October 02, 2021
Thân gửi anh Nguyễn Đắc Xuân tác giả và chủ biên cuốn sách “Nhạc Sĩ Phạm Duy Biết Ái Tình Ở Dòng Sông Hương”. Tôi đã đọc xong hết cuốn sách nói trên với một xúc động rất là mạnh mẽ. Khiến tôi phải đi Thiền Hành để điều Tâm kiểm soát nhịp tim của mình. Anh có một cái Duyên rất lớn đã tiếp cận và thân thiết với những nhân vật đặc biệt của Việt Nam ở thời gian anh còn rất trẻ. Đó là Thiền Sư Nhất Hạnh, Giáo Sư Tiến Sĩ Trần Văn Khê và nhất là Nhạc Sĩ Phạm Duy. Và bây giờ anh đã trút hết tâm tình với Phạm Duy, một nhạc sĩ có một khối lượng tác phẩm rất đồ sộ và giá trị trong cuốn sách anh giới thiệu với độc giả toàn quốc và hải ngoại ngày hôm nay.
Trong cuốn sách anh đã công bố nhiều tư liệu sống rất có giá trị về Nhạc Sử Âm Nhạc Việt Nam thời cận đại, cũng là lịch sử của Việt Nam qua những giai đoạn khó khăn nhất trong thời gian hậu bán thế kỷ 20 và tiền bán thế kỷ 21. Ngoài lãnh vực chuyên môn nghiên cứu về sử học trong những đề tài gắn bó với Cố Đô Huế, một trong những trung tâm văn hoá quan trọng của Việt Nam, anh còn có một quan hệ rất thân thiết với Nhạc Sĩ Phạm Duy như một người bạn vong niên, một người em văn nghệ. Chính vì thế, với Duyên gặp gỡ này anh có lợi điểm hơn nhiều tác giả khác đã viết về ông về những khía cạnh âm nhạc, tâm tình cá nhân, hoàn cảnh đất nước. Tôi rất may mắn được góp phần trong cuốn sách của anh với hai bài viết về âm nhạc Phạm Duy trên phương diện Âm Nhạc Dân Tộc Học (Ethonomusicology). Đây là một công việc hơi “liều lĩnh”. Vì âm nhạc Phạm Duy là cả một thế giới bao la bao trùm nhiều loại cảm hứng và xúc động khác nhau. Hơn nữa với những chuyến đi xuyên Việt trong thời gian kháng chiến chống ngoại xâm ông đã sưu tầm nghiên cứu kho tàng vô giá về Dân Ca, Dân Nhạc Việt Nam. Với hai năm du học ở Pháp về Âm Nhạc Dân Tộc Học, ông đã có căn bản để sáng tác và phổ biến nhạc của mình nói riêng và Dân Ca, Dân Nhạc Việt Nam nói chung vào giới âm nhạc quốc tế. May thay, ngoài thời gian theo học nhạc Tây Phương một cách kinh điển, tôi lại được thọ giáo GSTS Trần Văn Khê phương pháp nghiên cứu quốc tế về Âm Nhạc Dân Tộc Học. Vì thế khi nghiên cứu và phân tích Nhạc Thuật Âm Nhạc Phạm Duy tôi không bị lạc lõng và hiểu ông cặn kẽ.

Tiến sĩ Phạm Văn Kỳ Thanh
Tôi xa quê hương đã hơn nửa thế kỷ. Trong thời gian này tôi học, nghiên cứu, sáng tác nhạc. Bây giờ ở tuổi “nghiêng chiều” tôi có ước nguyện được tặng lại những nhà
soạn nhạc trẻ tuổi của Việt Nam những Thang Âm và Điệu Thức đẹp nhất của nền Dân Ca, Dân Nhạc Việt để họ đóng góp vào di sản của dân tộc và vươn ra thế giới bằng những tác phẩm giá trị.
Cám ơn tác giả Nguyễn Đắc Xuân đã tạo cơ hội để tôi đóng một góp phần nhỏ vào cuốn sách “Nhạc Sĩ Phạm Duy Biết Ái Tình Ở Dòng Sông Hương”. Chúc buổi ra mắt
cuốn sách này gặp nhiều may mắn. Cho tôi trân trọng gửi lời chào đến tất cả quan khách tham dự buổi ra mắt sách và chúc quí vị Mạnh Khoẻ, May Mắn qua cơn dịch bệnh hiện nay.
Trân Trọng
Phạm Văn Kỳ Thanh.