Tản mạn nhân cuộc vận động dựng tượng Trịnh Công Sơn ở Huế với tinh thần “Nối vòng tay lớn”.
Trong dòng chảy âm nhạc Việt Nam có những ca khúc gắn liền với những sự kiện lịch sử trọng đại. Đặc biệt hơn, trong đó có những ca khúc xuất hiện tức thời với một sự kiện lịch sử, được hàng triệu người hát vang trên đường phố, trên công trường, quảng trường, trên chiến lũy, trên đường hành quân như: Tiến quân ca, Giải phóng Điện Biên, Giải phóng miền Nam, Như có Bác Hồ trong ngày đại thắng, Nối vòng tay lớn. v.v... Những ca khúc ấy đã làm náo nức lòng người, cổ vũ hàng triệu người nắm tay nhau “nối vòng tay lớn”, hòa hợp dân tộc, thực hiện một nhiệm vụ chính trị quan trọng… Những bài hát ấy trở thành máu thịt, tâm hồn của người Việt Nam, đi vào lòng người một cách rất tự nhiên, nhẹ nhàng và sâu lắng. Có những ca khúc xuất thần, ca từ mộc mạc, bình dị nhưng có sức sống mãnh liệt, được nhiều thế hệ người Việt Nam hát bằng cả trái tim của mình.

Trịnh Công Sơn hát Nối vòng tay lớn
Tôi từng tham gia nhiều sự kiện lớn của Đoàn TNCS Hồ Chí Minh và Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam. Tôi rất thích ba ca khúc không biết từ khi nào đã trở thành bài hát truyền thống của tổ chức Đoàn – Hội.
Đó là “Đừng hỏi tổ quốc đã làm gì cho ta, mà cần hỏi ta đã làm gì cho tổ quốc hôm nay”. Đây là điệp khúc của bài “Khát vọng tuổi trẻ” do tác giả Vũ Hoàng sáng tác vào giữa thập niên 1990.
Đường dài tương lai quê hương đang gọi mời.
Tuổi trẻ hôm nay chung tay xây ngày mới.
Dù lên rừng hay xuống biển.
Vượt bão giông vượt gian khổ.
Tuổi trẻ kề vai vững vàng chân bước bạn ơi.
ĐK:
Đừng hỏi Tổ quốc đã làm gì cho ta,
mà cần hỏi ta đã làm gì cho Tổ quốc hôm nay.
Đừng hỏi Tổ quốc đã làm gì cho ta,
mà cần hỏi ta đã làm gì cho Tổ quốc hôm nay
Câu này khiến người ta nhớ lại tổng thống Mỹ John F. Kennedy phát biểu trong bài diễn văn nhậm chức, vào năm 1961: “Đừng hỏi tổ quốc có thể làm gì cho bạn; hãy hỏi bạn có thể làm gì cho tổ quốc”. Và trước đó, vào năm 1955, phát biểu tại buổi lễ khai mạc Trường đại học nhân dân Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói: “Nhiệm vụ của thanh niên không phải là hỏi nước nhà đã cho mình những gì. Mà phải tự hỏi mình đã làm gì cho nước nhà? Mình phải làm thế nào cho ích lợi nước nhà nhiều hơn? Mình đã vì lợi ích nước nhà mà hy sinh phấn đấu chừng nào?”
Bài thứ hai là “Anh em ta về”, một sáng tác của Võ Tá Khánh và Tiến Lộc.
Anh em ta về cùng nhau ta quây quần này, 1-2-3-4-5
Anh em ta về cùng nhau ta sum họp này, 5-4-3-2-1
Một đều chân bước nhé
Hai quay nhìn nhau đi
Ba cầm tay chắc nhé, ko muốn ai chia lìa
Bốn nhớ rằng chúng ta bốn bể anh em một nhà
Năm nhớ mãi tình người trong câu ca.
Bài thứ ba là “Nối vòng tay lớn”, được hát ở bất kỳ nơi đâu, trong ngày lễ lớn, trong hội nghị, liên hoan; từ đất liền đến biên giới, hải đảo, từ miền núi đến miền xuôi. Bài hát đã vượt ra khỏi biên giới nước nhà, lan tỏa đến nhiều nước trên khắp các châu lục. Nhiều người dù không biết đến một câu tiếng Việt vẫn có thể nhẩm theo giai điệu bài hát trong những dịp tham gia khánh lễ.
Trịnh Công Sơn sáng tác “Nối vòng tay lớn” từ năm 1968, năm 1970 lần đầu tiên được hát tại trại Nối vòng tay lớn dành cho thanh niên, sinh viên, học sinh miền Nam, tổ chức trong ngày 24 và 25/4/1970. Chiều ngày 30/4/1975, Trịnh Công Sơn hát “Nối vòng tay lớn” trên sóng Đài phát thanh Sài Gòn.
Trong bài phát biểu trước các bạn trẻ Việt Nam trong chuyến thăm vào tháng 5/2016, cựu Tổng thống Barack Obama đã nói: "Chúng tôi vô cùng lạc quan vào tương lai quan hệ hai nước. Niềm tin của tôi chính là tin vào tình hữu nghị của chúng ta, như Trịnh Công Sơn đã viết trong bài Nối vòng tay lớn". Gần đây nhất, vào tối ngày 5-3-2018, trong chuyến thăm hữu nghị 5 ngày (từ 5-3 đến 9-3-2018) của đoàn thuỷ thủ Hạm đội 7 Hải quân Mỹ, gồm tàu sân bay USS Carl Vinson, tàu tuần dương USS Lake Champlain và tàu khu trục USS Wayne E.Meyer, đã có chương trình hát “Nối vòng tay lớn”, bài hát kết thúc chiến tranh ở Việt Nam, tại cầu Rồng, TP Đà Nẵng. Tối hôm đó đại sứ Mỹ Daniel Kritenbrink đã phát trực tiếp phần biểu diễn của Hạm đội 7 trên Facebook cá nhân. Đoạn clip này nhận được hơn 9.400 lượt thích và 2.900 bình luận, 6.100 người chia sẻ clip.
***
Tôi rất tâm đắc và cảm thấy rất thú vị khi “Như có Bác Hồ trong ngày đại thắng” và “Nối vòng tay lớn” đã thay thế cho bài hát “Kết đoàn”, một bài hát của Trung Quốc.
Từ thời kỳ kháng chiến chống Pháp (1946-1954) và trong hai mươi năm hòa bình ở miền Bắc, mỗi khi sinh hoạt tập thể đều hát vang bài “Kết đoàn”. Bài hát được Bác Hồ dùng như một lời nhắc nhở đoàn kết. Sinh thời Bác thường bắt nhịp cho cả tập thể hát trong các cuộc họp mặt, lúc bế mạc, chia tay. Bản dịch bài hát này sang tiếng Việt rất hay, phổ quát, nước nào cũng dùng được, không còn màu sắc Trung Quốc nữa:
“Kết đoàn chúng ta là sức mạnh/ Kết đoàn chúng ta là sắt gang/ Đoàn kết ta bền vững/ Dù sắt hay là gang, mà sắt với gang còn kém bền vững/ Chúng ta thề phá tan quân thù, thực dân, đế quốc, sài lang với phe phản động, ta đập tan hoang/ Tiến tiến mau mau kìa tự do đang reo bừng trong ánh dương, xây đời mới trong dân chủ mới!”.
Hay. Nhưng chúng ta đã có bài hát hay hơn để thay thế. Người Việt Nam tự hào khi hát bài hát Việt Nam thay thế cho bài hát nước nước ngoài. Đó là “Như có Bác Hồ trong ngày đại thắng” của nhạc sĩ Phạm Tuyên và “Nối vòng tay lớn” của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn.
Riêng về nhạc Trịnh Công Sơn, ca từ giàu trính triết lí nhưng bản thân tác giả không phải là vĩ nhân, cũng không phải nhà hiền triết. Vì thế, khi tham gia Ban vận động dựng tượng Trịnh Công Sơn tôi đã ngõ lời về một chân dung Trịnh Công Sơn từ hòa, bao dung, gần gũi, thân thiết, có khả năng làm cho mọi người xích lại gần nhau, “gần gũi nhau thêm mạnh khối đời” (Từ ấy – Tố Hữu). Bức tượng này sẽ được dựng trong công viên Trịnh Công Sơn ở ngã ba sông Hương và sông hộ thành Đông Ba, đầu gối vào phố cổ Gia Hội, mặt hướng ra sông Hương, lấy Ngự Bình làm tiền án, dãy Kim Phụng giăng ngang tạo nên một vùng cảnh quan rộng lớn. Theo đồ án qui hoạch và thiết kế của KTS Hồ Viết Vinh, công viên có diện tích khoảng 6,2ha kéo dài gần 1km dọc theo sông Hương, ngó qua chợ Đông Ba, Đập Đá, Cồn Hến, cảnh quan mặt nước bao quanh. Công viên có hai phần liền kề: Không gian Nối vòng tay lớn và Không gian Vườn âm nhạc.
Không gian Nối vòng tay lớn là hình tượng Vòng tay Việt Nam với một vòng tròn 2 lớp tạo thành Cánh đồng Việt Nam: một ý tưởng thoát thai từ khát vọng hoà bình trong âm nhạc Trịnh Công Sơn. Tượng nhạc si Trịnh Công Sơn mang vóc dáng khoan thai thoát ra từ thế đứng núi sông. Ông đứng như một biểu tượng cho khát vọng hoà hợp dân tộc, cho tình yêu nhân loại và cho cả thân phận con người. Mỗi lần bước chân vào không gian này, ta như nghe lại giai điệu hùng tráng tươi mát, ta như đi để từng bàn tay nắm lại nối thành một khối thống nhất mang tên Việt Nam.
Không gian Vườn âm nhạc là sự ngưng đọng giai điệu của thiên nhiên qua lời tình tự của cỏ cây, hoa lá, chim muông, và vạn hữu.