(Huehoc.com) Đó là phác thảo quy hoạch Cồn Dã Viên do Đô thị gia-Kiến trúc sư Hồ Viết Vinh – Tổng thư ký Hội Nghiên cứu và Phát triển di sản văn hóa Huế trình bày với lãnh đạo UBND tỉnh Thừa Thiên Huế và UBND Thành phố Huế vào chiều tối ngày 23-12-2020 tại UBND tỉnh Thừa Thiên Huế.
Cồn Hến và Cồn Dã Viên là hai hòn đảo nằm trên khúc sông Hương rộng nhất giữ vai trò Tả Thanh Long-Hữu Bạch Hổ trước Kinh thành Huế. Thời xa xưa Cồn Dã Viên chưa có tên. Hồi nửa thế kỷ XVIII chúa Nguyễn Phúc Hoạt/Khoát có tổ chức cuộc đấu giữa voi và hổ ở đây. Nhà buôn Pháp Pierre Poivre được xem và tường thuật lại, gọi nơi ấy là “ile” (đảo, hòn đảo). Hòn đảo này có tên từ khi vua Tự Đức sử dụng đảo làm nơi nghỉ mát. Ta biết được cái giá trị của hòn đảo được vua Tự Đức ban tên là Dữ Dã Viên (Vườn Dữ Dã) qua tấm bia dựng năm 1867.
Bia “Dữ Dã Viên” dài 1.413 chữ, do chính vua Tự Đức viết sau khi khu vườn được xây dựng xong. Bài ký đã được Quốc Sử Quán triều Nguyễn khắc in ở quyển 18 trong bộ “Ngự chế văn nhị tập” vào năm Tự Đức thứ 29 (1867). Nhà nghiên cứu Phan Thuận An đã tiếp cận được tấm bia còn lưu lại trên Cồn Dã Viên và biên khảo bài CỒN DÃ VIÊN VÀ “DỮ DÃ VIÊN KÝ” đăng trong Nghiên Cứu Huế Tập 3-2002, Văn bia chữ Hán được nhập lại, phiên âm và dịch nghĩa rất công phu. Nội dung bia kể nhiều về lịch sử và vị thế của cồn Dã Viên, lý do thiết lập khu vườn ngự và diện mạo đương thời của nó, mô tả cảnh trí và đời sống của dân cư các khu vực lân cận, tự thuật về sinh hoạt và nghỉ ngơi của nhà vua ở vườn, lý luận về ý nghĩa của đời sống tránh xa danh lợi, hòa mình vào thiên nhiên để hưởng thú thanh nhàn, lý giải vì sao lại đặt tên cho khu vườn là Dữ Dã”.
Dưới mắt thần dân, Cồn Dã Viên là một vùng thôn dã ở ngay trung tâm thành phố Cố đô, Cồn còn giữ được giống cây bản địa thời xưa không tìm được ở bất cứ nơi đâu trên thành phố Huế, Cồn là nơi yên tĩnh được vua Tự Đức chọn làm nơi nghỉ dưỡng trong mùa viêm nhiệt, Cồn có thể bị lũ lụt tràn qua hằng năm. Vì thế quy hoạch Cồn Dã Viên thành Vườn Thiên Niên Kỷ phải sống chung với lũ lụt và không được vi phạm ba tính cách ấy. Nếu…sẽ không được người dân Huế đồng tình.
Đầu thế kỷ XX người Pháp cho con đường sắt Bắc-Nam chạy băng qua đầu phía đông cồn. Nửa thế kỷ sau lại dựng thêm tháp nước Dã Viên sừng sững ở gần đó. Hai công trình này đã phá vỡ cảnh quan và sự yên tĩnh của Cồn Dã Viên.
Cồn Dã Viên đã được quy hoạch nhiều lần nhưng chưa thành. Kiến trúc sư-Đô thị gia Hồ Viết Vinh nắm vững tính chất lịch sử của Cồn Dã Viên, đã tham khảo đầy đủ ý tưởng quy hoạch của những người đi trước, với kiến thức quy hoạch của những đảo đồng dạng nước ngoài anh đã phác thảo được bản quy hoạch “Từ Cồn Dã Viên đến Vườn Thiên Niên Kỷ”. Khu vườn giữ được quá khứ, hóa giải để chấp nhận hiện tại và hướng về tương lai. Phác thảo được lãnh đạo Tỉnh và Thành phố hoan nghinh góp ý kiến để hoàn thành dự án Cồn Dã Viên trong thời gian tới.
Đây là hoạt động mở đầu của Hội Nghiên cứu và Phát triển Di sản Văn hóa Huế.Xin thông báo với toàn thể Hội viên và các thân hữu của Hội.
Nguyễn Đắc Xuân
Chú thích ảnh:
1.Mặt trước Bia Dữ Dã Viên do vua Tự Đức viết
2. Cồn Dã viên có một thời như thế.
3. Trình bày phát thảo
4. KTS Hồ Viết Vinh.
5. Lãnh đạo Thừa Thiên Huế và TP Huế: Ba không gian cấu thành
6. Miền thôn dã
7.Miền ký ức
8. Miền thi ca
9.Tổng thể Vườn Thiên Niên Kỷ nhìn từ trên cao