Nhạc sĩ Dương Thiệu Tước gốc miền Bắc nhưng nổi danh qua hai bản nhạc miền Trung : ‘Tiếng xưa” và “Đêm tàn Bến Ngự”. Ông sinh ngày 15/05/1915 tại làng Vân Đình, huyện Sơn Lãng , phủ Ứng Hòa, tỉnh Hà Đông, trong một gia đình nho học truyền thống. Năm 1930 ông gia nhập nhóm Myosotis, là nhóm nhạc sĩ đầu tiên khởi xướng tân nhạc VN. Ông chủ trương viết “nhạc Tây theo điệu ta”.
Trong thời gian ông và vợ, là ca sĩ Minh Trang, vào Huế thăm bạn bè đồng thời nghiên cứu về dân ca Huế và cổ nhạc miền Trung, ông đã dùng ký âm pháp Tây phương ghi lại một cách chính xác những câu hò, điệu hát của địa phương như hò mái đẩy, ca Huế, nhạc cung đình…
Cái âm hưởng buồn mênh mông của cổ nhạc Huế bắt nguồn từ tiếng hát ai oán của người dân Chàm mất nước đã ảnh hưởng đến người nhạc sĩ miền Bắc, và ông đã sáng tác bản “Tiếng xưa”. Rồi trong một đêm trăng ông cùng các bạn nghệ sĩ tổ chức đi thuyền ca hát trên sông Hương, một thú vui tao nhã của các văn nhân, nghệ sĩ lúc bấy giờ. Đêm về khuya, mọi người đều đã an giấc trong khoang thuyền. Không ngủ được, ông ra mũi thuyền ngồi ngắm trăng. Giữa cảnh im lặng trời nước mênh mông, nhìn những con đò cập bến sát bên nhau khiến ông bâng khuâng, cảm hứng dạt dào, ông liền lấy sổ tay ra ghi chép và viết nên nhạc phẩm “Đêm tàn Bến Ngự”. Hai ca khúc bất hủ này trở thành tác phẩm tiêu biểu ông. .
NGUYỄN VĂN CHÁNH
Montréal- Canada