triển được.
3.7. Tổ chức chữa bệnh. Bệnh viện (Tây y) Trung ương Huế do vua Thành Thái thành lập từ năm 1894. Đến nay đã hơn 115 năm. BVTW Huế đã được Trung ương và quốc tế giúp xây dựng mới nhiều cơ sở, trang bị đủ phương tiện hiện đại để khám chữa bệnh. Nhiều khoa của BVTW Huế ngang tầm quốc gia và trong Khu vực. Tuy nhiên vì áp lực bệnh nhân ở Huế và miền Trung quá căng nên việc khám chữa bệnh cho Việt kiều và khách du lịch quốc tế còn nhiều hạn chế. Tôi có 3 lần đưa bạn là Việt Kiều và người nhà Việt Kiều vào chữa bênh ở BVTƯ Huế. (Bà Điềm Phùng Thị, ông Bảo Hội và ông Nguyễn Đình Châu - sắp chết). Bệnh nhân yêu cầu được sử dụng dịch vụ quốc tế nhưng Bệnh viện Huế thiếu phòng dịch vụ có đủ tiêu chuẩn quốc tế. Huế nên có một Bệnh viện quốc tế riêng.
3.8.Tổ chức hội thảo, hội nghị. Với khả năng ngoại ngữ, kinh nghiệm tổ chức hội thảo, hội nghị quốc gia, quốc tế của người Huế, Huế nên hình thành công nghệ tổ chức các hội thảo, hội nghị quốc gia quốc tế.
3.9. Tổ chức hành hương, mở các khóa tu Thiền, các buổi tọa Thiền. Với hàng trăm ngôi quốc tự, chùa quan, chùa tổ, với kinh nghiệm lâu đời của giới tăng ni ở Huế, Huế có đủ sức mở các cuộc hành hương, mở các khóa tu Thiền, các buổi tọa Thiền dài ngày cho hàng vạn người. Đây là thế mạnh không nơi nào có thể so sánh được với Huế.
3.10. Tổ chức các đám hỏi, đám cưới. Người Huế có kinh nghiệm tổ chức các đám hỏi, đám cưới cho các ông hoàng, bà chúa. Hiện nay đang có xu hướng tổ chức đám cưới theo phong cách dân tộc. Huế có nhiều khả năng hình thành các công nghệ tổ chức đám cưới theo phong cách dân tộc. Tuy nhiên nhiều nhà hàng, khách sạn tổ chức chưa tốt, còn tùy tiện, một số nơi vô ý thức tổ chức đám cưới lai Tàu. Theo tôi cần có sự khảo sát và đánh giá đúng mức những gì có thể gìn giữ, cái gì cần loại bỏ và cái gì cần phải bổ sung.
3.11. Buôn bán nhỏ. Tiểu thương các chợ ở Huế đều có truyền thống yêu nước, một bà mẹ bán hàng ở chợ Đông Ba nuôi dạy con cái đỗ kỹ sư, bác sĩ. Tuy nhiên, qua sự sa sút về đạo đức chung của xã hội, qua tiếp nhận nhiều thành phần dân nông thôn, dân biển, dân vạn đò...phong cách mua bán hàng ở các chợ không còn như xưa. Trước cuộc cạnh tranh với nhân viên bán hàng ở các siêu thị, phong cách phục vụ của các tiểu thương các chợ thua xa. Vì vậy muốn phục vụ khách du lịch tiểu thương các chợ cần phải được đào tạo, giáo dục về phong cách phục vụ, ngôn ngữ cũng như thao tác thời kinh tế thị trường.
.v.v.
Kết: Tham luận nầy chỉ là những ý tưởng gợi mở của một người không chuyên ngành du lịch. Do đó chưa có ý tưởng nào được trình bày một cách rốt ráo, cặn kẽ và đồng thời cũng không tránh được sự tầm thường hoặc thiếu sót. Tôi rất mong lãnh đạo và các nhà chuyên môn cho ý kiến. Nếu may mắn có được một ý tưởng nào đó của tôi được hoan nghinh và thấy có thể đưa vào thực hiện tôi sẽ xin tiếp tục làm việc để có đủ tư liệu khoa học làm rõ ý tưởng của mình hơn.
Riêng vấn đề “Người Huế-lối sống Huế và vấn đề phát triển dịch vụ trong tỉnh” tôi có ý kiến chung như sau: Người Huế có truyền thống văn hóa, tiềm năng nhiều, nhưng có những nhược điểm không thuận lợi cho việc phát triển dịch vụ như sau: Người Huế ngại làm dịch vụ (tức ngại phục vụ người khác), không siêng năng, “nghiêm quá” hạn chế nụ cười, bảo thủ (sợ sai, không dám làm gì mới, thấy ai làm gì mới thì chê), thiếu cập nhật (kể cả trí thức), thiếu đào tạo.v.v. Nếu không nhìn thẳng vào thực tế nầy để tìm cách khắc phục thì việc phát triển dịch vụ ở Huế sẽ tụt hậu không tương xứng với tiềm năng phát triển du lịch của Huế. Khi ấy các Cty du lịch quốc nội và quốc ngoại sẽ thuê người ngoài vào Huế thay thế người địa phương.
Tôi sẽ rất sung sướng khi được biết những nhận định trên của tôi được chứng minh là sai. Xin cám ơn hội thảo trước. Kính chào.
Gác Thọ Lộc, ngày 20-5-2010
[1] Nhà văn-nhà nghiên cứu lịch sử văn hóa Huế Nguyễn Đắc Xuân, Ủy viên Hội đồng Khoa học Trung tâm Nghiên cứu Quấn học, 72 Trần Quốc Thảo, Q.3, TP HCM.
[2] Không đề cập đến những người đã nổi tiếng và đã đưa vào khai thác phục vụ du lịch. Trong tham luận nầy chỉ nêu thêm những nhân vật chưa được quan tâm, nay tôi đề nghị bổ sung.
[3] Muốn biết rõ hơn xem thêm Nguyễn Đắc Xuân, Tham luận Phật giáo Huế và Festival tâm linh, trong Hội thảo KH “Di sản văn hóa Phật giáo với vấn đề phát triển du lịch ở Huế”, do Phân viện Văn hóa Nghệ thuật Việt Nam tại Huế tổ chức vào 7-5-2010 tai Huế.