NƯỚC VẪN XANH DÒNG

Công tằng Tôn Nữ Hỷ Khương làm thơ lúc 8 tuổi. Cụ thân sinh Ưng Bình Thúc Dạ Thị dạy chị làm thơ dưới mái Hương Viên (Châu Hương Viên) ở thôn Vỹ Dạ. Chị vừa làm thơ vừa ngâm thơ và ca Huế.

Là út nữ nhưng trong gia đình nhưng chị là người chịu sự ảnh hưởng nhiều nhất của cụ thân sinh cả về thi ca và hiếu nghĩa. Sinh thời cụ Ưng Bình Thúc Giạ Thị có hai câu thơ:

Cha con ta là đôi tri kỷ

Chung bóng, chung hình giữa nước non

Cụ Ưng Bình là một nhà thơ đa tài, một nhà soạn lời ca Huế, một nhân cách trên quan trường. Tôi rất thích hai câu của cụ:

KHI LÊN SÂN KHẤU KHÔNG LÀM RỘN

KHI HẠ VAI TUỒNG ÍT HỔ NGƯƠI

Năm 2005, khi GS-TS Thái Kim Lan được trao tặng giải thưởng Đào Tấn tôi mới biết là năm 2000 chị đã tài trợ cho Nhà hát Tuồng Đào Tấn (Bình Định) dựng vở Đông Lộ Địch và lưu diễn ở Âu châu; cùng giáo sư Trần Văn Khê và Trung tâm Bảo Tồn và Phát huy nghệ thuật dân tộc tổ chức các cuộc hội thảo về văn học nghệ thuật. Tôi càng bất ngờ hơn khi biết vở tuồng Đông Lộ Địch do cụ Ưng Bình phỏng theo vở Le Cid để biên soạn và chuyển thể. Nhắc lại chuyện này để thấy cụ Ưng Bình không chỉ là bậc túc nho mà còn rất giỏi về Pháp ngữ và văn hóa phương Tây.

Tôn Nữ Hỷ Khương đọc thơ ở Muních (cùng GS Trần Văn Khê và GS-TS Thái Kim Lan). Ảnh TL  của Thanh Tùng

Tôn Nữ Hỷ Khương đọc thơ ở Muních (cùng GS Trần Văn Khê và GS-TS Thái Kim Lan). Ảnh TL của Thanh Tùng

Trong tủ sách của tôi có gần chục tập thơ của cụ Ưng Bình và của chị Tôn Nữ Hỷ Khương. “Đợi mùa trăng” là tập thơ đầu tiên của TNHK, xuất bản năm 1964. Tiếp đó là các tập “Mộng thanh bình” (1970), “Còn gặp nhau” (1999), “Bâng khuâng tình khúc” (2001), “Hãy cho nhau” (2004) - tái bản năm 2005, 2008, “Nước vẫn xanh dòng” (2005), “Thơ tình và Tình thơ” (2006), “Thơ dâng Cha Mẹ” (2007)... Ngoài thơ TNHK còn có tập “Hồi ức về cha tôi: Ưng Bình Thúc Gia Thị” in năm 1996, được tái bản có bổ sung vào năm 2002.

Nhiều người rất thích tập “Nước vẫn xanh dòng” của chị Hỷ Khương.

-Hương giang nước vẫn xanh dòng

Ngự Bình trăng vẫn soi lòng cố nhân

-Thời gian ngát đượm tình sông núi

Lưu cho đời biết mấy giai chương

-Nam Bình, Cổ Bản, Hành Vân điệu

Mái đẩy ru êm giấc mộng trường

 

“Thơ phải làm đẹp cho cuộc đời. Phải nói lên được tình người, tình đời, ý đạo”. Đó là tự bạch của TNHK.

 

Lời xưa di huấn thời son trẻ

Con vẫn mang theo suốt cuộc đời

(Thơ tình và Tình thơ)

 

Và còn gặp nhau thì hãy cứ vui.

Bài “Còn gặp nhau” của TNHK viết năm 1999: 

 

Còn gặp nhau thì hãy cứ vui

Chuyện đời như nước chảy hoa trôi

Lợi danh như bóng chim chìm nổi

Chỉ có tình thương để lại đời.

 

Trong tập “Khúc tri âm” có nhà thơ họa lại

Còn làm thơ thì hãy còn vui
Tình đời như gió thoảng mây trôi
Tử sanh nào có ai lường trước
Chỉ có thơ hay để lại đời!


Tôn Nữ Hỷ Khương là nhà thơ có sự đồng cảm với nhiều thế hệ. Đời thơ của chị được nhiều bạn thơ, bạn văn ngưỡng mộ, thâm giao và trở thành “tri âm”, “tri kỷ” thực sự. Đặc biệt nhà thơ Ninh Giang Thu Cúc (Phạm Thị Thu Cúc), người chị đồng tộc của tôi, đã viết một cuốn sách rất công phu, khắc họa chân dung nhà thơ TNHK với cả tấm lòng chân thành và ngưỡng mộ. Đó là tập “Hành trình thơ của một Công tằng Tôn nữ”.  

Nhà thơ Tôn Nữ Hỷ Khương. Ảnh sưu tầm

Nhà thơ Tôn Nữ Hỷ Khương. Ảnh sưu tầm

Khúc tri âm là tập thơ xướng họa với 167 bài viết do thi hữu, văn hữu và độc giả viết tặng nhà thơ xứ Huế, nhà thơ Tôn nữ - Quận chúa Hỷ Khương. Tập thơ với sự góp mặt của nhiều tên tuổi lớn như Trần Văn Khê, Trần Hoàn, Anh Thơ, Huy Cận… và nhiều văn nhân khắp ba miền, nhất là xứ Huế như: Trần Thanh Đạm, Trương Nam Hương, Trần Hữu Lục, Hồ Đắc Thiếu Anh, Nguyễn Đắc Xuân, Tôn Nữ Thu Thủy… Nhà thơ Huy Cận cảm đề thi phẩm “Hãy cho nhau”: 

Một đời nhớ nhớ thương thương

Thương chàng ai biết nhớ nường ai hay! 

Giáo sư Trần Hữu Tá viết lời tựa: “Tôi chú ý đến những tên tuổi lớn trên thi đàn Việt Nam thế kỷ XX: Vũ Hoàng Chương, Huy Cận, Quách Tấn… Khá nhiều nhà thơ nữ cao niên khả kính: Tương Phố, Mộng Tuyết, Anh Thơ… Có những người lừng danh trong các lĩnh vực văn học nghệ thuật khác như giáo sư-nhạc sĩ Trần Văn Khê, nhà văn-nhà báo Tam Lang… Có vị đã xuất gia như sư bà Diệu Không, ni sư Trí Hải, hoà thượng Quảng Thạc… Thú vị ở chỗ có người yêu thơ Hỷ Khương chỉ biết qua thơ chưa một lần gặp gỡ” như Hồng Duy (Quảng Ninh), Thanh Phong (An Giang), Trần Hữu Quốc Huy (Cà Mau)... Họ tâm đắc với cái duyên riêng, mà đó cũng là nét thầm kín sâu xa của hồn dân tộc...”

Tôn Nữ Hỷ Khương ra đi nhưng “Nước vẫn xanh dòng” và vẫn còn đó một giọng đọc thơ và ngâm thơ rất Huế, vẫn còn đó một giọng hò Huế thật truyền cảm:

Chiều chiều trước bến Văn Lâu

Ai ngồi, ai câu, ai sầu, ai thảm

Ai thương, ai cảm, ai nhớ, ai trông

Thuyền ai thấp thoáng bên sông

Đưa câu mái đẩy chạnh lòng nước non…

Ca từ của cụ Ưng Bình và giọng hò ma mị của chị Hỷ Khương từng khiến cho GS-TS Thái Kim Lan “oà khóc không nhịn được như một đứa con nít. Ôm vai chị mà khóc vì nhớ Mạ những ngày xa quê đã ru đã hát câu hò não nuột.”

 

Thương nhớ chị Hỷ Khương, khúc buồn xin lại so dây cùng người!

Bình luận


Chưa có bình luận!


Bài viết trước đó
Bài viết kế tiếp

Trở lại đầu trang