Phát triển và bảo tồn: Lấy con người làm trọng tâm phục vụ

“Cân bằng giữa Phát triển và Bảo tồn” – Câu chuyện thực tiễn cho TT- Huế” là chủ đề buổi tọa đàm do Sở Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Viện Nghiên cứu Phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế (HUEIDS) tổ chức vào sáng ngày 30/06/2020.

Diễn giả chia sẻ tại chương trình gồm Ông Trương Trọng Nghĩa - Đại biểu Quốc hội Việt Nam khóa XIII, khóa XIV (nhiệm kì 2016-2021) thuộc đoàn đại biểu Thành phố Hồ Chí Minh và là Chuyên gia tư vấn của Ban Nghiên cứu của Thủ tướng Chính phủ từ tháng 6 năm 1998 đến nay; Ông Trần Sĩ Chương – Chuyên gia phát triển Kinh tế, nguyên là Cố vấn về kinh tế và tiền tệ cho Ủy ban Ngân hàng Quốc hội Hoa Kỳ.

PHÁT TRIỂN VÀ BẢO TỒN: LẤN CẤN, NHẬP NHẰNG

Ông Trần Sĩ Chương: Lần chót tôi đứng ở đây là hồi cuối tháng 2 khi tham dự Hội thảo “Giải pháp cho Doanh nghiệp trước đại dịch Covid”. Ngay sau đó là giai đoạn khó khăn cả đất nước phải áp dụng biện pháp cách ly nghiêm ngặt. Thế nên, hôm nay, tại nơi này, lại được chia sẻ một cách thoải mái, bản thân tôi cảm thấy rất cảm động”.

Nói về chủ đề Bảo tồn và Phát triển, tôi chỉ có thể là diễn “giả” thôi, chứ ở đây có rất nhiều anh chị mới là diễn “thật”, làm thật. Xã hội mình đang có thói quen, cứ nhìn thấy cụm từ “Phát triển” và “Bảo tồn” sẽ liên tưởng ngay đến sự “mâu thuẫn”, khó có thể đi cùng nhau của hai khái niệm, do đó dễ dẫn đến những phản ứng trái chiều. Những gì người xưa để lại hoặc từng bỏ đi tất yếu hàm chứa một logic nào đó bên trong cần chúng ta tìm hiểu. Điều gì có giá trị thì khôi phục, cái gì mà người xưa đã bỏ đi thì mình không cần giữ. Và những gì hôm nay mình làm mà để thế hệ sau phải trả giá cần cân nhắc. Bảo tồn phải nằm trong Phát triển và lấy con người làm trọng tâm phục vụ.

Ông Trương Trọng Nghĩa: Bảo tồn và Phát triển là đề tài của cả thế giới, rất được xem trọng trong thế kỷ 20 và 21. Có những điều không phải là của riêng địa phương nào mà là của chung của cả dân tộc. Nếu chính phủ để địa phương tự xoay xở thì sẽ khó khăn. Việc Phát triển là việc phải làm, như anh Chương vừa nói rất hay, là lúc nào chúng ta cũng lấn cấn giữa Bảo tồn và Phát triển.

Bàn về Phát triển, Tết vừa rồi tôi viết bài “Phát triển bền vững - lời nguyện cầu của những thế hệ tương lai” đề cập đến báo cáo “Chiến lược tăng trưởng bền vững và phát triển đồng bộ” do Ủy ban Tăng trưởng và Phát triển của Ngân hàng Thế giới phát hành. Báo cáo cho biết kể từ năm 1950, toàn thế giới chỉ có 13 nền kinh tế thành công trong việc đạt tăng trưởng hơn 7% suốt hơn 25 năm liền. Một lưu ý của báo cáo là Ấn Độ và Việt Nam có hy vọng lọt vào “top 13” này. Điều quan trọng, theo báo cáo, trong số 13 nền kinh tế ấy, chỉ có 6 nền kinh tế hoàn thành công nghiệp hóa là Nhật Bản, Hàn Quốc, Malta, Singapore, Hồng Kông và Đài Loan.

Rõ ràng muốn kinh tế phát triển thì phải có tăng trưởng cao từ 7% trở lên liên tục trong hai đến ba thập niên. Tuy nhiên, không phải cứ tăng trưởng cao thì đất nước phát triển và con người hạnh phúc. Để trở thành một quốc gia phát triển, tăng trưởng cao là điều kiện cần nhưng không đủ. Hơn mười năm trôi qua kể từ bản báo cáo được công bố, trong danh sách top 13 ấy đã có thêm những quốc gia công nghiệp hóa như Trung Quốc, Malaysia, Brazil, Thái Lan, Indonesia. Riêng Việt Nam vẫn tiếp tục nằm danh sách dự bị!

CHỈ SỐ TĂNG TRƯỞNG GDP KHÔNG CÒN LÀ THƯỚC ĐO PHÙ HỢP

Ông Trương Trọng Nghĩa: Từ thực trạng tăng trưởng kinh tế với những hệ lụy và tác hại của nó trong hơn nửa thế kỷ qua, các chuyên gia kinh tế hàng đầu thế giới đã chỉ ra sự lệch chuẩn và khiếm khuyết của “thước đo GDP”. Để giúp các quốc gia sửa chữa sai lầm, chệch hướng trong tăng trưởng kinh tế, từ những năm 80 thế kỷ trước, Liên Hiệp Quốc đã đề xuất một chương trình hành động rộng lớn và toàn diện có tên gọi: Phát triển bền vững. Theo đó, phát triển bền vững là “sự phát triển đáp ứng được những nhu cầu hiện tại mà không ảnh hưởng, tổn hại đến những khả năng đáp ứng nhu cầu của các thế hệ tương lai”.

Tôi rất tâm đắc với bài học thứ năm trong số 5 đặc điểm chung của 13 nền kinh tế thành công là có chiến lược “phát triển hướng về tương lai”, cụ thể khuyến khích tiết kiệm tiêu dùng và tiết kiệm tài nguyên, bảo đảm lợi ích đầu tư dài hạn của người dân và doanh nghiệp, ưu tiên nguồn lực đầu tư công cho xây dựng hạ tầng, không để lại cho con cháu một đất nước nợ nần và tài nguyên kiệt quệ.

Đừng để thế hệ trẻ tương lai phải đi qua nước khác để xem di sản chỉ vì chúng ta của hiện tại đã tàn phá đi những di sản rất có giá trị, độc đáo, không hề thua kém bất kỳ ai của mình.

Và muốn có “phát triển bền vững là phải nhắc đến yếu tố bảo vệ chủ quyền đất nước”.

Lúc nãy, anh Chương có đề cập đến yếu tố phát triển vì con người, bảo tồn vì con người, nhưng cần làm rõ là con người đó là những con người nào? Hoặc bảo vệ đất nước, bảo vệ con người nhưng những “con người” đó cụ thể là ai? Tôi cho rằng phải bảo vệ những con người xem Việt Nam là quê cha đất tổ, xem dòng máu của mình là dòng máu Việt Nam, không kể họ ở trong nước hay là nước ngoài.

Trung ương giao cho 63 tỉnh thành kế hoạch phát triển kinh tế lấy GDP làm thước đo. Nhưng có những vùng biên giới, chỉ cần giữ dân để dân sống được ở đó, có dân bảo vệ biên cương là được rồi. Hay như Huế, tại sao lại cứ yêu cầu lấy GDP làm thước đo mà không đặt ra vấn đề bảo tồn Huế như một báu vật vì lịch sử hàng trăm năm triều đại phong kiến. Bảo tồn và Phát triển hiện rất nhập nhằng. Tôi thấy rằng bảo tồn tốt chính là yếu tố để phát triển. Và nếu bảo tồn tốt thì nó kích thích cho sự phát triển. Giữ gìn tài sản văn hóa là để hướng về tương lai, phát huy tự hào dân tộc, cũng chính là cách kiếm tiền. Bảo tồn tốt chính là tạo nguồn thu. Giúp cho người dân bản địa, vừa làm du lịch vừa làm văn hóa.

Quá trình triển khai Bảo tồn và Phát triển sẽ có nhiều vấn đề đặt ra như: Giải quyết mâu thuẫn giữa Bảo tồn và Phát triển như thế nào? Mỗi địa phương, mỗi công trình cụ thể sẽ có vấn đề gì? Trước vấn đề Bảo tồn, ngay chính các nhà kiến trúc cũng tranh luận với nhau. Đập phá trùng tu hay có phương án khác. Trùng tu theo kiểu nào còn là việc rất phức tạp vì cần chuyên gia tư vấn này nọ. Đập đi xây lại luôn dễ dàng hơn Bảo tồn!

Tôi không hề coi Bảo tồn và Phát triển là đơn giản. Mỗi người lãnh đạo có những áp lực, quan niệm, trăn trở khác nhau.... Nhưng nếu chúng ta nghĩ đến tương lai, nếu chúng ta tin người Việt Nam có đủ năng lực trí tuệ giải quyết được vấn đề này, với sự giúp sức của nhân dân, chúng ta sẽ giải quyết được.

Năm ngoái đến Huế, tôi vào Thành Nội còn nhìn thấy nhà cửa người dân xâm chiếm thượng thành. Năm nay vào thấy đã giải quyết được. Tôi rất khâm phục vì tôi biết làm được như vậy không dễ dàng. Thật ra vấn đề này liên quan đến quy hoạch, mà muốn quy hoạch là phải có chuyên gia. Không phải chúng ta không có quy hoạch mà do áp lực của thị trường, của nhóm lợi ích đã làm méo mó đi vấn đề quy hoạch này.

Ông Trần Sĩ Chương: Huế là tài sản của cả nước, và chỉ có Huế là nơi là có thể kể một câu chuyện lịch sử Việt Nam xuyên suốt có di sản di tích. Nếu cần dẫn một đoàn khoảng 50 đại sứ để kể một câu chuyện Việt Nam thì phải đến Huế chứ đi đâu nữa. Thêm một vấn đề nữa mà tôi rất đồng tình với ý kiến của anh Nghĩa, chính là vấn đề chủ quyền đất nước. Đúng là nếu không giữ được nước thì lấy gì mà phát triển. Phải có chủ quyền thì mới phát triển đất nước được.

Ông Nguyễn Đắc Xuân (Nhà nghiên cứu Huế): Tôi nhớ, Thủ tướng Phạm Văn Đồng từng nói với trí thức Huế: “Giải phóng xong may ra còn có Huế để phát triển và đối ngoại về văn hóa ngay sau 1975”. Huế là tài sản của Việt Nam, của toàn dân. Muốn có một quyết định cần sự đồng thuận cả toàn dân, hoặc những người có trách nhiệm trên cả nước. Chưa bao giờ không khí bảo tồn và phát triển văn hóa sôi nổi như những ngày vừa rồi. Chưa bao giờ có một lãnh đạo tỉnh chuyển Bảo tàng Lịch sử đi nơi khác, trả lại không gian cho Quốc tử giám, trường đại học nổi tiếng nhất của quá khứ để lại. Chưa bao giờ ai dám nghĩ tới đồn Mang Cá - nơi Pháp chiếm đầu tiên, là khu nhượng địa của Pháp, bây giờ lại chuyển lực lượng quân sự đi, trả lại đồn Mang Cá cho Huế. Đây là những việc đã làm vì người dân từ những người có trách nhiệm.

VAI TRÒ CỦA THẾ HỆ TRẺ TRONG PHÁT TRIỂN VÀ BẢO TỒN VĂN HÓA HUẾ

Ông Trần Sĩ Chương: Mọi chuyện chúng ta làm ngày hôm nay đều là để cho thế hệ sau. Vậy nên mời các bạn trẻ đưa ra ý kiến. Có suy nghĩ, trăn trở, có gì không hiểu, các bạn hãy đặt câu hỏi!

Một bạn trẻ: Huế trong những năm gần đây đang nhen nhóm nhiều dự án làm người trẻ và cha mẹ của họ đều đang rất hy vọng về một sự bứt phá. Theo ông, chúng ta nên đầu tư trọng điểm vào cái gì để Huế phát triển nhanh hơn so với thời kỳ trước nhưng vẫn đảm bảo được yếu tố bảo tồn về văn hóa lịch sử và cảnh quan môi trường mà Huế đang có?

Ông Trần Sĩ Chương: Khi phát triển, mình thường bị ngộ nhận nặng ký về sức khỏe, tăng trưởng kinh tế. Sự ngộ nhận này thường xảy ra ở những nước đang nghèo đói. Khi đói thì thường ăn tạp và cho rằng béo và lên ký là khỏe. Đây là hệ lụy của việc tăng trưởng chứ không phải là hệ lụy của sự phát triển. Phát triển là phải tập trung vào con người, vào đạo lý.

Đạo lý là gì? Mình sinh ra ở trên đời, những gì nó đã có mặt trước khi mình ra đời mình không được xâm phạm nó. Trước khi làm gì cũng nên có cân nhắc và cần sự đồng thuận cao. Cụ thể, chính quyền, chuyên gia, người dân bị ảnh hưởng trực tiếp, nhà đầu tư... phải có sự đồng thuận cao. Phải dựa trên lợi thế, trên bản sắc văn hóa của địa phương. Ví dụ mình duyên dáng nết na thì phải tìm công việc gì liên quan đến duyên dáng nết na để làm. Đây là điều mà tôi rất trăn trở trong mấy năm qua khi tôi về Huế. Nếu Huế đơn thuần tăng trưởng hữu cơ từ việc năm này hơn năm trước cái gì đó thì không được.

Xin chia sẻ câu chuyện để khơi gợi cho bạn về việc nên tập trung phát triển gì ở Huế. Khi có cơ hội đem nhà máy điện khí về Chân Mây Lăng Cô, tôi cũng trăn trở lắm. Tôi có một khắc khoải rằng đem cái gì về Huế cũng không được xâm phạm vào các giá trị của cha ông. Tôi rời Huế từ 5 tuổi nhưng sao tôi lại gắn bó với Huế vô cùng. Mỗi khi tôi nhìn cầu Trường Tiền tôi lại thấy ba tôi đang sơn hai lần ở đó. Đó là cái văn hóa sản sinh ra cộng đồng, có cộng đồng mới có phát triển.

Nhà máy điện, năng lượng thì ai cũng cần nhưng tôi chỉ muốn đem những cái gì ít ảnh hưởng đến môi trường nhất, mà nhà máy điện này đặt ở xa thành phố, có thể làm ra tiền được. Còn những gì xâm phạm đến cái bàn thờ (ý là kinh thành đại nội) thì chắc chắn không làm. Tôi luôn đề cao việc “Giấy rách phải giữ lấy lề”.

Bà Lê Phạm Cecile (Tổng Giám đốc Tập đoàn Dacotex): Có một thực tế là “Người Việt Nam ở nước ngoài yêu Việt Nam hơn người Việt Nam trong nước, họ dạy con Việt Nam hơn người Việt Nam trong nước dạy con. Họ nhìn trái chuối họ nói giống họ da vàng. Như tôi đây, từ khi trở về, mỗi khi đi qua cầu Trường Tiền đều cảm thấy rất yêu thương. Tôi xin kể câu chuyện về đồng 1$ cuối cùng: “Khi có 1$ cuối cùng, người Mỹ sẽ bỏ tiết kiệm để làm ra thêm 1$, Người Pháp mua 1 bông hoa hồng cho người yêu vừa tự tử chết. Người Hoa bỏ vào buôn bán để có thêm 3$. Còn người Việt thì bỏ tiền cho con học để con trở thành bác sĩ kỹ sư, để một ngày trở về xây dựng đất nước”. Con tôi từng hỏi tôi: “Mẹ giữ tất cả những những gì mẹ đã làm trong mấy chục năm nay là để cho ai?”. Tôi trả lời con rằng: “Mẹ giữ cho Huế, cho Việt Nam chứ không phải để bán kiếm 100 ngàn $”. Người Huế xa quê vẫn luôn thấy tổ tiên cha mẹ ở đó, hồn quê nằm ở cây hoa phượng bên cầu Trường Tiền. Chỉ cần xác định được yếu tố chủ chốt này thì vấn đề phát triển dễ lắm.

GS. TS. Triết học Thái Kim Lan: Nói về Bảo tồn và Phát triển, tôi nghĩ có thể diễn dịch ra câu khác: Sáng tạo từ Di sản. Chúng ta phát triển là chúng ta muốn làm mới, làm thêm, làm đẹp và dựa vào sức mạnh của thế hệ trẻ, thế hệ tương lai nhưng nếu chúng ta có thể phát triển tính sáng tạo trên di sản, từ di sản có thể làm ra nhiều công trình khác nhau, cái mới ở trên cái cũ, tính sáng tạo nhiều hơn nữa, chúng ta sẽ có tiền. Trước đây muốn làm thì không có tiền, bây giờ có tiền lại không biết định hướng như thế nào để đừng phá vỡ di tích và truyền thống văn hóa. Mà tính sáng tạo thì giới trẻ rất sẵn sàng.

Tinh thần là sự hiện diện của cha ông còn thân thuộc của chúng ta trên mảnh đất này, “chúng ta đi mạnh nhưng mạnh trong cái se sẽ”, ở chỗ chúng ta nhấn mạnh điểm mạnh của di sản và chúng ta nhấn mạnh thêm một lần nữa cái đổi mới của chúng ta. Có vẻ hơi trừu tượng nhưng khi chúng ta va chạm một đối tượng chúng ta sẽ có cảm nhận rõ hơn. Văn hóa là giữ lại vẻ đẹp. Làm thế nào để chúng ta giữ lại và tô thêm vẻ đẹp trong cái sức mạnh có thể đập phá để xây dựng mới.

Ông Trần Sĩ Chương: Nghe chị Kim Lan nói tôi lại có thêm một định nghĩa nữa. Đó là Phát triển, sáng tạo, văn minh, văn hóa. Văn hóa chị Lan nói là dựa trên cái đẹp và khả năng cảm nhận cái đẹp thì mới có khả năng sáng tạo phát triển được.

Có một người tôi rất quý trọng là đạo diễn Đặng Nhật Minh. Tôi hỏi ông: Tại sao ông không học đạo diễn ngày nào mà làm phim hay thế? Ông suy nghĩ một lúc rồi mới trả lời. Ông kể, hồi xưa lúc cha ông, ông Đặng Văn Ngữ, hay đi nên gửi ông Minh cho người cô ruột. Mỗi chủ nhật, ông Minh đạp xe đến nhà cô chơi thì người dượng chồng cô toàn đưa sách bảo ông Minh đọc. Sau một thời gian, ông Minh hỏi, con đọc xong rồi giờ con nên làm gì? Ông dượng trả lời: “Con có văn hóa rồi. Con cứ làm cái gì từ cái gốc văn hóa này thì làm”.

Bạn Nguyễn Cẩm Tú: Công ty em cung cấp dịch vụ trình chiếu 3D Mapping tại các di tích. Ban đầu, em có tham vọng sẽ được cho phép trình chiếu tại mọi điểm di tích. Về sau em phát hiện ra mình đã xâm phạm vào di tích hơn là phát huy di tích. Vậy những gì em mong muốn là trình chiếu tại tất cả các di tích liệu rằng có gây ảnh hưởng và xâm phạm quá lớn tới Huế?

Ông Trương Trọng Nghĩa: Tôi xin trả lời câu hỏi của bạn Tú bằng cách kết hợp ý của bạn Tú với chị Kim Lan. Tôi rất tán thành ý của chị Kim Lan, nhưng nếu không khéo sẽ hiểu sai ý này đó. Tôi cho rằng, sáng tạo là tuyệt vời nhưng chúng ta còn cần ý kiến của các nhà chuyên môn nữa. Và phải biết rằng, sự tranh cãi này là luôn có. Tôi đề xuất với bạn Tú rằng, khi có ý tưởng bạn nên trao đổi thêm với nhà chuyên môn, nhà văn hóa. Phát huy sự sáng tạo của mình đi nhưng nhớ tham khảo thêm nhà văn hóa, nhà khoa học, nhà công nghệ để làm. Qua đó mới thuận tiện cho các bạn làm kinh tế.

Người làm kinh doanh có tầm nhìn thấp thường dễ vướng vào việc vô tình xâm phạm cảnh quan và ảnh hưởng đến lợi ích của cả một cộng đồng. Hãy nhớ lại câu chuyện Vọng Cảnh, hoặc Mã Pi Lèng.

Tôi rất mừng vì dự luật về môi trường đang được thông qua ở Quốc hội. Anh Trần Mạnh Hà đưa vào dự luật hai yếu tố quan trọng về cảnh quan (là một cái giá trị, là của chung) và đa dạng sinh học, là vấn đề mà nhà cầm quyền phải có trách nhiệm điều tiết và đóng vai trò trọng tài của các lợi ích. Dự kiến tháng 10 sẽ thảo luận sâu hơn về dự luật này.

Có ông nọ có tiền xây nhà dát vàng toàn bộ. Nhưng Covid - 19 đến cho chúng ta nhận ra một điều là kể cả chúng ta có ở trong nhà bọc vàng hoàn toàn cũng không được an toàn. Chúng ta dễ dàng phá cả một cánh rừng nguyên sinh để làm dự án này kia nhưng đa dạng sinh học như rừng nguyên sinh thì không bao giờ tái tạo lại được nữa. Nhiệm vụ của nhà nước là cần bảo vệ môi trường. Chúng ta ăn ngon mặc đẹp mà ngày nào cũng hít bụi mịn thì cuộc sống còn ý nghĩa gì nữa. Bảo vệ môi trường, bảo vệ cảnh quan, giá trị tinh thần từ bảo vệ cảnh quan đó mới tạo ra Chất lượng sống.

Covid - 19 cho chúng ta thấy không cứ sang trọng, cao cấp là an toàn. Khi chúng ta tàn phá thiên nhiên, thì những con vật vốn đã được an bài ổn thỏa trong thiên nhiên đó phải kiếm chỗ thoát ra. Từ đó, các virus từ từ lây sang, ký sinh vào những chỗ khác nhau, rồi qua con người.

Ông Trần Sĩ Chương: Nếu chúng ta không bảo tồn thiên nhiên thì dù có hàng triệu $ cũng vô nghĩa. Ngay tại thời điểm này, chất lượng không khí của Huế đang rất tốt. Anh chị Nghĩa quan tâm môi trường thì mời dọn về Huế ở với tôi.

TS Trần Xuân Thảo (Nguyên Giám đốc Chương trình Fulbright tại Việt Nam): Tôi xa Huế từ 1999, trước đây tôi là Trưởng khoa Ngoại ngữ ĐHSP Huế. Phát triển và Bảo tồn là câu chuyện liên quan đến quá trình giáo dục tạo ra giá trị văn hóa chung. Tôi thích những chuyện giáo dục không chính quy như câu chuyện này. Có lần tôi đến Úc và đi chợ cuối tuần. Các sạp hàng ở đó thường bày một ít trái cây trên dĩa để mời khách thưởng thức. Tôi thấy có một cậu bé chạy tới lôi tay một người đàn ông đang đứng trước chợ bày tỏ muốn ăn, hóa ra là hai cha con. Người cha khuyến khích đứa trẻ đến lấy, nhưng dặn đứa con của mình: “chỉ một miếng thôi’. Và đứa trẻ đã làm đúng như lời cha dặn. Việt Nam mình cũng từng như vậy. Tôi nhớ khi còn nhỏ, tôi được cha tôi dạy rằng, trên bàn có dĩa thức ăn ngon con không được gắp quá ba lần. Đó là văn hóa. Tôi hay nghĩ, tại sao phải cứ đi xa Huế để mà nhớ, mà không là “ở lại đây để mà nhớ”?!

Ông Trần Sĩ Chương: Tôi xin bổ sung thêm một ý nữa vào chia sẻ của anh Thảo. Tôi về nước từ 1992 và thấy có nhiều chuyện không đáng xảy ra lại xảy ra. Tại sao có những chuyện quá độ, không nên làm mà họ lại làm. Tôi cố gắng tìm hiểu vì tôi bức xúc. Tôi đã tìm ra là: Vì mình đang ở trong một giai đoạn chuyển tiếp, từ khó khăn thiếu thốn bây giờ có cơ hội làm ăn, nên tham, nên ăn đến tức bụng, có cả người chết vì no. Cả xã hội bị ảnh hưởng bởi vấn đề phát triển, phải làm nhiều mới tốt. Nhiều nhà đầu tư bị khống chế bởi lòng tham mà cuối cùng bị hủy diệt. Cái gì không đúng mà cố làm thì sẽ phải trả giá. Người Huế coi trọng sự chừng mực, đó là một giá trị, là cái đẹp. Cái gì không dư không thiếu là cái đẹp. Vì chúng ta đang sống trong giai đoạn thiếu chừng mực nên bị loạn. Cân bằng là đạo lý giữa trung dung, trung đạo. Cần cao thì cao, cần thấp thì thấp và biết khi nào nên trở lại cân bằng.

Ông Cao Huy Hùng (Giám đốc Bảo tàng Lịch sử Cách mạng tỉnh TT-Huế): Câu chuyện Bảo tồn và Phát triển ở Huế là câu chuyện dài từ khi giải phóng đến nay chưa thể kết thúc. Bản thân tôi đây, đang ở Huế mà nhớ Huế vô cùng.

Theo tôi, muốn cho Huế phát triển là bằng mọi cách phải giữ cho Huế luôn cũ vì đó là hồn túy của Huế. Huế đang bị giằng xé giữa Bảo tồn và Phát triển. Nhưng tôi nghĩ, Huế cứ làm việc của Huế đi, trở thành nơi đáng sống vì không khí trong lành, con người hiền hòa, không nhất thiết phải cố giàu như Đà Nẵng, thì người giàu ở Đà Nẵng hoặc nhiều nơi khác sẽ tự tìm đến.

Ông Nguyễn Đắc Xuân: Tôi lo lắng vì lớp trẻ bây giờ ít ai thích nghe ca Huế. Tôi cũng thấy sau đại dịch Covid – 19, phong trào ăn chay đang trở thành xu hướng mà đồ chay lại là tinh hoa ẩm thực của Huế, liệu có thể làm gì đó từ đây? Và chúng ta sẽ kể lại gì cho thế hệ trẻ để họ tiếp bước mình. Di sản là cha ông để lại, không một ai có quyền phá. Thời điểm hiện tại, chúng ta chỉ có khả năng giải quyết điều này thì mình dùng cái này. Còn cái gì chúng ta chưa dùng được hãy tạm gác lại đó, giữ lại đó để sau này thế hệ tương lai giải quyết.

Võ sư Nguyễn Văn Dũng (Sáng lập Võ đường Nghĩa Dũng Không Thủ): Phát triển Bảo tồn là điều mà tôi day dứt lắm. Cách đây 15 năm tôi có người bạn là anh Nguyễn Trọng Huấn. Anh có đề án phát triển bảo tồn Huế rất hay nhưng thời đó những người có trách nhiệm đọc đề án khác, bây giờ tôi ngờ rằng thế hệ này sẽ đọc đề án đó dưới cái nhìn khác. Nếu có thể, tôi mong rằng các thế hệ hiện tại tìm đọc lại đề án này, biết đâu sẽ có gì đó làm được.

Huế có nhiều di sản quá, không biết phải làm gì trước. Riêng Sông Hương là thần thái, là cốt cách Huế, xin hãy giữ gìn và bảo vệ nó. Tiếc rằng sông Hương hiện hẹp dần lại, đục đi, tầm thường mất rồi, không còn là sông Hương trước kia nữa. Đối với con sông này, mọi thứ đều cần phải thận trọng. Muốn làm gì cũng nên lắng nghe ý kiến của người dân. Tôi tin vẫn còn có thể có cơ hội giữ lại, nếu không thì cứ để yên thế đừng làm xấu hơn nữa.

Ông Trần Sĩ Chương: Cái độc đáo của Sông Hương bây giờ là vẫn còn nhảy xuống mà tắm được. May mắn cho Huế khi còn nhiều người vẫn luôn cố gắng bảo vệ sông Hương.

CÂU CHUYỆN CẦN TRUYỀN ĐẠT KHI THẾ HỆ TRẺ KHỞI NGHIỆP

Bạn Phạm Thị Diệu Huyền (CEO Mộc Truly): Là một doanh nghiệp đang phát triển các sản phẩm thủ công, mỹ nghệ và nghề truyền thống, em luôn trăn trở với việc làm thế nào để Bảo tồn và Phát triển những tinh hoa hiện có của Huế. Em rất tán thành quan điểm Sáng tạo từ Di sản của cô Thái Kim Lan vì đây cũng là cách mà em đang áp dụng cho các sản phẩm của mình, luôn suy nghĩ sáng tạo trên cái đã có. Ví dụ như mè xửng truyền thống của Huế thường ngọt và dai. Nhưng vì dai quá ngọt quá nên không phù hợp với người ở nơi khác đến, nhất là khi người tiêu dùng hiện tại quan tâm đến bảo vệ sức khỏe và tránh tiêu thụ nhiều đường. Vậy nên em đã tìm cách sản xuất mè xửng mềm hơn và ít ngọt đi.

TS. Trần Xuân Thảo: Chia sẻ của bạn Huyền làm tôi nhớ đến câu chuyện về một gia đình người Huế có ba đời sống ở Hà Nội và bây giờ đang bán bún bò Huế ở Sài Gòn, luôn cố gắng nấu bún bò Huế cho hợp khẩu vị người Sài Gòn.

Bà Thái Kim Lan: Theo tôi, cân bằng chính là văn hóa, là cốt lõi giữa Phát triển và Bảo tồn. Tôi muốn góp ý thêm với Anh Nguyễn Đắc Xuân khi anh lo lắng việc giới trẻ không quan tâm về ca Huế. Giới trẻ sẽ không quay lưng với ca Huế nếu cho họ cơ hội tiếp xúc với ca Huế chính thống. Nếu ca Huế được hát, được biểu diễn đúng mức thì không có người trẻ nào lại không rung động. Tôi không bi quan về việc giới trẻ ít hứng thú với truyền thống mà chúng ta nên tìm cách truyền cảm hứng cho các bạn ấy. Rồi lớp đi trước như chúng ta chỉ còn chờ xem sự sáng tạo mà thôi.

Ông Trần Sĩ Chương: Thú thực tôi cũng không am hiểu nhiều về Nhã nhạc Cung đình và Ca Huế. Nhưng có một dịp về Huế với GS. Trần Văn Khê, được nghe ông chia sẻ mới hiểu thêm về giá trị của nó. Tôi đồng ý với chị Thái Kim Lan về việc làm văn hóa phải làm cho đến nơi đến chốn, và làm cho phù hợp. Tôi từng dự một buổi tiệc mà nhà tổ chức cho biểu diễn nhạc cung đình tận hai tiếng đồng hồ, không ai chịu nổi. Tôi nghĩ nên giảm thời gian biểu diễn lại tầm 10 phút thôi là được!

Họa sĩ Ngô Đình Bảo Vi (Sáng lập Trúc Chỉ Garden): Vấn đề Cân bằng trong Bảo tồn và Phát triển hiện được áp dụng rất tốt đối với sản phẩm Trúc chỉ Việt Nam. Tuy nhiên, em nhận ra một điều, người đi trước như các anh chị ở đây đưa ra nhiều khái niệm vĩ mô, và người trẻ thì lại hoang mang và loay hoay với các khái niệm vĩ mô đó vì không biết phải làm thế nào.

Em thấy việc rất quan trọng và mang tầm vĩ mô mà mình có thể giải quyết ngay là thông qua giáo dục. Người Huế phải được giáo dục về việc họ đang có những gì trong tay, những gì chỉ Huế mới có và đang bị mai một. Thực tế là nhiều làng nghề đang bị mất dần vì không có thế hệ kế cận. Làm sao để khuyến khích những người ở làng nghề truyền thống đó cho con đi học thêm để duy trì phát triển. Như vậy theo em, Giáo dục chính là tiền đề của câu chuyện Bảo tồn và Phát triển.

Bạn Thu Hương (CEO Eco Green Hub): Em hiện đang khởi nghiệp trong mảng phân phối về các sản phẩm thân thiện với môi trường. Em thấy trong hội trường này có rất nhiều anh chị đều là những người đã đi xa để trở về. Em từ nhỏ đã có ý chí chỉ muốn khi lớn lên sẽ phát triển ở Huế. Nhưng bây giờ khi bước vào kinh doanh ở Huế mới thấy là làm kinh doanh ở Huế khó khăn quá. Mọi người xung quanh bảo, tư tưởng người Huế rất khó thay đổi, nên đi Hà Nội, Sài Gòn đi. Ở đó có sẵn môi trường, hệ sinh thái tốt để phát triển. Em vẫn cứng đầu nghĩ rằng hệ sinh thái thì tụi trẻ bọn em làm là có được. Nhưng khó quá. Làm sao để người trẻ như em có thể tiếp cận được những điểm cốt lõi bên trong hệ sinh thái đó và có thể tự tạo ra hệ sinh thái đó cho công việc của mình mà vẫn đảm bảo được việc Bảo tồn và Phát triển các giá trị của Huế. Nhất là đâu phải lúc nào cũng có điều kiện tiếp cận với các anh chị ở tầm cao để học hỏi. Vậy xin anh Chương chỉ thêm cho người trẻ?

Ông Trần Sĩ Chương: Anh rất cảm kích vì em có quyết tâm ở lại Huế. Anh hứa nếu em tập hợp được nhiều người trẻ như em thì anh sẽ có những hỗ trợ phù hợp. Để hình dung về hệ sinh thái, ta có câu chuyện: Một con chim bay qua vùng đất nọ thả xuống một cái hạt. Vài ngày sau, hạt sẽ nảy mầm phát triển ra một cái cây. Thì đó là một hệ sinh thái phát triển tự nhiên. Khởi nghiệp cũng cần một hệ sinh thái như vậy. Khởi nghiệp đầu tiên phải có những điều kiện tự có trong môi trường sinh hoạt của em, nếu không có những điều kiện đó thì sẽ rất khó khăn, dễ thất bại. Tôi xin mạnh dạn nói với các em câu chuyện này. Các em khởi nghiệp tức là làm ăn, nên buôn có bạn bán có phường. Huế chỉ làm tốt khi Huế có người đầu tư và đến đây đầu tư. Cái Huế đang thiếu chính về hệ sinh thái khởi nghiệp là vì điều kiện để cho người ta đến đây đầu tư khắt khe quá. Đây là trách nhiệm của nhà nước, nhà nước nên xem lại, tại sao lại như thế. Bà Rịa – Vũng Tàu báo năm ngoái thu ngân sách được 80 ngàn tỷ đồng trong khi Huế chỉ đạt được 1/10 của Bà Rịa – Vũng Tàu, như vậy không được!

Dĩ nhiên cần có những giới hạn văn hóa, và hệ sinh thái mà em cần là phải có những nhà đầu tư vào đây. Họ tạo ra công ăn việc làm cho hàng chục ngàn người, rồi họ sẽ cần có những thầu phụ cung ứng dịch vụ... Khi sân chơi rộng lớn thì mình mới có thể đá một trận bóng tưng bừng chứ. Các em phải có trách nhiệm thúc đẩy, đề đạt. Ai đang làm cho cái nhà chưa sạch, chưa tươm tất thì các em cũng phải lên tiếng. Và quan trọng là các lãnh đạo cũng phải nhìn nhận lại một chút, đừng đổ lỗi hoàn toàn cho cấp dưới.

Bà Thái Kim Lan: Có một câu mà Tiến sĩ trí tuệ nhân tạo Vũ Duy Thức nói về khởi nghiệp: “Khi khởi nghiệp phải tính chuyện thất bại. Nếu không có ý tưởng thất bại mà chỉ về để tìm kiếm thành công thì chắc chắn chúng ta sẽ thất bại”. Một người bạn của tôi đã nói: “Chị Kim Lan ơi về Huế nếu muốn làm việc thì phải yêu Huế”.

Ông Trần Sĩ Chương: Xin thưa với chị Kim Lan rằng, yêu là điều kiện cần nhưng không đủ. Huế phải biết quý người ta thì người ta mới quý lại. Huế phải thể hiện Huế cần người ta. Ví dụ như tôi có thể mến chị nhưng nếu chị không cần tôi thì không thể phát triển quan hệ được.

Bạn Nguyễn Thị An Nhàn (CCO CoPLUS ): Là một người trẻ khởi nghiệp, em nhận thấy bản thân mình cần có trách nhiệm về Bảo tồn Phát triển với Huế. Cô Kim Lan đề cập đến Văn hóa. Mà thế hệ trẻ chúng em thì luôn băn khoăn suy nghĩ về việc “như thế nào là có văn hóa”. Thưa các anh chị là, trong mắt lớp trẻ, Đại Nội Huế chưa phải là văn hóa, đó chỉ là một công trình cụ thể vì thế hệ của em không được trải nghiệm câu chuyện của người xưa. Ngôn ngữ mà người trẻ như em được tiếp nhận vẫn khiến em cảm thấy chưa phải là văn hóa. Do đó, em rất cảm ơn bác Xuân khi bác nói về việc phải suy nghĩ về câu chuyện cần dùng để truyền đạt lại cho thế hệ trẻ là điều gì để hai thế hệ có thể đồng điệu trong cái nhìn về Bảo tồn và Phát triển Huế.

Ông Cung Trọng Cường (Viện trưởng Viện HUEIDS): Tôi đồng ý với ý kiến của Chị Nhàn về việc cần có một câu chuyện chung giữa thế hệ trước và thế hệ trẻ. Phải làm sao có một loại hình ngôn ngữ quốc tế phù hợp với Huế. Nếu Vua sống ở năm 2020 cũng phải dùng Iphone, đi ô tô chứ không thể bắt họ đi ngựa được. Những người yêu Huế đều đang rất nặng nề về việc làm sao phát triển Huế mà vẫn giữ được hồn cốt. Huế chỉ có thể phát triển nhanh dựa vào tri thức, văn hóa và con người. Nếu không có con người thì cái gì rồi cũng sẽ mất đi.

Ông Trần Sĩ Chương: Bất cứ vấn đề gì có tính cách văn hóa thì sẽ đều phức tạp vì nó không có trắng đen mặc dù khoa học. Và mẫu số chung để giải bài toán Bảo tồn – Phát triển này là: “Vì nó phục vụ con người nên nó phải được sự đồng thuận của xã hội, của những người thừa hưởng có trách nhiệm trong việc này. Trách nhiệm thứ nhất là của chính phủ. Tuy vậy, chính phủ không phải là một điều kiện duy nhất mà còn cần có người dân, chuyên gia và nhà đầu tư. Và vấn đề đầu tiên vẫn là tiền đâu. Vậy nên Nhà nước, chuyên gia, những người dân bị ảnh hưởng bởi vấn đề này, và nhà đầu tư cần ngồi họp với nhau để giải quyết”.

Tôi rất đồng ý với quan điểm của anh Cung Trọng Cường – Viện trưởng Viện HUEIDS. Không chỉ riêng Huế và người yêu Huế trăn trở về vấn đề Bảo tồn và Phát triển, dù là ai, ở đâu, bằng cách nào thì việc Bảo tồn và Phát triển cũng nên lưu tâm đến vấn đề con người. Bảo tồn phải nằm trong Phát triển và lấy con người làm trọng tâm phục vụ, không thể khác được.

Diễm Châu biên tập

Bình luận


Chưa có bình luận!


Bài viết trước đó
Bài viết kế tiếp

Trở lại đầu trang