Tôi đã có mấy chục năm hoạt động yêu Huế với Hội Người Yêu Huế tại Pháp, Hội đồng hương Huế ở TP HCM, Hội đồng hương Huế và CLB Văn hóa Huế ở Thủ đô Hà Nội nhưng mãi đến những năm gần đây hoạt động với Nhóm Bạn Cố đô Huế ở Hà Nội tôi mới nhận ra được một thực tế: Tiếng nói của Người yêu Huế ở tại Huế không thiêng mà Người Yêu Huế ở ngoài Huế mới thiêng, mới có hiệu quả. Chuyện đó vừa qua đã được Không Gian Lê Bá Đảng chứng thực và ngay bây giờ Nhóm Bạn Cố đô Huế ở Hà Nội đang xác nhận hiện tượng đó không sai.
Với tư cách là thành viên của Nhóm Bạn Cố đô Huế đang ở Huế, trong mấy ngày 11 và 12 tháng 5 vừa qua tôi ngộp thở với những hoạt động giúp Huế của Nhóm. Lần đầu tiên tôi được sinh hoạt với một tập thể trí thức, thân tình đến vậy. Nội dung chung quanh việc giới thiệu Quỹ học bổng Vietseeds - Huế giúp đào tạo nhân tài cho tỉnh TTH và Đại học Huế, cùng với Trại sáng tác các tác phẩm nghệ thuật về Nhạc sỹ Trịnh Công Sơn và Đêm nhạc "18 mùa nhớ Trịnh Công Sơn" do chính thầy cô giáo và Sinh viên Đại học Huế thực hiện.
Chủ trì các hoạt động là lãnh đạo UBND tỉnh TTH, Ban Giám đốc Đại học Huế, và Nhóm bạn Cố đô Huế. Nhóm có nhà sử học Đại biểu Quốc hội Dương Trung Quốc, nhà hoạt động ngoại giao nhân dân Phạm Dzũng, TS Thái Kim Lan, nhà văn dịch giả Bửu Ý, khách mời có ba chuyên gia trí tuệ nhân tạo (artificial intelligence) TS Vũ Duy Thức, ông Trương Quốc Hùng (Giám đốc Công ty VinBrain, thuộc Tập đoàn Vingroup), TS Lưu Thế Lợi (qua online), ông Lê Bá Dũng Phó TGĐ Techcombank và các nhà tài trợ khác. Nhiều hoạt động có cả trăm giám đốc, các cán bộ lãnh đạo các sở ban ngành của các Trường thành viên Đại học Huế, các Hiệu trưởng các Trường THPT trên địa bàn TP Huế.v.v.
Tham gia chuỗi hoạt động ở Đại học Huế và UBND tỉnh TTH mấy ngày qua tôi sống lại thời Sinh viên của tôi gần sáu mươi năm trước. Hào hứng hết minh.
Đầu giờ sáng 11-5 đến KS Midtown đón Nhóm Bạn Cố đô Huế từ Hà Nội vào. Cô chủ khách sạn Đinh Xuân Thanh rất mến các nhà nghiên cứu, các nhà văn hóa nên đón Dương Trung Quốc như đón người thân của mình đi xa về. Cùng lúc cô Lê Thị Cẩm Tế cũng đến KS mời Dương Trung Quốc và Nhóm lên thăm những nét mới vừa có sau ngày khánh thành Không Gian Lê Bá Đảng. Nhưng Nhóm chưa đi ngay được vì phải đến thăm Trại sáng tác các tác phẩm nghệ thuật về Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn.
Thăm trại sáng tác, một số tranh đã vẽ xong, tôi rất thú vị. Ý tưởng Vẽ Trịnh Công Sơn của Nhóm đã được các thầy cô giáo và Sinh viên Đại học Mỹ thuật thực hiện xuất sắc. Tôi có ý nghĩ sẽ đề nghị với Đoàn trường tổ chức bán đầu giá các tranh vẽ Trịnh Công Sơn để gây quỹ hoạt động văn hóa nghệ thuật của của Đoàn. Nếu OK tôi sẽ vận động quảng cáo cho các bạn.
Rời trại sáng tác Nhóm chạy thẳng lên Kim Sơn . Người đẹp làm chủ nghệ thuật Lê Cẩm Tế đứng chờ sẵn trước cửa đưa “đoàn” vào. Ngắm cảnh quan mới lạ, góc nào cũng niêm nỡ một sắc hoa, nhiều loại hoa màu tím nở đầy thách thức với nắng hè. Xem cảnh quan với nhiều loại hoa tôi nghĩ sẽ báo với các tác giả “Huế bốn mùa hoa” hãy lên đây tham khảo để tìm hoa cho Huế. Vào xem phòng trưng bày tranh, những người cùng đi không trao đổi gì với nhau cả mà đều có ý tưởng đề nghị Tỉnh và Thanh phố Huế tiếp khách quốc tế nên thuê không gian nầy.
Đang say sưa chuyện nghệ thuật thì có người nhắc cô Cecile le Phạm đang chờ cơm ở Cocodo 53 Hàm Nghi, 12 g phải có mặt. Câu chuyện nghệ thuật mới của Huế phải tạm dừng. Xem nghệ thuật đương đại nên được ăn các món Tây. Đặc biệt là hai món Pizza và Mì Ý. Ăn xong được xem “kho cổ vật” đang chờ đưa vào Bảo tàng đang chuẩn bị ở 51 Hàm Nghi.
2g chiều đến Hội trường Canada Đại học Sư phạm Huế. Không biết bây giờ tên gì chứ thời chúng tôi gọi là Giảng đường Canada. Và chúng tôi cũng đã thực hiện nhiều cuộc hội thảo của Phong trào đấu tranh đô thị của Sinh viên Huế ở Giảng đường nầy. Chiều nay đến xem ca sĩ Trịnh Vĩnh Trinh giúp các thầy cô giáo và sinh viên tổng duyệt (thời chúng tôi goi là répétition général). Chương trình nhạc "18 mùa nhớ Trịnh Công Sơn". Phầ cuối chương trình có sự tham gia của ca sĩ Đức Tuấn và ca sĩ Hoàng Trang. Một không khí đàn hát khẩn trường thể hiện sức sống của tuổi trẻ Huế năng động không khác gì thời Sinh viên tranh đấu của chúng tôi.
3g thăm vườn nhà cổ của TS Thái Kim Lan – thành viên Nhóm Bạn Cố đô Huế ở Kim Long. Găp nhiều Cựu nữ sinh Đồng Khánh. Được mời ăn những món bánh Huế, ăn chè hạt sen bọc nhãn, uống trà Huế. 5g chiều Đại học Huế mời cơm ở Khách sạn Duy Tân. 7 g trở lại Giảng đường Canada thưởng thực "18 mùa nhớ Trịnh Công Sơn". Chương trình có 20 tiết mục nhưng chỉ có 10 tiết mục đã được chọn lọc từ nhiều cuộc thi đã được tổ chức ở các Trường. Tôi đã quá quen với âm hhạc của Trịnh Công Sơn, nhưng đêm nay tôi say sưa, có lúc sững sờ. Tôi thấy ai cũng có sự cố gắng hiểu Trịnh Công Sơn và thể hiện hết mình cho âm nhạc của người mình yêu, mình tự hào. Tôi nghĩ đến đề án Festival Huế hát Trịnh Công Sơn mà tôi đã đề xuất hơn một năm nay. Vẽ Trịnh Công Sơn và thi hát Trịnh Công Sơn là hai chương trình trong Festival. Tôi gặp lại Đức Tuấn bạn học một lớp với con gái Tú Uyên của tôi ở trường Ngoại thương. Đức Tuấn có thể “chơi” giúp vui 10 bài cho một đêm diễn với tuổi trẻ. Cách đây 6 năm cũng trên sân khấu nầy một mình Đức Tuấn đã hát nguyên cả một Chương trình về âm nhạc của Phạm Duy. Tuổi trẻ vỗ tay không ngớt. Tôi bị lây một chút tự hào và tin tưởng ở thế hệ của các con tôi. Cám ơn Đức Tuấn.
Sáng 12-5 có đến 2 chương trình. Chương trình thứ nhất: Hội nghị giới thiệu về Quỹ học bổng Vietseeds - Huế tại 3 Lê Lợi – địa điểm lịch sử- Viện Dân biểu Trung kỳ từ năm 1927. Chương trình thứ hai Thảo luận về công nghệ AI (trí tuệ nhân tạo), Robotics, Blockchain tại UBND Tỉnh TTH, có có cả trăm giám đốc các Trường thành viên của Đại học Huế, của Sở Giáo dục và Đào tạo v.v. Chưa bao giờ tôi được dự một cuộc họp ở Hội trường UBND tỉnh mà thú vị như sáng 12-5 vừa rồi. Lãnh đạo có Chủ tịch, Phó Chủ tịch, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TTH rất gần gũi chu đáo. Khách mời lại có cả ông Nguyễn Trí Dũng – ông chủ của VƯỜN ƯƠM GIẤC MƠ VIỆT NAM.
Chủ trì giao lứu có ba nhà khoa học, hai người có mặt và một người ngồi bên Mỹ qua online. Sự kiện này bắt đầu cho chương trình phát triển Huế trở thành một thành phố Sáng tạo và Công nghệ theo định hướng của tỉnh trong thời gian tới. Tôi nhờ các stt, các website của người tham dự tường thuật. Tôi chỉ ghi lại ở đây điều thú vị của tôi. Một buổi giao lưu khoa học thời 4.0, một chuyên gia ngồi bên Mỹ qua online giao lưu với các chuyên gia đang ngồi ở UBND tỉnh TTH như đang ngồi chung một bàn. Tôi được học AI là gì, AI sẽ giúp cho con người phát triển đến không ngờ nhưng AI không thể thay cho con người, AI phát minh dựa trên dữ liệu khoa học, điều quan trọng là người làm AI phải đội chữ tâm lên đầu. Một điều tôi cho là mới. Dự một hội nghị quan trọng đến thế mà không thấy có bì thơ, không thấy có ai bỏ về trước, tất cả đều rất hào hứng ngồi lại cho đến cuối. Các nhà khoa học, lãnh đạo Tỉnh TTH, lãnh đạo Đại học và Nhóm Bạn Cố đô kết thúc chuỗi hoạt động bằng bữa cơm ở Vinpearl. Lúc nầy mới có dịp lấy thông tin liên lạc, hẹn gặp lại với những thành tựu mới.