(GLO)- Hơn 1.000 sinh viên có mặt trong buổi giao lưu với diễn giả Tôn Nữ Thị Ninh đã thực sự cảm nhận được sự khác biệt từ vẻ bên ngoài quý phái đến nhân cách, tài năng, học vấn uyên thâm của bà. Sinh viên cũng thu nhận và lĩnh hội được những điều khác biệt cần phải có để thành công từ những chia sẻ cởi mở, sâu sắc đến từ nhà ngoại giao nổi tiếng này.
Diễn giả Tôn Nữ Thị Ninh tại buổi giao lưu. Ảnh: Thanh Vân
Hội nhập nhưng không đánh mất bản sắc văn hóa.
Đó là thông điệp đầu tiên mà bà Tôn Nữ Thị Ninh chia sẻ với sinh viên Huế trong buổi giao lưu mang chủ đề “Tạo sự khác biệt cho Huế” được tổ chức tại Huế năm 2012. Theo bà, càng toàn cầu hóa càng có dịp thể hiện bản sắc bản ngã, càng phải gắn bó với nơi mình sinh ra. “Thanh niên Việt Nam hội nhập nhanh, cởi mở với thế giới bên ngoài nhưng phải ý thức mình là ai, ở đâu?”, bà nói. Đưa ra chính ví dụ về mình, cô bé Ninh từ lúc 13 tuổi đã không chịu đổi sang tên Pháp khi sống cùng gia đình ở Pháp mà vẫn được người ta coi trọng, bà cho rằng không có văn hóa cao hơn mà chỉ là sự khác biệt, không nên bẻ cong mình để tạo thuận lợi, đánh mất tiếng Việt của mình, hãy giữ tên mình hay sâu xa hơn nữa, hãy giữ chính bản sắc của mình khi hội nhập quốc tế.
Trả lời câu hỏi của một sinh viên tại buổi giao lưu về triết lý sống, diễn giả Tôn Nữ Thị Ninh chia sẻ, cái soi đường đi cho mình chính là lẽ sống, phong cánh sống “có hậu, có tâm và có tầm”. Chính điều này đã làm nên sự khác biệt của bà hiện nay. “Sống ở đâu mình tạo được sự khác biệt thì dù nơi đó khó khăn vẫn hơn là sống ở chỗ thuận lợi, sống mà không có ích cho đất nước, dân tộc, những người xung quanh mình và gia đình”, bà nói. Đó cũng chính là lý do bà đã quyết định ra Hà Nội làm ngành ngoại giao dù ở ngành giáo dục, bà vẫn có thể làm tốt và dù thời ấy, điều kiện làm việc ở Hà Nội còn rất khó khăn. Đây cũng là một thông điệp ý nghĩa nữa mà bà Ninh đã gửi gắm đến các sinh viên Huế. “Sự xói mòn của văn hóa sống hiện nay, lối sống gấp trong giới trẻ, sự thống trị của đồng tiền... đang ảnh hưởng lớn đến giới trẻ và tôi luôn muốn góp phần tạo môi trường sống xung quanh mình hài hòa, ấm áp và bình đẳng, văn minh hơn. Tính cách Huế của tôi thể hiện trong quá trình phấn đấu và thực hiện điều đó”. Từ triết lý sống này của nữ ngoại giao bản lĩnh Tôn Nữ Thị Ninh, sinh viên có thể học hỏi và rút ra cho mình những điều ý nghĩa.
Bà Tôn Nữ Thị Ninh sinh ra tại Huế là hậu duệ của hoàng tộc Nguyễn. Bà từng làm Đại sứ Việt Nam tại Liên minh châu Âu và Bỉ; nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban đối ngoại Quốc hội Việt Nam (khóa XI), Viện trưởng Viện nghiên cứu và trao đổi quốc tế Trí Việt và hiện nay là cố vấn đặc biệt cho Hiệu trưởng Trường đại học Tôn Đức Thắng, TP. Hồ Chí Minh. Bà hiện cũng là thành viên của mạng lưới lãnh đạo khu vực châu Á-Thái Bình Dương và Giải trừ quân bị và không phổ biến Vũ khí hạt nhân, thành viên Hội đồng Cố vấn danh dự của Quỹ New Zealand-Á châu và thành viên Hội đồng cố vấn của Tổ chức các nữ lãnh đạo châu Á mới.
(Tư liệu của nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân năm 2012)
Để tạo sự khác biệt...
Trả lời câu hỏi của một sinh viên “Làm sao để tạo nên sự khác biệt nhưng không đánh mất mình?”, diễn giả Tôn Nữ Thị Ninh cho rằng, sinh viên phải tự định vị mình. “Truyền thống là cái quý nhưng không chừng sẽ trở thành xiềng xích, nên làm truyền thống trở thành động lực. Mối quan hệ đối với gia đình và thầy cô là quan trọng nhưng bên cạnh đó, sinh viên phải tự tạo ra sự khác biệt của mình, tạo sự tự tin cần thiết nhưng vẫn giữ gìn được mối quan hệ thầy trò và gia đình, đó mới là bài toán khó”, bà Ninh nói.
Ảnh: Thanh Vân
“Để thay đổi chính mình sinh viên nên bắt đầu từ đâu?”, một sinh viên hỏi. “Trước hết từ bên trong, không cần bắt chước cách sống chỗ khác nhưng nên thích nghi với cuộc sống hiện đại, bà Ninh chia sẻ. Bài toán ở đây là thích nghi với cuộc sống hiện đại nhưng vẫn giữ được cốt cách của người Huế. Tôi vẫn giữ phong cách của người Huế mặc dù tôi sống ở Huế rất ít. Các em sinh viên hãy coi phong thái tự tại và ung dung là lợi thế nhưng không phải đến mức trở thành chậm chạp mà phải làm sao dung hòa được thì mới thành công”.
Với câu hỏi “Theo bà vì sao có nhiều người học sư phạm chuyển sang làm kinh tế?”, diễn giả Tôn Nữ Thị Ninh khẳng định: “Chìa khóa nằm ở các bạn. Làm nghề gì cũng phải thật giỏi. Đối với giáo dục sẽ có sự lung lay nếu “lửa” không đủ để không bị cuốn hút bởi sự kêu gọi khác. Câu trả lời cũng nằm nhiều ở các bậc thầy cô. Nếu các thầy cô thật sự có tâm và nghĩ nghề giáo là cao quý, hữu ích thì sẽ truyền “lửa” đối với sinh viên và số không lung lay sẽ ít đi. Tôi mong đất nước mình đủ ngân sách để trả lương xứng đáng cho các thầy cô, ngược lại các thầy cô cũng phải thật có tâm với nghề”.
Lòng tốt là then chốt nhưng không đủ làm nên sự nghiệp
Một sinh viên đưa ra câu hỏi khá thú vị: “Quan niệm về lòng tốt của bà? Lòng tốt có thỏa hiệp với điều gì khác trong cuộc sống? Và cái đích cuối cùng của giáo dục có phải là hướng tới đào tạo những người tốt?”. Trả lời câu hỏi này, diễn giả Tôn Nữ Thị Ninh kể lại câu chuyện đi dự hội nghị quốc tế đầu tiên ở Thụy Sĩ năm 1990 của bà với cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt. Tại hội nghị này, bà được chứng kiến cuộc nói chuyện của ông Võ Văn Kiệt với cựu thủ tướng Singapore-Lý Quang Diệu và tại đây ông Diệu đã nói rằng: “Tốt nhất là có cả đạo đức và năng lực, nhưng lỡ không thể có cả hai thì phải có đạo đức”. “Từ một người tiêu biểu về quản lý và quản trị mà có quan điểm như thế thì đương nhiên có thể nói rằng lòng tốt là cái tạo ra cái nhân bản của xã hội. Nhưng lòng tốt phải đi đôi với bản lĩnh và lòng tốt không thôi thì chưa đủ, bởi ông ấy chỉ nói là “lỡ” mà thôi chứ phải phấn đấu để có cả hai vì như thế mới phát triển được và năng lực phải đi đôi với trí tuệ và tầm nhìn. Lòng tốt cũng phải biết tỉnh táo và suy cho cùng, lòng tốt là then chốt nhưng không đủ làm nên một sự nghiệp”, bà Ninh nhấn mạnh.
“Những điều bà Tôn Nữ Thị Ninh nói rất có ích, sâu sắc và để lại ấn tượng mạnh với em. Sau buổi giao lưu này, em thấy mình cần phải thay đổi mình để có thể đạt được mục đích sống tốt hơn...”
Huyền Trang, sinh viên năm 5 Trường đại học Y Dược Huế
“Điều mà em lĩnh hội được từ buổi giao lưu này là phải xác định cho mình một mục đích sống. Từ những chia sẻ của diễn giả Tôn Nữ Thị Ninh, em thấy mình được mở mang nhiều điều. Em cũng nhận ra rằng những suy nghĩ trước đây của em chưa sâu sắc và còn mang tính sách vở. Những vốn kiến thức về văn hóa Việt Nam và nước ngoài còn ít ỏi. Chương trình này thực sự đã đem lại cho em những kiến thức cần thiết và định hướng đúng đắn”.
Ngọc Lan, sinh viên năm 3 Trường đại học Sư phạm Huế
Thanh Vân