HÀM NGHI - NHÀ VUA BỊ LƯU ĐÀY NGHỆ SĨ TẠO HÌNH TỬ XUÂN Ở ALGER

       Trang sử bi hùng của vua Hàm Nghi bắt đầu từ ngày 1-11-1888, Trương Quang Ngọc phản bội Cần Vương đem theo Nguyễn Đình Tình, Cao Viết Dung, Đinh Văn Xuân, Đinh Văn Châu và 10 lao động làng Thanh Lạng bí mật vào mật khu giết Tôn Thất Tiệp và bắt vua Hàm Nghi nộp cho giặc Pháp. Chúng thu 1 kiếm lệnh, 1 tráp giấy tờ, 5 thỏi bạc, 4 lượng bạc, 11 đồng tiền vàng lớn, 63 tiền vàng nhỏ. Sau đó Ngọc giao nộp cho Boulangier. Chúng đưa nhà vua về Chà Mạc rồi Thanh Lạng (3-11-1888), Đồng Cả (6-11-1888), Quảng Khê (13-11-1888), Thuận An (23-11-1888), Lăng Cô (24-11-1888), Đà Nẵng (28-11-1888). Từ Đà Nẵng, nhà vua bị đưa xuống tàu Comète vào Sài Gòn cùng với Trần Bình Thanh theo làm thông dịch và hai người hầu khác.

       Ngày 13-12- 1888 nhà vua cùng với ba người giúp việc bị chuyển qua tàu Biên Hòa - một tàu vận tải binh sĩ, khởi đầu cuộc hành trình đày sang Algérie.

Ảnh chân dung vua Hàm Nghi do công chúa Như Mai tặng cho cụ Ưng Thi (cháu nội của Tùng Thiện Vương). Cụ Ư ng Thi giao lại cho Nguyễn Đắc Xuân giữ

Ảnh chân dung vua Hàm Nghi do công chúa Như Mai tặng cho cụ Ưng Thi (cháu nội của Tùng Thiện Vương). Cụ Ư ng Thi giao lại cho Nguyễn Đắc Xuân giữ

       Toàn quyền Richaud bí mật yêu cầu Bộ thuộc địa lệnh cho Algérie phải đối xử tử tế với Hàm Nghi, vì có thể đưa Hàm Nghi về làm vua khi Đồng Khánh qua đời. Sau đúng một tháng vượt đại dương chiều chủ nhật 13 tháng 1 năm 1889 vua Hàm Nghi rời tàu Biên Hòa bước lên cảng Alger. Toàn quyền Pháp Tirman cử một đại tá cùng với một trung đội lính Lê Dương ra bến Alger làm dàn chào đón ông. Chiều hôm đó trời rất lạnh, khoảng 13 độ C. Nhà vua run rẩy vì quá lạnh. Một vị sĩ quan Pháp tên là Henri Étienne de Vialar ở tuổi tứ tuần cởi chiếc áo choàng trên mình quàng cho vua Hàm Nghi. Mười ngày đầu, nhà vua tạm trú tại l’hotel de la Régence (Tòa nhiếp chính).

        Sau đó nhà vua được giao một ngôi nhà  thuộc làng El- Biar, trên dãy đồi Mustapha Supérieur, cách trung tâm thủ đô Alger chừng vài cây số. Biệt thự này về sau có tên là Ngàn thông (Villa des Pins) Toàn quyền Algerie cử bà Marie Jeanne Delorme (1852 - 1941) lớn hơn vua Hàm Nghi gần 20 tuổi làm quản gia cho ông. Và, có lẽ bà này cũng được giao kiêm nhiệm vụ luôn việc theo dõi người tù chính trị” Hàm Nghi. Đó là những ngày bắt đầu 55 năm cuộc đời bị lưu đày (1889 - 1944) và mất ở Alger. Hàm Nghi là ông vua trải qua nhiều biến cố lịch sử diễn ra trong nhiều thời kỳ trong nước và ngoài nước. Trong bất cứ hoàn cảnh nào ông cũng thể hiện tình yêu nước sắt son. Tình yêu nước của ông đã ảnh hưởng lớn đến nhiều phong trào đấu tranh yêu nước suốt 90 năm (1885 - 1975). Một ông vua yêu nước khi nói đến tên thì bất cứ người dân Việt Nam nào ở miền Bắc hay ở miền Nam, ở trong nước và ngoài nước và ngay cả dân các nước vốn là kẻ thù của Việt Nam cũng đều kính trọng. Sách giáo khoa Việt Nam luôn dạy về vua Hàm Nghi. Do đó lịch sử cuộc đời vua Hàm Nghi cần phải viết chính xác.

        Về thời gian vua Hàm Nghi ngồi trên ngai vàng (1884 - 1885) cũng như thời gian kháng chiến chống Pháp (phong trào Cần Vương 1885 - 1889) đã được sử sách, các Hội nghị khoa học trong nước viết tương đối đầy đủ. Nhưng 55 năm bị lưu đày ở một nước bắc Phi xa xôi nên thiếu tài liệu, người Việt Nam chưa được hiểu rõ về thời gian vua Hàm Nghi bị lưu đày và mất ở Alger. Đặc biệt chưa hiểu rõ ông vua bị lưu đày đã trở thành nghệ sĩ tạo hình, cùng với họa sĩ Lê Văn Miến mở đầu cho nền hội họa theo phong cách phương Tây của Việt Nam.

Vua Hàm Nghi (Nghệ sĩ tạo hình Tử Xuân) trong phòng sáng tạo

Vua Hàm Nghi (Nghệ sĩ tạo hình Tử Xuân) trong phòng sáng tạo

Bức tranh "Chiều tà" được bán đấu giá tại Paris

Bức tranh "Chiều tà" được bán đấu giá tại Paris

Nhân Kỷ niệm 150 năm năm sinh vua Hàm Nghi (3/8/1871 - 3/8/2021) Hội Nghiên cứu và Phát Triển di sản văn hóa Huế và Phân viện văn hóa nghệ thuật Quốc gia Việt Nam tại Huế tổ chức cuộc tọa đàm/ sinh hoạt khoa học “Hàm Nghi - nhà vua bị lưu đày, nghệ sĩ tạo hình Tử Xuân ở Alger”. Buổi tọa đàm/ sinh hoạt khoa học diễn ra vào sáng ngày 03.08.2021, tại Trung tâm văn hóa Thông tin và Thể thao thành phố Huế, 25 Lê Lợi, Huế. Do tình hình dịch Covid 19 đang diễn biến phức tạp nên Ban tổ chức tọa đàm chỉ mời 20 người tham dự - là những người có trình bày tham luận, phát biểu ý kiến. Buổi tọa đàm sẽ được livestream- truyền hình trực tiếp. Sở Du Lịch Thừa Thiên Huế sẽ tạo sự kiện trên Fanpage của Sở và chạy Livestream trên đó. Hội Nghiên cứu và Phát triển di sản văn hóa Huế sẽ tường thuật trên cổng thông tin Hội, tại địa chỉ:  huehoc.com. Tại buổi tọa đàm sẽ tập trung vào 5 chủ đề chính:

1. Đời sống của vua Hàm Nghi trong những năm tháng lưu đày. Việc kết hôn, người tình vốn là gia sư của các con vua Hàm Nghi (nguồn cảm hứng cho Tử Xuân vẽ tranh và nặn tượng). Các công chúa Như Mai, Như Lý, hoàng tử Minh Đức.

2. Cuộc đời hoạt động nghệ thuật của vua Hàm Nghi. Người mở đầu cho nền hội họa theo phong cách phương Tây của Việt Nam.

3. Góp phần đính chính những thông tin thiếu chính xác về cuộc đời vua Hàm Nghi và các thành viên trong gia đình vua Hàm Nghi.

4. Với tinh thần nghiên cứu phát triển, một số ý kiến tại buổi tọa đàm sẽ đề nghị phát huy các giá trị di sản của vua Hàm Nghi bằng đề nghị với các công ty du lịch mở tour tham quan lăng mộ vua Hàm Nghi ở Pháp. Du lịch Việt Nam hiện nay đã mở các tour tham quan Điện Biên Phủ, tham quan Huế tết Mậu Thân, tham quan Khe Sanh, tour DMZ… Việt Nam cũng có thể mở các tour du lịch tham quan mộ vua Hàm Nghi. Tại sao không? Ở Huế cũng có thể hình thành các tour du lịch thăm Phủ
Kiên Thái Vương (một nhà sinh đặng năm vua: Đồng Khánh, Kiến Phúc, Hàm Nghi, Khải Định và Bảo Đại), Cung An Định, nhà bà Từ Cung, Phủ Tùng Thiện Vương, vườn Lạc Tịnh Viên trên đường Phan Đình Phùng dọc sông An Cựu.
5. Thông báo thêm thông tin về việc rước hài cốt vua Hàm Nghi ở làng Thonac/Dordogne về một nơi gần lăng mộ Kiên Thái Vương.

Lăng mộ vua Hàm Nghi và những người thân của ông ở Dordogne. Ảnh TL do cụ Ưng Thi cung cấp cho NĐX

Lăng mộ vua Hàm Nghi và những người thân của ông ở Dordogne. Ảnh TL do cụ Ưng Thi cung cấp cho NĐX

Nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân bái lạy trước mộ vua Hàm Nghi

Nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân bái lạy trước mộ vua Hàm Nghi

        Đề tài vua Hàm Nghi những năm tháng ở chốn lưu đày - nghệ sĩ tạo hình Tử Xuân được các nhà nghiên cứu, những người cầm bút trong và ngoài nước rất quan tâm. Ngoài những nhà nghiên cứu trong nước, nhiều nhà nghiên cứu tên tuổi ở Pháp đã tham gia tọa đàm. Những tham luận của họ đã viết nhiều năm trước, nay được cập nhật và nhờ những bạn bè trong nước trình bày trong tọa đàm như TS Võ Quang Yến, TS Phạm Trọng Chánh, TS Nguyễn Ngọc Giao, TS Đặng Văn Giáp, BS Gérard Chapuis... Ngoài các nhà nghiên cứu văn hóa Huế, nhiều người am hiểu về cuộc đời và lăng mộ vua Hàm Nghi ở Pháp cũng góp cho việc chuẩn bị cuộc tọa đàm nhiều thông tin quý giá như ông bà Phạm Phi Long, Lê Thị Thái Thanh (Cécile Lê Phạm), góp nhiều hình ảnh quý như Tiến sĩ Amandine Dabat, bác sĩ Isabelle Capek. Nhờ sự đóng góp của quý vị mà Hội chúng tôi tổ chức được cuộc tọa đàm này. Qua livetream rất mong quý vị tiếp tục góp ý kiến bổ sung thông tin để công việc nghiên cứu về vua Hàm Nghi được tiếp tục có kết quả tốt.

        Vì thời gian cuộc tọa đàm ngắn gọn cho nên các thành viên dự tọa đàm phát biểu tóm tắt ý kiến của mình. Các tham luận dù có được tóm tắt trình bày trong tọa đàm, hay không đủ thời gian trình bày, chúng tôi đều đã in trong Kỷ yếu. Ngoài tham luận cho chủ đề “Hàm Nghi- nhà vua bị lưu đày, nghệ sĩ Tử Xuân ở Alger” còn có nhiều tham luận trình bày về những sự kiện lịch sử liên quan đến vua Hàm Nghi thời kỳ làm vua và thời kỳ kháng chiến không tiện được trình bày trong tọa đàm, chúng tôi cũng đã đưa vào Kỷ yếu và sau này sẽ chọn in vào sách. Mong các nhà nghiên cứu có tham luận vừa nêu thông cảm. Sau Tọa đàm có kết quả Hội sẽ xin ý kiến của các tác giả cập nhật các tham luận của quý vị để biên tập in thành sách lưu lại cho đời này và các thế hệ mai sau.

         Xin cảm ơn nhóm Nghiên cứu Văn hóa Huế và UBND TP Huế đã hỗ trợ kinh phí và tạo điều kiện về cơ sở vật chất cho buổi tọa đàm/ sinh hoạt khoa học đạt kết quả như mong đợi.

          Xin trân trọng cảm ơn.
          Kính chào.

Bình luận


Chưa có bình luận!


Bài viết trước đó
Bài viết kế tiếp

Trở lại đầu trang