RA MẮT “NGHIÊN CỨU HUẾ”, SỐ 09

Sáng ngày chủ nhật, 7-11-2021, Trung tâm Nghiên cứu Huế tổ chức ra mắt ấn phẩm Nghiên cứu Huế, tập 9.

Ấn phẩm đầu tiên, tập 1, ra mắt năm 1999. Một ấn phẩm rất đẹp, dày 336 trang, khổ 19 x 26.5 cm, gồm 30 bài. Tập 2 xuất bản năm 2001, dày 360 trang, gồm 38 bài; tập 3 xuất bản đầu năm 2002, dày 384 trang, gồm 41 bài; tập 4 gồm 39 bài, dày 352 trang; tập 5 gồm 57 bài, dày 392 trang; tập 6 gồm 45 bài, dày 424 trang; tập 7 gồm 41 bài, dày 472 trang; tập 8 gồm 41 bài, dày 496 trang; tập 9 gồm 63 bài, dày 560 trang.

Không phải là ấn phẩm xuất bản định kì, Nghiên cứu Huế chỉ xuất bản khi tập hợp đủ bài theo đề cương mỗi số và kèm theo một số điều kiện khác, đặc biệt là phải vượt qua được “thủ tục đầu tiên”. Vì thế mà tập 2 phải ra sau tập 1 đến 2 năm (2001). Tập 8 ra mắt năm 2012 nhưng tập 9 thì phải mất đến 9 năm mới hoàn thành.

Ấn phẩm Nghiên cứu Huế với 9 tập cho đến thời điểm này

Ấn phẩm Nghiên cứu Huế với 9 tập cho đến thời điểm này

Trung tâm Nghiên cứu Huế là một tổ chức khoa học tập thể, hoạt động dưới sự quản lý của Sở Khoa học, Công nghệ và môi trường. Trung tâm đã chính thức ra đời vào năm 1995, sau một phần tư thế kỷ ấp ủ, chuẩn bị. Và mãi đến 6 năm sau ngày thành lập ấn phẩm đầu tiên mới ra đời. Đến nay, Trung tâm đã xuất bản được 09 tập chuyên khảo dày dặn, được giới nghiên cứu ở Huế, ở trong cả nước, và ở nước ngoài đánh giá rất cao.

Nghiên cứu Huế đề cập đến tất cả các lĩnh vực liên quan đến Huế và những vấn đề lịch sử xã hội thời Nguyễn; có mở rộng giới hạn địa lí hành chính và các vấn đề chung của khu vực miền Trung, của lịch sử Việt Nam liên quan đến Huế, và có vai trò của Huế.

Nội dung mỗi ấn phẩm được sắp xếp theo 7 phần: Nhìn lại và nghĩ tới; Nghiên cứu; Ký và hồi ký, Góp nhặt cát đá, Tư liệu, Tin sách và Thư tịch.

Nhà nghiên cứu Nguyễn Xuân Hoa giới thiệu về ấn phẩm Nghiên cứu Huế tập 9

Nhà nghiên cứu Nguyễn Xuân Hoa giới thiệu về ấn phẩm Nghiên cứu Huế tập 9

Đến tham dự buổi ra mắt Nghiên cứu Huế có Phó Bí thư thường trực Phan Ngọc Thọ, Bí thư Thành ủy Phan Thiên Định và các Nhà nghiên cứu khác như Nguyễn Đắc Xuân, ông Đỗ Trinh Huệ, nhà báo Phạm Thanh Tùng,...

Đến tham dự buổi ra mắt Nghiên cứu Huế có Phó Bí thư thường trực Phan Ngọc Thọ, Bí thư Thành ủy Phan Thiên Định và các Nhà nghiên cứu khác như Nguyễn Đắc Xuân, ông Đỗ Trinh Huệ, nhà báo Phạm Thanh Tùng,...

Đây là một tập hợp những chuyên khảo về lịch sử và văn hóa Huế của nhiều nhà nghiên cứu tên tuổi, được bắt đầu từ ý tưởng của cố kỹ sư Nguyễn Hữu Đính từ những năm 70 của thế kỷ trước trong việc tập hợp, đoàn kết những nhà nghiên cứu trong các lĩnh vực khoa học có liên quan đến Huế, nhằm góp phần bảo vệ, phát huy các giá trị di sản văn hóa Huế cũng như mở rộng giao lưu, hợp tác trong lĩnh vực nghiên cứu Huế.

Phần Nhìn lại và nghĩ tới đăng tải những bài viết của cố kỹ sư Nguyễn Hữu Đính, có tính chất như những tuyên ngôn của Trung tâm Nghiên cứu Huế trong việc đánh giá quá trình tồn tại và phát triển của đô thị - kinh đô - trung tâm văn hóa Huế và góp một tiếng nói trong việc vạch ra lộ trình phát triển cho Huế trong tương lai.

Phần Nghiên cứu bao gồm những bài khảo cứu công phu và nghiêm túc về mọi mặt của xứ Huế và vương triều Nguyễn, trong đó có những bài đáng chú ý như: Khái niệm trị quốc ở Việt Nam; Danh và hiệu của các vua nhà Nguyễn; Phong trào kháng thuế TT-Huế năm 1908; Vài nét sinh hoạt y tế ngày xưa trong triều đình Huế (Tập 1); Văn hóa Việt Nam thời Nguyễn và những vấn đề đặt ra hiện nay; Sinh hoạt kinh tế những vạn đò trên sông Hương trước 1975; Sự hình thành các loại pháp lam Huế; Miêu tả ngữ âm học thanh điệu tiếng Huế (Tập 2); Thừa Thiên Huế dưới thời Lâm ấp-Chămpa; Xứ Đàng Trong vào thế kỷ XVII và XVIII; Chùa làng trong sinh hoạt tôn giáo, văn hóa xã hội của làng quê xứ Huế; Hệ đầm phá Tam Giang-Cầu Hai, giá trị, tài nguyên và vấn đề biến động cửa (Tập 3).v.v...

Phần Ký và Hồi ký giới thiệu những hồi ký của những tác giả đã từng sống ở Huế, chứng kiến những sự kiện đã xảy ra ở Huế, từ thời Nguyễn cho đến những năm chống Mỹ như: Leopol Cadière, Alexandre Wooside,  John White, John Crawfurd, George Gibson,  Nguyễn Đắc Xuân... Đặc biệt là hai tập hồi ký: Lý lịch sự vụ của Nguyễn Đức Xuyên và Khúc tiêu đồng của Hà Ngại, đã góp thêm cho giới sử học những tư liệu bổ ích cho việc nghiên cứu lịch sử Việt Nam thời cận đại.

Ông Phan Ngọc Thọ - Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy đã có một vài phát biểu ý kiến tại buổi ra mắt

Ông Phan Ngọc Thọ - Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy đã có một vài phát biểu ý kiến tại buổi ra mắt

Nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân cũng đã phát biểu trong buổi ra mắt ấn phẩm Nghiên cứu Huế

Nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân cũng đã phát biểu trong buổi ra mắt ấn phẩm Nghiên cứu Huế

Phần Góp nhặt cát đá là chuyên mục dành để đăng tải những nghiên cứu, những khám phá và những sáng tác liên quan đến một vấn đề cụ thể của lịch sử, văn hóa, địa danh và danh nhân ở Huế như: sông Hương, chợ Gia lạc; cây bao bap ở trong Thành Nội; lao Thừa Phủ; quán cơm Âm Phủ; giáo sư Đặng Văn Ngữ; ông hoàng-thi gia Miên Trinh; cậu Cả Hót, trận bão năm Thìn (1904) ở Huế ...

Phần Tư liệu giới thiệu các bản văn, tư liệu lịch sử mới được công bố hay những khám phá mới về khảo cổ học vùng Huế, về các địa danh hay danh xưng các tổ chức, cơ quan ở Huế thời Nguyễn.

Phần Tin sách giới thiệu những biên khảo, những tác phẩm viết về lịch sử, văn hóa, nghệ thuật Việt Nam, Đàng Trong, Huế và vương triều Nguyễn mới được xuất bản ở trong và ngoài nước.

Phần Thư tịch là một chuyên mục rất đặc biệt do học giả Việt kiều Trần Văn Tuấn phụ trách, giới thiệu: Thư tịch chú giải lịch sử Việt Nam qua các tạp chí của Trường Viễn Đông Bác Cổ (tập 1); Thư tịch chú giải lịch sử Việt Nam qua các tạp chí của Hội Nghiên cứu Đông Dương (tập 2) và Thư tịch chú giải lịch sử Việt Nam qua các tạp chí của France-Asie (tập 3).

Là tập san do những thành viên của Trung tâm Nghiên cứu Huế tự bỏ tiền riêng để in ấn và tự phát hành, nhưng Nghiên cứu Huế được in ấn và trình bày rất mỹ thuật và sang trọng. Đặc biệt, cách trình bày bìa do cố họa sĩ Bửu Chỉ thực hiện rất gây ấn tượng với độc giả.

Khách mời đến tham dự buổi ra mắt ấn phẩm Nghiên cứu Huế là các lãnh đạo, những nhà nghiên cứu, nhà báo,... có chuyên môn và hiểu biết về ấn phẩm Nghiên cứu Huế

Khách mời đến tham dự buổi ra mắt ấn phẩm Nghiên cứu Huế là các lãnh đạo, những nhà nghiên cứu, nhà báo,... có chuyên môn và hiểu biết về ấn phẩm Nghiên cứu Huế

Dù rất khó khăn nhưng Nghiên cứu Huế đã xuất bản được 9 số và cơ bản đã chuẩn bị xong bài cho số 10. Và dù rất ngặt nghèo về tài chính nhưng Nghiên cứu Huế chỉ bán đúng giá bìa chứ không bán theo giá mua ủng hộ của khách hàng. Quan điểm của Hội đồng sáng lập là chừng nào còn trụ được thì kiên quyết không xin tài trợ của bất kỳ tổ chức nào. Tại buổi lễ ra mắt Nghiên cứu Huế tập 3, ông Chủ tịch UBND thành phố Huế hứa sẽ hỗ trợ kinh phí in ấn các tập tiếp theo, nhưng Trung tâm Nghiên cứu Huế đã từ chối. Thiết nghĩ, chỉ riêng cử chỉ này cũng đã chứng tỏ nét văn hoá độc đáo của Nghiên cứu Huế.

TS Phan Thanh Hải, Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao, cho rằng “Nghiên cứu Huế” rất xứng đáng được đưa vào “Tủ sách Huế”, xếp thứ hai sau bộ B.A.V.H danh tiếng của Hội những người bạn cố đô.

Ông Phan Ngọc Thọ, Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế, người đề xướng ý tưởng xây dựng “Tủ sách Huế” không chỉ hoan nghênh “Nghiên cứu Huế” mà đã đề nghị Nghiên cứu Huế không được dừng lại ở tập 10. Các cơ quan hữu quan phải có sự đồng hành, hỗ trợ “Nghiên cứu Huế” phát triển tốt.

Thanh Tùng

Bình luận


Chưa có bình luận!


Bài viết trước đó
Bài viết kế tiếp

Trở lại đầu trang