Kính gửi: UBND Tỉnh Thừa Thiên Huế
Tỉnh yêu cầu tham gia ý kiến hoàn thiện Báo cáo Quy hoạch tỉnh, nhưng Hội Nghiên cứu và Phát triển di sản văn hóa Huế không được mời tham gia ý kiến trực tiếp với buổi nghe các đơn vị thực hiện quy hoạch cho Tỉnh Thừa Thiên Huế vào chiều 29/12, tôi Nguyễn Đắc Xuân với tư cách là Chủ tịch Hội Nghiên cứu và Phát triển di sản văn hóa Huế xin góp với Tỉnh một số ý kiến sau đây:

NNC Nguyễn Đắc Xuân góp ý với Tỉnh về Dự thảo quy hoạch Tỉnh Thừa Thiên Huế
- Tỉnh Thừa Thiên Huế có Thành phố Huế là thành phố di sản văn hóa. Vì thế vấn đề di sản văn hóa phải đặt lên hàng đầu trong quy hoạch Tỉnh Thừa Thiên Huế. Do đó muốn quy hoạch Tỉnh Thừa Thiên Huế tốt nhất phải có một hội thảo khoa học xác định Thành phố Huế di sản cụ thể hiện nay như thế nào, khảo sát, đánh giá và bảo vệ các di sản văn hóa trên đất Thừa Thiên Huế ra sao, nếu không thì nhiều di sản sẽ bị vi phạm. Cho đến nay thành phố Huế đã được quy hoạch nhiều lần, vì không hiểu cụ thể nên nhiều di tích có giá trị không được quan tâm cho nên đã xóa đi nhiều di tích không thể phục hồi lại được. Ví dụ như cánh đồng Bàu Vá có Phủ Tập tượng, Điện Trường Lạc, Hiên Duyệt Võ, nơi vua Gia Long ra đời, đều đã bị quy hoạch thành khu phố mới. Suối Tiên và hồ sen trước nơi tọa lạc của Phủ Dương Xuân tiền thân của Cung điện/lăng Đan Dương của vua Quang Trung biến thành một cái cống, lấp đất lên trên làm đường ô tô nối khu Bàu Vá với đường Điện Biên Phủ. Mai đây không còn cảnh quan cũ để xây dựng cung điện/lăng Đan Dương nữa. Ngay cả trong địa chí Văn hóa chính thức của Thừa Thiên Huế cũng không biết rõ khu Gia Hội dày đặc các di tích văn hóa quốc tự, các Phủ, Phòng Ông Hoàng, Bà Chúa, các chùa của người Minh Hương không thua gì thành phố Hội An. Khu đô thị mới có đường Phạm Văn Đồng chạy qua sau lưng làng Vỹ Dạ đã biến làng Vỹ Dạ thành một cái ao khi mưa lũ đến. Tỉnh Thừa Thiên Huế có nhiều di tích văn hóa lịch sử quan trọng nhưng chưa nghiên cứu xong, nếu không được cảnh báo, bảo vệ thì với cái quy hoạch mới các di tích đang chờ ấy có thể bị xóa. Ví dụ như Miếu Đôi ở làng Dã Lê Chánh theo truyền khẩu của các đời dân làng là nơi táng hai cái vò đựng đầu lâu của 2 anh em Nguyễn Nhạc và Nguyễn Huệ từ sau ngày Thất thủ Kinh đô (1885), nếu không được nghiên cứu kịp thời và bảo vệ thì cái Miếu Đôi có thể bị xóa khi làng Dã Lê Chánh thuộc phường Thủy Vân đô thị hóa. Cho nên tôi đề nghị trước khi thực hiện quy hoạch, ngành văn hóa phải cấp tốc đánh dấu những nơi đang chờ nghiên cứu để công nhận.
- Đề án Quy hoạch Tỉnh Thừa Thiên Huế có hai thời kỳ: thời kỳ 2021-2030 và thời kỳ 2030-2050. Theo tôi gọi là tầm nhìn 2050, bảng quy hoạch này cũng phải phác thảo cho biết khái quát về Thành phố Huế năm 2050 như thế nào. Chúng ta phải thấy những nét chính của thành phố Huế năm 2050 đó như thế nào để tất cả việc xây dựng, phát triển từ năm 2021-2030 không vi phạm vào những di tích cần có cho năm 2050. Tôi lấy ví dụ năm 2050 là thành phố di sản văn hóa, di sản này là do triều Nguyễn để lại. Mà di sản văn hóa do triều Nguyễn để lại, nguồn gốc của nó xuất phát từ các phủ, phòng, các ông hoàng bà chúa thời Nguyễn. Ngày nay nếu ta không đánh giá đúng mức giá trị của hàng trăm phủ phòng của các ông hoàng bà chúa hiện còn giữ thì đến năm 2050 cái nguồn gốc di sản chỉ còn trên giấy mà thôi. Vậy cho đến nay làm quy hoạch chúng ta đã hiểu các di sản thuộc loại này chưa?
- Thừa Thiên Huế có thành phố Huế được người trong và ngoài nước ca ngợi. Đó là thành phố thơ – bài thơ đô thị tuyệt tác (UNESCO), kiến trúc hài hòa với thiên nhiên, văn hóa Đại Việt hòa quyện với văn hóa Chăm-pa. Về tự nhiên, Thừa Thiên Huế có rừng núi Trường Sơn, có những gò đồi giống như Đà Lạt, có ruộng đồng, có những kênh rạch giống với Đồng bằng sông Cửu Long, có các con sông riêng của Thừa Thiên Huế, có đầm phá Tam Giang ít nơi có, bãi biển Thuận An, Lăng Cô có giá trị quốc tế, có cảng nước sâu Chân Mây. Về kết cấu tự nhiên theo tôi cả nước Việt Nam không nơi nào có thể có đầy đủ như Thừa Thiên Huế. Do đó việc quy hoạch để phát triển giá trị của tự nhiên mà trời đất đã dành cho Thừa Thiên Huế.
- Đặc điểm số 1 của Thừa Thiên Huế là mưa – lụt. Do mưa nhiều cho nên kiến trúc Huế phải nghĩ tới việc tránh mưa. Do mưa nên văn hóa Huế là xuất phát từ trong các nhà, các phủ phòng như thêu thùa, may vá, ẩm thực, vui chơi, học hành, ca nhạc. Đất dựng đền đài cung điện được nâng cao có những kênh rạch rút nước lũ. Ngược lại, đồng ruộng để lũ lụt băng qua cung cấp phù sa mới cho cây trồng. Cho nên quy hoạch Thừa Thiên Huế nên đặc biệt qua tâm đến Huế mưa.
Dù Hội Nghiên cứu và Phát triển Di sản Văn hóa Huế không được mời, nhưng với trách nhiệm phản biện được Tỉnh giao chúng tôi xin góp mấy ý kiến thô thiển. Chúng tôi đã trải nghiệm với các cuộc quy hoạch trước đây, biết mà không nói là có tội với Tỉnh. Kính mong được chia sẻ.
Huế, Ngày 29 tháng 12 năm 2022
Nguyễn Đắc Xuân
(Chủ tịch Hội Nghiên cứu và Phát triển Di sản Văn hóa Huế)
-------------------------
ĐC 3/7 Nguyễn Công Trứ, Huế
ĐT 0914203944
E-maiL: gacnhieuloc@gmail.com
Web: huehoc.com